10 hành vi tàn ác trong thế giới loài vật
Đăng 4 năm trướcTrong suốt tiến trình lịch sử, loài người đã làm nhiều điều tàn bạo với nhau. Ngay cả trong xã hội hiện đại ngày nay, những tội ác như giết người, cướp của, tra tấn, hãm hiếp… vẫn diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi. Chính vì thế, một số người yêu động vật đã cho rằng các loài vật thì tốt đẹp hơn nhiều so với con người. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều bằng chứng đã cho thấy động vật cũng tàn ác không kém gì con người, nếu như không muốn nói chúng còn tàn bạo hơn cả con người.
10.Cá heo (Dolphins) tra tấn và giết chết Cá heo chuột (Porpoises) cho vui:
Hầu hết mọi người tin rằng cá heo là một loài động vật biển thân thiện, vô cùng thông minh, tốt bụng và thường xuyên cứu giúp người gặp nạn trên biển. Tuy nhiên trên thực tế cá heo cũng không phải là loài vật tốt đẹp mà nhiều người vẫn tưởng tượng. Cá heo thường xuyên bắt cóc cá heo chuột (một giống cá heo nhỏ hơn), đặc biệt là những con non, sau đó tra tấn chúng tới chết. Cá heo làm việc này không phải vì thức ăn, cũng không phải để tranh giành lãnh thổ, chúng chỉ đơn thuần tra tấn và giết chóc để giải trí. Cá heo đực cũng được biết đến với hành vi cưỡng hiếp tập thể cá heo cái.
09.Kiến nuôi rệp như nô lệ:
Tuy có kích thước vô cùng nhỏ, những con kiến phát triển rất nhanh chóng và là một trong những loài thống trị trên trái đất. Kiến thường được nhắc đến như là một biểu tượng của sự siêng năng cần mẫn, nhưng điều mà ít người biết đến là kiến nô dịch các con rệp và ăn chất ngọt tiết ra từ chúng. Đây rõ ràng không phải là một mối quan hệ cộng sinh, các con rệp có xu hướng chống lại điều này nhưng kiến sử dụng một chất pheromone đặc biệt để khiến cho bọn rệp phải tuân phục.
08.Tinh tinh thường xuyên ăn thịt tinh tinh non:
Nhà linh trưởng học Jane Goodall lần đầu tiên quan sát hành vi ăn thịt đồng loại của tinh tinh vào năm 1976. Hai con tinh tinh trưởng thành đã giết và ăn thịt ít nhất ba con tinh tinh non ở Gombe Park, Tanzania. Goodall đã can thiệp và cứu được con tinh tinh non thứ tư bằng cách la hét và ném đá vào chúng. Tại thời điểm đó, sự kiện này được coi là một hành vi bất thường. Tuy nhiên, nhiều quan sát sau này của các nhà nghiên cứu khác lại cho thấy giết và ăn thịt tinh tinh non là một hành vi rất phổ biến trong thế giới của loài tinh tinh.
07.Rái cá biển sẽ làm bất cứ điều gì để tìm bạn tình:
Rái cá biển được biết đến như một giống loài dễ thương và xinh xắn, chúng thường có những cử chỉ đáng yêu như nắm tay nhau cùng trôi nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, sự thật là những sinh vật nhỏ bé này chỉ dễ thương khi chúng không cố gắng để giao phối. Khi đến mùa sinh sản, rái cá đực trở nên rất hung hăng, chúng thậm chí còn cắn vào mặt những con cái.
Nếu không có đủ rái cá cái xung quanh, rái cá đực sẽ trở nên ám ảnh với việc giao phối và chúng sẽ tìm một thứ gì đó để thay thế cho những con cái. Đối tượng thay thế có thể là một con rái cá đực khác hoặc một sinh vật khác loài. Rái cá biển cũng được biết đến với việc thường xuyên cưỡng hiếp hải cẩu non cho đến chết.
06.Hành vi tình dục đồi bại của chim cánh cụt:
Tiến sĩ George Murray Levick đã đến Nam Cực và quan sát hành vi của những con chim cánh cụt trong suốt những năm 1910 - 1913. Ông là nhà khoa học duy nhất cho đến ngày nay đã quan sát toàn bộ chu kỳ sinh sản của chim cánh cụt ở Adélie, bán đảo Cape Adare, Nam Cực. Trong suốt thời gian đó, ông đã quan sát thấy những con chim cánh cụt đực quan hệ tình dục với nhau và đồng thời cũng quan hệ với xác chết của những con chim cánh cụt cái, bao gồm cả một số xác chết đông cứng từ năm trước. Chúng cũng thường xuyên cưỡng hiếp những con chim cánh cụt cái và chim cánh cụt non. Levick đã viết tất cả những điều ông quan sát được vào cuốn sổ tay của ông bằng tiếng Hy Lạp. Sau khi trở về, ông đã viết một bài báo mang tên “Lịch sử tự nhiên của chim cánh cụt Adélie”, tuy nhiên phần nói về khuynh hướng tình dục của chim cánh cụt được cho là quá sốc (với công chúng thời đó) nên đã bị gỡ bỏ. Mãi cho đến gần đây, tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở Anh người ta mới phát hiện ra một bản sao của cuốn sổ tay của ông ghi chú về hành vi tình dục của chim cánh cụt.
05.Một số loài cá cố ý làm tổn thương đồng loại để tránh thoát kẻ săn mồi:
Một chiến thuật thường thấy trong các bộ phim về zombie: làm tổn thương người khác rồi bỏ chạy thật nhanh trong khi họ bị zombie làm thịt. Nhưng con người không phải là những tên khốn duy nhất thực hiện chiến thuật này. Một số loài cá sống theo bầy cũng thực hiện chiến thuật tương tự khi bị săn đuổi bởi kẻ săn mồi, các nghiên cứu cho thấy.
Có nhiều loài động vật sống thành đàn để giúp nhau tìm kiếm thức ăn và lẩn tránh kẻ thù. Quan sát một nhóm động vật, có thể dễ dàng thấy được những hành vi ích kỷ thụ động, ví dụ núp sau một thành viên khác của đàn để tránh bị kẻ săn mồi ăn thịt. Tuy nhiên ở một số loài cá, hành vi này được nâng lên thành hành vi ích kỷ chủ động: những con cá gây tổn thương cho đồng loại của chúng mỗi khi động vật săn mồi xuất hiện. Từ lâu các nhà khoa học đã biết rằng các loài cá có những tế bào chuyên biệt phát ra những tín hiệu hóa học khi da bị phá hỏng. Những tín hiệu này kích thích thành viên cùng loài gần đó, khiến chúng cảnh giác hơn và bơi nhanh hơn. Tuy nhiên những tín hiệu này cũng sẽ thu hút kẻ săn mồi nhắm mục tiêu vào con cá bị thương đã giải phóng hóa chất. Do đó, những con cá sẽ đuổi theo và tấn công nhằm gây tổn thương cho đồng bạn mỗi khi kẻ săn mồi xuất hiện, bằng cách đó kẻ săn mồi sẽ tập trung vào những con cá bị thương và nhờ vậy những con còn lại sẽ có xác suất cao thoát khỏi nguy cơ bị ăn thịt.
04.Nhiều loài động vật sẽ ăn thịt con của chúng trong một số điều kiện cụ thể:
Những người canh giữ của một vườn thú đã phát hiện một con lười cái liên tục ăn những đứa con mới sinh của nó. Sau khi điều này xảy ra nhiều lần, họ đã can thiệp và cứu sống vài con non còn lại.
Họ nhanh chóng phát hiện ra rằng những con lười non này có số lượng bạch cầu rất thấp và kém khỏe mạnh. Giả thuyết được đưa ra là con lười mẹ đã cố gắng tiết kiệm nguồn tài nguyên bằng cách ăn thịt những con non kém khỏe mạnh mà ít có khả năng sẽ sống sót.
Hiện tượng này cũng thường xuyên xảy ra ở loài sư tử. Đôi khi sư tử mẹ để cho một số con non chết đói rồi ăn thịt chúng. Sư tử đực cũng thường giết chết những con sư tử nhỏ mà không phải là con của nó.
03.Cá mập con giết chết anh chị em ruột của chúng ngay trong tử cung của cá mập mẹ:
Trong bụng cá mập mẹ, các phôi thai chống lại nhau theo nghĩa đen để tồn tại. Những kẻ mạnh ăn những kẻ yếu hơn cho đến khi chỉ còn lại một con cá mập con tồn tại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng điều này do thói quen giao phối của cá mập. Cá mập cái thường giao phối với nhiều con đực, và việc cá mập con ăn thịt lẫn nhau đảm bảo cho gene của con đực phù hợp nhất được tồn tại.
02.Linh cẩu con ngay sau khi được sinh ra đã phải học cách chiến đấu và giết lẫn nhau:
Nhiều linh cẩu con chết vì ngạt thở trong khi được sinh ra, nhưng đó chỉ mới là bắt đầu. Những linh cẩu con vừa mới sinh ra đã rất hung hăng và sẵn sàng chiến đấu để tranh giành thức ăn. Linh cẩu thường không tự động giết đồng loại của chúng, nhưng chúng sẽ rất vui vẻ làm như vậy trong điều kiện thức ăn khan hiếm. Linh cẩu mẹ sinh rất nhiều con non, chính vì vậy những con linh cẩu con ngay sau khi sinh ra đã phải học cách “chiến đấu hay là chết”.
01.Nhiều chuyên gia tin rằng mèo có hành vi tàn bạo cố ý:
Hầu như bất cứ ai đã từng nuôi mèo đều biết rằng những con mèo thường hành hạ con mồi của chúng một cách không thương tiếc cho tới khi chết. Một số người nghĩ rằng có lẽ con mèo chỉ đang rèn luyện kỹ năng săn mồi. Nhưng các chuyên gia về hành vi động vật đang ngày càng tin vào giả thuyết con mèo làm vậy chỉ vì động cơ hưởng thụ. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng liệu những con mèo có thật sự hiểu được sự đau khổ của các con vật khác.