10 Dự báo thiên tài của Gia Cát Lượng
Đăng 8 năm trướcGia Cát Lượng, Khổng Minh có nhiều dự báo thiên tài. Sau đây là 10 dự báo thiên tài của ông
Gia Cát Lượng trở thành một biểu tượng sáng chói về tài tiên đoán, dự báo. Sự nổi tiếng của ông đến nỗi hễ ai nói tới việc dự báo là người ta gắn ngay cho cái mác “Gia Cát Dự”. Vậy ta thử tìm hiểu một số dự báo của Khổng Minh nhé.
1. Dự báo thiên hạ chia ba
Lần thứ 3 đến lều tranh thì Lưu Bị đã gặp được Gia Cát Lượng. Trong cuộc trò chuyện giữa hai người, Gia Cát Lượng đã nói rằng:
“Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hoà. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được”
Những dòng trên đây cho thấy Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết hình thành thế chân vạc, thiên hạ chia ba rồi. Thật ngàn xưa không ai sánh kịp!. Vì thế, người sau có thơ khen rằng:
Dự Châu đang oán bước đường cùng
Nay tới Nam Dương gặp Ngọa Long
Muốn biết sau này chia thế vạc
Địa đồ cười trỏ, đứng mà trông!
2. Dự báo Lưu Biểu sắp chết; đất Kinh Châu, Tây Xuyên về tay Lưu Bị
Sau khi nghe Khổng Minh tiên đoán về tình thế thiên hạ chia 3, Lưu Bị còn băn khoăn: “Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu đều là tôn thân nhà Hán, Bị sao nỡ cướp lấy?” Nghê vậy Khổng Minh nói rằng:
“Ban đêm, Lượng đã xem thiên văn, biết Lưu Biểu cũng không thọ được mấy nỗi nữa. Còn Lưu Chương không phải người chủ lập được cơ nghiệp, sau này Kinh, Xuyên cũng phải về tay tướng quân cả”.
Dự đoán này của Khổng Minh sau đều trở thành hiện thực
3. Dự đoán Gió Đông nam về
Muốn đánh Tào công/Phải dùng hoả công/Muôn việc đủ cả/Chỉ thiếu gió đông. Để có được gió đông nam, Gia Cát Lượng yêu cầu Chu Du:
"phải lập đàn tại núi Nam Bình, gọi là đàn Thất tinh, bề cao chín thước, chia làm ba tầng,dùng một trăm hai chục người cầm cờ đứng xung quanh. Tôi xin lên đàn, dùng phép, mượn gió đông nam thật to ba ngày ba đêm để đô đốc dùng binh (...)Ngày 20 tháng 11 là ngày giáp tý, bắt đầu tế gió, đến ngày 22 là ngày bính dần thì gió im"
Sau đó, đàn Thất tinh được lập, Khổng Minh tắm gội sạch sẽ, mặc áo phù thuỷ, xoã tóc đi chân không lên cầu gió. Gần đến canh ba thì gió đông nam nổi lên ầm ầm.
Việc gọi được gió đông nam theo tác giả chẳng qua là do Khổng Minh đã dự đoán được trước gió đông nam sẽ về khi nào và im khi nào trong những ngày đông tháng rét.
4. Khổng Minh dự đoán Chu Du cho quân đuổi giết mình.
Sau khi Gia Cát Lượng gọi được gió đông nam, Chu Du thấy rằng người này có phép đoạt được trời đất,có thuật tài hơn quỷ thần. Nếu để sống thì thế nào cũng gây vạ lớn cho Đông Ngô, chi bằng giết trước để khỏi lo về sau. Thế rồi Chu Du gọi hai tướng dẫn một trăm quân cùng đến đàn Thất tinh không hỏi han chi cả, cứ việc chặt phăng ngay đầu Gia Cát Lượng, đem về đây lấy thưởng. Khi đến đàn được biết Gia Cát Lượng đã xuống thuyền, 2 tướng lại đuổi theo, khi gần tới nói:
- Xin hãy dừng thuyền một chút, có việc khẩn cấp muốn nói.
