Ella

10 bộ phim hay nhất mọi thời đại do các diễn viên bình chọn

Đăng 8 năm trước

Top 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại dưới đây được bình chọn bởi 73 diễn viên tài năng của Hollywood. Họ được hãng Time Out New York đưa cho danh sách 100 phim đề cử và họ đã chọn ra 10 phim theo cá nhân là hay nhất.

Chàng diễn viên tài năng (Tootsie)

Một bộ phim tuyệt vời của nam tài tử Dustin Hoffman, phải nói là ông đã đạt tới đỉnh cao diễn xuất khi đóng hai vai trong cùng một bộ phim, Michael Dorsey (vai nam) và Dorothy Michaels (vai nữ). Tôi chỉ không biết bao nhiêu người trong số các bạn có thể đoán trước rằng phim được bình chọn là tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Có lẽ câu chuyện của Michael, một diễn viên phải liều mình giả gái để có thể nhận được vai diễn, đã gây ấn tượng sâu sắc cho những nghệ sỹ tham gia bình chọn. Phim được ra mắt năm 1982 và do Sydney Pollack làm đạo diễn. Năm 1998, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá phim "có ý nghĩa văn hóa" và chọn nó để bảo quản trong bảo tàng phim quốc gia. Đây thật sự là một bộ phim rất đáng xem. 

Bố Già (The Godfather)

Tác phẩm hình sự được ra mắt năm 1972 của đạo diễn Francis Ford Coppola đã trở thành một chuẩn mực trong nền điện ảnh. Đã có những bộ phim rất hay về đề tài này trước và sau đó, nhưng không tác phẩm nào thật sự sánh ngang tầm với câu chuyện về gia đình Corleone. Phim kể về sự chuyển biến của Michael Corleone (do nam tài tử Al Pacino thủ vai), từ một chàng trai có đầu óc thông thoáng và không thích công việc mafia của gia đình, thành Bố già mới lãnh đạo gia tộc tội phạm độc ác của mình. Bộ phim là một trong những tác phẩm hay nhất của nền điện ảnh Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Cùng với hai phần tiếp theo trong loạt phim này, đặc biệt là phần hai, "Bố già" đã có một tác động sâu sắc lên nền văn hóa toàn cầu trong nhiều năm. Không chỉ thế, ngày nay, sức ảnh hưởng của tác phẩm vẫn còn được nhận thấy rõ trong các bộ phim và cả bên ngoài lĩnh vực điện ảnh.

Người phụ nữ bị ảnh hưởng (A woman under the influence)

Đạo diễn John Cassavetes giỏi nhất trong việc sáng tạo ra các nhân vật và đưa họ vào những tình cảnh khó khăn, thậm chí là kinh khủng, và chưa có một bộ phim nào khác, nơi ông thể hiện tài năng ấy rõ nét hơn, như trong tác phẩm được ra mắt năm 1974 này. Hai diễn viên chính trong phim là người vợ ngoài đời của ông lúc bấy giờ, Gena Rowlands, và Peter Falk, cũng là bạn thân của ông. Madel là một người vợ, người mẹ tốt, được chồng cô, Nick Longhetti yêu thương, nhưng sự giận dữ thường xuyên của cô trong phim là một minh chứng cho những vấn đề của hôn nhân. Bộ phim không nhấn mạnh kịch bản mà tập trung vào cảm xúc nguyên bản của con người. Cassavetes cho quay cận cảnh để thể hiện sự tổn thương và sợ hãi của mỗi nhân vật, mang đến cảm giác thân thuộc cho người xem. Đó là lý do tại sao phim nằm ở vị trí số ba trong danh sách này.

Rạp chiếu bóng thiên đường (Cinema Paradiso)

"Rạp chiếu bóng thiên đường" là tác phẩm nước ngoài duy nhất lọt vào top 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Đây là phim của Italy, được ra mắt năm 1988, do Giuseppe Tornatore làm đạo diễn. Tác phẩm này giống như một bài ca lãng mạn về cuộc sống, tình yêu, tình bạn mà ai cũng nên một lần thưởng thức trong đời. Tuổi thơ và cả những ký ức đầu đời đẹp đẽ nhất của chú nhóc Toto đều gắn với rạp chiếu bóng Paradiso, trong đó ông già chiếu phim Alfredo là Andersen, sẽ đưa cậu bé cùng khán giả vào thế giới cổ tích diệu kỳ của điện ảnh. Bộ phim hay và xúc động đến nỗi nó đã đã đoạt giải "Phim nước ngoài hay nhất" trong lễ trao giải Oscar năm 1989. Ngoài ra, đây còn là một tác phẩm kinh điển của nền nghệ thuật Italy, được tin là đã làm hồi sinh ngành công nghiệp điện ảnh đang suy giảm của đất nước này vào thời điểm đó. Âm nhạc của nghệ sỹ Ennio Morricone cũng là một điểm sáng của phim.

Giết con chim nhại (To kill a mockingbird)

Được dựa trên cuốn tiểu thuyết giành giải Pulitzer của nhà văn Harper Lee, bộ phim ra mắt năm 1963 "Giết con chim nhại" là một bài ca về tình đồng loại. Nhân vật luật sư Atticus Finch đã trở thành vai diễn để đời trong sự nghiệp thành công vang dội của Gregory Peck, và câu chuyện về nỗ lực của Finch để bào chữa cho một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp trong những năm của thập niên 30 đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Mỹ. "Giết con chim nhại" không những rất thành công về mặt thương mại mà còn thu về vô số những phản hồi tích cực từ các nhà phê bình, và luôn được xem là một trong 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tác phẩm đã gắn tên mình vào lịch sử, và ngay cả khi bạn chưa từng đọc cuốn sách hay xem bộ phim này, bạn vẫn biết các nhân vật như Atticus Finch và Boo Radley.

