17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mọi người cần biết
Đăng 9 năm trướcNghiên cứu, tìm hiểu 17 mục tiêu phát triển bền vững hết sức có ý nghĩa cho cuộc sống của Liên Hợp Quốc
Ngày 25/09/2015 tới đây, các quốc gia sẽ có cơ hội để thông qua một tập hợp các mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng, một phần của chương trình nghị sự phát triển bền vững mới. Đối với các mục tiêu cần đạt được, tất cả mọi người cần phải làm đúng phần việc của họ: chính phủ, khu vực tư nhân, mọi công dân xã hội và cả những người như bạn.
Bạn có muốn tham gia? Hãy bắt đầu bằng cách truyền đạt với mọi người về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc dưới đây.
1. Xoá nghèo trên mọi khía cạnh ở mọi nơi.
Tỷ lệ người cực nghèo đã được cắt giảm hơn một nửa kể từ năm 1990. Trong khi đây là một thành tựu đáng ghi nhận, 1/5 dân số ở những quốc gia đang phát triển vẫn đang sống dưới mức 1,25$ một ngày, và cũng có hơn hàng triệu người làm ra ít hơn so với mức thu nhập hàng ngày này, cộng với nhiều người có nguy cơ quay trở lại với đói nghèo. Biểu hiện của nghèo đói cùng cực bao gồm đói và suy dinh dưỡng, hạn chế tiếp cận với giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác, phân biệt đối xử xã hội và bị loại trừ cũng như không có khả năng tham gia vào những quyết định của xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải bao gồm cung cấp việc làm bền vững và thúc đẩy bình đẳng.
2. Xoá đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, khuyến khích nông nghiệp bền vững.
Đã đến lúc suy nghĩ lại cách chúng ta lớn lên, chia sẻ và tiêu thụ thực phẩm của chính chúng ta. Nếu được như vậy, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho tất cả mọi người và tạo ra nguồn thu nhập đáng kể, hỗ trợ phát triển với con người là trọng tâm và bảo vệ môi trường. Một sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống thực phẩm và nông nghiệp toàn cầu là cần thiết nếu chúng ta muốn nuôi sống 795 triệu người nghèo đói hiện nay và thêm 2 tỷ người dự kiến vào năm 2050.
3. Đảm bảo cuộc sống khoẻ mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi lứa tuổi.
Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc ở tất cả mọi lứa tuổi là điều cần thiết cho sự phát triển bền vững. Những bước tiến đáng kể đã được thực hiện trong việc gia tăng tuổi thọ và giảm một số vụ tử vong liên quan đến người mẹ và trẻ em. Sự tiến bộ lớn thể hiện trên việc tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, giảm bệnh sốt rét, bệnh lao, bại liệt và sự lây lan của HIV / AIDS. Tuy nhiên, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiêu diệt hoàn toàn một loạt các bệnh nan y và giải quyết nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
4. Đảm bảo giáo dục có chất lượng một cách công bằng và hiệu quả, đồng thời nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Một nền giáo dục chất lượng là nền tảng để cải thiện đời sống nhân dân và phát triển bền vững. Sự tiến bộ ngày càng lớn được thực hiện theo hướng tăng cường tiếp cận với giáo dục các cấp và tăng tỷ lệ nhập học ở các trường học, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Kỹ năng biết chữ cơ bản đã được cải thiện rất nhiều, những nỗ lực táo bạo hơn là cần thiết để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục. Ví dụ, trên thế giới đã đạt được bình đẳng trong giáo dục tiểu học giữa trẻ em gái và trẻ em trai, nhưng rất ít quốc gia đạt được mục tiêu đó ở tất cả các cấp học.
5. Đạt được bình đẳng về giới, và trao quyền cho phụ nữ và bé gái.
Trong khi thế giới đã đạt được những tiến bộ hướng tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (bao gồm tiếp cận bình đẳng với giáo dục tiểu học giữa trẻ em gái và trẻ em trai), phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục bị phân biệt đối xử và bạo lực ở nhiều nơi trên thế giới. Bình đẳng giới không chỉ là một quyền cơ bản của con người, nó còn là một nền tảng cần thiết cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Hỗ trợ các phụ nữ và trẻ em gái có tiếp cận bình đẳng với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm bền vững, và đại diện trong quá trình ra quyết định về chính trị và kinh tế sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế bền vững và lợi ích xã hội cũng như toàn nhân loại nói chung.
6. Đảm bảo nguồn cung ứng và quản lý bền vững nguồn nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người.
Nước sạch, dễ tiếp cận cho tất cả mọi người là một phần thiết yếu của thế giới chúng ta. Có đủ lượng nước ngọt trên hành tinh để đạt được điều này. Nhưng do kinh tế yếu kém hoặc cơ sở hạ tầng nghèo nàn, mỗi năm có hàng triệu người, hầu hết là trẻ em, chết vì bệnh liên quan đến thiếu nguồn cung cấp nước và vệ sinh môi trường. Sự khan hiếm nước, chất lượng nước kém tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, cuộc sống và khả năng đáp ứng các cơ hội giáo dục cho các gia đình nghèo trên toàn thế giới. Hạn hán đã tấn công một số nước nghèo nhất thế giới, khiến tình trạng nghèo đói và suy dinh dưỡng trở nên tệ hơn. Đến năm 2050, ít nhất 1/4 dân số ở mỗi quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước ngọt thường xuyên.
7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Năng lượng là vấn đề trọng tâm của hầu hết mọi thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt ngày nay. Khi mà việc làm, an ninh, biến đổi khí hậu, sản xuất lương thực, thu nhập ngày càng tăng, vấn đề tiếp cận năng lượng cho tất cả là điều cần thiết. Năng lượng bền vững là cơ hội - nó biến đổi cuộc sống, nền kinh tế và cả hành tinh chúng ta. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đang dẫn đầu một chiến dịch năng lượng bền vững cho tất cả các yếu tố để đảm bảo tiếp cận tới các dịch vụ năng lượng hiện đại, nâng cao hiệu quả và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
8. Khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, việc làm toàn dụng và năng suất cao cho tất cả mọi người.
Gần một nửa dân số thế giới vẫn còn sống với mức sống tương đương khoảng 2$ một ngày. Và ở nhiều nơi, có việc làm không đồng nghĩa đảm bảo khả năng thoát nghèo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ lại và trang bị lại các chính sách kinh tế và xã hội nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo. Tạo thêm việc làm chất lượng sẽ vẫn là một thách thức lớn đối với hầu hết các nền kinh tế từ sau năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ yêu cầu các xã hội tạo ra những điều kiện cho phép mọi người có công ăn việc làm chất lượng, kích thích nền kinh tế trong khi vẫn không làm tổn hại đến môi trường. Cơ hội việc làm và điều kiện làm việc đàng hoàng cũng được yêu cầu cho toàn bộ dân số ở độ tuổi lao động.
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khuyến khích công nghiệp hoá bền vững hiệu quả, và nâng cao khả năng đổi mới.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng - giao thông, thủy lợi, năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông - là rất quan trọng để đạt được phát triển bền vững và nâng cao vị thế cộng đồng ở nhiều nước. Phát triển công nghiệp bền vững là nguồn chủ yếu phát sinh thu nhập, cho phép tăng nhanh và ổn định đời sống cho tất cả mọi người, cung cấp các giải pháp công nghệ cho công nghiệp thân thiện môi trường. Tiến bộ công nghệ là nền tảng của những nỗ lực để đạt được các mục tiêu về môi trường, chẳng hạn như tăng nguồn tài nguyên và năng lượng hiệu quả. Nếu không có công nghệ và đổi mới, công nghiệp hóa sẽ không xảy ra, và không có công nghiệp hóa, phát triển sẽ không xảy ra.
10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia.
Cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến quan trọng hướng tới việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất - các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các đảo nhỏ đang phát triển - tiếp tục mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại và vẫn còn sự chênh lệch lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các tài sản khác. Ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng tăng trưởng kinh tế không thể đi kèm cắt giảm đói nghèo nếu nó không toàn diện và không liên quan đến ba khía cạnh của phát triển bền vững - kinh tế, xã hội và môi trường. Để giảm bớt sự bất bình đẳng, chính sách này cần đề cập đến sự chú ý vào nhu cầu của những người dân kém may mắn và thiệt thòi.
11. Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư hiệu quả an toàn đồng bộ và bền vững.
Các đô thị là trung tâm của những ý tưởng, thương mại, văn hóa, khoa học, năng suất, phát triển xã hội và nhiều hơn nữa. Đặc biệt các thành phố đã cho phép mọi người đạt được tiến bộ rõ rệt về mặt xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, nhiều thách thức tồn tại khi duy trì các thành phố trong khả năng tạo việc làm và sự thịnh vượng trong thời điểm căng thẳng đất đai và các nguồn lực. Những thách thức các thành phố phải đối mặt có thể được khắc phục bằng cách cho phép chúng tiếp tục phát triển và tăng trưởng, trong khi cải thiện sử dụng tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm và nghèo đói. Tương lai chúng ta muốn bao gồm các thành phố của những cơ hội tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, năng lượng, nhà ở, giao thông vận tải và nhiều hơn nữa.
12. Đảm bảo các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tiêu thụ và sản xuất bền vững là việc thúc đẩy hiệu quả tài nguyên và năng lượng, cơ sở hạ tầng bền vững, và cung cấp truy cập tới các dịch vụ cơ bản, việc làm và một chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả. Thực hiện điều này sẽ giúp đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và giảm nghèo.
13. Triển khai các hành động cấp thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên khắp các châu lục. Nó sẽ phá vỡ nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống, chi phí người dân, cộng đồng và quốc tế hôm nay và thậm chí nhiều hơn vào ngày mai. Nếu chúng ta không hành động, nhiệt độ bề mặt trung bình của thế giới được dự báo sẽ tăng trong thế kỷ 21 và có khả năng vượt qua 3 độ C trong thế kỷ này và một số khu vực của thế giới sẽ nóng hơn. Những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.
14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đại dương, biển cho phát triển bền vững.
Các đại dương trên thế giới - nhiệt độ, hóa học, và sức ảnh hưởng tới cuộc sống – tác động đến hệ thống tuần hoàn toàn cầu và tạo ra sự sống cho nhân loại. Mưa của chúng ta, nước, thời tiết, khí hậu, bờ biển, nhiều thực phẩm và thậm chí cả oxy chúng ta hít thở, được cung cấp theo những hoạt động của biển. Trong suốt lịch sử, biển và đại dương là nguồn truyền dẫn quan trọng cho thương mại và vận tải. Quản lý cẩn thận các tài nguyên toàn cầu thiết yếu này là một tính năng quan trọng của một tương lai bền vững.
15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên bề mặt trái đất, quản lý bền vững tài nguyên rừng, chống sa mạc hoá, chống xói mòn đất và bảo vệ tính đa dạng sinh học.
Rừng bao phủ 30% bề mặt của Trái đất và ngoài việc cung cấp an ninh lương thực và là nơi trú ẩn, rừng là chìa khóa để chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và nhà cửa của dân bản xứ. Mười ba triệu ha rừng đang bị mất đi mỗi năm trong khi suy thoái kéo dài của những vùng đất khô hạn đã dẫn tới sự sa mạc hoá 3,6 tỷ ha. Nạn phá rừng và sa mạc - gây ra bởi hoạt động của con người và biến đổi khí hậu – là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người trong cuộc chiến chống đói nghèo. Các nỗ lực đang được thực hiện để quản lý rừng, chống sa mạc hóa.
16. Khuyến khích các xã hội hài hoà và hiệu quả cho phát triển bền vững, tạo ra cơ hội về công bằng và công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp độ.
Mục tiêu 16 của các mục tiêu phát triển bền vững là dành riêng cho việc thúc đẩy các xã hội hài hòa và toàn diện cho sự phát triển bền vững, việc tạo ra khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, xây dựng thể chế hiệu quả, tổ chức có trách nhiệm ở tất cả các cấp.
17. Nâng cao khả năng thực hiện và hiện thực hoá các hợp phần cho phát triển bền vững toàn cầu.
Một chương trình nghị sự phát triển bền vững thành công đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và toàn thể công dân của các xã hội. Hành động khẩn cấp là cần thiết để huy động, chuyển hướng và mở khóa sức mạnh biến hàng nghìn tỷ đô la của các nguồn lực tư nhân để tài trợ cho cácmục tiêu phát triển bền vững. Các khu vực công sẽ cần phải thiết lập một định hướng rõ ràng. Cơ chế giám sát quốc gia như tối cao chức năng tổ chức kiểm toán và chức năng giám sát của các cơ quan lập pháp cần phải được tăng cường.
Xem thêm: Thử xem bạn suy nghĩ tích cực hay tiêu cực qua những sự khác biệt này và 15 bước giúp bạn vượt qua những nỗi đau trong cuộc sống!
Nguồn: Website Liên Hiệp Quốc - www.un.org
Thien Pham (dịch)