Khổng Minh nói:
- Ta đã biết đô đốc (Chu Du) chẳng dung, thể nào cũng sai giết ta, nên đã dặn trước Tử Long đến đón, tướng quân không cần phải đuổi theo nữa!
5. Xem thiên văn mà biết Chu Du đã chết
Khổng Minh ở Kinh Châu, đêm quan sát thiên văn, thấy sao rơi xuống đất, liền cười nói:“Chu Du đã chết rồi”. Đến sáng, nói lại với Huyền Đức. Huyền Đức cử người đi thám thính, quả nhiên xác nhận người đã chết rồi. Huyền Đức hỏi Khổng Minh, rằng: “Chu Du đã chết, mọi chuyện sẽ thế nào?”. Khổng Minh nói: “Người lãnh binh thay Chu Du, ắt là Lỗ Túc. Lượng quan sát thiên tượng, sao Tương tụ ở phương đông. Lượng sẽ lấy cớ viếng tang sang Giang Đông một chuyến, để tìm hiền sĩ phò trợ chúa công”. Huyền Đức nói: “Chỉ e là tướng sĩ quân Ngô sẽ gia hại tiên sinh”. Khổng Minh nói: “Khi Du còn sống, Lượng còn không sợ, nay Du đã chết, lại còn lo gì?”.
Sau đó liền cùng Triệu Vân dẫn theo năm trăm quân sĩ, chuẩn bị tế lễ, xuống thuyền đến Ba Khâu đưa tang. Trên đường đi, thám thính được Tôn Quyền đã lệnh Lỗ Túc làm đô đốc, linh cữu Chu Du đã đưa về Sài Tang. Đoạn này nói Gia Cát Lượng nhìn thấy sao Tương rơi liền biết được Chu Du đã chết, đồng thời, ông đối với chuyến đi sang Đông Ngô này không hề cảm thấy lo sợ. Tại sao như vậy, bởi ông sớm đã biết được đi đến Đông Ngô, dẫu cho bao nhiêu người căm hận ông, nhưng mạng sống của ông không hề gì.
6. Dự đoán Bàng Thống mất
Khổng Minh ở Kinh Châu, ngày đó là tết Thất tịch, chúng quan mở đại hội dạ yến, đang nói chuyện thu hồi Kinh Châu. Bỗng nhiên một ngôi sao hướng về phía Tây, to như cái đấu, từ trời rơi xuống, ánh sáng tỏa ra bốn phía. Khổng Minh thất kinh, ném ly xuống đất, ôm mặt khóc rằng: “Bi ai thay! Đau xót thay!”.Chúng quan hoảng hốt hỏi duyên cớ. Khổng Minh nói: “Trướcđây tôi đoán rằng năm nay sao Thiên Cương ở hướng Tây, bất lợi cho quân sư;thiên cẩu xâm phạm quân ta, sao Thái Bạch ở gần Lạc Thành, tôi đã gửi thư cho Chúa công, bảo phải đề phòng cẩn thận. Ngờ đâu đêm nay phía Tây sao rơi, mạng sống của Bàng Sĩ Nguyên ắt đã chấm hết rồi!”. Nói xong, lớn tiếng khóc rằng: “Hôm nay, chúa công chúng ta đã mất một cánh tay rồi!”.Chúng quan đều thất kinh, chưa tin lời ông nói. Khổng Minh nói: “Trong mấy ngày nữa, ắt có tin tức”. Tiệc rượu chưa trọn hoan vui mà phải giải tán. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin báo rằng quân sư Bàng Thống bị tên bắn chết trước gò Lạc Phượng. Thiết nghĩ rằng nếu như Gia cát Lượng không có đoán chính xác, trước hết khóc lớn, về sau nếu như Bàng Thốngkhông có chết, không phải tự làm mình mất mặt, sau này còn làm sao mà quân lệnh như sơn được nữa? Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Quan Vũ, Trương Phi trước khi chết, Gia Cát Lượng đồng dạng thông qua tinh tượng mà biết trước điềm hung.
7. Dự đoán Quan Vân Trường sẽ không giết Tào Tháo
QuânTào thua ở Xích Bích rút chạy. Trong khi các tướng đều được Gia Cát Lượng giao nhiệm vụ truy kích địch, chỉ có Vân Trường là không. Vân Trường không nhịn được hỏi Gia Cát Lượng vì sao. Gia Cát cười nói rằng: Vân Trường đừng trách, tôi muốn nhờ tướng quân giữ cho một chỗ hiểm yếu, nhưng còn nghi ngại khi xưa, Tào Tháo đãi tướng quân hậu lắm, thế nào tướng quân chẳng nhớ ơn. Nay Tào Tháo thua trận,tất chạy qua đường Hoa Dung. Nếu sai túc hạ đi, tất nhiên túc hạ tha cho hắn thoát, bởi thế, chưa dám phiền tới. Vân Trường khẳng quyết sẽ giết chết Tào Tháo nếu gặp và làm giấy cam đoan xử theo quân luật nếu tha cho Tào Tháo.
Thực ra Gia Cát Lượng xem thiên văn, biết số Tào Tháo chưa chết, nên mới để một mối tình nghĩa ấy cho Vân Trường báo trả, cũng là một việc hay.
Quả nhiên sau đó, quan Tào qua được Vân Trường trấn giữ.Trước tàn quân và những lời gợi lại tình xưa cũ của Tào Tháo, Vân Trường đã tha chết cho Tào Tháo.
8. Gia Cát Lượng dự đoán cái chết của bản thân
Đang đêm,Khổng Minh thân ôm bệnh ra khỏi lều, ngẩng đầu quan sát thiên văn, vô cùng kinh hãi; vào lều bảo với Khương Duy rằng: “Mệnh ta nội trong sớm tối nay mà thôi!”.Duy nói: “Thừa tướng sao lại nói những lời như vậy?”. Khổng Minh nói: “Ta thấy trong sao Tam Đài, sao khách sáng lạn gấp bội, sao chủ u tối, các chòm sao vốn tương phụ nhau, ánh sáng của nó đã mờ tối. Thiên tượng như vậy, mệnh ta có thể tự rõ được!”. Ngay trong lúc này, Tư Mã Ý, một đối thủ trong trận doanh khác đang thủ vững trong doanh trại, bỗng một đêm ngẩng nhìn lên quan sát thiên văn, vô cùng mừng rỡ, nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta thấy sao Tương mất vị trí, Khổng Minh ắt bị bệnh nặng, không lâu sẽ chết” …Khổng Minh vứt kiếm mà than rằng: “Sống chết có số, không thể cưỡng cầu được mà!”. Ngay đêm hôm đó, Khổng Minh lệnh người dìu ra bên ngoài, ngẩng đầu nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ về một ngôi sao xa xôi,nói: “Đây là tướng tinh của ta đó”. Mọi người nhìn theo, chỉ thấy nó màu sắc u tối, lung lay muốn đổ. Quả nhiên đêm đó, Gia Cát Lượng quy thiên.
9. Dự đoán Ngụy Diên làm phản
Trước khi qua đời, Gia Cát Lượng cho gọi tướng Dương Nghi vào trao cho một cái túi gấm, dặn rằng:
“Ta mất rồi, Ngụy Diên tất làm phản. Khi nào lâm đến trận, mới được mở túi này. Bất ngờ khắc có mẹo chém được Ngụy Diên
Quả nhiên sau đó, Nguy Diên đã làm phản thật. Dương Nghi lấy túi gấm ra xem. Trong túi có một phong thư đề ngoài rằng: "Đợi lúc nào ngồi lên ngựa đối địch với Ngụy Diên thì mới mở"
Rồi khi tình thế đến, Dương Nghi mở túi gấm ra xem, biết được mẹo như thế rồi, mừng lắm,bèn cưỡi ngựa ra đứng ở trước trận, trỏ sang Ngụy Diên, cười mà rằng:
- Khi còn thừa tướng,biết mày về sau tất làm phản, đã sai ta phòng trước, nay quả nhiên như thế thực! Mày có dám ngồi trên ngựa kêu luôn ba tiếng: "Ai dám giết ta?"thì mới kể là đại trượng phu, ta xin dâng thành Hán Trung cho mày ngay!
Diên cười ầm lên, nói:
- Đồ sất phu kia! Lặng im ta nói cho mà nghe: Khi Khổng Minh sống ta còn sợ hắn vài ba phần, nay hắn chết rồi, thiên hạ còn ai làm gì nổi ta nữa? Đừng nói kêu luôn ba tiếng, kêu luôn hẳn ba vạn tiếng, ta cũng chẳng ngại gì!
Nói đoạn, cắp đao, cầm vững cương ngồi trên ngựa, kêu lên rằng:
- Ai dám giết ta?
Diên kêu vừa dứt lời thì một người ở sau lưng Diên thét lên rằng:
- Tao dám giết mày đây!
Miệng nói, tay chém Ngụy Diên chết quay xuống ngựa.Chúng kinh hãi nhìn ra thì là Mã Đại.
Nguyên Khổng Minh trao mật kế cho Mã Đại, chỉ đợi Ngụy Diên thét lên, thì nhân lúc bất ngờ mà chém chết Diên. Khi ấy Dương Nghi xem thư trong túi gấm, đã biết rằng có Mã Đại làm tay trong, cho nên y mẹo mà làm,quả nhiên giết được Ngụy Diên.
10. Dự đoán về sự sụp đổ nhà Hán
Trong “Mã Tiền Khóa” gồm 14 khóa cũng chứa đựng nhiều dự đoán thiên tài của Gia Cát Lượng. Trong đó khóa thứ nhất dự đoán rằng:
“Vô lực hồi thiênCúc cung tận tụy
Âm cư dương phất Bát thiên nữ quỷ”
Nhiều quan điểm cho rằng, khóa này chính là lời dự ngôn về bản thân Gia Cát Lượng và thế sự thời Tam Quốc. Sớm biết vận mệnh nhà Hán đã tới hồi tận, mọi nỗ lực chỉ là “vô lực hồi thiên”, nhưng ông vẫn tận tâm tận sức phò tá Thục Hán,không phụ nghĩa bạc tình với chủ nhân Lưu Bị.
Tổng cộng, Khổng Minh đã 5 lần Bắc phạt Tào Ngụy để khôi phục trung nguyên, tái hưng giang sơn Đại Hán. Trong “Xuất Sư Biểu”, ông cũng bày tỏ nỗ lực tâm huyết tái hưng Hán thất của mình: “Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ” (ý chỉ: Cúc cung tận tụy tớichết mới thôi). Vậy nên, hai câu trước: “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” làviết cho chính mình. Trong hai câu sau: “Âm cư dương phất, Bát thiên nữ quỷ”,câu “Bát thiên nữ quỷ” được xem như một câu chơi chữ. Chữ “bát” thêm chữ“thiên” rồi thêm chữ “nữ” và chữ “quỷ” hợp lại thành chữ “Ngụy” . Điều ấy có nghĩa, nhà Thục Hán cuối cùng sẽ bị Ngụy Quốc tiêu diệt.
Ngoài ra, trong “Mã Tiền Khóa”, Gia Cát Lượng còn có nhiều dự đoán chính xác khác như: dự đoán sự ra đời của Triều Tấn, đại sự Triều Đường, các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh, và sự ra đời của Trung Hoa Dân Quốc.
Trên đây là những dự đoán thiên tài của Gia Cát Lượng, nếu thấy thú vị hãy chia sẻ bài này cho người khác bạn nhé!
Trần Giảng (Tổng hợp)
XEM THÊM: