5 nhận thức sai lầm tiếp tay cho sự bừa bộn
Đăng 5 năm trướcViệc dọn dẹp không gian sống của bạn có vẻ rất đơn giản khi bạn xem những chương trình TV. Tuy nhiên, một số rào cản tinh thần có thể làm cản trở quá trình giải quyết mớ hỗn độn trong nhà bạn. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra những nhận thức sai lầm này và gợi ý cho bạn những cách giải quyết hiệu quả.
Bạn nhìn ra sự bừa bãi của người khác nhưng lại không nhận thấy điều đó ở bản thân
Thật quá dễ dàng cho bạn để tìm ra trong căn nhà bạn ở những đồ đạc mà chồng (vợ) bạn, bạn cùng phòng hay con bạn để lộn xộn. Bạn đứng trên lập trường chờ đợi người khác dọn dẹp đồ đạc của họ (điều mà bạn hay cho là trọng tâm của vấn đề) trước khi bạn xử lí đống bừa bộn nhỏ của mình trong sự bừa bộn chung.
Cách giải quyết:
Bạn hãy thử làm người chủ động trong việc dọn dẹp xem sao. Điều này có thể khiến cho mọi người trong gia đình bạn noi theo hoặc giúp bạn phát hiện ra sự lộn xộn do bạn tạo ra nhiều hơn bạn tưởng.
Bạn đánh giá thấp sự suy giảm nhận thức trong việc đưa ra quyết định
Mọi người thường mơ về một chuyến thăm từ Marie Kondo (phù thủy dọn nhà người Nhật) hoặc Gretchen Rubin (người hướng dẫn tạo lập và theo đuổi mục tiêu tài tình) để giúp họ dọn dẹp đống bừa bãi. Tại sao nhỉ? Lý do khiến mọi người ngần ngại trong việc dọn dẹp một phần vì điều đó bắt buộc bạn phải đưa ra hàng tá quyết định vụn vặt và dĩ nhiên là làm bạn thấy mệt mỏi. Việc dọn dẹp cũng đòi hỏi bạn phải lập kế hoạch và vạch ra trình tự cụ thể. Nói cách khác, việc ấy liên quan đến các chức năng nhận thức cấp cao và là công việc tương đối "hại não". Nếu tinh thần bạn đang kiệt quệ sau một tuần làm việc thì dọn dẹp rất có thể là việc vắt kiệt chút năng lượng còn lại của bạn.
Cách giải quyết:
- Quyết định vứt một món đồ đi có lẽ sẽ bị đánh thuế tinh thần ít hơn việc giữ một món đồ lại. Khi bạn tự đặt câu hỏi "Mình có nên bỏ thứ này đi không?" thì câu trả lời sẽ chỉ gói gọn trong "có" hoặc "không", trong khi quyết định nơi cất trữ khi bạn giữ món đồ lại sẽ là một vấn đề khá mông lung đấy.
- Hãy thử làm một chiếc hộp "tạm thời" bằng cách dán vào hộp một mảnh giấy gửi đến tương lai của ba tháng sau. Nếu bạn đang phân vân không biết có nên giữ một món đồ lại không, hãy cất nó vào trong chiếc hộp đặc biệt ấy. Đến ngày định sẵn mà món đồ vẫn chưa được dùng đến và yên vị trong chiếc hộp, hãy loại bỏ chúng đi. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho bạn khi phải đưa ra quyết định, đồng thời tiết kiệm thời gian suy nghĩ cho bạn về việc định đoạt số phận cho món đồ ấy trong tương lai.
Bạn đánh giá thấp khả năng chịu đựng nỗi đau tinh thần ngắn hạn của mình
Có một quy luật khá phổ biến trong tâm lí học là mọi người có xu hướng đánh giá thấp khả năng chịu đựng của họ đối với những trải nghiệm ngắn hạn liên quan tới nhận thức hay cảm xúc. Nhưng thực tế là khả năng chịu đựng những cảm giác không mấy dễ chịu của bạn cao hơn bạn nghĩ rất nhiều. Chẳng hạn như bạn muốn dọn dẹp tủ quần áo hàng tuần, nhưng bạn lại chưa bao giờ thực thi chỉ vì ngậm ngùi khi nghĩ đến việc phải từ bỏ những đồ mình thích hoặc đã gắn bó với mình rất lâu. Con người thường đặc biệt sợ hãi khi phải đối diện với sự tiếc rẻ và hối hận khi trót lỡ tích lũy một món đồ mà lại không dùng tới. Một bộ quần áo không vừa size, một món quà không mong muốn, đồ dùng không cần thiết, thế nhưng bạn đã lấy chỉ vì nó miễn phí. Thế là đồ dùng trong nhà bạn không được động đến, thức ăn hết hạn vì để quá lâu.
Cách giải quyết:
- Hãy thử giải quyết một nhiệm vụ dọn dẹp mà bạn từng trì hoãn chỉ trong 10 phút, đừng quan tâm đến việc có thể hoàn thành hay không. Nếu bạn có một chiếc loa thông minh, hãy áp dụng chức năng hẹn giờ để giúp bạn trong cuộc chiến chớp nhoáng với đồ đạc này.
- Nói rõ những chướng ngại tâm lí của bạn là gì, ví dụ như "Mình cần dọn dẹp ngăn kéo tủ nhưng lại lo lắng nên chuyển những món đồ trong đó đi đâu", hoặc là "Mình phải vứt bỏ những bộ quần áo mà lẽ ra mình không nên mua". Nói lên vấn đề và cảm giác của bạn một cách rõ ràng có thể giúp bộ não nhận ra rằng bạn có đủ nhận thức và tình cảm để chấp nhận công việc dọn dẹp đó.
Bạn thấy tiếc khi phải thải bỏ đồ đạc đi, nhưng lại không thấy được những bất lợi khi giữ chúng lại
Trước đây tôi từng gặp vấn đề với việc giữ lại những hộp các-tông sau khi mua hàng trực tuyến. Tôi nghĩ là nó sẽ có ích vào một ngày nào đó, nhưng thực tế thì khi tôi tìm ra lý do để sử dụng một chiếc hộp (như gửi thư) thì lại có 5 chiếc hộp khác bị giữ lại và bỏ xó. Mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng cần hộp thật, nhưng chung quy sự đánh đổi đó vẫn là không đáng.
Cách giải quyết:
- Hãy cân nhắc giá trị của những món đồ bạn định giữ lại. Và hãy thử nghĩ bạn có thể tiếc nuối đến mức nào khi vứt nó đi. Nếu mức độ tiếc rẻ của bạn chỉ nằm trong khoảng 10% - 20% thì bạn nên sàng lọc nó ra khỏi tủ đồ của bạn.
- Trong cuốn sách "The Healthy Mind Toolkit" mà tôi viết, có một bài kiểm tra nổi tiếng thuộc kinh tế học hành vi gọi là "Bài kiểm tra qua đêm". Nội dung bài test như thế này: Giả sử bạn có một mặt hàng có thể bán với giá $40. Nếu sau một đêm, món hàng ấy biến thành $40 tiền mặt trong ví của bạn, thì bạn sẽ dùng $40 để mua lại món đồ đó hay là dành tiền cho một mục đích khác? Bạn có thể sử dụng bài kiểm tra này để chống lại "hiệu ứng sở hữu" (endowment effect) vốn là xu hướng của con người khi quá đề cao giá trị những món đồ mình đang sở hữu. Tuy nhiên bạn không cần thực sự bán đi mọi thứ vì bán các mặt hàng giá trị thấp đôi khi không xứng với thời gian và công sức bỏ ra để bán chúng. Suy cho cùng thì thí nghiệm trên chỉ giúp bạn về mặt tinh thần khi bạn cố sức giữ lại một vật không đáng giá mà thôi.
Bạn có thể tìm đọc thêm bài viết về "hiệu ứng sở hữu" tại đây
Suy nghĩ "làm tất cả hoặc không làm gì"
Những cuốn sách và chương trình truyền hình hướng dẫn dọn dẹp nhà cửa có thể dễ dàng truyền cảm hứng cho bạn. Khi xem chúng bạn bị thôi thúc phải thay đổi thói quen, nhưng rồi trong đời thực bạn mới nhận ra mình có quá nhiều việc ưu tiên đang gào thét hơn là việc dọn dẹp, rồi các thành viên trong gia đình chẳng có ai khích lệ tinh thần dọn dẹp mới hình thành trong bạn.
Cách giải quyết:
- Nếu bạn có đủ thời gian và công sức để làm một cuộc thanh trừng lớn cho cả nhà, bằng mọi cách hãy làm nó thật chỉn chu. Nhưng nếu không thể, chẳng có lí do gì để bạn phải tự trách mình cả.
- Hãy đặt mục đích cải thiện dần dần công việc dọn dẹp thay vì cố gắng phải hoàn thành ngay lập tức. Chẳng hạn, hãy cố gắng thu xếp để tủ quần áo của bạn đỡ bừa bộn đi 20%, quầy hàng cũng đỡ lộn xộn đi 20% trong một ngày. Khi thực hiện phương pháp này, bạn sẽ bắt đầu thấy mình đạt được những thành công nhất định và bạn sẽ học được cái gì cần thay đổi, cái gì cần duy trì hàng ngày để có một nếp sống gọn gàng bền vững.
Bạn có thể tham khảo các bài viết khác liên quan đến tâm lí học:
Sự tự sát của người nổi tiếng có thể dẫn đến những cái chết bắt chước không?
Bạn cảm thấy mình giống như một kẻ lừa gạt? Đây chính là cách để vượt qua hội chứng kẻ mạo danh
Nguồn dịch: psychologytoday.com