Nguyễn Giang Nam

Bọ gấu nước - Loài vật khó chết nhất hành tinh

Đăng 9 năm trước

Bọ gấu nước được phát hiện năm 1702 bởi nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek. Chúng có những khả năng siêu phàm mà không phải loài vật nào cũng có.

Đun thật sôi, đông thật lạnh, nén thật chặt, phơi thật khô, chiếu xạ thật mạnh, quăng vào buồng chân không... Hầu như mọi loài sinh vật khác đều không thể sống sót dù chỉ một trong các hành vi tàn sát trên, nhưng loài bọ gấu nước (tardigrade) vẫn cứ phây phây với tất cả những màn tra tấn "hành xác" này.

Tardigrades

Gấu nước

"Die hard"

Không phải ngẫu nhiên các nhà phi hành gia phải mặc bộ quần áo dày cộm và rất khó cử động hoặc di chuyển. Nếu từng xem loạt phim giả tưởng Aliens (Alien Anthology), hẳn bạn sẽ biết đến trò "diệt Alien" bằng cách mở cửa buồng lái để thổi bay con quái vật vào chân không. Đó là môi trường chết chóc cho gần như bất kỳ sinh vật nào.

Không có sự cân bằng áp suất khí quyển ở bên ngoài, toàn bộ không khí trong lồng ngực bạn sẽ bị rút cạn ra ngoài. Cùng lúc đó, các bọt khí trong máu bạn sẽ bung ra (tương tự các vận động viên lặn sâu nhưng trồi lên mặt nước quá nhanh), xé rách các mạch máu cũng lớp da bên ngoài cơ thể bạn. Máu trong cơ thể bạn sôi lên ùng ục. Kể cả bạn vẫn chưa chết ngay lúc ấy, các bức xạ đến từ không gian sẽ huỷ diệt DNA bên trong các tế bào của bạn. Không có DNA, các quá trình tổng hợp protein từ mRNA sẽ bị ngưng lại. Nếu "may mắn", não của bạn sẽ bất tỉnh sau 15 giây sau khi bị thổi vào không gian. Tất nhiên, bạn sẽ chết ngay sau ấy mà không kịp cảm nhận hết những điều tệ hại đang dần bủa vây lấy cơ thể bạn...

Ấy vậy mà có một nhóm loài sinh vật vẫn tồn tại được trong điều kiện hết sức khắc nghiệt đó. Chúng là những con bọ có tên gọi gấu nước với chiều dài cơ thể không quá 1 mm (thường chỉ dài khoảng 0,5 mm). Hồi 2007, hàng ngàn "chú gấu" được du hành trên một vệ tinh và nó đã bay trong chân không suốt một thời gian. Khi vệ tinh trên trở lại mặt đất, các nhà khoa học đã khám nghiệm lại chúng và phát hiện ra nhiều con bọ vẫn còn sống. Thậm chí, một số con cái còn đẻ trứng ngay trong không gian, và những con non mới nở lại cực kỳ khoẻ mạnh!

Nhưng loài bọ này không chỉ sống sót được trong điều kiện chân không mà còn ở những địa điểm cực kỳ khắc nghiệt khác trên Trái Đất. Chúng được tìm thấy tận trên những ngọn núi cao tới 5,5 km của dãy Himalaya, thấy trong các suối nước nóng của Nhật Bản, tận cùng dưới đáy đại dương và cả nơi băng giá như Nam Cực.

Thức ăn chính của bọ gấu nước là tảo, rêu và địa y

Những phát hiện đầu tiên...

Bọ gấu nước được phát hiện lần đầu vào 1702 bởi nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek. Trong bức thư gửi tới Hiệp hội Hoàng gia (Anh) tại London, ông viết: "Đã tìm thấy những vi động vật sống trong bùn có trên máng xối của nóc nhà" (On certain animalcules found in the sediment in gutters on the roofs of houses). Theo mô tả, ông đã lấy những mẫu bụi khô tưởng như không có sự sống, nằm trên máng xối và bổ sung nước vào đấy. Sử dụng một kính hiển vi tự chế, Leeuwenhoek phát hiện sau khoảng một giờ, nhiều "vi động vật" bắt đầu cựa quậy, bò và bơi chung quanh trong đĩa thí nghiệm. Tuy vậy, loài vật này chưa được đặt tên.

