103 Loài Dị thú trong văn hóa Trung Quốc (P1)
Đăng 5 năm trướcSơn Hải Dị Thú Chí, Sơn Hải Kinh được xem là bách khoa toàn thư thời thượng cổ Trung Quốc. Bộ kỳ thư này mô tả các thần thoại, địa lý, động vật, khoáng vật, vu thuật, tôn giáo, cổ sử, y thuật, tập tục dân tộc ở thời kì cổ đại.
Sơn Hải Kinh được chia thành 2 phần: Sơn Kinh (5 quyển), Hải Kinh (8 quyển), Đại Hoang Kinh (4 quyển), Hải Nội Kinh (1 quyển), tổng cộng 18 quyển 31,000 chữ. Bộ sách này được lưu truyền qua nhiều thời kỳ, chứng thực có, truyền khẩu cũng có và mang nhiều màu sắc thần thoại.
Tuy vậy, đối vói các nhà sử học, đây là một bộ sách uyên thâm, có giá trị khoa học, đáng tham khảo cho những người nghiên cứu về văn học, sử học, dịch thuật, … Bộ “Dị thú chí” trích từ một phần của Sơn Hải Kinh, mô tả những loài dị thú thời xưa: Thanh Long, Chu Tước, Huyền Vũ, Bạch Hổ, Nhân Xà,… cùng nhiều loài vật khác mà bạn chắc chắn chưa bao giờ nghe qua.
Dưới đây là 103 loài Dị thú được liệt kê trong bộ sách, mời các bạn cùng xem!
1. Cửu Dư – 犰狳
Tựa như con thỏ mà mỏ chim, mắt cú mèo mà đuôi rắn, thấy người thì giả chết. Các nhà khí tượng cổ đại cho rằng Cửu Dư xuất hiện là dấu hiệu nông trại có châu chấu hại mùa. Cửu Dư có nguyên hình ở trong thực tại, còn được gọi là “Khải thử”, bởi vì cơ thể và hình dạng của nó giống như là một con chuột lớn khoác áo giáp. Cái vỏ trên người Cửu Dư được tạo thành bởi rất nhiều mảnh xương nhỏ, trên mỗi mảnh xương mọc ra một lớp chất sừng, vô cùng cứng rắn. Cho nên, bộ vỏ này đã trở thành vũ khí phòng thân tốt nhất của nó.
2. Thiên Cẩu – 天狗
Ở trong truyền thuyết Trung Quốc, hiện tượng nguyệt thực được gọi là “Thiên Cẩu ăn mặt trăng”, mọi người hoang mang lo sợ khua chiêng gõ trống bắn pháo để xua đuổi Thiên Cẩu. Loài động vật giống con cáo mà đầu trắng này rất có thể là một loài động vật có vú cổ đại nào đó, đã từng thật sự tồn tại qua.
3. Nhân Mã – 人马
“Nhân Mã” thật ra là một loài cá rất thần kỳ. “Nhân Mã” cũng được gọi là “Mã Nhân 马人”, toàn thân được bao phủ bởi mảng lớn vảy, trông rất giống cá chép thế nhưng thân hình lớn hơn. Tuy rằng cơ thể là cá, nhưng khuôn mặt lại rất giống ngũ quan của con người.
4. Nhân Xà – 人蛇
Nhân Xà ăn thịt người, bình thường Nhân Xà gặp phải con người sẽ cười to trước, sau đó mới nhanh chóng ăn tươi nuốt sống sạch sẽ. Thế nhưng tốc độ đi của Nhân Xà vô cùng chậm chạp, nếu như con người gặp phải Nhân Xà cười với mình, lập tức quay đầu chạy, Nhân Xà cũng không đuổi kịp con người.
Bản ghi chép về Nhân Xà có thể thấy trong ''Xà Phổ'' mà Trần Nguyên Long triều Thanh viết: “Nhân Xà 人蛇, dài bảy thước, màu sắc như mực. Đầu rắn, đuôi rắn, thân rắn, đuôi dài khoảng một thước, mà tay người chân người, dài ba thước. Đi đứng như người, ra ngoài thì tập hợp theo bầy, thấy người thì cười cợt, cười chút thôi liền cắn. Nhưng đi rất chậm, nghe nó cười thì chạy ngay mới có thể thoát.”
5. Cửu Nhĩ Khuyển – 九耳犬
Điển tích của Cửu Nhĩ Khuyển được trích từ ''Quảng Đông Tân Ngữ - Thần Ngữ · Lôi Thần'' của Khuất Đại Quân 屈大均 triều Thanh: “Thời Trần, Trần Hồng 陈鉷 người Lôi Châu 雷州 không con, nghề nghiệp săn bắt, nhà có Cửu Nhĩ Khuyển, rất linh. Hễ sắp đi săn, tai chó dự đoán, một tai nhúc nhích thì săn được một con, nhiều thì nhúc nhích ba bốn tai, ít thì một hai tai. Một lần đi săn, mà chín tai đều nhúc nhích, Hồng mừng lớn, cho rằng nhất định sẽ được nhiều thú, một khu có bụi gai, Cửu Nhĩ Khuyển quay chung quanh không đi. Lạ thay, có một trứng lớn, đường kính một thước, mang trở về, giông tố mãnh liệt. Trứng nở, chính là một nam tử, tay có chữ, trái viết Lôi 雷, phải viết Châu 州.”
6. Cửu Vĩ Xà – 九尾蛇
Truyền thuyết Cửu Vĩ Xà từng được ghi chép trong ''Tục Tử Bất Ngữ - Cửu Vĩ Xà'' do Viên Mai triều Thanh viết: “Có kẻ tên Mao Bát 茅八, thời trẻ từng buôn giấy vào Giang Tây 江西. Núi sâu nhiều xưởng giấy, người trong xưởng lưu lại liền chốt cửa, dè chừng không nên đi nơi khác, rằng trong núi nhiều dị vật, không chỉ có hổ sói, một tối trăng rất sáng, Mao không ngủ được, muốn mở cửa ra ngoài ngắm trăng, co ro bốn lần, ỷ vào võ dũng vẫn còn có thể chịu đựng được, bèn mở cửa ra ngoài. Đi chưa được mấy chục bước, chợt thấy bầy khỉ mấy chục con, khóc lóc chạy đến, chọn một cây lớn leo lên, Mao cũng nhìn lén từ xa. Không bao lâu liền trông thấy một con rắn, từ trong rừng đi ra, cơ thể như cột vòm, hai mắt sáng quắc, bộ da đều như vẩy cá mà cứng, từ eo trở xuống có chín đuôi, kéo nhau mà đi, có tiếng như thiết giáp. Song đến dưới cây, nó bèn dựng đuôi, xoay tròn thành điệu múa. Mỗi đuôi có một lỗ nhỏ, bên trong lỗ tiết ra nước dãi như đạn bắn lên cây. Bên trong bầy khỉ, có con kêu gào rơi xuống đất, bụng nứt ra mà chết. Bèn từ từ ăn ba con khỉ, kéo đuôi mà đi. Mao sợ, quay về, tất nhiên là đêm tối không dám ra ngoài.”
7. Tam Giác Thú – 三角兽
Tam Giác Thú đại biểu cho sự may mắn, các đế vương gia thời cổ đại thường hay vẽ hình tượng Tam Giác Thú lên cờ xí dùng cho hoạt động lễ nghi. Nếu như một người nào đó từ nhỏ có khí chất đế vương, cũng có khả năng sẽ hấp dẫn Tam Giác Thú. Trên đầu Tam Giác Thú mọc ba cái sừng, trên chân có ngọn lửa, bộ lông có màu xanh lục.
8. Đan Ngư – 丹鱼
Đan Ngư là Thần ngư trong truyền thuyết, khắp toàn thân từ trên xuống dưới được bao bọc bởi ánh hào quang chói mắt, nghe nói bôi máu của Đan Ngư lên chân có thể đi đứng được ở trên mặt nước. Truyền thuyết Đan Ngư bắt đầu sớm nhất ở Bắc Nguỵ, là vật điềm lành. Truyền thuyết kể rằng nhìn thấy Đan Ngư thì sẽ gặp chuyện tốt, thế nhưng xác suất nhìn thấy thần ngư lại là nhỏ càng thêm nhỏ.
9. Bạch Viên – 白猿
Bạch Viên là một loài dị thú có ngoại hình rất giống con khỉ, tay chân rất dài, giỏi leo trèo, tiếng kêu cực kỳ thê thảm.
Bạch Viên ở cổ đại được cho là hầu đã trải qua nhiều năm phát triển biến hoá mà thành, tượng trưng trường thọ nhiều phúc. Trong ''Bão Phác Tử · Đối tục thiên'' từng ghi chép: “Hầu 猴 thọ tám trăm bách biến thành Viên 猿, thọ năm trăm biến thành Quặc 玃.” Trong ''Bản thảo cương mục'' của Lý Thời Trân cũng có nói: “Viên sinh ở núi sâu Xuyên Quảng, cánh tay rất dài, có thể dẫn khí, do đó thọ lâu.”
Bạch Viên trích từ ''Sơn Hải Kinh - Nam Sơn Kinh'': “Núi Đường Đình 堂庭, có nhiều Bạch Viên 白猿.”
[1] Dưỡng Do Cơ 養由基, xuất hiện trên võ đài lịch sử từ 606TCN-559TCN) là người nước Sở thời Xuân Thu. Ông là một danh tướng dưới hai đời vua Sở Trang Vương và Sở Cung Vương, nổi tiếng về tài bắn cung “bách bộ xuyên dương” (cách xa 100 bước bắn xuyên qua lá dương.
10. Lộc Thục – 鹿蜀
Lộc Thục là một loài thần thú cổ đại, dáng vẻ giống như ngựa, đầu màu trắng, đuôi màu đỏ, thân mình đầy vằn hổ, kêu lên giống như con người đang hát. Truyền thuyết kể rằng mặc da lông của Lộc Thục ở trên người mình thì có thể khiến cho con cháu gia tộc hưng thịnh, ở thời Sùng Trinh nhà Minh, trên phố loan truyền rằng có người từng thấy qua Lộc Thục.
Ở trong ''Đồ tán'' của Quách Phác có nói: “Thú Lộc Thục, bản chất ngựa vằn hổ. Ngẩng đầu kêu dài, duỗi chân nhảy chồm. Mặc da lông của nó, con cháu như mây.”
11. Toàn Quy – 旋龟
Toàn Quy là một loại dị thú đầu chim, cơ thể giống rùa đen, đuôi giống rắn độc. Âm thanh khi Toàn Quy kêu lên rất giống tiếng gõ vào gỗ, người ta mang theo Toàn Quy ở trên người, có thể ngăn cản ù tai, tăng cường thính lực, còn có thể trị vết chai chân.
Trong ''Thập Di Ký'' có ghi chép khi Đại Vũ trị thủy “Hoàng Long kéo đuôi ở trước, Huyền Quy vác bùn đen ở sau”. “Huyền Quy” được nhắc tới trong ''Thập Di Ký'' chính là con Toàn Quy đầu chim thân rùa đuôi rắn này, kể rằng khi Toàn Quy ở triều nhà Hạ từng cùng Hoàng Long hiệp trợ Đại Vũ sửa trị lũ lụt.
12. Lục – 鯥
Lục, là một loài quái ngư ở giữa ranh giới sinh tử trong Sơn Hải Kinh. Trong truyền thuyết Lục có bốn loại hình thái: đầu trâu thân cá, đuôi rắn có cánh; đầu thú thân cá móng trâu, đuôi rắn có cánh; đầu thú thân cá, đuôi rắn không cánh; đầu thú thân cá, đuôi rắn có cánh.
Lục thường sinh sống ở nơi kề sông tựa núi, tiếng kêu của nó trầm thấp, rất giống tiếng trâu kêu. Lục thường ngủ đông vào mùa đông, chỉ ra ngoài hoạt động vào mùa hè, cho nên mọi người xem Lục như là biểu tượng cho sự khởi tử hoàn sinh, sau khi ăn nó có thể trị bệnh u bướu.
[2] Nguyên văn là 魼 tức 胠 chữ đồng thanh mượn tiếng chỉ bộ phận dưới nách trên sườn.
13. Loại – 类
Loại còn được gọi là Lệnh Hồ, dáng vẻ giống mèo rừng, đầu có lông dài, là một loài kỳ thú lưỡng tính. Trong "Bản Thảo Thập Di" có câu miêu tả Loại: “Linh miêu sống ở sơn cốc Nam Hải, hình dáng như con mèo rừng, tự làm tẫn mẫu.”, miêu tả trong "Dị Vật Chí" thì lại ngắn gọn hơn nhiều: “Linh miêu nhất thể, tự làm âm dương.” Truyền thuyết Vân Nam có loài linh thú này, cổ nhân gọi là “Hương Mao”, người ăn qua thịt Loại sẽ không còn lòng ganh tỵ nữa.
14. Chuyên Dã – 猼訑
Chuyên Dã là một loài quái thú, dáng vẻ nó như một con sơn dương, thế nhưng có chín cái đuôi và bốn cái lỗ tai, con mắt của Chuyên Dã mọc ở trên lưng. Nghe nói con người lấy được da lông của nó khoác lên người, thì sẽ không còn lòng sợ hãi nữa.
Về Chuyên Dã, trong "Đồ Tán" của Quách Phác có viết: “Chuyên Dã như con dê, mắt mọc ngược sau lưng. Nhìn nó thì kỳ, đẩy nó thì quái. Nếu muốn không e sợ, đính da nó mà mặc.”
15. Quán Quán – 灌灌
Quán Quán là một loài chim may mắn, dáng vẻ như chim cưu, kêu lên rất giống tiếng người ngáy ngủ. Nghe nói đặt thịt loài chim này nướng trên lửa, mùi vị vô cùng tươi ngon. Đào Tiềm có thơ viết: “Thanh Khâu hữu kỳ điểu, tự ngôn độc kiến nhĩ. Bản lực mê giả sinh, bất dĩ dụ quân tử.” Truyền thuyết kể rằng đeo lông vũ của Quán Quán ở trên người, có khả năng không bị mê hoặc.
16. Cổ Điêu -蛊雕
Trong 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ hai》 có ghi chép về Cổ Điêu: “Núi Lộc Ngô 鹿吳, nước sông Trạch Canh 澤更 đi ra, rồi chảy về hướng nam trút vào Bàng Thủy. Có loài thú, tên là Cổ Điêu 蛊雕, dạng nó như chim đại bàng mà có sừng, tiếng nó như tiếng kêu của trẻ sơ sinh, ăn thịt người.”
17. Tê – 犀
Tê rất giống trâu nước, chân và bàn chân giống voi lớn, đầu giống con heo, trên đầu mọc ba cái sừng, lần lượt là ở trên đỉnh đầu, cái trán và cái mũi. Trong miệng thường xuyên khạc ra bọt máu. Sừng Tê có khả năng giải độc, Lý Thời Trân có nói sừng Tê là “Nơi tụ họp tinh linh của Tê, còn là thuốc giàu âm dương, có thể giải nhiều độc”. Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 có ghi chép: “Tê xuất hiện ở nhiều nơi như Tây Phiên Nam Phiên Điền Nam Giao Châu, có ba loại Sơn Tê, Thủy Tê, Hủy Tê, lại có thêm Mao Tê, tựa như Sơn Tê, sống ở núi rừng, nhiều người thấy được. Thủy Tê ra vào trong nước, hiếm thấy nhất.”
18. Li Lực – 狸力
Li Lực là một loài kỳ thú, dáng vẻ của nó giống như con heo, chân gà, kêu lên giống như tiếng chó sủa. 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Li Lực Li Hồ, hoặc bay hoặc nằm. Là chỉ đất lành, có thể xây dựng kiến trúc. Lao dịch Trường Thành, cùng đậu đất Tần.” Li Lực tượng trưng cho công trình xây dựng phồn vinh, chỉ cần là nơi Li Lực xuất hiện, nhất định là đang xây dựng rầm rộ.
19. Hủy – 兕
Tướng mạo của Hủy rất giống một con trâu, thân thể màu xám đen, trên đầu mọc một cái sừng. Hủy còn được gọi là Độc Giác Thú, tượng trưng cho văn đức, cổ nhân thường hay khắc hình ảnh của Hủy lên đồ đồng thau hoặc là vẽ thành chân dung để làm đồ trang trí. Quách Phác chú thích: “Tê như trâu nước, Hủy cũng như trâu nước, màu đen, một sừng, nặng ngàn cân.” Chuyện thú vị có liên quan đến Hủy được ghi chép trong 《Tam Tài Đồ Hội》: “Hủy như hổ mà nhỏ, không cắn người. Ban đêm đứng một mình ở đỉnh vách núi cao nhất, nghe tiếng suối, rất yên tĩnh, cho đến khi chim muông hót, trời gần sáng mới quay về tổ.”
20. Hổ Giao – 虎蛟
Hổ Giao là quái giao không phải cá không phải rắn sống trong nước. Hổ Giao trong truyền thuyết có hai loại hình thái: một loại là mặt người thân cá đuôi rắn, bốn chân có vảy; một loại là mặt người thân cá đuôi thú. Tiếng kêu của Hổ Giao giống như chim uyên ương, ăn được thịt của Hổ Giao có thể phòng ngừa bệnh u bướu, mà còn thể trị các loại vết thương lở loét. Trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Thân cá đuôi rắn, gọi là Hổ Giao.” Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân cũng có ghi chép: “Có vảy gọi Giao.”
21. Phượng Hoàng – 凤皇
Phượng Hoàng 凤皇 là tên gọi khác của Phượng Hoàng 凤凰, con trống gọi là Phượng 凤, con mái gọi là Hoàng 凰, cùng Lân 麟, Quy 龟, Long 龙 gọi chung là tứ linh. Phượng Hoàng là vua của muôn chim, 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân miêu tả Phượng Hoàng: “Vũ trùng[3] ba trăm mà có sáu mươi là Phượng đứng đầu.” Phượng Hoàng là Chu Điểu (tức Chu Tước) của phương nam, tượng trưng cho đức hạnh và điềm lành. 《Bão Phác Tử》ghi Phượng có ngũ hành: “Do hành Mộc là nhân 仁, là xanh. Trên đầu Phượng xanh, do đó cũng gọi là đội nhân 戴仁. Hành Kim là nghĩa 义, là trắng. Phượng cổ trắng, do đó cũng gọi là buộc nghĩa 缨义. Hành Hỏa là lễ 礼, là đỏ. Phượng lưng đỏ, do đó cũng gọi là gánh lễ负礼. Hành Thủy là trí 智, là đen. Phượng ngực đen, do đó cũng gọi là hướng trí 向智. Hành Thổ là tín 信, là vàng. Dưới chân Phượng vàng, do đó cũng gọi là đạp tín 蹈信.”
[3] Thời cổ đại lấy trùng 虫 làm tên gọi chung của động vật. Cơ thể động vật có lông vũ (tức loài chim) gọi là vũ trùng 羽虫.
22. Chuyên Ngư – 鱄鱼
Chuyên Ngư là một loài quái ngư trong truyền thuyết, một cái khác nói giống cá trích bây giờ, thân khoác lông lợn, kêu lên giống như tiếng lợn; một cái khác lại nói tựa như rắn mà đuôi lợn. Truyền thuyết kể rằng Chuyên Ngư là điềm báo thiên hạ đại hạn, song song đó Chuyên Ngư còn là mỹ vị hiếm có thế gian, 《Lã thị Xuân Thu》 có nói: “Loài cá đẹp nhất, Chuyên của Động Đình.” Chuyên Ngư trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có nói: “Chim Ngung đỗ lại trong rừng, Chuyên Ngư ở chỗ nước sâu. Đều là điềm báo hạn hán, tai họa kéo dài khắp trời. Dự đoán không được, số nó chỉ khó hiểu.”
23. Ngung – 颙
Ngung là một loài quái điểu mặt người thân cú, bốn mắt có tai. Giống như Chuyên Ngư, cũng là điềm báo đại hạn. Truyền thuyết kể rằng năm hai mươi Vạn Lịch, chim Ngung tụ tập ở Ninh Tự thành Dự Chương, cao khoảng hai thước, bầy chim yến tước hót, là tháng năm đến tháng bảy hằng năm, hè nóng bức dị thường. Lại nói Nhâm Thìn[4] Vạn Lịch, chim Ngung tụ tập Dự Chương, mặt người bốn mắt có tai, mùa hè năm đó không có mưa, ruộng mạ khô héo. Thời cổ đại tướng mạo của Ngung có ba loại cách nói: một cái nói mặt người thân chim, bốn mắt có tai; một cái nói mặt người thân chim, hai mắt có tai; một cái nói là bốn mắt không phải chim mặt người.
[4] Thông thường, năm Nhâm Thìn được bắt đầu vào khoảng tháng 1 hoặc tháng 2 năm dương lịch và kết thúc vào khoảng thời gian tương ứng của năm dương lịch tiếp theo.
24. Hàm Dương – 羬羊
Hàm Dương là một loài quái thú, dáng vẻ giống như con dê, thế nhưng có cái đuôi ngựa, mỡ của loài dê này có thể trị khỏi bệnh tật về da cho con người. 《Nhĩ Nhã[5]》 ghi chép bề ngoài của Hàm Dương là: “Dê sáu thước là Hàm.” Trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Dê ở Nguyệt Thị, chủng loại hoang dã. Nó cao sáu thước, đuôi đỏ như ngựa. Lấy gì xác định, sự kiến nhĩ nhã.”
[5] Nhĩ Nhã 尔雅 là bộ từ điển của Trung Quốc thời kỳ cổ đại, một trong những tác phẩm kinh điển của Nho giáo được xếp vào danh sách thập tam kinh. Nhĩ nghĩa là cận (gần), nhã nghĩa là chính (tức nhã ngôn – lời nói nhã nhặn), nên Nhĩ Nhã nghĩa là cận chính, tức là tiếp cận với quy cách ăn nói sao cho nhã nhặn, đúng mực. Nội dung chủ yếu của Nhĩ Nhã là giải thích và khảo chứng vốn từ ngữ Trung Quốc thời cổ đại.
25. Đồng Cừ – 䳋渠
Đồng Cừ là một loài kỳ điểu có thể tránh né thiên tai, dáng nó giống như chim núi, có lông vũ màu đen và chân màu đỏ, có thể dùng để trị các loại bệnh về da. Đồng Cừ còn được gọi là Dong Cừ 庸渠, Thảo Cừ 草渠, 《Vận Phủ Quần Ngọc》 viết: “Dong Cừ như chim cú, màu xám, chân gà, có tên khác là Thủy Cừ 水渠, tức gà nước ngày nay.”
26. Phì Di (Xà) – 肥遗蛇
Còn được gọi là Phì Di Xà, là một con độc xà có sáu chân và bốn cánh, Phì Di Xà hiện thân tức thiên hạ đại hạn. Quách Phác chú dẫn: “Thời Thang rắn này thấy ở bên dưới Dương Sơn, sườn núi phía nam, trùng lặp có Phì Di Xà, giống như cùng tên.” Trong 《Thuật Dị Ký》 có ghi: “Phì Di, trong núi Tây Hoa cũng có, gặp thì đại hạn.” Thời cổ có hai phiên bản miêu tả Phì Di Xà: một cái nói Phì Di Xà sáu chân bốn cánh; một cái khác nói Phì Di đầu rắn thân rồng đuôi rắn.
27. Phì Di (Điểu) – 肥遗鸟
Phì Di Điểu là một loài chim có ích, có thể chữa khỏi bệnh tật, còn có thể giết chết sâu bọ có hại. Vẻ ngoài của Phì Di Điểu rất giống chim cút, lông vũ khắp người có màu vàng, mỏ đỏ. Phì Di Xà ở núi Thái Hoa, gặp thì đại hạn; nhưng Phì Di Điểu ở Anh Sơn lại có thể chữa khỏi bệnh tật, còn có thể giết chết sâu bọ. Tuy rằng hai loài cùng tên, nhưng Phì Di Xà là loài ác, Phì Di Điểu thì lại là loài tốt.
28. Thông Lung – 葱聋
Thông Lung là một loài kỳ dương, đầu màu đen, bờm màu đỏ. Sách tranh của Hồ Văn Hoán có viết: “Núi Phù Ngọc 符玉 có loài thú, tên là Thông Lung, dạng nó như con dê, bờm đỏ mà đầu đen.” Trong 《Sự Vật Cám Châu》 có ghi: “Thông Lung như dê, đầu đen bờm đỏ.” Hách Ý Hạnh chú dẫn: “Đây tức là một trong loài dê hoang dã, dê Kim Hạ cũng có con bờm đỏ.”
29. Mân – 鴖
Mân là loài chim chống lửa, dáng vẻ như chim phỉ thúy, mỏ có màu đỏ. 《Quảng Vận》 có viết: “Chim Mân như chim bói cá mà mỏ đỏ.” Quách Phác chú dẫn: “Chim phỉ thúy tựa như chim yến mà màu đỏ tím, là con vật phòng chống hoả hoạn.” Đại tác gia Uông Phất thời nhà Thanh nói: “Chim phỉ thúy có hai loại: Sơn thúy 山翠 lớn như chim gáy, màu tím xanh; thủy thúy 水翠 nhỏ như chim yến, mỏ đỏ bụng đỏ, lông xanh đuôi rất ngắn. Loài chim này như sơn thúy mà mỏ đỏ.”
30. Quặc Như – 玃如
Quặc Như là một loài quái thú tập hợp đặc trưng của ba loài động vật hươu, ngựa, người thành một thể. Trong 《Quảng Nhã》 ghi chép: “Phía tây có loài thú, như hươu đuôi trắng, chân ngựa tay người bốn sừng, tên nó là Quặc Như, cũng gọi là Quặc Quặc 玃玃.” 《Sự Vật Cám Châu》 viết: “Quặc Như dạng như hươu trắng, hai chân trước như tay người, hai chân sau như móng ngựa.”
31. Điệp – 鸓
Điệp là một loài kỳ điểu có hai đầu, dáng vẻ của nó giống như chim hỉ thước, lông vũ màu đen, có hai đầu và bốn chân. Sách tranh của Hồ Văn Hoán có nói: “Núi Đông Hoa có loài chim, dạng nó như hỉ thước, màu đỏ đen, một thân, hai đầu, bốn chân.” Điệp là loài chim điềm lành trong truyền thuyết thời cổ, có thể trừ lửa.
32. Du Sơn Thần – 羭山神
Du Sơn Thần là Sơn Thần của tổng cộng 19 ngọn núi từ núi Tiền Lai đến Quy Sơn, ngoại hình giống như một con dê. Uông Phất chú dẫn: “Du Sơn Thần, là thần của ngọn núi đó, Du, thuộc loài dê.” Du Sơn Thần đại biểu cho sự tôn sùng và sợ hãi đối với sông núi của nhân dân cổ đại.
33. Phù Hề – 凫徯
Phù Hề là quái điểu mặt người thân chim. Hồ Văn Hoán sách tranh: “Núi Lộc Đài có loài chim, dạng như gà trống mặt người, tên là Phù Hề, tiếng nó tự kêu tên mình. Gặp thì nước đó có chiến tranh.” Cơ thể Phù Hề giống gà, nhưng đầu lại là mặt người. Trong truyền thuyết Phù Hề là điềm báo chiến loạn, Phù Hề hiện thân tức quốc gia binh lửa giao chiến.
34. Chu Yếm – 朱厌
Chu Yếm thuộc về loài viên hầu, lông ở đầu thì là màu trắng, ở chân thì lại là màu đỏ, Chu Yếm cũng giống như Phù Hề đều là tượng trưng cho tai hoạ chiến tranh. Quách Phác chú dẫn: “Phù Hề Chu Yếm, gặp thì có chiến tranh. Khác loài cùng cảm, để ý không uổng, duy chỉ tự nhiên, số nó khó hiểu.”
35. Nhân Diện Mã Thân Thần – 人面马身神
Từ Kiềm Sơn 钤山 đến Lai Sơn có tổng cộng 17 ngọn núi, trong đó Sơn Thần của 10 ngọn núi là Nhân Diện Mã Thân Thần, Nhân Diện Mã Thân Thần có cơ thể là ngựa, nhưng đầu lại là một khuôn mặt người. Nhân Diện Mã Thân Thần còn được gọi là Thập Bối Thần 十辈神, Tây Sơn Thập Thần 西山十神. Về đi đứng, có người nói rằng Nhân Diện Mã Thân Thần là đứng thẳng mà đi, cũng có người nói rằng Nhân Diện Mã Thân Thần là bò mà đi.
36. Nhân Diện Ngưu Thân Thần – 人面牛身神
Từ Kiềm Sơn đến Lai Sơn có tổng cộng 17 ngọn núi, trong đó Sơn Thần của 7 ngọn núi được gọi là Nhân Diện Ngưu Thân Thần. Bởi vì Nhân Diện Ngưu Thân Thần có tốc độ đi rất nhanh, giống như chạy như bay, cho nên còn được gọi là vị thần thú bay飞兽之神. Nhân Diện Ngưu Thân Thần là Sơn Thần của 7 ngọn núi từ núi Huân Ngô 薰吴 trở xuống, vì vậy còn được gọi là Thất Thần 七神.
37. Cử Phụ – 举父
Cử Phụ 举父 cũng gọi là Khoa Phụ 夸父, dáng người rất lớn, hình dáng giống như con khỉ đuôi dài 猕猴, màu vàng đen, nhiều lông bờm, hay vung nhanh đầu của nó, có thể nâng đá ném người, hoặc vồ lấy.” Cổ đại có truyền thuyết Khoa Phụ đuổi theo mặt trời[6] sau cùng chết vì khát, đến nay vẫn còn lưu truyền.
[6] Tương truyền vào triều đại Hiên Viên Hoàng Đế, trong tộc Khoa Phụ có một thủ lĩnh muốn hái mặt trời xuống, đặt vào trong lòng mọi người, thế là liền bắt đầu đuổi theo mặt trời. Khi ông khát nước đã uống cạn hết nước sông Hoàng Hà và sông Vị, dự định chạy lên hồ lớn (hoặc biển lớn) phía bắc uống nước, nhưng dọc đường chạy đến đầm lớn thì bị khát chết. Cây gậy chống của ông hóa thành Đặng Lâm (Địa danh, nay ở gần Đại Biệt Sơn chỗ giao giới ba tỉnh Hồ Bắc, An Huy và Hà Nam. Đặng Lâm 邓林 tức “Rừng đào” 桃林.), trở thành đào hoa nguyên; mà thân thể của ông hóa thành Khoa Phụ Sơn 夸父山.
38. Long Thân Nhân Diện Thú – 龙身人面兽
Long Thân Nhân Diện Thú là Sơn Thần của tổng cộng 14 ngọn núi từ núi Thiên Ngu 天虞 đến núi Nam Ngu 南禺, có cơ thể của con rồng và khuôn mặt của con người. Còn có một cách nói khác là Long Thân Nhân Diện Thú có cơ thể của con chim và khuôn mặt của con người, có chút không khớp so với tên gọi Long Thân Nhân Diện Thú.
39. Bi – 罴
Bi có ngoại hình rất giống con gấu, toàn thân được bao phủ bởi hoa văn vàng bạc đan xen, có thể một mình nhổ lên một cây đại thụ. Bi đã từng trợ giúp Hoàng Đế[7] 黄帝 đại chiến Viêm Đế[8] 炎帝, trong 《Sử Ký · Ngũ Đế Bản Ký》 ghi chép: “Hoàng Đế Hữu Hùng Thị 有熊氏 huấn luyện các loài Hùng Bi Tỳ Hưu Sơ Hổ 熊罴貔貅貙虎[9], nhằm chiến với Viêm Đế tại cánh đồng Phản Tuyền.”
[7] Hoàng Đế 黄帝 còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế 轩辕黄帝, là một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hoá Trung Quốc, được coi là thủy tổ của mọi người Hán.Hoàng Đế được coi là một trong Ngũ Đế, theo huyền sử Trung Quốc thì ông trị vì trong khoảng 2698 TCN đến 2599 TCN và là người sáng lập ra nền văn minh Trung Quốc. Theo truyền thuyết, việc ông rút về phía tây tại trận Trác Lộc (涿鹿) đánh thủ lĩnh Xi Vưu (蚩尤) là cái mốc hình thành người Hán.
[8] Thần Nông 神农 còn được gọi là Viêm Đế 炎帝 hay Ngũ Cốc Tiên Đế 五谷先帝, là một vị vua huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, một trong Tam Hoàng Ngũ Đế và được xem là một anh hùng văn hóa Trung Hoa.
[
9] Tên của các loài mãnh thú.
40. Khê Biên – 谿边
Khê Biên là một loài kỳ thú có ngoại hình giống con chó, nghe nói da của nó dùng làm chiếu có thể ngừa sâu độc. Chó cũng thuộc loại như Khê Biên, do đó lưu lại truyền thuyết máu chó có thể trừ tà. Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân viết: “Xuyên Tây có nguyên báo 元豹, lớn như chó, màu đen, đuôi cũng như chó, da nó làm chăn nệm rất ấm, có vẻ như Khê Biên cũng giống vậy.”
41. Sổ Tư – 数斯
Sổ Tư là một loài kỳ điểu, dáng vẻ giống chim cú, nhưng lại có một đôi chân người. Truyền thuyết kể rằng Sổ Tư có hiệu quả chữa bệnh cực mạnh đối với thân thể người, ăn thịt của Sổ Tư có thể trị bệnh động kinh hoặc bệnh động kinh ở trẻ em. 《Sự Vật Cám Châu》 miêu tả: “Sổ Tư như chim trĩ, chân người.”
42. Man Man – 蛮蛮
Man Man cũng gọi là Bỉ Dực Điểu, Thụy thú[10], tượng trưng cho sự may mắn và sát cánh cùng bay. Man Man có một cánh và một chân, cần trống mái kết hợp lại sau đó mới có thể bay lượn trên trời. 《Bác Vật Chí》 ghi chép : “Núi Sùng Thu 崇秋 có loài chim, một chân một cánh một mắt, hợp ý nhau mà bay, tên là Man 蛮. Gặp thì tốt lành, cưỡi nó thọ ngàn tuổi.”
[10] Thụy thú 瑞兽: Chỉ loài thú cát tường may mắn, tốt lành.
43. Cổ – 鼓
Cổ là con của Sơn Thần Chung Sơn 钟山 Chúc Âm[12] 烛阴, mặt người thân rồng. Truyền thuyết kể rằng vào thời cổ chúng thần trong thiên cung thường xuyên có tranh chấp, có một lần, Cổ cùng với một vị thần gọi là Khâm 钦 giết chết một vị thần tên Bảo Giang 葆江 ở núi Côn Luân 昆仑. Sau khi Hoàng Đế 黄帝 biết đã rất tức giận, hạ lệnh xử tử Cổ ở một vách núi ở phía đông Chung Sơn.
[11] Khâm Phi hóa thành con chim ngạc (ó cá) lớn, dạng nó như chim đại bàng mà vằn đen đầu trắng, mỏ đỏ mà móng cọp, tiếng nó như chim hộc gáy buổi sớm, một khi xuất hiện thì chiến loạn to.
[12] Chúc Âm 烛阴, còn được gọi là Chúc Long 烛龙 hay Chúc Cửu Âm 烛九阴, là một trong thần Sáng Thế Trung Quốc thượng cổ (Thiên Ngô, Tất Phương, Cư Bỉ, Thụ Hợi, Chúc Âm, Nữ Oa), là vị thần trong truyền thuyết thần thoại dân tộc Hán Trung Quốc cổ đại. Cư trú trên núi Chương Vĩ 章尾 phía bắc sông Xích 赤水, bên ngoài biển tây bắc, có hình tượng mặt người thân rắn, màu đỏ thẫm, thân cao ngàn dặm, mở mắt ra là ban ngày, nhắm mắt lại thì là ban đêm, hít vào là mùa đông, thở ra là mùa hè, có thể hô mưa gọi gió, không ăn uống, không ngủ cũng không nghỉ ngơi. Được ghi chép ở 《Hải Ngoại Bắc Kinh》 và 《Đại Hoang Bắc Kinh》 trong 《Sơn Hải Kinh》.
44. Văn Diêu Ngư – 文鳐鱼
Văn Diêu Ngư là một loài kỳ ngư cá chim cùng chung một thể, thuộc về giống cá bay. Văn Diêu Ngư có ngoại hình rất giống cá chép, thân cá cánh chim, đầu trắng, mỏ đỏ, lông có đốm màu xám bạc, tiếng kêu giống chim loan, ban đêm thường bay lượn ở giữa Đông Hải và Tây Hải. Văn Diêu Ngư cũng là dấu hiệu năm được mùa.
45. Anh Chiêu – 英招
Anh Chiêu là Sơn Thần của núi Hòe Giang 槐江, ngoại hình tập hợp của bốn loài động vật người, ngựa, hổ, chim thành một thể. Anh Chiêu có khuôn mặt người, thân ngựa, hai cánh chim và vằn hổ, là vị thần trông coi Bình Phố[13]平圃 đồng cỏ tự nhiên thuộc quyền cai quản của hoàng đế. Anh Chiêu thường hay đi tuần tra tứ hải. 《Đồ Tán》 viết: “Núi Hòe Giang, Anh Chiêu là chủ.”
[13] Vườn trồng trọt bằng phẳng.
46. Thiên Thần – 天神
Thiên Thần 天神 là một con quái thú hai đầu, ngoại hình giống con trâu, có hai đầu và tám chân, đuôi ngựa, âm thanh giống như cánh chim đang chấn động. Nơi nó xuất hiện nhất định sẽ xuất hiện chiến loạn. Truyền thuyết kể rằng Thiên Thần là tiểu thần trông coi Huyền Phố[14]悬圃 ở phía dưới sông Dâm Thủy淫水. Thiên Thần có hai lời đồn đại là đi thẳng và bò.
[14] Vườn trồng trọt treo lơ lững ở trên trời.
47. Lục Ngô – 陆吾
Lục Ngô là Sơn Thần thủ vệ đế đô Hoàng Đế trên gò núi Côn Luân. Lục Ngô là một vị quái thần người hổ cùng chung một thể, nó mặt người thân hổ móng hổ, mọc chín cái đuôi. Ngoài đế đô Hoàng Đế, nó còn kiêm quản biên giới của chín khu vực trên trời và mùa vụ vườn hoa của Thiên Đế. Hình thái của Lục Ngô có hai loại cách nói: một cái nói là mặt người thân hổ chín đuôi; một cái khác lại nói là chín đầu mặt người thân hổ.
48. Thổ Lâu – 土蝼
Thổ Lâu là một loài quái thú ăn thịt người có bốn sừng dê, 《Đồ Thuyết》 của Hồ Văn Hoán ghi chép: “Gò núi Côn Luân, có loài thú, tên là Thổ Lâu, dạng như con dê, bốn sừng, sắc bén khó cản, chạm vật thì chết, ăn thịt người.” 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi: “Thổ Lâu ăn người, bốn sừng tựa như con dê.”
49. Hoạt Ngư – 䱻鱼
Hoạt Ngư là một loài quái ngư bốn chân dạng rắn, nó lấy các loại cá trong sông biển làm thức ăn, hình dạng giống con cá, trên sống lưng mọc ra một đôi cánh chim to lớn. Cả người phát sáng, tiếng kêu giống chim uyên ương. Hoạt Ngư là con vật tượng trưng cho hạn hán, chỉ cần nhìn thấy Hoạt Ngư, thì thiên hạ sẽ đại hạn.
50. Trường Thừa – 长乘
Trường Thừa là Sơn Thần ở Lưu Sa gần núi Lỏa Mẫu 蠃母, dáng vẻ của nó giống người, nhưng lại có một cái đuôi báo, có người nói rằng nó là do chín cái đức của trời sinh ra, khi Đại Vũ trị thủy đến nơi sông Thao ấy, có một người dáng dấp rất dài thay mặt Thiên Đế giao cho ông một quyển hắc ngọc thư, người có “dáng dấp rất dài” này chính là Trường Thừa.
51. Giảo – 狡
Giảo là một loài Cát thú[15], là tượng trưng cho năm được mùa. Giảo có ngoại hình như là một con chó, thân có vằn báo nhưng lại có sừng trâu, tiếng kêu giống tiếng chó sủa. 《Chu Thư · Vương Hội Thiên》 ghi chép: “Hung Nô Giảo Khuyển, Giảo Khuyển này, thân to bốn chân.”
[15] Cát thú 吉兽: Cũng giống như Thụy thú là một loài thần thú cát tường may mắn.
52. Thắng Ngộ – 胜遇
Thắng Ngộ là một loài thủy điểu ăn cá, là điềm báo nạn lụt. Dáng vẻ như chim trĩ đuôi dài 翟, toàn thân màu đỏ, âm thanh rất giống hươu đang kêu to. 《Sự Vật Cám Châu》 ghi chép : “Thắng Ngộ như chim trĩ đuôi dài mà màu đỏ, ăn cá.”
53. Thần Ủy Thị – 神磈氏
Thần Ủy Thị tức Tây Phương Thiên Đế Thiếu Hạo 西方天帝少昊[17]. Thiếu Hạo họ Kim Thiên 金天, tên Chí 挚, ông đã từng thành lập một quốc gia ở một trong năm núi thần Quy Khư 归墟, đặt tên là nước Thiếu Hạo 少昊之国. Quy Khư nằm ở ngoài khơi Đông Hải, nước Thiếu Hạo liền trở thành một vương quốc của loài chim, bách quan đều do bách điểu đảm nhận, mà Thiếu Hạo Chí chính là vua của muôn chim.
[16] Tức giám sát cảnh tượng “mỗi ngày mặt trời lặn xuống phía dưới đường chân trời ở phía tây, hình bóng phản chiếu chiếu rọi vạn vật đều nghiêng về hướng đông” có bình thường hay không.
[17] Thiếu Hạo (khoảng năm 2698 TCN – khoảng năm 2525 TCN) là một vị vua huyền thoại của Trung Quốc, một trong Ngũ Phương Thiên Đế 五方天帝 trong thần thoại dân tộc Hán, là Tây Phương Thiên Đế 西方天帝 trong Ngũ Phương Thiên Đế. Còn được gọi là “Chu Đế 朱帝”, “Bạch Đế 白帝”, “Tây Hoàng 西皇”, tại vị tám mươi bốn năm, thọ trăm tuổi băng hà, được đời sau của ông là nước Đàm Tử 郯子 tôn làm Cao Tổ 高祖 , con cháu tôn làm Tổ Tiên Thần Đế 祖先神帝. Thiếu Hạo 少昊 còn có tên gọi khác là Thiếu Hạo 少皞, Thiếu Hạo 少皓, Thiếu Hạo 少颢, sử sách gọi là Thanh Dương thị 青阳氏, Kim Thiên thị 金天氏, Cùng Tang thị 穷桑氏, Vân Dương thị 云阳氏 hoặc Chu Tuyên 朱宣, một thuyết khác lại cho rằng ông là Huyền Hiêu 玄嚣, là con trưởng của Hoàng Đế 黄帝. Thiếu Hạo là thủ lĩnh của tập đoàn bộ lạc Hoa Hạ thời đại viễn cổ, đồng thời cũng là thủ lĩnh thời kỳ đầu của tộc Đông Di 东夷族.
54. Tranh – 狰
Tranh là một loài quái thú một sừng, dáng vẻ như con báo đỏ, có năm cái đuôi, có thể phát ra âm thanh tựa như đập vào tảng đá. Nanh Tranh 狞狰 chú dẫn trong 《Tục Ly Tao Kinh · Kiêu Thụ Dực》: “Như báo một sừng, năm đuôi.” 《Đồ Tán》 của Quách Phác viết: “Núi Chương Nga 章莪, chỗ ở kỳ quái. Có thú tựa như báo, nó chỉ có màu đỏ. Năm đuôi một sừng, tiếng như gõ vào đá.”
55. Tất Phương – 毕方
Tất Phương là một loài quái điểu một chân, là loài chim điềm báo hoả hoạn. Tất Phương có ngoại hình giống con hạc, mỏ màu trắng, trên lông vũ màu đen có vằn màu đỏ, cả ngày kêu tên mình. 《Hoài Nam Tử · Phiếm Luận Thiên》 viết: “Mộc sinh Tất Phương.” Tất Phương điềm báo hoả hoạn, thế nhưng cũng có câu chuyện chủ quản tuổi thọ người.
56. Kỳ Đồng – 耆童
Kỳ Đồng chính là Lão Đồng, truyền thuyết là người sáng lập âm nhạc, con của Chuyên Húc. Về thế hệ của Kỳ Đồng, 《Đại Hoang Tây Kinh》 có ghi chép: “Chuyên Húc sinh Lão Đồng, Lão Đồng sinh Chúc Dung, Chúc Dung sinh Thái Tử Trường Cầm, cư ngụ ở Dao Sơn, mở đầu làm tập tục âm nhạc.” Kỳ Đồng không khác gì con người, chỉ là dưới chân luôn được một bầy rắn bao quanh, cho nên còn được gọi là xà môi.
57. Đế Giang – 帝江
Đế Giang tức thần Hỗn Độn 混沌神. Thần Hỗn Độn Đế Giang không đầu không mặt, dáng vẻ giống như cái túi vàng, màu sắc đỏ như đan hỏa, có sáu chân, bốn cánh. Trong sách cổ có nói Đế Giang tức Đế Hồng. 《Tả Truyện · Văn Công Thập Bát Niên》 viết: “Xưa Đế Hồng thị 帝鸿氏 có đứa con bất tài… Người dân trong thiên hạ gọi là Hồn Đôn 浑敦.”
58. Hoan – 讙
Hoan là một loài kỳ thú ngăn điềm dữ trừ tà, dáng vẻ giống con báo, có một con mắt và ba cái đuôi. Nghe nói Hoan có thể phát ra âm thanh của hơn trăm loài động vật, còn có thể dùng để chữa bệnh vàng da. Ngô Nhậm Thần dẫn 《Ngũ Hầu Chinh》 viết: “Hoàn 獂 một mắt mà ba đuôi, tiếng nó át âm thanh của nhiều người, là loài thú.” Hoan còn gọi là Hoàn, hoặc là Nguyên 原. Quách Phác chú dẫn: “Hoan, hoặc là Hoàn.”
(Còn tiếp)
Tác giả: Mao Đậu (Biên tập), Thôn Thôn (Minh họa),Mặc Ngư (Minh họa)