Bố Già II (The Godfather 2)

Nhìn chung, phần tiếp theo của các bộ phim nổi tiếng thường được cho là sẽ không bao giờ hay được như phần đầu, nhưng "Bố già" II của đạo diễn Francis Ford là một trong những ngoại lệ hiếm hoi không thuộc trường hợp này. Phần 2 được ra mắt năm 1974, cách phần đầu tiên hai năm. Phim tiếp tục kể về câu chuyện của gia tộc Corleone, và sẽ có hai câu chuyện, hai tuyến nhân vật, hai tuyến thời gian song hành nhau. Một là câu chuyện về gia đình mafia Corleone tiếp tục khi Michael (Al Pacino) lên làm ông trùm và âm mưu mở rộng địa bàn sang Las Vegas lẫn Cuba, xen lẫn những hồi ức về Bố già Vito (Robert De Niro trong phần này, Marlon Brando trong phần phim đầu tiên) khi mới đặt chân đến New York. Bộ phim giành sáu giải Oscar và cùng với phần đầu tiên, "Bố già" II được coi là một trong 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Annie Hall

Bộ phim ra mắt năm 1977 "Annie Hall" do Woody Allen làm đạo diễn kiêm diễn viên chính. 39 năm sau khi được công chiếu, tác phẩm vẫn là một trong những phim tình cảm hài lãng mạn hay nhất mọi thời đại. Đây là một bộ phim rất đáng xem khi bạn phát chán với sự tràn ngập của những phim thị trường nhạt nhẽo trong lĩnh vực điện ảnh. Allen vào vai Alvy "Max" Singer – một chàng trai kể lại những lý do mà cuộc tình của mình thất bại với nhân vật nữ chính do Diane Keaton thủ vai, vốn được chỉnh sửa kịch bản sao cho phù hợp với chính con người cô. Những khía cạnh chính của nội dung nhấn mạnh sự tương phản giữa New York và Los Angeles, những hình mẫu về người khác giới của nam và nữ, đặc tính của người Do Thái cũng như những yếu tố của phân tâm học và chủ nghĩa hiện đại. 

Đêm ăn chơi (Boogie Nights)

Paul Thomas Anderson đã trở thành một đạo diễn nổi tiếng của nền điện ảnh hiện đại với những tác phẩm gây tiếng vang như "Hương mộc lan", "Máu sẽ phải đổ", và "Bậc thầy võ thuật". Và phim 18+ "Đêm ăn chơi" ra mắt năm 1997 của ông đã lọt vào top 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Phim là tác phẩm xuất sắc nhất của Anderson và được truyền cảm hứng từ câu chuyện của diễn viên phim khiêu dâm John Holmes. Phim đã chứng minh diễn xuất tuyệt vời của Mark Wahlberg trong vai Eddie, một diễn viên nhiều tham vọng được phát hiện bởi Jack Homer, đạo diễn phim người lớn, người luôn coi những bộ phim của mình là các tác phẩm nghệ thuật. Eddie đổi tên của mình thành Dirk Diggler và bị cuốn vào lối sống cũng như các mối quan hệ phức tạp trong ngành công nghiệp phim cuối thập niên 70. 

Đôi giày đỏ (The red shoes)

Bộ phim ra mắt năm 1948 "Đôi giày đỏ" được truyền cảm hứng bởi một câu chuyện cổ tích của nhà văn Hans Christian Anderson. Phim kể về một vũ công ba lê vô danh, trẻ tuổi buộc phải lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp của mình. Được ca ngợi vì vừa mang tính đột phá, tiên phong, vừa giữ được nét cổ điển, tác phẩm đi khám phá bản chất của tính sáng tạo và nhấn mạnh những ranh giới giữa sân khấu và điện ảnh. Bộ phim của hai vị đạo diễn Michael Powell và Emeric Pressburger là một câu chuyện, giống như nhân vật chính, bị kéo theo nhiều hướng bởi rất nhiều sức ép và sự ảnh hưởng, đem lại hiệu ứng đầy mê hoặc, và không hề đơn giản như người ta vẫn tưởng.

Quái xế (Taxi Driver)

Một trong những tác phẩm của đạo diễn Martin Scorsese nhất định phải lọt vào top 10, và không phim nào trong sự nghiệp của ông được yêu mến và nổi tiếng như "Quái xế", ra mắt năm 1976. Cùng với diễn xuất đỉnh cao của Robert De Niro, phim đã giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và không ngừng gây tiếng vang kể từ đó. Thường xuyên được bình chọn là một trong 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại, tác phẩm là câu chuyện của một cựu chiến binh trở về từ Việt Nam, Travis Bickle. Những nỗi ám ảnh, những khổ đau, dằn vặt in sâu trong cuộc sống con người đã được thể hiện trong phim theo một cách độc đáo. Bộ phim đã trở thành một chuẩn mực văn hóa thực sự. Ngay cả những người chưa từng xem phim cũng biết câu thoại nổi tiếng của nhân vật Travis, "You talkin' to me?" "Mày nói với tao đấy à?".

Nguồn: Cinemablend.com

Xem thêm các bài viết khác của mình:

Chủ đề chính: #phim_hay

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn