Hoàng văn Ái

5 nét đẹp văn hóa của người dân tộc Thái mà bạn nên biết

Đăng 7 năm trước

Dân tộc Thái còn có những tên gọi khác là Phú Táy (người thái) và có các nhóm Táy Đăm (Thái đen), Táy Khao (Thái trắng), Táy Mười, Táy Thanh (Mán thanh) , Hàng Tổng (Tày mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc.

1. Tắm tiên

Người Thái rất coi trọng những nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Những nét sinh hoạt của người Thái đều gắn liền với dòng nước từ giã gạo, ăn uống, giết mổ và cả việc tắm táp. 

Tắm tiên ở Tây bắc có lẽ là một nghệ thuật mà người con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép thẹn thùng.

Những bước đầu tiên lội xuống dòng nước suối trong vắt, chiếc váy xoè dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy áo sẽ nằm trên đỉnh đầu. Đến khi tắm xong, váy áo rất hiếm khi bị ướt mà cơ thể thì đã được tắm táp thoả thích trong dòng nước mát. Váy áo lại được thả dần xuống theo bước chân cô gái Thái lên và tới gần bờ thì trang phục đã gần như chỉnh chu hoàn toàn, váy được khéo léo cuốn lên ngang ngực.

Lúc này mái tóc mới được quan tâm đến, cô gái cúi gập người bên suối mà rũ tóc, quay tóc trong làn nước trong lành tinh khiết như pha lê. 

2. Tục chọc sàn của người Thái

Hành trang của những chàng trai mang theo rất đơn giản chỉ là nhạc cụ gồm: Sáo, nhị, tính tẩu, đàn môi và một đoạn gỗ nhỏ dài 40 –50cm dùng để gõ lên sàn nơi cô gái nằm. Chàng thổi sáo, đánh đàn tính tẩu gửi gắm tình yêu, lời tỏ tình đến người con gái mình thích qua những điệu hát then quen thuộc trong chọc sàn:

Dậy đi em, dậy đi em ơi!  

Ra đầu sàn để ngắm trăng sao

Ra đầu sàn để ngắm sao nhấp nháy

Ði uyển chuyển cầm ghế ngồi chung.       

Người con gái Thái, lần đầu tiên được nghe tiếng đàn như tâm sự của chàng trai đến làm quen, tiếng đàn như sợi dây tình quyến rũ, họ yêu nhau. Sau vài đêm chuyện trò, chàng trai thổ lộ chuyện muốn cưới cô gái về làm vợ. Nếu cô gái đồng ý, chàng trai về thưa chuyện với bố má và đưa bố má đến hỏi cưới cô gái.

3. Ngủ thăm trước khi cưới

Một trong những nét thú vị của tục “ngủ thăm” được nhiều người biết đến là những đôi trai gái đồng ý yêu nhau, sau khi “cưới nhỏ” (đám hỏi) có thể đến ngủ thăm nhà nhau trước khi làm lễ cưới (cưới lớn). Trong thời gian ngủ thăm, chàng trai và cô gái chỉ được trò chuyện chứ không được ngủ chung với nhau. Do đó, nhà gái sẽ sắp xếp một chỗ thích hợp để chàng trai nghỉ ngơi trong những đêm ngủ thăm tại nhà cô gái. Tương tự, cô gái sẽ sang nhà chàng trai ngủ thăm vài đêm để tìm hiểu nền nếp của gia đình nhà chồng tương lai. Sau những đêm “ngủ thăm”, nếu cảm thấy hài lòng thì người con gái sẽ quyết định cho chàng trai "ngủ thật” và thưa với hai bên gia đình định ngày làm lễ “cưới lớn”. Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn có thể không cần “cưới lớn” nữa mà định ngày để đôi trẻ đưa nhau về cùng một nhà. Còn nếu đôi trẻ có trục trặc, hoặc bố mẹ hai bên không vừa lòng, ông mai bà mối sẽ khuyên bảo, làm hòa cho để đôi trai gái có thể thành đôi. Trường hợp xấu nhất hai bên cương quyết bỏ nhau thì họ lại bắt đầu tìm hiểu người mới. 

Người Thái có câu: “10 ngày bên gái, 20 ngày bên trai”, tức sau khi cưới xong trong một năm đầu tiên cô gái sẽ qua nhà chồng giúp việc 10 ngày, sau đó chàng trai lại qua nhà cô gái giúp việc 20 ngày, liên tục cho đến hết năm.

4. Ở rể

Con rể (Lúc khượi) 

Con dâu ( Lúc pớ) 

Dân tộc Thái xưa kia có tục lệ ở rể. Chàng trai Thái khi đến tuổi lấy vợ sẽ tự đi tìm người con gái mà mình ưng ý, sau đó được bố mẹ nhờ một ông mối đến nhà cô gái để làm mối. Nếu gia đình cô gái ưng ý, chàng trai sẽ bắt đầu cuộc đời ở rể. Chọn ngày lành tháng tốt, bố mẹ chàng trai chuẩn bị sính lễ để chàng trai đến nhà cô gái ở rể. Lễ vật gồm: một chiếc áo, một con gà mổ sẵn, một gói cơm, một chai rượu và một cái “Toong bai”- dụng cụ “đựng vía” được làm bằng một sợi dây mây, một đầu được cuộn xoắn lại. “Toong bai”, theo quan niệm của người Thái là để cho vía chú rể trú ngụ ở đó. Ông mối sẽ là người trực tiếp đưa chàng trai đến nhà cô gái. Sau khi kiểm xong lễ vật, nhà gái đưa lễ vật lên bàn thờ để báo cho tổ tiên biết nhà đã có chàng rể. Trong thời gian ở rể, chàng trai được đối xử như một thành viên của gia đình. Công làm việc hàng năm của chàng rể được quy ra bạc trắng hoặc hiện vật cưới sau này. Tùy từng gia đình mà thời gian ở rể kéo dài vài tháng, 2-3 năm, thậm chí ở rể luôn nhà gái. Nếu chàng trai ở rể suốt đời, nhà gái phải chủ động hôn nhân và phí tổn đám cưới. Trong thời gian ở rể chàng trai phải trải qua thử thách và do vậy anh ta phải lao động chăm chỉ. Được cùng ăn với cả gia đình nhưng chàng trai phải ngủ ở vị trí dành cho khách.

5. Tằng cẩu

Tằng cẩu hay búi tóc trên đỉnh đầu là một luật tục của đồng bào dân tộc Thái đen. Phụ nữ người Thái đen khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu. Đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng. Một mặt tằng cẩu thể hiện sự thủy chung của người phụ nữ, mặt khác là cách tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Khi lấy chồng, người ta tổ chức trang trọng lễ tằng cẩu, người phụ nữ chỉ bỏ tằng cẩu khi chồng chết.

Một số câu tiếng Thái mình sẽ chia sẻ cho các bạn khi gặp người Thái bạn có thể xưng hô. 

  • Con gái ( Phu sạo hoặc Phú Nhinh) 
  • Con trai ( Phu trai)
  • Anh ( Pí ai) 
  • Em ( Noọng sạo)
  • Bố (ải) 
  • Mẹ ( êm) 
  • Cháu (lạn)
  • Bác trai (Lung) 
  • Bác gái (Pá)
  • Ông nội (ải u)
  • Ông ngoại (ải bó)
  • Bà nội ( êm dá)
  • Bà ngoại (êm me)
  • Em khỏe không ( Noọng khắn báu) 
  • Em tên gì: ( Noọng tện sắng) 
  •  Ăn cơm (Kin khảu)
  •  Uống rượu (kin lảu) 
  • Uống nước (Kin nẳm)
  • Cháu mời bác ăn cơm ( Lạn mơi lung kin khảu)

Hoàng Ái - OhayTV 

Chủ đề chính: #người_thái

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn