32 loài sinh vật biển kì dị nhất từng được phát hiện dưới đáy đại dương.
Đăng 6 năm trướcBạn đã bao giờ tự hỏi dưới đại dương sâu thẳm kia là gì chưa? Phải chăng đó là những kỳ quan mà chưa ai khám phá tới hay là những sinh vật khổng lồ với bộ răng gớm ghiếc, kì dị, sẵn sàng nuốt chửng những sinh vật yếu thế hơn...
Cá mập miệng rộng (Megamouth Shark)
Sống ở độ sâu 40 mét dưới đáy đại dương, cá mập miệng rộng ăn các loài sinh vật phù du và những loại cá nhỏ. Chiều dài trung bình khoảng 17 feet (5.2 m). Điểm đặc biệt của loài cá này đó chính là miệng của chúng được bao phủ bởi cơ quan phát sáng có khả năng phát quang trong bóng tối nhằm dẫn dụ những sinh vật trôi nổi cũng như các loài cá nhỏ, tôm, tép,....
Cua nhện khổng lồ (Giant Spider Crab)
Là loài ăn tạp, cua nhện khổng lồ sống ở độ sâu 160 m dưới đại dương. Kích thước trung bình từ 3.7 mét. Vỏ của nó được tô điểm bởi bọt biển và các loài động vật khác để trà trộn dưới đáy đại dương !
Cá sói Đại Tây Dương (Atlantic Wolffish)
Là một loài cá sói trong họ Anarhichadidae, chúng sống ở độ sâu 500 mét dưới đáy đại dương. Cá sói Đại Tây Dương sử dụng chiếc hàm mạnh mẽ của mình để ăn động vật thân mềm có vỏ, động vật giáp xác, động vật da gai. Điều đặc biệt là chúng không ăn các loại cá khác !
Sao Rổ (Basket Star)
Ở độ sâu 550 m dưới đáy đại dương, chúng ta có thể bắt gặp Sao Rổ với kích thước trung bình chỉ vỏn vẹn khoảng 14 cm. Chúng ăn các sinh vật phù du ngang qua bằng các móc nhỏ, sắc nằm ở trên tua.
Cá mặt trời (Ocean Sunfish)
Là loài cá nặng nhất của lớp cá xương từng được khám phá, chúng có trọng lượng từ 250 kg đến 1 tấn! Có chiều dài trung bình khoảng 6 feet (1.8 m), thức ăn yêu thích của cá mặt trời chính là các loài sứa biển.
Cá mút đá Thái Bình Dương (Pacific Hagfish)
Sống ở độ sâu 914 m dưới đáy đại dương, chúng có kích thước trung bình của cơ thể từ 63 cm, thường ăn các loại cá chết hoặc sắp chết bằng cách xâm nhập vào cơ thể và ăn nội tạng. Khi đang thưởng thức con mồi, chúng thường buộc đuôi lại thành nút giúp tạo mô-men xoắn để tăng lực cắn.
Giun Pigbutt (Pigbutt worm)
Được phát hiện vào năm 2007. Loài này sống ở độ sâu 914 m dưới đáy đại dương. Cơ thể của giun Pig Butt phân ra làm 3 đoạn, phân đoạn giữa phẳng và 2 phân đoạn còn lại nở ra có hình dạng khác biệt giống như mông của loài lợn nên được đặt tên là giun Pig Butt. Có kích thước trung bình khoảng 20 mm, thức ăn chính của chúng là tuyết biển, giun Pig Butt sản sinh ra các đám chất nhầy để hấp thụ tuyết biển và hút chúng lại vào miệng.
Predatory Tunicate
Có kích thước trung bình khoảng 13 cm, sống ở độ sâu trung bình 1.000 mét dưới đáy biển, đây là một loài ăn thịt biển sâu, sống neo dọc theo đáy biển, chờ đợi cho động vật phù du trôi dạt hoặc lọt vào trong vòm miệng rộng như mui xe của nó để bắt chúng.
Cá mái chèo khổng lồ (Giant Oarfish)
Sống ở độ sâu từ 1.000 m dưới đáy đại dương, cá mái chèo hay cá đai vua là loài cá phân bố trên toàn cầu, bao gồm cả vùng cực ! Cá mái chèo có chiều dài trung bình từ 11 m, người dân Nhật Bản tin rằng chúng mang điềm báo về động đất trong các câu truyện cổ.
Rồng đen Thái Bình Dương (Pacific Blackdragon)
Là loài ăn thịt đáng sợ, chúng sống sống trong vùng nước sâu của phía đông Thái Bình Dương từ độ sâu khoảng 200 - 1.000 m, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài giáp xác nhỏ và cá khác. Vì là những kẻ săn mồi phục kích, cơ thể của chúng chỉ có một màu đen sẫm, thậm chí dạ dày của chúng cũng được phủ một lớp mô đen để ngăn chặn bất kỳ ánh sáng nào có thể được tạo ra bởi các động vật phát quang mà chúng ăn.
Praya Dubia
Thường bị nhầm lẫn với các loài sứa, Praya Dubia còn có tên gọi khác là Siphonophores, sống ở độ sâu 1.000 m. Chúng là một trong những loài sinh vật dài nhất mà con người từng phát hiện với chiều dài cơ thể lên tới 50 đến 60 mét, hơn cả chiều dài của một chú cá voi xanh khổng lồ! Praya Dubia không phải là một cá thể độc lập, chúng là quần thể tập hợp chung nhiều thành phần sinh học nhỏ hơn, gọi là zooids. Mỗi zooid đảm nhiệm một chức năng riêng biệt như: tự vệ, sinh sản, ... Thức ăn chủ yếu của Praya Dubia là động vật giáp xác, các loài động vật biển có lớp keo, ...
Cá giọt nước (Blobfish
Loài cá đặc biệt này sống ở độ sâu giữa 600 m và 1.200 m dưới đáy biển, với hình dạng được ví như khuôn mặt của một người đàn ông béo phì có vẻ cáu gắt với cái mũi hình củ hành, cá giọt nước thường bị nhầm lẫn với nhân vật Jabba The Hut trong phim Star Wars. Thức ăn chủ yếu của chúng thường là các loài giáp xác. Nhờ cấu tạo từ khối gelatin nhão, nhẹ hơn nước, cá có thể nổi trên bề mặt đáy biển mà không cần bơi, hơn nữa chịu được áp suất khổng lồ ở đáy biển mà không bị nghiền nát. Tuy vô hại với con người nhưng các nhà khoa học lo ngại chúng có thể trở thành loài nguy cấp vì phương pháp đánh bắt.
Cá nhám mang xếp (Frilled Shark)
Sống ở cùng độ sâu với cá giọt nước, cá nhám mang xếp có chiều dài trung bình từ 2 m, ăn chủ yếu các loại mực ống để tồn tại. Chúng được coi là hóa thạch sống vì những tương đồng của chúng so với tổ tiên ở thời khủng long.
Cá chình bồ nông (Gulper Eel)
Có những cái tên khác như: cá chình nuốt chửng và cá chình nuốt chửng miệng dù hay cá chình miệng to. Gulper eel sống ở độ sâu khoảng 1.200 m dưới đáy biển, thức ăn chủ yếu là các loại động vật giáp xác nhỏ bé. Chúng có khả năng co giãn dạ dày để chứa đựng nhiều thức ăn hơn.
Quái vật mì ống bay (Flying Spaghetti Monster)
"Quái vật mì ống bay" là một sinh vật thuộc chi thủy tức, thuộc nhóm các động vật bậc thấp sống dưới nước như san hô,hay sứa. Được phát hiện ở độ sâu 1.220 m dưới đáy đại dương, các nhà sinh vật học nhận định đây là loài ăn thịt, có thể phát triển với chiều dài lên tới 40 mét.
Cá mập yêu tinh (Goblin Shark)
Cá mập yêu tinh được tìm thấy ở vùng biển sâu nơi mà ánh nắng mặt trời khó có thể chạm tới. Mẫu vật sâu nhất từng bắt được tại độ sâu 1.300 mét. Con mồi của chúng chủ yếu là mực ống, cá, cua, các vi khuẩn dưới đáy biển. Cá mập yêu tinh được mệnh danh là "hóa thạch sống" bởi nó là loài duy nhất còn sót lại của loài Mitsukuridae, sống từ khoảng 125 triệu năm trước. Loài cá này thường bơi dưới đáy biển, khi phát hiện luồng điện từ con mồi, chúng sẽ hạ hàm răng dưới xuống và lao tới tiếp cận con mồi. Những chiếc răng nhọn của chúng sẽ xé xác con mồi ra thành nhiều mảnh.
Cá vây chân lưng gù (Humpback Anglerfish)
Cá vây chân lưng gù hay "Cá vẩy chân", sống ở độ sâu khoảng 1500 m. Loài này có cái miệng rộng hoác với hàm răng sắc nhọn mọc tua tủa. Chính những đặc điểm bên ngoài này khiến chúng có cái tên thứ hai là "quỷ đen xấu xí". Điểm đặc biệt ở loài cá này chính là khi tới mùa sinh sản, con đực sẽ gắn liền vào thân con cái để cung cấp tinh trùng sau đó thoái hóa theo thời gian, dần dần trở thành một phần của con cái.
Sâu ống khổng lồ (Giant Tube Worm)
Sống ở độ sâu khoảng 1600 m, sâu ống khổng lồ có kích thước trung bình từ 2.4 m. Chúng hấp thụ ánh sáng mặt trời, hydro sunfua hay tiêu hóa vi khuẩn để tồn tại. Các nhà sinh vật học tin rằng chúng có khả năng sống thêm 170 - 250 năm.
Cá răng nanh (Fangtooth)
Còn gọi là cá yêu tinh, chúng sống ở các vùng biển ôn đới, nhiệt đới ở độ sâu từ 2.000 mét. Tuy có chiếc đầu to, bộ răng lởm chởm, cùng với ngoại hình hung tợn, dữ dằn nhưng đây là loài khá lành tính. Cá răng nanh là loài cá có bộ răng lớn nhất tỉ lệ với kích thước cơ thể ở đại dương.
Triplewart seadevil
Sống ở độ sâu khoảng 2.000 m dưới đáy đại dương, Triplewart seadevil là loài ăn thịt, có kích thước trung bình từ 30 cm. Cũng giống như cá vây chân lưng gù, con đực của loài này gắn liền với con cái và sống như ký sinh trùng.
Chân giống khổng lồ (Giant Isopod)
Chân giống khổng lồ chủ yếu sống ở vùng biển ít biến động có độ sâu khoảng 2.100m, nơi có áp lực cao và nhiệt độ trung bình dưới 4 độ C như Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chúng có thể sống nhiều năm mà không cần thức ăn. Bên cạnh đó, chân giống khổng lồ còn là các loài giáp xác ăn thịt. Do nguồn thức ăn vô cùng khan hiếm, chúng dần quen với việc phải ăn bất cứ thứ gì rơi vãi từ tầng nước trên xuống và ăn thịt một số loài động vật nhỏ ở cùng ở độ sâu. Chiều dài mà chân giống khổng lồ có thể đạt tới là từ 19 đến 37 cm nhưng khi bị đe doạ chúng sẽ co tròn lại để được bảo vệ trong chiếc vỏ giáp xác rất cứng. Chân gống khổng lồ có cấu tạo vòm miệng khá phức tạp để đảm bảo đầy đủ các chức năng của một loài ăn thịt: đâm thủng, xâu xé, mổ bụng con mồi.
Cua Yeti (Yeti Crab)
Cua Người tuyết mù hay cua Yeti sống chủ yếu ở vùng nước sâu khoảng 2.200 m, chúng có tên gọi như vậy là bởi chúng không có mắt, vì vậy chúng dành hầu như cả cuộc đời mình sống trong môi trường nước ấm của các lỗ thủy nhiệt. Nhìn bên ngoài, trông chúng như được bao phủ bởi một lớp lông mềm như các loài nhện. Song thực tế, bộ lông của sinh vật này hoàn toàn là lông cứng, nhờ đặc điểm này mà cua Yeti đã phát triển một khả năng đó chính là mở một trang trại chăn nuôi ngay trên cơ thể mình. Các lông cứng của chúng trở thành chỗ bám lý tưởng cho các loài vi khuẩn. Ngoài việc tự chăn nuôi, cua Người Tuyết mù cũng di chuyển lên mặt ống thủy nhiệt để ăn các vi khuẩn phát triển ở đây.
Mực Colossal khổng lồ (Colossal Squid)
Colossal là loài mực quý hiếm, khổng lồ nhất và nguy hiểm nhất trên hành tinh. Cá thể mực lớn nhất người ta từng bắt được có chiều dài lên tới 14,5m và cân nặng lên đến 495 kg. Chúng thường sống ở vùng nước lạnh giá, độ sâu từ 2.200 mét. Loài này là nỗi sợ hãi của đại dương khi sở hữu những chiếc móc sắc như dao, gây ra vô số vết sẹo trên lưng cá nhà táng. Chúng cũng khiến người ta choáng váng bởi đôi mắt quá cỡ: Đường kính lên đến 30-40 cm cùng con ngươi to đến trên 10 cm.
Pink see-Through Fantasia
Sinh vật tuyệt đẹp này thuộc họ hải sâm, được phát hiện lần đầu vào năm 2007. Chúng có kích thước trung bình từ 30 cm, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du và tuyết biển (những mảnh thức ăn nhỏ vương vãi từ các tầng nước trên rơi từ từ xuống). Loài sinh vật này có một cơ chế tự vệ rất thú vị : Chúng bộc lộ ra cấu trúc xương dạng móc khi bị đe dọa để khó bị nuốt chửng hơn.
Cá ống nhòm (Binocular Fish)
Cá ống nhòm sống ở độ sâu từ 2.500 m, chúng có kích thước trung bình từ 15 cm, cũng bởi kích thước khá khiêm tốn, thức ăn của loài này chủ yếu là tôm, cá nhỏ, các loại động vật phù du. Chúng là loài động vật có xương sống duy nhất được biết là có khả năng dùng gương trong mắt để tập trung hình ảnh.
Black Swallower
Sống ở độ sâu từ 2.743 mét dưới đáy đại dương. Tuy kích thước chỉ khoảng 25 cm nhưng bằng cách nới rộng dạ dày, loài cá này có thể nuốt chửng con mồi với cân nặng gấp 10 lần chúng! Khi xác định được mục tiêu, Black Swallower sẽ dùng đuôi tóm lấy con mồi, rồi cắn chặt nó bằng bộ răng lởm chởm sắc nhọn. Bộ hàm sẽ nhích dần lên, cho đến khi mồi hoàn toàn nằm trong bụng nó. Do kích cỡ khiêm tốn, phần bụng của nó phải căng đến mức có thể trở nên hoàn toàn trong suốt.
Cá voi mõm khoằm Cuvier (Cuvier's Beaked Whale)
Cá voi mõm khoằm sống ở độ sâu khoảng 2.992 m, có chiều dài trung bình từ 7 mét. Thức ăn chủ yếu của chúng là mực ống, đây là loài thú có vú nặng sâu nhất từng được biết, xương sườn của chúng có thể được gập lại để giảm lượng túi khí và giảm khả năng nổi.
Mực ma cà rồng (Vampire Squid)
Sống ở độ sâu khoảng từ 3.000 m, mực ma cà rồng dài trung bình chỉ khoảng 30 cm. Thức ăn chính của chúng là tuyết biển, chúng có đôi mắt cân đối và lớn nhất trong vương quốc động vật.
Bạch tuột Dumbo (Dumbo Octopus)
Bạch tuột Dumbo được biết đến với chiếc đầu có hình thù kỳ lạ, với vây nhô ra trên đầu giống như tai của chú voi biết bay Dumbo trong bộ phim hoạt hình cùng tên của Walt Disney năm 1941. Chúng sinh sống ở độ sâu khoảng 4.000 m dưới đáy đại dương, thức ăn chủ yếu của chúng là các loại giáp xác nhỏ. Kích thước trung bình của loài này chỉ từ 30 cm. Chính điều kiện môi trường hoàn toàn thiếu ánh sáng cùng với áp lực nước cực mạnh là nguyên nhân khiến loài bạch tuộc này biến đổi hình dạng một cách kỳ lạ.
Cá rồng biển sâu (Deep Sea Dragonfish)
Cá rồng biển sâu là loài săn mồi khá đáng sợ dưới đáy đại dương. Chúng sở hữu đôi mắt to cùng những chiếc răng nanh dài, da của chúng không được bọc vảy mà thay vào đó trơn láng như của loài lươn. Cá rồng biển sâu có kích thước trung bình khoảng 15 cm và sống ở độ sâu từ 4.500 m. Giống với nhiều loài vật sống tại đáy biển khác, cá rồng cũng có bộ phận phát quang sinh học để săn mồi hoặc giao tiếp.Bộ phận phát quang của cá rồng là một chiếc râu nhỏ ở dưới cằm. Chúng đung đưa chiếc râu phát sáng như một hình thức giao tiếp với đồng loại, hoặc để thu hút con mồi. Một số loài cá rồng biển sâu còn tiến hóa để nhìn thấy và phát ra ánh sáng đỏ, thứ ánh sáng mà hầu hết các sinh vật dưới đáy biển không thấy được. Lợi thế này giúp chúng có thể giao tiếp một cách bí mật hoặc rọi sáng con mồi trước khi tấn công mà không bị phát hiện.
Sứa Benthic Comb (Benthic Comb Jelly)
Được phát hiện lần đầu vào năm 2002, ở độ sâu 7.217 mét của rãnh Ryukyu - Nhật Bản, với kích thước trung bình từ 15 cm, sứa Benthic Comb được mệnh danh là loài động vật thân mềm sâu nhất từng được phát hiện.
Cá sên biển Mariana (Mariana Snailfish)
Được phát hiện lần đầu vào năm 2014 ở độ sâu 8.178 mét, loài cá sên biển này có kích thước trung bình từ 20 cm, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài giáp xác nhỏ. Các chuyên gia nhận định rằng cá sên biển Mariana có khả năng chịu được áp lực nước tương đương 1.600 con voi đè lên. Áp lực cực lớn này cũng là lý do các nhà khoa học cho rằng cá không thể sống được ở độ sâu vượt quá 8.200 mét, dù điểm sâu nhất của rãnh Mariana, cũng là điểm sâu nhất đại dương, lên đến 11.000 mét.