Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

2 giờ quan trọng nhất quyết định đời người

Đăng 8 năm trước

Bạn có biết 2 giờ quan trọng nhất quyết định cuộc đời bạn là gì và tác động của nó như thế nào không? Hãy đọc và khám phá nhé!

Giới thiệu: Tác giả Phạm Cao Tùng là một học giả uyên bác cùng thời với giáo sư Hoàng Xuân Việt, dịch giả Nguyễn Hiến Lê và học giả Nguyễn Duy Cần. Đây là thế hệ những cây bút đi tiên phong trong việc xây dựng thể loại sách "Học làm người" ở Việt Nam và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ trí thức ở nước ta. Riêng bản thân học giả Phạm Cao Tùng đã viết hơn 10 cuốn sách thuộc thể loại học làm người, tâm lý, nghệ thuật sống, kinh doanh... như: Làm nên, Tôi có thể nói thẳng với anh, 16 định lý về doanh nghiệp, Nghệ thuật bán hàng, Muốn nên người... 

Sau đây tôi xin giới thiêu với các bạn 2 bài viết của ông về phương pháp sử dụng và quản lý thời gian để đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.

2 giờ quan trọng nhất quyết định đời người

Mô tả hình ảnh

Một nhà giáo dục nói: “Tương lai của người bạn trẻ tùy thuộc vào những gì họ đã làm trong hai giờ quan trọng nhất trong ngày”. Và cũng theo ông: Hai giờ quan trọng này là NHỮNG GIỜ NHÀN RỖI SAU BUỔI LÀM VIỆC. 

Không bị lệ thuộc bởi người chủ hoặc bị ràng buộc bởi công việc làm ăn, họ hoàn toàn làm chủ những giờ này. Cứ xem cách họ sử dụng những giờ tự do này chúng ta có thể đoán đặng tương lai của họ. 

Lúc ở tỉnh, tôi có quen một người bạn làm giáo viên. Anh bạn này mê cờ tướng hơn mê nhân tình. Mỗi chiều sau giờ tan buổi học anh liền tạt qua nhà một người Tàu có tiếng là cao cờ để xem đánh cờ và học thế cờ. Quả nhiên mấy năm sau anh nổi tiếng về cờ tướng ở một tỉnh. Sau mười năm, vừa rồi có dịp gặp lại anh. Anh vẫn là tay vô địch cờ tướng nhưng… cũng vẫn là một giáo viên ở một tỉnh nhỏ. 

Cũng vừa rồi, tôi có dịp đọc tiểu sử của ông Graham Bell người đã phát minh ra máy điện thoại, thấy kể lại: Lúc mới xuất thân ông làm giáo sư ở một trường dạy người mù. Mỗi ngày sau giờ dạy học ông đi đến xưởng điện khí để học tập và quan sát về ngành này. Vùi đầu trong một xưởng thợ đâu phải là một lối giải trí? Nhưng cũng nhờ đó mà mấy năm sau ông chế ra máy điện thoại và từ địa vị một giáo sư trong bóng tối, ông đã nổi danh lại giàu tiền bạc vì có người đã mua cấp bằng phát minh của ông với số bạc 200.000 anh kim. 

Như anh thấy, nhà giáo dục trên đã rất có lý. Nếu chúng ta dùng thời giờ nhàn rỗi để HỌC… CHƠI thì chúng ta sẽ nổi tiếng chơi giỏi. Trái lại nếu chúng ta dùng thời giờ đó để HỌC… MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ ÍCH LỢI THIẾT THỰC thì nó cũng sẽ đem lại cho chúng ta những kết quả thiết thực. 

Thời giờ "chết"

Mô tả hình ảnh

Một hôm đến văn phòng một nhà doanh nghiệp, tôi thấy treo trên tưởng ở sau bàn giấy và ngay mặt chỗ khách ngồi một tấm bảng nhỏ có kẻ mấy dòng chữ AI CŨNG CÓ THỂ KIẾM LẠI ĐẶNG 1.000 ĐỒNG BẠC ĐÃ THUA LỖ, NHƯNG AI CÓ THỂ TÌM LẠI ĐẶNG 1 PHÚT ĐÃ TRÔI QUA.

