9 cách chọn hiền tài của người xưa
Đăng 8 năm trướcChọn hiền tài thế nào? có nguyên tắc gì không? Đương nhiên là có, hãy dựa vào các tiêu chuẩn sau đây.
Ngụy Văn Hầu vị quân chủ khai quốc của nước Ngụy và chư hầu của nước Chu vì muốn chính bản thân mình cất nhắc một vị tướng quốc, nhưng trước mặt ông lại có hai người đều tài giỏi tương đương nhau là Địch Hoàng và Ngụy Thành Tử, nên ông phân vân mãi mà không biết lựa chọn ai.
Cuối cùng, Ngụy Văn Hầu cho gọi Lý Khắc – vị mưu sĩ tài gỏi mà ông tin tưởng đến để hỏi ý kiến. Ngụy Văn Hầu nói:
“Có câu ngạn ngữ nói rằng: “Nước nguy nhớ đến tướng tài, nhà nghèo nhớ đến vợ hiền.” Hiện tại Ngụy Quốc chúng ta quả là đang ở vào tình trạng “quốc loạn”.
Trẫm cấp bách cần một vị Tướng quốc vừa có bản lĩnh vừa đức hạnh phụ giúp trẫm lo việc nước. Ngụy Thành Tử và Địch Hoàng là hai người không tệ, nhưng trẫm nhất thời chưa chọn được ai. Khanh nói xem giữa hai người họ, ai mạnh hơn?”
Lý Khắc nghe xong cũng không lập tức trả lời ngay câu hỏi của Ngụy Văn Hầu mà nói:
“Tâu bệ hạ. Bệ hạ chưa quyết định được chọn ai là bởi vì bệ hạ tìm hiểu họ còn chưa đủ.”
Ngụy Văn Hầu vội vàng hỏi:
“Tìm hiểu thế nào? Có tiêu chuẩn gì không?”
Lý Khắc nói:
“Đương nhiên là có. Thần nghĩ để tìm hiểu một người cần phải dựa vào những tiêu chuẩn:
Muốn chọn được hiền tài, thứ nhất phải xem lễ:
Muốn xem một người có đáng coi trọng hay không thì phải nhìn xem người ấy có khiêm tốn, cẩn trọng hay không, có phải là người nho nhã, lễ độ hay không, có tuân thủ quy tắc hay không.
Thứ hai phải xem cách họ tiến cử:
Một người sau khi đã có địa vị cao sang, thì phải nhìn vào cách tiến cử người của người đó, xem xem họ đề cử, đề bạt người như thế nào. Từ cách này có thể nhìn ra phẩm chất của một người có đáng quý hay không.
Thứ ba phải xem cách họ sử dụng của cải vật chất:
Một người sau khi đã giàu có rồi, thì phải nhìn xem họ tiêu tiền như thế nào, tiêu tiền cho ai, tiêu tiền vào những nơi nào. Nếu như sau khi giàu có rồi, mà vẫn bảo trì được bản tính cần kiệm thì đó mới là người có phẩm hạnh chân chính.
Thứ tư phải xem họ kết giao với người nào:
Nếu một người thường kết giao với những người hiền tài thì có thể trọng dụng. Nhưng nếu một người thường xuyên kết giao, đi lại với những hạng tiểu nhân thì nên cẩn trọng, dè chừng.
Thứ năm nghe một người nói có đáng tin không, phải nhìn vào cách họ làm:
Sau khi nghe xong một người nói thì phải xem họ có đi làm hay không. Nếu một người chỉ nói mà không làm tức là chỉ nói suông, nói mạnh miệng mà không có hành động thực tế thì đó là người không đáng tin. Sau đó, khi tiếp xúc một thời gian phát hiện ra lời nói và việc làm của họ có sự sai biệt quá lớn thì có thể thấy rõ nhân phẩm cùa người này không tốt.
Thứ sáu xem bản chất bên trong của một người, nhìn vào sở thích:
Quan sát sở thích của một người, xem người này hằng ngày yêu thích gì, thì có thể nhìn ra bản chất nội tại của người này. Đây chính là bản chất nội tại của người đó thể hiện ra ngoài.
Thứ bảy xem lời nói của người đó có nhất quán không:
Nếu lần này gặp mặt mà họ nói như thế này nhưng lần sau gặp mặt lại thấy nói khác thì nhân phẩm của người này là không tốt.
Thứ tám nhìn vào bản tính chứ không nhìn vào sự giàu nghèo của họ để đánh giá:
Một người mà nghèo thì cũng không có vấn đề gì lớn lao. Nghèo mà không tham lam chiếm lợi ích của người khác thì là người có bản chất tốt.
Thứ chín xem một người có phải là đáng kính trọng hay không nhìn vào việc họ tuyệt đối không làm:
Địa vị cao thấp của một người không thể đánh giá họ đáng kính trọng hay đáng khinh. Nếu một người không kiêu ngạo, không siểm nịnh, bảo trì sự tôn nghiêm của bản thân mình thì người ấy có bản chất đặc biệt tốt.”
Ngụy Văn Hầu nghe xong những tiêu chuẩn này vui mừng nói: “Tốt! Khanh về nghỉ ngơi đi, trẫm đã biết nên làm gì rồi!”
Lý Khắc vừa bái lạy Ngụy Văn Hầu ra về thì gặp Địch Hoàng. Địch Hoàng hỏi: “Tôi nghe nói quân vương triệu ngài đến để hỏi về việc chọn ai làm Tướng quốc. Vậy đã quyết định chọn ai chưa?”
Lý Khắc nói: “Đã quyết định rồi! Ngụy Thành Tử làm Tướng quốc.”
Địch Hoàng nghe xong, nét mặt biến sắc, phẫn nộ nói: “Tôi có chỗ nào là không bằng Ngụy Thành Tử? Khi Đại Vương thiếu Thái Thú ở Tây Hà, tôi đã tiến cử Tây Môn Báo cho người. Khi Đại Vương muốn tiến đánh Trung Sơn, tôi đã tiến cử Nhạc Dương. Khi Thế tử không có thầy dạy, tôi đã tiến cử Khuất Hầu Phụ. Kết quả là Tây Hà lập lại được an ninh trật tự, chiếm được Trung Sơn, phẩm đức của Thế tử ngày càng tốt hơn. Vậy vì sao mà tôi lại không được làm Tướng quốc?”
Lý Khắc nghe xong liền nói: “Ngụy Thành Tử trích ra đến 90% lương bổng của mình để chiêu hiền đãi sĩ. Ông ta đã mời được 3 vị nhân sĩ rất đạo đức từ ngoại quốc đến giúp vua là: Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, và Đoàn Can Mộc. Vua tôn họ lên làm thầy, và học tập theo họ đạo trị quốc. Còn 5 người mà ngài tiến cử, chỉ có tài của người bề tôi. Ngài sao có thể so sánh với Ngụy Thành Tử đây? “
Địch Hoàng suy ngẫm lại thấy xấu hổ và nói: “Ngài nói đúng rồi! Tôi quả thật thua kém Ngụy Thành Tử quá nhiều!”
Quả nhiên về sau, Ngụy Văn Hầu chọn Ngụy Thành Tử làm Tướng quốc.
Qua câu chuyện lịch sử này, chúng ta có thể học được ở Lý Khắc cách nhìn người, lựa chọn người chuẩn xác, phẩm hạnh đạo đức của Ngụy Thành Tử và sự thức tỉnh, biết người biết mình của Địch Hoàng. Bậc quân vương xưa lựa chọn quân thần, đều lấy tiêu chí phẩm hạnh đạo đức làm đầu. Một người có phẩm hạnh cao quý, tiết tháo cao thượng thì luôn luôn cảm hóa được những người xung quanh mình, cho dù không cần nói ra, thể hiện ra thì người khác cũng tự mình cảm nhận được.
Theo NTDTV
Mai Trà/ĐKN biên dịch