Hoàng văn Ái

4 món ăn của người Thái Sơn La khiến bạn rùng mình

Đăng 7 năm trước

Sơn La là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và tương đồng có lẽ vậy mà các món ăn ở Sơn La mang những hương vị không trộn lẫn, đặc biệt là người Thái.

Món cá nhảy

Món cá nhảy tuy chế biến khá đơn giản nhưng lại rất kén người ăn nên không được phổ biến. Món này có điểm tương đồng với món gỏi cá nhưng lại có điểm khác biệt là gỏi thì dùng thịt thái lát từ cá có kích thước lớn còn món cá nhảy thì chỉ dùng loại cá bé bằng ngón tay. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ là cách ăn lạ lùng của món ăn này.

Để làm món này, đồng bào phải dùng loại cá được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá ở những nơi đó mới sạch sẽ,thịt thơm ngon. Cá bắt về phải còn sống, chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước sạch, thấy cá còn bơi khoẻ là đạt yêu cầu.Bước tiếp theo là chế biến món ăn kèm. Món này khá đơn giản nhưng yêu cầu phải đầy đủ nguyên liệu. Bao gồm lõi chuối tươi, rau thơm (mùi, húng, thì là, kinh giới…), các loại gia vị mắm, muối, mỳ chính, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén (gia vị đặc biệt của người Thái). Lõi chuối thái mỏng, băm nhỏ, rau thơm, ớt tỏi băm nhỏ đem trộn đều với lõi chuối, nêm gia vị, cho nước măng chua ngập sâm sấp. Yêu cầu của hỗn hợp ăn kèm này là có độ chua vừa đủ nhưng phải cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng.

Khi tất cả đã ngồi vào mâm, chủ nhà mới bắt từng con cá từ trong chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp chuối vừa chuẩn bị. Người mổ cá phải nhanh, khéo sao cho khi mổ xong cá vẫn còn sống. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức. Cá mổ đến đâu thì ăn đến đó, ăn khi cá còn sống, thả ra còn có thể dẫy được, như vậy thịt mới giòn ngọt, không có mùi tanh.

Khi ăn có vị giòn, ngọt của thịt cá và lõi chuối, vị chua của nước măng, vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn lạ lùng, rất khó có thể thử ăn để cảm nhận hương vị. Còn đối với người Thái thì món ăn này rất đặc biệt, nó tô điểm cho ẩm thực Thái thêm phong phú và đa dạng.

Món Nậm Pịa

Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non con bò hay phân non. Món ăn truyền thống có từ lâu đời và rất được bà con dân tộc Thái yêu thích này chỉ có từ Mộc Châu đến Sơn La. Nguyên liệu bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non. Người ta chọn kỹ đoạn ruột non lấy pịa, đến khi nước ninh xương và lục phủ ngũ tạng sôi già mới đổ pịa vào, có nơi cho thêm mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy ra phải được buộc chặt hai đầu, sau đó cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tàu, tỏi ớt... Tất cả được băm nhỏ, đun sôi khoảng một tiếng đồng hồ thành chất sệt sệt thì ra món nậm pịa.

Món nậm pịa được bưng ra, màu bên ngoài đặc một sắc nâu sền sệt không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Ăn thử miếng đầu tiên thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén (một loại hồ tiêu trên núi), vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Hay nhất là bạn có yếu bụng đến đâu cũng không hề gì khi thử món ăn. Nậm pịa ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng là nhất vị.

Trong số những tinh hoa về ẩm thực của người Thái ở Sơn La, món nậm pịa độc đáo và khó ăn nhất nhưng có hương vị ấn tượng nhất. Lên vùng núi Tây Bắc, bạn nhớ thưởng thức thử hương vị của núi rừng để thấy vị ngọt ngào sau những vị đắng của món ăn lạ mà quen này.

Sâu Măng

Sâu măng là loại sâu sống trên cây măng và là đặc sản của người Thái ở Sơn La. Sâu măng to bằng đầu đũa, dài cỡ 2 đốt ngón tay. Cách săn sâu khá đơn giản, vào khoảng tháng 9, tháng 10, người săn sâu chỉ cần mang theo dao và giỏ đi một vòng quanh rừng nứa. Những bụi nứa có cây măng nào cao khoảng đầu người có biểu hiện héo ngọn, thân cong, mắt u thì hạ xuống, rồi đổ sâu trong ống nứa vào giỏ. Từ sâu măng có thể làm ra nhiều món ngon, nhưng ngon nhất vẫn là sâu măng xào lá chanh. Sâu măng được rửa sạch, ướp gia vị rồi trút vào chảo mỡ đang phi hành thơm. Đảo nhanh tay đến khi sâu chuyển từ màu trắng sang vàng nhạt là được. Cuối cùng cho lá chanh thái chỉ vào tiếp tục đảo đều rồi bắc ra khỏi bếp.

Đuống

Tiếng thái gọi là “Tộ Đuống”. Đuống, ấu trùng của sâu, là một trong những đặc sản khó cưỡng của vùng Tây Bắc. Cách bắt đuông khá đơn giản, cứ thấy cây cọ nào héo ngọn, vàng lá chặt đi là sẽ tìm thấy đuông hoặc là những khúc gỗ to khô bị mục, chỉ cần bổ khúc cây ra là sẽ tìm thấy đuống. Cách thưởng thức “kinh dị” nhất của đặc sản này là ăn đuống sống với mắm. Người sẽ thả những con đuống còn sống vào bát nước mắm để chúng “vẫy vùng” trong đó. Rồi gắp từng con, nhai sống để cảm nhận vị mềm, bùi, ngọt đặc trưng của nó. Ngoài ra người ta có thể chế biến các món khác từ đuống như: đuống xào lá chanh, đuống nướng.

Xem thêm

Hoàng Ái - Ohay TV

Chủ đề chính: #món_ăn_của_người_dân_tộc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn