Sự công bằng, bất công và thái độ của chúng ta.
Đăng 8 năm trướcNhân quả đã luôn công bằng khi quyết định ta là ai trên cõi đời này. Nếu ta cho rằng điều đó là bất công, thì ta đã tự tước đi sự công bằng cho cuộc đời của chính mình.
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng có đôi lần phải thốt lên rằng cuộc đời đã quá bất công với mình khi sau những việc ta làm đôi khi kết quả nhận được lại không như mong đợi, nhất là khi ta đã đặt trọn hy vọng vào đấy mà chỉ nhận lại duy nhất sự thất vọng. Theo một bản năng tự nhiên, ta bắt đầu than vãn, than vãn và tất cả những gì ta làm sau đó nữa cũng là sự than vãn. Chuỗi than vãn nối dài đó rõ ràng đâu thể nào khiến tình hình trở nên khá hơn được, ngược lại, chúng còn gây thêm cho ta không ít rắc rối. Vậy thì, sao ta không ngừng than vãn và bắt đầu dùng chính suy nghĩ, hành động của mình để thay đổi kết quả?
Vì sao xã hội lại có sự bất công?
Sau đây là nội dung của một bài Triết mà chúng ta đã được học. Bài nói về lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người. Theo đó, khi những giá trị về vật chất, của cải sinh ra từ quá trình lao động của con người, một khi nhiều hơn nhu cầu tiêu thụ thì sẽ sinh ra giá trị thặng dư (tức của cải dư lại sau khi đáp ứng hết những nhu cầu cần thiết của xã hội). Sự xuất hiện của giá trị thặng dư là một yếu tố cần có để sản sinh ra sự tư hữu tài sản của một số người có địa vị trong xã hội bấy giờ. Sự tư hữu đó là kết tinh của lòng tham và sự ích kỷ tiềm tàng trong bản chất của loài người, thông qua chất xúc tác là quyền lực. Chính điều này đã gây nên sự bất bình đẳng (bất công) giữa người với người. Và như vậy, chúng ta có thể thấy, sự bất công đã hiện hữu từ rất sớm, ngay từ những buổi đầu hình thành xã hội loài người. Nói một cách khác, bản chất con người trong xã hội là tranh giành quyền lợi lẫn nhau thông qua những quy ước, luật định và chuẩn mực đạo đức chung. Những quyền lợi đoạt được khi bất chấp những quy ước, luật định và đạo đức được xem là không chính đáng và điều này là nguyên nhân dẫn đến sự bất công.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó có biết bao nhiêu thứ "đáng" để ta phải giẫm đạp nhau mà đoạt lấy, bất chấp tất cả. Người thì mù quáng lao theo giành lấy danh vọng, địa vị. Kẻ thì xem nhẹ lương tâm mà cố đoạt lấy sắc dục, tiền tài...Văn hóa đấu đá, chụp giật lên ngôi chính từ sự xuống dốc của đạo đức xã hội, những giá trị văn hóa tốt đẹp bị bóp méo để cổ súy cho vô số hành động sai trái. Chính điều này mới thật sự là nguyên nhân dẫn đến sự kiềm hãm của những giá trị về chân lý, công bằng.
Có bất công, liệu công bằng có tồn tại?
Cuộc sống này luôn luôn tồn tại hai mặt đối lập nhau, có đen thì phải có trắng, có đêm tối thì sẽ có bình minh...và nếu có bất công thì hiển nhiên phải tồn tại sự công bằng. Chính xác hơn, công bằng và bất công là hai khái niệm mang tính tương đối, chúng muôn thuở tồn tại song song với nhau. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, khi mầm móng của sự bất công ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ, thì con người ta hơn bao giờ hết lại rất hoài nghi về sự tồn tại của những điều chính nghĩa, công bằng.
Bức biếm họa bên trên mô tả cuộc đua đến đích thành công của hai trí thức trẻ. Một người thì rất có tiềm lực, đầy đủ điều kiện, còn người kia thì lại chẳng có gì ngoài những gánh nặng và sự nỗ lực của bản thân. Nhiều người cho là nội dung bức họa muốn thể hiện một điều: rằng sự bất công luôn hiện hữu trong những gì chúng ta vẫn cho là công bằng. Bất công ở đâu chắc mọi người đã thấy, khi một người có đầy đủ tiềm lực để đến đích dễ dàng còn người kia thì hoàn toàn ngược lại, chẳng có gì ngoài những "gánh nặng" sau lưng. Trước đây, tôi đã suy nghĩ về ý nghĩa của bức họa theo chiều hướng trên. Tuy nhiên, giờ ngẫm lại tôi thấy nó thể hiện một quan điểm hoàn toàn khác, tích cực hơn nhiều. Bức họa làm tôi liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đua giữa rùa và thỏ. Trong câu chuyện này, rùa là ứng cử viên bị đánh giá rất thấp so với thỏ nhưng rồi cuối cùng, nó đã giành chiến thắng chung cuộc. Nguyên do chính nhờ ý chí nỗ lực vượt lên số phận - thứ mà thỏ muôn đời không thể nào có được vì đã quá hài lòng và chủ quan với những thứ ưu việt mà mình đang sở hữu. Đây cũng là tâm lý thường thấy của đa số những con người may mắn sinh ra trong hoàn cảnh đầy đủ điều kiện về vật chất và tiềm lực. Vậy thì chúng ta có thể thấy rằng cuộc sống có tồn tại thêm một quy luật, đó là quy luật của sự bù trừ. Trên đời, hễ ta được cái này thì phải thiếu xót cái khác. Và đó là một sự công bằng thật lớn.
Để làm rõ hơn vấn đề, mời các bạn đọc thêm: "Bài học về đặc quyền và thái độ của thầy giáo Mỹ."
Kết luận: nhân quả đã luôn công bằng khi quyết định ta là ai trên cõi đời này. Nếu ta cho rằng điều đó là bất công, thì ta đã tự tước đi sự công bằng của chính cuộc đời mình.
Và chúng ta đã hành động cho sự công bằng hay chưa?
Như tôi đã nói ở trên rằng bất công là một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhưng hãy khoan suy nghĩ tiêu cực vì song song với nó cũng có tồn tại thêm sự công bằng. Bất công và công bằng là hai khái niệm mang tính tương đối mà để cái nào lấn át đi cái nào là hoàn toàn tùy thuộc vào cách suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta trong cuộc sống. Những người có xu hướng hay u sầu, thích than vãn về hoàn cảnh khó khăn của bạn thân, thì lại thường nhận thêm càng nhiều điều bất hạnh (vì họ đã đánh mất điểm mạnh của mình là ý chí và nỗ lực phấn đấu). Rồi cứ thế, họ lại tiếp tục gào thét rằng cuộc đời sao quá bất công khi đem so sánh mình với những người có tiềm lực hơn. Và rồi buồn thay, sự "bất công" ấy vẫn cứ mãi đeo đuổi chỉ vì một điều đơn giản là họ vẫn không hề biết rằng họ đang tự bất công với chính bản thân mình!
Lại có những kẻ luôn mang trong mình tính ích kỷ, thực dụng cá nhân, luôn im lặng trước mọi sự ngang trái, bất công xung quanh và chỉ lên tiếng khi quyền lời của bản thân mình bị đe dọa. Rồi có một ngày, họ nếm trải sự bất công tương tự mà chả một ai đứng ra bênh vực cho. Và rồi như phản xạ tự nhiên, họ chỉ biết ngồi đó mà than vãn trong khi quên mất rằng người đã làm ngơ, dung túng cho những điều bất công ấy sinh sôi nảy nở không ai khác lại là chính mình. Thì đấy! Cuộc đời nếu có cho đi thì sẽ nhận lại, nếu chúng ta chưa hành động cho sự công bằng thì cũng đừng mong công bằng sẽ đến với bản thân ta.