Phải, thời giờ quý hơn tiền tạc. Nhưng chúng ta thường sợ mất một hai trăm bạc hơn mất một hai tiếng đồng hồ.

Mất năm phút ở đây, ba phút ở đó, mỗi dịp mỗi lúc chúng ta để hao hụt đi một ít thời giờ quý báu. Nhưng vì số ít ỏi nên chúng ta thường không chú ý đến. Đôi khi chúng ta cũng chú ý đến nhưng rồi lại viện lẽ: “Có hề gì rồi chúng ta sẽ làm việc gấp đôi để chuộc lại những thời giờ đã phí phạm ấy”. Song, rồi công việc lại chồng chất và chúng ta quên hẳn cái việc ráng sức làm bù lại và giờ phút cứ trôi đi mà chúng ta không làm đặng điều gì cả. Thời giờ không sinh sản là thời giờ chết.

Năm cũ gần tàn, có khi nào anh chịu khó tính lại mấy năm qua anh đã mất hết bao nhiêu thời giờ vì những thời giờ chết ấy chăng? Chắc là không, vì có ai lại chịu mất thời giờ để làm cái công việc ấy.

Nhưng nào, chúng ta thử làm cái công việc ấy xem.

Một người khác hẹn anh 10 giờ đến, anh gác tất cả công việc để đợi khách, nhưng 10 giờ 5 phút đã qua khách chưa tới: thời giờ chết.

Nể nang anh em, anh để họ kéo đi ngồi quán cà phê để bàn về vấn đề Triều Tiên hay việc nội các mới của Pháp, những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết: thời giờ chết.

Nằm thả mộng tính việc lập các công ty hàng hải, lập ngân hàng, toàn những chuyện “lấp biển vá trời” trong khi mình chưa có “một đồng xu” dằn túi: thời giờ chết.

Mất thời giờ để bình phẩm, chỉ trích hoặc giận ghét kẻ khác: thời giờ chết.

Mất cả một buổi tối để đọc một quyển sách nhảm nhí không bổ tâm cũng không bổ não: thời giờ chết.

Đại để đó là một tí dịp để chúng ta phí phạm thời giờ.

Trong tuần này, chúng ta thử chú trọng một cách đặc biệt về những khoảng “thời giờ chết” ấy và thử tìm ra cách nào để chẳng còn một giây phút nào không sinh lợi cả, để dụng thời giờ một cách triệt để, một cách đắc lực.

Có hai cách để biến cải những “thời giờ chết” ấy thành những “thời giờ sống”, có sinh sản:

Phải có một bảng dùng thời giờ mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng đã thảo trước.

Luôn luôn có dự bị sẵn trong đầu những việc có thể làm bất luận ở đâu (đọc sách hữu ích, thảo chương trình làm việc, ghi lại những ý kiến hay thoáng qua trí óc) và có thể làm mà không cần thời giờ phát động, nghĩa là có thể làm ngay không mất thời giờ “sang số”. Nghĩa là trong mình luôn có sẵn một cuốn sổ tay, một cây bút chì, một cuốn sách. Mỗi khi trong bảng thời giờ hằng ngày bị gián đoạn bởi một khoảng “thời giờ chết” chúng ta lập tức trám vào những công việc thay thế ấy.

Nhặt mót ở đây một vài phút chẳng đáng là bao, nhưng suốt năm chúng ta sẽ thấy chúng ta đã làm thêm đặng bao nhiêu việc.

NẾU BẠN YÊU ĐỜI BẠN ĐỪNG PHUNG PHÍ THỜI GIỜ VÌ LÀ NÓNG CỐT CỦA ĐỜI SỐNG. Câu kết này không phải của chúng tôi mà chính là của một người đã sống một cách “đắc lực” và đã thành công, ông: B. Franklin.

Tác giả : Phạm Cao Tùng

Sưu tầm: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác cùng chủ đề có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #học_làm_người

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn