Mai Chí Trung

Làm thế nào để chấp nhận và thích ứng với sự thay đổi?

Đăng 8 năm trước

Theo bạn, tâm lý chung của mọi người trước sự thay đổi là gì? Đâu là những lối tư duy hữu ích giúp ta thích ứng với thay đổi nhanh hơn? Cùng Ohay theo dõi bài viết sau nhé!

Thay đổi là thứ không thể tránh khỏi trong đời sống công việc. Đôi khi, sự thay đổi nằm trong tầm kiểm soát, nhưng đa phần là không. Công việc và vai trò của ta thay đổi – và không phải lúc nào cũng theo chiều hướng tốt hơn. Công ty trải qua sự tái thiết và thay đổi chiến lược, và ta phải điều chỉnh theo.

May mắn là có những cách giúp ta thích ứng với sự thay đổi, và thậm chí là tận dụng được nó.

Tìm niềm vui trong nghịch cảnh

Cố gắng tìm khoảnh khắc vui vẻ trong nghịch cảnh có thể là một cách tuyệt vời để tạo ra sự hài hước mà ta cần để xem xét một vấn đề khó chịu từ một góc nhìn mới. Phương pháp này cũng khiến những người khác thấy dễ chịu hơn.

Nhà nghiên cứu tiên phong về sự hài hước Rod A.Martin, người nghiên cứu về tác động của những khiếu hài hước khác nhau, phát hiện ra rằng lời nói đùa dí dỏm, hay “sự hài hước duyên dáng,” có thể xoa dịu bầu không khí và cải thiện tương tác xã hội. Chỉ cần bạn đảm bảo rằng nó khách quan và lịch sự. Một quy tắc cần nhớ là mâu thuẫn của người khác không phải chuyện đáng đùa, nhưng những khó khăn của bạn thì có thể trở thành nguồn gây cười quý giá.

Nói về vấn đề nhiều hơn là về cảm xúc

Một trong những quan niệm sai lầm thường gặp nhất về việc ứng phó với sự thay đổi không mong muốn chính là suy nghĩ ta có thể “hết” giận dữ, sợ hãi và thất vọng nhờ nói nhiều về nó. Điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy việc thể hiện cảm xúc tiêu cực một cách chủ động và lặp đi lặp lại gây cản trở những quá trình thích nghi tự nhiên của ta.

Điều đó không có nghĩa bạn nên “chịu trận” hay phớt lờ vấn đề. Thay vào đó, hãy xác định nỗi lo lắng hoặc bực bội vào giai đoạn khởi đầu của sự thay đổi để có thể nhận thức được cách cảm xúc đó bóp méo suy nghĩ hoặc phá vỡ các mối quan hệ của bạn. Sau đó hãy tìm kiếm lời khuyên thực tế về những gì bạn cần làm tiếp theo. Bằng cách này, bạn nhắm trực tiếp vào những vấn đề mình có thể giải quyết, thay vì than vãn về những vấn đề mình không thể giải quyết.

Đừng căng thẳng về chuyện bị căng thẳng

Niềm tin của chúng ta về sự căng thẳng rất quan trọng. Như nhà tâm lý học của Stanford Kelly McGonigal lập luận trong quyển The Upside of Stress, phản ứng của bạn đối với sự căng thẳng ảnh hưởng sức khỏe và sự thành công của bạn nhiều hơn bản thân tình trạng căng thẳng. Nếu bạn tin sự căng thẳng sẽ giết chết bạn thì nó sẽ thật sự như vậy. Nếu tin nó đang cố thúc đẩy bạn vượt qua một chướng ngại lớn hoặc một tình thế khó khăn, bạn sẽ trở nên bền bỉ hơn và thậm chí có thể sống lâu hơn.

Khi bạn bắt đầu cảm thấy căng thẳng, hãy tự hỏi bản thân rằng sự căng thẳng đang cố gắng giúp bạn hoàn thành điều gì. Có phải nó đang cố giúp bạn hoàn thành tốt một công việc quan trọng, như một bài thuyết trình bán hàng hay một buổi phỏng vấn quan trọng không? Có phải nó đang cố gắng giúp bạn chịu đựng thời kỳ khó khăn của thị trường hay sự chuyển đổi tạm thời trong cấu trúc công ty không? Có phải nó đang cố gắng giúp bạn cảm thông với một đồng nghiệp hay một khách hàng không? Hoặc nó đang cố gắng giúp bạn thoát khỏi một tình thế nguy hiểm?  

Căng thẳng có thể là điều tốt – nếu bạn chọn nghĩ như vậy.

Tập trung vào giá trị thay vì vào nỗi sợ

Hành động nhắc nhở bản thân về điều quan trọng với mình – gia đình, bạn bè, thành tựu khoa học, bản nhạc tuyệt vời, cách thể hiện sáng tạo… – có thể tạo bước đệm mạnh mẽ giúp vượt qua bất kỳ khó khăn nào làm ta đau đớn.

Trong một chuỗi các nghiên cứu kéo dài cả thập kỷ, những nhà nghiên cứu được dẫn đầu bởi Geoffrey Cohen và David Sherman đã trình bày cách mọi người thuộc mọi độ tuổi ở mọi tình huống, từ trường mới, các mối quan hệ mới cho đến công việc mới, có thể trở nên mạnh mẽ hơn về tinh thần bằng một bài tập đơn giản: dành 10 phút viết về thời điểm mà một giá trị nào đó của họ có ảnh hưởng tích cực đến họ.

Kỹ thuật này hiệu quả vì việc xét lại giá trị cá nhân giúp ta vượt lên trên thử thách trước mắt, và khiến ta nhận ra rằng mình không thể bị nó khuất phục.

Chấp nhận quá khứ, nhưng chiến đấu cho tương lai

Dù không ai có thể thoát khỏi sự thay đổi, chúng ta có quyền tự do quyết định cách mình phản ứng với nó.

Viktor Frankl hoàn toàn hiểu rõ ý tưởng này khi trở về nhà sau 3 năm kinh hoàng trong các trại tập trung của quân Phát Xít. Ông phát hiện mẹ, anh trai, vợ và đứa con chưa chào đời của ông đều đã mất. Mọi thứ trong đời ông đều đã thay đổi. Tất cả những người mà ông yêu quý đều đã ra đi. Nhưng khi xuân đến sau nhiều tháng trời, Frankl bắt đầu nhận ra rằng mặc dù không thể quay về cuộc sống mình từng có, ông vẫn có thể tự do gặp gỡ bạn mới, tìm tình yêu mới, một lần nữa trở thành cha, làm việc với bệnh nhân mới, tận hưởng âm nhạc, và đọc sách. Frankl gọi tên niềm hy vọng trong lúc tuyệt vọng là “mặt sáng của bi kịch.”

Câu chuyện của Frankl, tất nhiên, là một ví dụ đặc biệt, nhưng đó cũng là lý do tại sao chúng ta nên tìm cảm hứng từ nó. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những giới hạn của một sự thay đổi nào đó, ta sẽ không tránh khỏi bị chìm đắm trong lo lắng, chua xót và tuyệt vọng.

Thay vào đó, ta nên chọn chấp nhận sự thật rằng thay đổi là chuyện hiển nhiên, và cho mình sự tự do quyết định phải làm gì tiếp theo.

Đừng mong đợi sự ổn định

Trong những năm cuối thập niên 1970, nhà nghiên cứu của Đại học Chicago tên Salvatore Maddi bắt đầu nghiên cứu về những người làm việc tại Illinois Bell. Không lâu sau đó, ngành công nghiệp điện thoại không còn bị quản chế bởi luật pháp, và công ty phải trải qua rất nhiều thay đổi. Vài người quản lý gặp khó khăn với việc thích ứng. Số khác lại phát triển tốt. Điều gì đã tách biệt hai nhóm người trên?

Những lãnh đạo có khả năng thích ứng xem tất cả những thay đổi, bất kể là giống với mong đợi hay không, là một phần hiển nhiên trong đời người, thay vì là một bi kịch bất thường, thứ biến những người không may mắn trở thành nạn nhân. Thay vì cảm thấy bị công kích bởi con người, sự vật, sự việc, hay bởi cả vũ trụ, họ lại tập trung chuyên tâm vào công việc của mình và tìm kiếm cơ hội để sửa chữa những vấn đề đã tồn đọng lâu dài trong khâu dịch vụ khách hàng và cải tiến cấu trúc định giá đã lỗi thời.

Ngược lại, Maddi phát hiện rằng những lãnh đạo chật vật với thay đổi lại chìm đắm trong những suy nghĩ về “một thời huy hoàng”. Họ tiêu tốn sức lực vào việc cố tìm hiểu lý do tại sao mình bất ngờ gặp phải bất hạnh như vậy. Họ cố quay về khoảng thời gian và không gian vốn không còn nữa.

Mặc dù mỗi phương pháp trên đều yêu cầu những kỹ năng khác nhau để thực hiện – và bạn có thể sẽ giỏi một số kỹ thuật nào đó hơn những kỹ thuật khác – có một việc bạn buộc phải thực hiện nếu muốn trở nên thành công hơn trong việc đối diện với sự thay đổi: chấp nhận nó.

Tác giả: Nick Tasler

Xem thêm các bài viết hay khác của tôi tại đây

Chủ đề chính: #sự_thay_đổi

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn