10 môn võ có thể gây chết người trên thế giới
Đăng 7 năm trướcVõ thuật xuất phát từ cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, nhưng ngày nay đây được xem là một cách tự vệ và rèn luyện sức khỏe. Hãy cùng điểm qua 10 môn võ thuật từ Đông sang Tây có thể gây chết người nhé.
Võ thuật được sản sinh từ trong đấu tranh giữa con người với thiên nhiên (các loài thú dữ), con người với kẻ thù bên ngoài (địch thủ), và con người với kẻ thù bên trong chính bản thân anh ta (bệnh tật). Ngày nay các trường phái võ thuật đa đạng được tập luyện ở nhiều nơi, khu vực khác nhau trên thế giới. Võ thuật đã được tập luyện từ cách đây 4.000 năm ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á khác.
Trong tiếng Anh, cụm từ “martial arts” là danh từ chung để chỉ các loại võ, nhưng xuất phát điểm được dùng để chỉ hệ thống các kỹ năng chiến đấu ở châu Âu từ năm 1550. Cụm từ “martial arts” có nguồn gốc từ chữ Latin và nghĩa là “nghệ thuật của thần Mars” (vị thần chiến tranh của người La Mã).
Trong tiếng Hán, chữ 武 có nghĩa là võ, phía dưới là một bàn chân, phía trên là vũ khí, ý chỉ một người chuẩn bị xuất chinh đánh trận. Trong thời cổ đại, khi xuất binh đánh trận vũ khí thường sử dụng là giáo (戈)。止 chính là từ chữ 趾 (chân) mà ra。戈 và 止 kết hợp lại tạo thành chữ 武 với ý nghĩa một người cầm giáo tiến về phía trước chuẩn bị ra trận.
Võ thuật có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau: phương thức chiến đấu (tay không và có vũ khí), kỹ năng chiến đấu (vật và đấm đá; đứng và nằm trên mặt đất) và mục đích (tự vệ, biểu diễn, rèn luyện sức khỏe hay thi đấu thể thao). Trong võ thuật Trung Quốc, còn có khái niệm ‘ngoại công’ và ‘nội công’.
Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về các môn võ có thể gây chết người trên thế giới với trọng tâm chủ yếu là các môn chiến đấu và tự vệ. Có thể sau khi xem bài viết này, bạn sẽ muốn học ngay một môn võ, bởi nhiều lợi ích của nó như tự vệ, tăng cường sức khỏe (cả thể chất và tinh thần), tăng cường sức bền, dẻo dai, sự tự tin, tính kỷ luật.
Công phu Thiếu Lâm (Trung Quốc)
Nguồn gốc: Võ Thiếu Lâm là một trong các môn võ cổ xưa nhất tại Trung Quốc, bắt nguồn từ chùa Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam. Chùa Thiếu Lâm được xây dựng vào năm 495 sau Công nguyên và người đầu tiên thuyết giảng kinh Phật tại đây là một tăng sĩ Ấn Độ Phật Ðà-Bạt-Ðà-La (Buddhabhadra). Một tăng sĩ Ấn Độ khác Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người sáng lập ra Phật giáo Thiền tông, đến Thiếu Lâm vào năm 527 sau Công nguyên. Có nhiều ý kiến cho rằng ông là người sáng lập ra võ Thiếu Lâm, nhưng vẫn chưa thể khẳng định.
Đặc điểm: Được các tăng nhân Thiếu Lâm khổ luyện, các kỹ năng cơ bản của Võ Thiếu Lâm thường tập trung vào khả năng chịu đựng, sự linh hoạt, tính bền bỉ và thăng bằng. Nó thể hiện niềm tin của người Trung Quốc cổ xưa về “sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên” và đề cao các chiêu thức phù hợp với cấu trúc cơ thể tự nhiên của con người. Trên cơ sở các chiêu thức quyền và cước, võ Thiếu Lâm gây ấn tượng với tốc độ ra đòn nhanh như chớp và sức mạnh phi thường.
Muay Thái (Thái Lan)
Nguồn gốc: Muay Thái là môn võ đối kháng bắt nguồn từ Thái Lan vào thế kỷ 16. Theo lời kể, trong suốt cuộc chiến giữa Miến Điện và Xiêm La, một chiến binh tên Nai Khanomtom bị Miến Điện bắt giữ. Ông nổi tiếng thành thạo các kỹ năng chiến đấu tay đôi và người Miến Điện cho ông cơ hội chiến đấu để giành lại sự tự do. Với khả năng của mình, ông đã chiến thắng trận đấu và trở về Xiêm La, nơi ông được chào đón như một vị anh hùng. Kỹ năng chiến đấu của ông chính là Muay Thai và sớm được công nhận là môn thể thao quốcgia.
Đặc điểm: Được gọi là “Nghệ thuật 8 chi” hay “Kỹ thuật 8 chi”, Muay Thai sử dụng các cú đấm, đòn đá, giựt cùi trỏ và lên gối. Đặc điểm nổi bật của Muay Thái là sự kết hợp của kỹ thuật ôm ghì và tấn công ở tư thế đứng để quật ngã hoặc quăng ngã đối thủ. “Cú đấm ngàn cân” được cho là có thể hạ gục một con trâu mộng chỉ với một chiêu thức! Bên cạnh việc là một môn võ thuật để tấn công và tự vệ, Muay Thái cũng là một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe và tiêu khiển.
Kalaripayattu (Ấn Độ)
Nguồn gốc: Kalaripayattu là một trong các trường phái võ thuật lâu đời nhất trên thế giới, bắt nguồn ở Kerala và khu vực phía Nam của Tamil Nadu, Ấn Độ. Hiện tại chưa xác định ai là người sáng lập nhưng theo truyền thuyết Ấn Độ cho rằng đó là Thần Shiva, Sage Agastya hay Parashurama, là hiện thân kiếp thứ 6 của Thần Vishnu. Môn võ này đã được phát triển từ thế kỷ thứ 6 trong cuộc chiến giữa 2 đế chế Chera và Chola. Chiến tranh lan rộng buộc các chiến binh phải trui rèn võ thuật và phát triển các kỹ thuật hiệu quả trong thực chiến.
Đặc điểm: Kalaripayattu nghĩa là ‘Luyện võ trên chiến trường’. Đặc điểm của môn võ này là các cú đá, đòn đánh, khóa xiết, sử dụng vũ khí và phương pháp trị thương. Các kỹ thuật được kết hợp trên cơ sở các đòn chân và tư thế mô phỏng động vật. Có 2 trường phái cơ bản: Kalaripayattu phương Bắc dựa trên chuyển động linh hoạt, các cú nhảy, đòn thế phòng thủ và sử dụng vũ khí trong khi Kalaripayattu phương Nam lại dựa vào chiến đấu tay không và tấn công vào các huyệt đạo.
Krav Maga (Israel)
Nguồn gốc: KravMaga (nghĩa là cận chiến) là hệ thống tự vệ được phát triển bởi lực lượng phòng vệ Israel. Bắt nguồn từ các kỹ thuật chiến đấu đường phố được phát triển bởi một võ sư Imi Lichtenfeld. Ông sử dụng các kỹ thuật trong đấm bốc và đấu vật để phát triển các kỹ thuật này và sử dụng để bảo vệ người Hồi giáo khỏi các nhóm phát xít ở Czechoslovakia vào những năm 1930. Vào cuối những năm 1940, ông di cư đến Israel và bắt đầu truyền dạy các kỹ thuật chiến đấu, mà sau này phát triển thành Krav Maga.
Đặc điểm: Không phải là môn võ thuật cổ truyền, Krav Maga là sự kết hợp kỹ thuật của các loại võ judo, aikido, đấm bốc và đấu vật. Điểm nổi bật là chú trọng vào các tình huống thực chiến và dựa trên triết lý phòng thủ và tấn công cùng lúc cũng như vô hiệu hóa các mối đe dọa. Mặc dù Krav Maga khuyến khích tránh đối đầu trực tiếp, nhưng trong trường hợp buộc phải xuất chiêu, sẽ tập trung vào việc kết thúc trận đấu càng nhanh càng tốt. Nổi tiếng với tính hiệu quả và cách phản đòn hiểm hóc có thể gây thương tích nặng hoặc lấy mạng đối thủ.
Ninjutsu (Nhật Bản)
Nguồn gốc: Ninjutsu (Nhẫn thuật) là hệ thống các thế võ và chiến thuật được phát triển chủ yếu để do thám, phá hoại và đánh lén. Môn võ này được tạo ra và tập luyện bởi các shinobi (thường được biết với cái tên ninja). Được sử dụng lần đầu tiên trong một trận chiến thuộc cuộc chiến tranh Genpei (1180-1185), nhưng được phổ biến trong thời kỳ Segoku (1467-1603), cũng được biết với cái tên “Thời kỳ Chiến quốc”. Môn võ này được cho là phát triển tại tỉnh Koka và Iga, Nhật Bản.
Đặc điểm: Ninjutsu được phát triển chủ yếu với một loạt các kỹ thuật sinh tồn và đòi hỏi sự khổ luyện như phi thân, ngụy trang, tẩu thoát, ẩn thân, phóng phi tiêu và chữa thương. Kỹ thuật của Ninjutsu bao gồm các cú đá, khóa xiết (grappling), đấm đá gây sát thương khi va chạm trực tiếp (striking) và chiến đấu tay không. Ngoài ra, môn võ này cũng nổi tiếng với việc sử dụng các công cụ và vũ khí như kiếm, giáo, dao găm, phi tiêu và dây thừng đầu có móc sắt.
Sambo (Nga)
Nguồn gốc: Sambo là loại võ được phát triển bởi Hồng quân Liên Xô để cải thiện kỹ thuật chiến đấu đối kháng. Sambo là viết tắt của SAMozashchita Bez Oruzhiya, nghĩa là ‘tự vệ không có vũ khí’. Môn võ là hội tụ của các kỹ thuật chiến đấu được phát triển độc lập bởi Viktor Spiridonov và Vasili Oshchepkov. Oshchepkov đã tập luyện Judo vài năm tại Nhật Bản và đã đạt được nhị đẳng huyền đai dưới sự huấn luyện của tổ sư môn võ Judo Kano Jigoro. Sau đó ông dạy judo trong Hồng quân. Trong khi đó, Spiridonov đã tập luyện các môn võ của Liên Xô cùng với niềm đam mê Jujutsu của Nhật Bản. Cả hai bị cuốn hút bởi niềm tin kỹ thuật chiến đấu tay không của quân đội Liên Xô có thể được phát triển bằng cách kết hợp kỹ thuật của các phái võ nước ngoài. Điều này khiến cả hai phát triển các kỹ thuật chiến đấu mà sau này được kết hợp để tạo nên Sambo.
Đặc điểm: Sambo kết hợp kỹ thuật của các môn võ thuật và thể thao như Judo (Nhu đạo), Đấu vật, Jujutsu (Nhu thuật) và võ thuật cổ truyền Liên Xô. Đặc điểm nổi bật là sự kết hợp của các đòn thế khóa xiết (grappling), các thế vật (wrestling) và kỹ thuật đấm đá gây sát thương khi va chạm trực tiếp (striking). Một vài kỹ thuật đặc trưng của môn võ này gồm đánh ngã kết hợp kỹ thuật của judo và môn vật, kỹ năng kiểm soát đối thủ khi nằm trên mặt đất và khóa chân.
Eskrima (Philippines)
Nguồn gốc: Eskrima, cũng được gọi Arnis và Kali, là môn võ cổ truyền và môn thể thao quốc gia của Philippines. Nguồn gốc của môn võ này bắt nguồn từ các kỹ thuật chiến đấu của người bản địa và được phát triển trong suốt thời gian xung đột giữa các bộ lạc Philippines và các vương quốc trước khi thực dân Tây Ban Nha đến và chiếm đóng. Qua thời gian, môn võ này chịu sự ảnh hưởng dưới sự bảo hộ của Tây Ban Nha cũng như võ thuật Trung Hoa, Ảrập và Ấn Độ được truyền bá vào bởi những người khai hoang và thương gia. Một giả thiết khác là Arnis có nguồn gốc từ Silambam, một trường phái võ thuật sử dụng vũ khí ở Ấn Độ, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng võ thuật của các nước Đông Nam Á khác như Silat.
Đặc điểm: Eskrima là trường phái võ thuật cơ bản sử dụng vũ khí, chủ yếu là gậy, dao và kiếm. Kỹ thuật chiến đấu đặc trưng là các đòn đá sáng tạo, các đòn ở tư thế thấp và phòng thủ hay phản đòn các góc tấn công. Môn võ này cũng bao gồm cả các kỹ thuật chiến đấu tay đôi khác như đá, đấm, khóa và khóa xiết cũng như các kỹ thuật tước vũ khí.
LINE (Mỹ)
Nguồn gốc: LINE, viết tắt của cụm “Linear Infighting Neural Override Engagement”, được phát triển bởi một người lính Thủy chiến lục quân nghỉ hưu tên Ron Donvito. Môn võ này được Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng trong giữa những năm 1989 - 1998 và Lực lượng đặc biệt quân đội Mỹ sử dụng từ 1998-2007. Được thiết kế để sử dụng trong các tình huống chiến đấu khắc nghiệt và cụ thể.
Đặc điểm: Các kỹ thuật được dùng trong LINE xuất phát từ các môn võ thuật khác nhau và nổi bật với các kỹ thuật khóa xiết và đấm đá gây sát thương khi va chạm trực tiếp (striking). Môn võ được thiết kế để áp dụng trong điều kiện tầm nhìn kém, tinh thần thể chất suy giảm và phải mang vác các thiết bị, khí tài khi chiến đấu. Mỗi đòn thế đều mang tính chí mạng và có thể lấy mạng đối thủ ngay lập tức. Môn võ này được thay thể bởi Chương trình huấn luyện quân đội hiện đại (MACP) vào năm 2007.
Teakwondo (Hàn Quốc)
Nguồn gốc: Taekwondo là môn võ cổ truyền của Hàn Quốc, tên gọi được ghép từ các chữ: tae (nghĩa là cước pháp), kwon (nghĩa là quyền pháp) và do (nghĩa là đạo, phương pháp tập luyện). Nguồn gốc của Taekwondo hiện đại được cho là xuất phát từ các võ quán (kwans) được mở ra ngay sau khi kết thúc sự chiếm đóng của Nhật Bản vào khoảng năm 1945. Mỗi võ quán đều dạy môn võ tổng hợp của mình trong những năm 1940-1950 mà sau đó thống nhất thành Taekwondo. Ban đầu môn võ này được đặt tên là Tae Su Do, nhưng Choi Hong Hi, một sĩ quan quân đội Hàn Quốc đồng thời là võ sư, chủ trương đổi tên thành Tae Kwon Do, thay thế chữ su (nghĩa là thủ, bàn tay) thành chữ kwon. Khởi đầu môn võ này chưa phổ biến đối với tầng lớp dân chúng, nhưng với việc sử dụng huấn luyện trong quân đội đã giúp nó được đón nhận và ưa chuộng rộng rãi.
Đặc điểm: Tập trung vào tốc độ và tính linh hoạt, Taekwondo nổi bật với các kỹ thuật đá cao đầu, đá xoay vòng trên không và đòn đá tốc độ nhanh. Để cải thiện tốc độ, Teakwondo sử dụng các tư thế hẹp hơn trong các môn võ thuật khác. Trong thi đấu thể thao hiện đại, Taekwondo chú trọng đặc biệt vào những đòn chân với những cú đá đầy uy lực. Tuy nhiên, thực tế Taekwondo có một số lượng đòn tay khá lớn, nếu xem xét các bài quyền và chương trình luyện tập, người tập dễ nhận thấy số lượng đòn tay của Taekwondo nhiều gấp ba lần các đòn tấn công hoặc phòng ngự bằng chân.
Gatka (Ấn Độ)
Nguồn gốc: Gatka là môn võ cổ truyền của đạo Sikh tại Ấn Độ. Môn võ được phát triển như hiện tại qua hàng thời kỷ từ thời guru thứ 6 của đạo Sikh, Guru Hargobind, ban đầu truyền bá triết lý về sức mạnh chính quyền và tinh thần (miri-piri) và nhấn mạnh vào nhu cầu tập luyện các kỹ thuật chiến đấu để tự vệ. Sau đó, dưới thời của guru thứ 10, Guru Gobind Singh, Gatka được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ với việc tập hợp một nhóm người gọi là Khalsa, những chiến binh, kiếm sĩ sử dụng điêu luyện giáo mác và chakram (một loại vũ khí ném). Qua thời gian, Gatka cũng dần chịu ảnh hưởng bởi các kỹ thuật đơn giản hơn của phái Gatka được luyện tập bởi cộng đồng người Jat.
Đặc điểm: Tập trung chủ yếu vào việc sử dụng vũ khí, Gatka sử dụng các loại vũ khí như kiếm, Kirpan (dao), Kataar (dao găm), gậy và khiên. Có cả thảy 10 dạng thức Gatka, mô phỏng theo các loài động vật và thần thánh, đòi hỏi trong quá trình tập luyện phải tuân theo thứ tự cụ thể đã được hệ thống hóa. Việc thuận cả hai tay được đánh giá cao và Gatka nhấn mạnh đồng thời sử dụng cả 2 tay khi chiến đấu (như hai gậy, kiếm và gậy, kiếm và khiên). Nguyên tắc cơ bản của Gatka trong thực chiến là chatka (hạ gục đối thủ nhanh chóng) - kết thúc trận chiến càng nhanh càng tốt với việc lấy mạng đối thủ hoặc gây trọng thương để không còn khả năng chiến đấu bằng cách đánh bất tỉnh hay bẻ gãy tay, chân.
(Nguồn: Punditcafe)
Cùng Ohay khám phá thế giới:
- Những luật lệ lạ lùng trên thế giới
- Các lá cờ kỳ thú trên thế giới
- Sự tương đồng thú vị tên gọi các ngày trong tuần củacác ngôn ngữ
- Những cách chào hỏi thú vị trên thế giới
- Nguồn gốc tên gọi các thương hiệu nổi tiếng
- Bí mật của các biểu tượng nổi tiếng thế giới. Có thể bạnchưa biết?
- Loài vật nhìn thế giới như thế nào?