Hơn 7 thập kỷ sau, một tu sĩ kiêm nhà khoa học người Ý Lazzaro Spallanzani phát hiện "siêu năng lực" bên trong sinh vật này. Dùng chung phương pháp như Leeuwenhoek, Spallanzani cũng nhìn thấy những sinh vật li ti bò và bơi sau khi được thêm nước vào. Ông gọi chúng là "il Tardigrado", có nghĩa "bò rất chậm" vì những sinh vật này di chuyển không nhanh.

Trên kính hiển vi, bọ gấu nước có thân béo tròn, di chuyển bằng 8 chân khá to và khoẻ. Vì hình dạng này mà chúng được liên tưởng tới loài gấu với thân hình tương tự. Bọ gấu nước không có mắt nhưng bù lại, đầu của nó có một cái miệng rất to và khoẻ, với các mấu sắc cạnh như răng thú để cắn xé thức ăn.

Song chúng ta không phải lo lắng vì bọ gấu nước rất bé, chiều dài không bao giờ quá 1 mm và chỉ nhìn rõ dưới kính hiển vi. Thực tế bọ gấu nước là một nhóm loài với 900 loài riêng biệt được nhận diện. Đa số chúng là loài "ăn chay" bằng cách hút dịch của rêu, tảo và địa y để sống. Chỉ một số ít "ăn mặn" và một vài loài có ăn thịt cả chính đồng loại của mình!

Tardigrada macrobiotus

Bọ gấu nước có rất nhiều đại diện. Trong hình là bọ Tardigrada macrobiotus

Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn cả là bọ gấu nước đã từng tồn tại rất lâu trên hành tinh. Mẫu hoá thạch lâu đời nhất được ghi nhận cách nay hơn 500 triệu năm, tương ứng với kỷ Cambria (trước cả thời khủng long). Đấy là giai đoạn mà những động vật có cấu trúc cơ thể phức tạp đầu tiên ra đời. Và bọ gấu nước là một điển hình cực kỳ thú vị.

Siêu năng lực

Khô hạn

Tuổi đời lâu là thế nhưng khả năng của bọ gấu nước khiến bất kỳ sinh vật nào cũng phải kinh ngạc. Năm 1948, nhà động vật học người Ý Tina Franceschi khẳng định rằng những con bọ được tìm thấy từ những mẫu rong rêu có trong viện bảo tàng vốn đã bị héo úa suốt 120 năm vẫn có thể "sống lại". Sau khi cho thêm nước vào một con bọ, cô nhận thấy chân của nó cử động trở lại!

Tardigrades spend most of their lives on moss and lichen

Chỉ cần có nước, bọ gấu nước sẽ... sống lại

Tuy vậy phát hiện của Franceschi tương đối khó thuyết phục cộng đồng khoa học. Đơn giản vì không ai có thể lặp lại được thí nghiệm trên - phơi khô các mẫu bọ rồi... chờ 120 năm để quan sát chúng trở lại. Thêm vào đó không có nhiều chỉ dấu cho thấy những con bọ trên đã tồn tại cùng lúc với mẫu rêu có ở bảo tàng.

Song chúng ta vẫn có thể thực hiện lại điều trên ở quy mô ngắn hơn. Năm 1995, sau 8 năm bất động vì bị khô hoá, những con bọ gấu nước đã "sống lại" trước mắt các nhà khoa học.

Nóng bỏng & băng giá

Có thể sống sót trong điều kiện không có nước đã là rất khó khăn với mọi loài sinh vật. Nhưng bọ gấu nước dường như còn không "quan tâm" đến nhiệt độ môi trường...

Năm 1842, nhà khoa học người Pháp Doyère cho thấy ở trạng thái "đơ" (tun), bọ gấu nước vẫn sống sót được ở 125 °C. Đến 1920, một thầy tu dòng Benedict Gilbert Franz Rahm trả chúng về với sự sống sau khi gia nhiệt tới 151 °C trong vòng 15 phút! Sau đấy, Rahm tiếp tục tra tấn đám bọ bằng cách ngâm chúng trong không khí hoá lỏng ở -200 °C suốt 21 tháng, trong nitrogen lỏng ở -253 °C suốt 25 giờ, trong helium lỏng ở -272 °C suốt 8 giờ. Sau các màn "cực hình" như thế, bọ gấu nước vẫn cựa quậy khi được tiếp xúc với nước lỏng thông thường.

Sub-zero temperatures of Antarctica? No problem

Băng giá như Nam Cực không là vấn đề với gấu nước.

Cho đến hôm nay, các nhà khoa học xác nhận loài bọ này có thể chịu lạnh được tới -272,8 °C, tức gần như tới độ không tuyệt đối. Đấy là ngưỡng nhiệt độ mà các nguyên tử gần như đứng yên tại chỗ vì không còn chút nhiệt động học phân tử nào! Cho dễ hình dung, nơi có nhiệt độ tự nhiên thấp nhất trên Trái Đất từng được ghi nhận là giữa Nam Cực, -89,2 °C vào 1983. Loài bọ gấu nước dường như đã đẩy mọi giới hạn đi quá xa mức cần thiết.

Áp suất

Một giới hạn khác của bọ gấu nước khiến các nhà khoa học kinh ngạc không kém là áp suất chống chịu. Một nghiên cứu do Kunihiro Seki và Masato Toyoshima thuộc ĐH Kanagawa (Nhật) công bố hồi 1998 cho thấy sinh vật này có thể chịu được áp suất lên tới 600 MPa ở trạng thái "đơ". Con số này là "quá đáng" vì nơi sâu nhất trên Trái Đất - đáy vực Mariana Trench ở Thái Bình Dương, sâu 11 km - có áp suất nước cũng chỉ ở ngưỡng 100 MPa. Tức bọ gấu nước chịu sức ép tới gấp 6 lần nơi sâu nhất tinh cầu này!

Bức xạ

Dường như chỉ có duy nhất một thứ có thể giết được bọ gấu nước. Đó là các tia xạ. Song không phải tia xạ nào cũng làm được điều đó. 1964, các nhà khoa học đã thử chiếu tia X có cường độ chết người lên loài bọ này, nhưng chúng vẫn sống sót. Vài thí nghiệm sau này đã thử cả với tia alpha, gamma cũng như tử ngoại (UV) và chúng vẫn... ngoe nguẩy, kể cả khi không ở trạng thái "đơ"!

Tardigrades can even survive high doses of radiation

Bức xạ cao cũng không đảm bảo diệt được bọ gấu nước

Lần gần đây nhất là thí nghiệm hồi 2007 (đã nêu ở đầu bài). Nhiều con đã chết khi bị phơi nhiễm trước cường độ bức xạ cực cao. Nhưng bằng cách nào đó, một số vẫn sống và thậm chí còn đẻ trứng!

Khi các tế bào bị phơi nhiễm trước lượng xạ cực cao, DNA trong nhân tế bào bị "đánh phá" và chúng không còn nguyên vẹn. Tế bào không tổng hợp được dưỡng chất cần thiết nữa nên chúng sẽ chết dần theo thời gian. Và đây có lẽ là cách duy nhất để giết bọ gấu nước, dù không có gì đảm bảo 100% thành công.

Giải mã chìa khoá của sự bất tử

Bảo rằng bọ gấu nước bất tử cũng không quá lời. Vì mỗi khi môi trường khô hạn thiếu nước, chúng lại chuyển sang trạng thái "đơ". 1922, nhà khoa học người Đức H. Baumann đã giải mã được cách thức bọ gấu nước chuyển mình từ trạng thái bình thường sang trạng thái "bất diệt" nhất. Ông nhận ra rằng khi bị thiếu nước, bọ gấu nước thu mình lại, khép đầu và các chi vào trong. Từ đây nó rơi vào một điều kiện giống như ngủ đông của các loài vật khác. Song ở loài này, trạng thái này gần như là đã chết vậy.

Sau khi loại bỏ rút bỏ gần như cạn nước khỏi cơ thể, thân hình bọ gấu nước co rúm lại như một chiếc bánh mỳ bị ỉu. Baumann gọi tình trạng là Tönnchenform, nhưng về sau mọi người viết gọn thành tun (trong bài này chúng ta gọi là "đơ"). Ở trạng thái này, mức trao đổi chất trong cơ thể rút xuống còn 0,01%. Và bọ gấu nước có thể tồn tại như thế suốt hàng thập kỷ. Nó chỉ chờ đến khi nào có nước để "sống" trở lại.

Paramacrobiotus richtersi in its tun state

Bọ gấu nước ở trạng thái "đơ" như ổ bánh mỳ ỉu

Tuy vậy Baumann vẫn chưa lý giải được khả năng sống siêu phàm của loài bọ trên. Nếu không có nước, hầu hết sinh vật sẽ chết, không sớm thì muộn. Nhà nghiên cứu sinh vật trong điều kiện khắc nghiệt, Thomas Boothby, thuộc ĐH Bắc Carolina, giải thích: "Khi một tế bào thông thường bị kiệt nước, lớp màng ngoài của nó sẽ bị rách và rò rỉ dịch. Các protein của nó sẽ bị duỗi thẳng và đóng kết lại với nhau, khiến chúng trở nên vô dụng. DNA cũng sẽ bắt đầu bị đứt gãy khi thời gian khô hạn kéo dài hơn".

Nhưng bọ gấu nước không gặp bất kỳ điều nào trong các điều trên. Boothby nhận xét: "Nếu gấu nước có thể sống sót mà không cần nước, chắc chắn chúng phải có những thủ thuật riêng để ngăn cản hoặc sửa chữa các hư hại mà các tế bào như của chúng ta thường sẽ bị chết (vì thiếu nước)".

Trehalose structure

Công thức hoá học của đường trehalose

Ngoài bọ gấu nước ra, vẫn có một số loài khác có khả năng tồn tại trong điều kiện khô hạn, như một số loài giun tròn, nấm men hoặc vi khuẩn. Bí mật của chúng chính là khả năng tạo ra một loại đường có tên trehalose (hoặc mycose hoặc tremalose). Khi bị thiếu nước, loại đường này chuyển sang một trạng thái "đóng băng" bên trong tế bào các sinh vật trên, giúp giữ ổn định các thành phần cơ yếu nhất, như protein hay màng tế bào. Nhờ đó cơ thể sinh vật không bị tiêu diệt do mất nước.

Trehalose cũng có khả năng bao bọc xung quanh các phân tử nước còn sót lại bên trong tế bào. Phản ứng này sẽ ngăn các phân tử nước giãn nở đột ngột trong trường hợp nhiệt độ môi trường tăng lên. Sự giãn nở đột ngột của các phân tử nước là cực kỳ nguy hiểm vì chúng có thể làm rách tế bào, dẫn tới cái chết không tránh khỏi cho sinh vật.

Song, bọ gấu nước không sử dụng thủ thuật này. Chỉ có một số ít loài tổng hợp được trehalose. Boothby cho hay: "Một số loài (như gấu nước) dường như không làm ra trehalose, hoặc có thể làm ra nhưng ở mức thấp đến nỗi chúng ta không thể phát hiện ra. Điều này cho thấy gấu nước có thể sử dụng thủ thuật khác để tồn tại trong điều kiện khô hạn. Chúng ta biết rằng, khi bị ráo nước, gấu nước làm ra các chất bảo vệ giúp chúng sống sót khi bị khô hoàn toàn. Nhưng chính xác là những chất gì thì đấy vẫn còn là bí ẩn".

The tardigrade Hypsibius dujardini

Khi sự ráo nước bắt đầu, dường như bọ gấu nước đã tạo ra rất nhiều chất chống oxy hoá. Chúng tương tự như vitamin C và E, vốn có thể trung hoà bớt các hoá chất có hoạt tính mạnh. Đây có thể là cách mà bọ gấu nước kiểm soát các hoá chất đáng ngại có trong cơ thể. Các chất chống oxy hoá cũng có thể là lời giải thích cho siêu năng lực của gấu nước. Nếu chúng ở trong trạng thái "đơ" quá lâu, các DNA sẽ bị hư hỏng. Nhưng ngay khi loài này tỉnh dậy, các chất trên sẽ nhanh chóng sửa chữa lấy chúng.

Nhưng còn khả năng chịu nóng và chịu lạnh cực độ thì sao?

Ở trên chúng ta đã biết, bọ gấu nước có thể chịu lạnh được tới cả độ không tuyệt đối (absolute zero). Tại mức ấy, mọi thứ gần như đóng băng, kể cả không khí. Và với cơ thể sinh vật thông thường, nếu băng đá hình thành bên trong các tế bào, chúng có thể xé rách các thành phần quan trọng ví như DNA.

Một số loài vật, nhất là cá, vì sống trong môi trường nước, có thể tạo ra các protein chống đông giúp hạ thấp nhiệt độ đông lạnh trong cơ thể chúng xuống, nhằm ngăn chặn sự hình thành của của băng đá. Tuy vậy, người ta không tìm thấy các protein trên trong bọ gấu nước.

Bí quyết chịu lạnh của loài vật này hiện vẫn còn là bí mật. Có người cho rằng bọ gấu nước "chấp nhận" sự tồn tại của băng đá trong cơ thể. Và bằng cách nào đó chúng ngăn không cho băng đá phá hoại cơ thể mình, hoặc chấp nhận bị phá hoại rồi tự sửa lại khi tỉnh dậy.

Cũng có ý kiến cho rằng sinh vật này "khuyến khích" sự hình thành của băng, nhưng không phải trong cơ thể mà nằm ở bên ngoài. Với các tinh thể băng còn sót lại bên trong, một số hoá chất có tác dụng như trehalose sẽ "khoá" các tinh thể trên trước khi chúng làm hại các bào quan.

Some bacteria can live in hot springs

Nhiều loài vi khuẩn sống trong các hồ nước nóng gần miệng núi lửa

Song các giải thích trên không giải thích được khả năng chịu nóng tới 150 °C của loài này. Khi chúng ta chiên trứng, tại nhiệt độ cao, các protein lẫn màng tế bào sẽ bị giãn ra và kết dính lại. Đây là lý do tại sao trứng chiên rồi không... "sống" lại được.

Dẫu sao, vẫn có một số sinh vật chịu được nhiệt độ cao, như các vi khuẩn kỵ khí chuyên sống ở các ống thuỷ nhiệt dưới lòng biển hoặc các khu vực gần miệng núi lửa. Chúng vẫn có thể sinh tưởng được tới mức 122 °C. Song vẫn là thấp hơn bọ gấu nước nếu thực nghiệm của Rahm đáng tin cậy.

Với các loài trên, người ta phát hiện rằng chúng có khả năng tạo ra các protein chống shock nhiệt. Các protein này xuất hiện khi có nhiệt độ cao, chúng sẽ kết hợp với các protein đang có sẵn trong cơ thể để giữ hình dạng cho các protein trên, giúp chúng không bị phân rã. Loại protein đặc biệt này còn có khả năng sửa chữa các protein khác bị hư hỏng do nhiệt độ.

Nhưng cho tới nay, chưa có kết luận cụ thể nào về việc bọ gấu nước có thể tạo ra các protein chống shock nhiệt này...

Computer-generated image of a tardigrade

Rất khó giải thích tại sao bọ gấu nước có thể chịu được áp suất cao đến vậy

Và năng lực sau cùng là thứ gây đau đầu nhất. Dưới sức ép cực cao, các protein lẫn DNA sẽ bị xé nát. Còn màng tế bào, vốn có cấu tạo từ chất béo, cũng sẽ "vón cục" lại như bơ để trong tủ lạnh. Đa số các sinh vật ngưng trao đổi chất khi bị ép ở áp suất 30 MPa. Còn vi khuẩn thì không thể sống sót được ngoài mức 300 MPa. Vậy mà bọ gấu nước vẫn qua được mức 600 MPa!

Lời giải thích giản đơn

Nhiệt độ cực cao hoặc cực thấp, bức xạ hay áp suất cao đều có chung một điểm - chúng huỷ diệt DNA cũng như các bào quan cần thiết khác. Nhiệt độ sẽ khiến các protein bị tháo giãn, kết dính với nhau và trở nên vô dụng. Bức xạ xé nát DNA cùng các phân tử kích thước lớn. Còn áp suất làm đông đặc màng tế bào.

Hypsibius dujardini with eggs

Trứng của loài bọ Hypsibius dujardini

Và nếu như tất cả điều trên đều gây những hậu quả tương tự nhau, thì có lẽ bọ gấu nước cũng chỉ có vài "mánh lẻ" để vượt qua tất cả chúng. Một liều thuốc cho nhiều căn bệnh. Boothby nhận xét: "Không ai biết rõ đấy là gì. Nhưng hoàn toàn có những lý do phù hợp để nghĩ rằng một số chiến thuật nào đó có thể áp dụng cho mọi hoàn cảnh cực độ như vậy".

Lấy ví dụ, cả việc bị khô hạn lẫn chiếu xạ đều phá huỷ DNA. Vì thế nếu bọ gấu nước có thể tạo ra các chất chống oxy hoá và sửa chữa DNA, thì có nghĩa nó có thể chịu được cùng lúc cả 2 yếu tố cực hạn. Hoặc nói theo cách khác, khả năng chịu bức xạ chỉ là "hệ quả phụ" từ năng lực chịu hạn. Bởi vì ban đầu, bọ gấu nước, vốn sống dưới biển và chúng chỉ lên bờ khoảng 500 triệu năm trước. Khi lên trên đất liền, chúng phải đối mặt với tình trạng khô hạn thường xuyên và để tồn tại, gấu nước phải tiến hoá để thích nghi với điều kiện mới.

Not all tardigrades are amazing survivors

Một số loài gấu nước có sức chịu đựng kém các đồng loại khác

Thực tế là những loài bọ gấu nước cổ xưa nhất, Arthrotardigrada, sống dưới biển, không có khả năng chịu hạn tốt bằng hậu duệ của chúng trên mặt đất. Nhưng "vô tình", việc chuyển nơi ở từ biển lên đất liền đã cho bọ gấu nước cả khả năng chịu xạ. Vì dù sao, chỉ có thí nghiệm 2007 mới đưa loài này vào không gian chứ bản thân chúng không có "nhu cầu" lên đấy.

Có lẽ nước cũng chính là lời giải đáp sau cùng cho các năng lực của loài này. Suy cho cùng, không có loài nào tồn tại được nếu không có nước. Không có nước sẽ không có sự trao đổi chất bên trong tế bào. Vì thế mà bọ gấu nước đã "phát minh" ra trạng thái "đơ", tình trạng mà khi đó cơ thể hoàn toàn không có sự trao đổi chất - gần như chết. Điều kiện cực nóng hay cực lạnh đều khiến cơ thể mất nước và "đơ" là cách gấu nước tồn tại được. Điều đáng chú ý là mỗi khi có lại nước, gấu nước lại hoạt động trở lại nhờ quá trình trao đổi chất được "resume" (phục hồi).

A tardigrade (Macrobiotus sapiens)

Dù có năng lực siêu phàm nhưng bọ gấu nước chỉ sống gần nguồn nước

Thêm vào đó, với các siêu năng lực trên, đáng lẽ gấu nước phải "thích" những nơi có điều kiện cực hạn. Nhưng ngược lại, chúng chỉ quanh quẩn những vị trí nào có nước, đặc biệt là những chỗ có rêu hay địa y. Trong khi các loài có kích thước tương tự "thích" sống phiêu lưu khắp chốn, thì bọ gấu nước chỉ thích "an nhàn" tại những nơi kể trên. Mặc dù chúng, với các siêu năng lực, hoàn toàn có thể tồn tại ở sa mạc, băng đảo, dưới đáy biển sâu hoặc cả ngoài vũ trụ.

Loài khác có nên "ghen tức"?

Với các siêu năng lực như thế, ắt hẳn loài vật nào cũng muốn. Có thể tồn tại ở bất kỳ điều kiện cực hạn nào không phải thứ ai cũng làm được. Tuy vậy, loài nào cũng có thể tiến hoá. Vậy tại sao chỉ gấu bọ nước tiến hoá được như vậy mà các loài khác thì không?

Boothby giải thích: "Có một số lý do chính đáng tại sao nhiều động vật và thực vật không tiến hoá theo cách của gấu nước. Nhiều động vật chỉ đơn giản là không cần đến chúng. Chúng không sống trong các môi trường dễ mất nước, hoặc chúng có thể phát triển theo hướng tránh mất nước, kiểu như lạc đà".

Những loài khác chỉ đơn giản là tránh xa những nơi cực hạn như vậy. Như các loài chim di trú về mùa đông, hoặc thú tìm chỗ trú ẩn trong hang ấm... Khi thiếu nước, chúng sẽ tự đi tìm nước ở sông suối ao hồ hoặc những loài thực vật khác.

Hydrothermal vents at the sea

Các ống thuỷ nhiệt là nhà của nhiều loài vi khuẩn, nhưng không bắt buộc các loài khác cũng phải sống ở đấy

Và điều quan trọng hơn, là trạng thái "đơ". Khả năng này rất hay để đối phó với môi trường, nhưng lại "dở" khi đối phó với các loài khác. Boothby cho biết: "Khi một con gấu nước bị khô hoàn toàn, chúng trở nên bất động và không thể chủ động tránh được các mối nguy hiểm có quanh mình". Khi ở tình trạng bất hoạt như thế, một con vật sẽ trở thành mồi ngon trong mắt các loài săn thịt khác. Thử tưởng tượng một chú gấu vài trăm kg bị mất hết nước và nằm lọt giữa bầy sói. Có lẽ chú sống được qua mùa đông, nhưng không sống được trong dạ dày của loài khác.

Vì thế, có lẽ việc tiến hoá của bọ gấu nước chỉ thích hợp đối với chúng. Chúng đã tồn tại suốt 500 triệu năm và sẽ tiếp tục tồn tại như thế. Bọ gấu nước "vui vẻ" với điều đó. Nhưng các loài khác cũng không cần thiết "gato" vì cách sống của từng loài khác nhau.

Nguồn: Vnreview

Chủ đề chính: #gấu_nước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn