Bớt mơ mộng đi! 4 cuốn sách này sẽ giúp bạn có tư duy thực tế
Đăng 7 năm trướcCuộc sống rất phức tạp. Và tôi thấy rõ rằng mọi người có xu hướng khiến nó trở nên phức tạp hơn bằng cách suy nghĩ đầy mơ mộng mà chẳng có tí thực tế nào cả.
Một trong những thứ mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến đó là cách chúng ta suy nghĩ. Chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian cố gắng giải quyết những vấn đề mà thực ra chúng chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng cả.
Bạn đã từng cân nhắc tới điều này chưa?
Chẳng hạn, một trong những câu hỏi mà tôi thường được hỏi đó là: “Tôi không biết cách phân bổ thời gian của tôi. Có quá nhiều thứ tôi muốn làm trong cuộc sống. Cách tốt nhất để làm tất cả mọi thứ là gì?”
Tôi nghĩ: Tại sao bạn lại muốn làm tất cả mọi thứ? Bằng cách muốn điều đó, bạn đang tạo ra một vấn đề đấy. Từ quan điểm thực tế, bạn chỉ có thể làm rất ít thứ với thời gian của bạn, và điều đó cũng có nghĩa là bạn chỉ có thể làm một vài thứ trong suốt cuộc đời.
Do đó, cuộc sống không phải là số lượng, mà đó là chất lượng. Ít hơn luôn tốt hơn. Giờ thì chắc bạn muốn loại trừ tất cả những thứ mà bạn chẳng hề có tí đam mê nào rồi chứ.
Giống như Derek Sivers từng nói:
Nếu bạn không nói “Quá được!” về một thứ gì đó thì hãy nói “không”.
Đây là cách suy nghĩ thực tế. Đó là điều mà tôi cũng đã học được trong hơn 10 năm qua. Đa phần những người gặp tôi giờ đều nghĩ rằng tôi luôn là người suy nghĩ thực tế. Đó không phải là sự thật. Phải mất nhiều năm liền tôi mới học được cách nghĩ như vậy. Việc đơn giản hóa những vấn đề phức tạp không hề dễ.
Và cách suy nghĩ thực tế là kỹ năng rất giá trị đã giúp tôi giải quyết những vấn đề phức tạp cả trong công việc lẫn cuộc sống. Nó giúp tôi có được cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Để học cách suy nghĩ thực tế, bạn không cần phải nghiên cứu về chủ nghĩa thực dụng (một nhánh triết học bắt đầu xuất hiện cách đây một thế kỷ) bởi vì nó rất nhàm chán. Những người theo chủ nghĩa thực dụng tự gọi họ là “anti-intellectualist” – những con người chống lại lý luận và họ thậm chí còn không hề thích triết học. Họ tranh cãi rằng phần lớn những triết gia đều lãng phí thời gian vào việc nghĩ về những thứ mà chẳng có tí thực tế nào cả.
Ý tưởng đằng sau chủ nghĩa thực dụng là thế này: Nếu một thứ gì đó logic thì về cơ bản, nó không có nghĩa là hữu ích.
Thế giới có vô vàn sự thật. Nhưng thế thì sao? Nếu có một lời khuyên, nghiên cứu, lý thuyết hoặc ý kiến mà chẳng có tí thực tế nào với cá nhân bạn thì nó cũng vô dụng.
Thế là đủ rồi. Giờ hãy xem danh sách 4 cuốn sách mà tôi giới thiệu ngay dưới đây và chắc chắn, chúng sẽ rất có ích trong việc giúp bạn trở thành một người có tư duy thực tế.
1. Pragmatism: A New Name for Some Old Ways of Thinking (tạm dịch: Chủ nghĩa thực dụng: Cái tên mới cho vài lối tư duy cũ) - William James
Tôi rất thích tựa đề này. Đây là bộ sưu tập các bài giảng mà James đã trình bày tại Học viện Lowell và Đại học Columbia vào đầu những năm 1900 dựa trên những gì mà ông quan sát được về chủ nghĩa thực dụng.
Chủ nghĩa thực dụng không thật sự thuộc về triết học theo cách nghĩ truyền thống. Nó chỉ đơn thuần là một cách nghĩ. Và cũng chẳng có gì mới mẻ cả. Vậy thì nó đóng góp điều gì?
Nó thật đến tàn nhẫn.
Chủ nghĩa thực dụng hoàn toàn trung lập. Họ không bao giờ tin vào thứ gì đó chỉ bởi vì những người khác đều tin. Không, một người theo chủ nghĩa thực dụng chỉ tin vào điều gì thực tế. Hay nói cách khác: Họ tin vào điều gì xảy ra thật sự.
Bộ sưu tập các bài giảng này hoàn toàn miễn phí và tôi đề xuất tất cả mọi người nên đọc. Những ý kiến của James rất có ích và bạn có thể dễ dàng áp dụng chúng vào cuộc sống hiện đại.
2. Screw It, Let’s Do It (Mặc kệ nó, làm tới đi) - Richard Branson
Theo quan điểm của tôi, Richard Branson là doanh nhân thành công nhất của thế kỷ 21.
Tôi nói điều này bởi vì tôi nghĩ rằng ông là người có tác động lớn nhất trong cuộc đời của những người khác. Ông không chỉ tạo ra hàng triệu đô la hay tạo ra hàng nghìn việc làm cho mọi người. Ông còn là người truyền cảm hứng cho nhiều doanh nhân khác.
Khi lớn lên, tôi vô cùng ngưỡng mộ Branson. Hầu hết mọi người trên tuổi 25 đều nhớ về những cố gắng điên cuồng của ông. Ông là một nhân cách rất thú vị.
Nhưng điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở người đàn ông này đó là cách mà ông nghĩ. Hãy đọc câu chuyện đằng sau Virgin Atlantic và bạn sẽ hiểu.
Branson bị mắc kẹt ở Puerto Rico do chuyến bay bị hủy và mọi người đều lang thang không biết đi về đâu. Ông quyết định thuê một chiếc máy bay 2.000 bảng rồi lấy giá đó chia cho số hành khách còn lại. Thế là một hãng hàng không ra đời. Quả là một ý tưởng không thể thực tế hơn được nữa.
3. The Story of My Life (Câu chuyện cuộc đời tôi) - Helen Keller
Cái gì đây? Bạn đang phàn nàn về công việc của mình? Hay việc chăm sóc gia đình thật là vất vả? Thật thú vị khi biết được tất cả chúng ta đều mềm yếu thế nào, đặc biệt nếu bạn so sánh những khó khăn của chúng ta với điều mà Helen Keller đã từng chịu đựng.
Helen Keller là một trong những người anh hùng của tôi. Một con người phi thường đã phấn đấu hết sức trong suốt cuộc đời mình mặc dù bị câm và mù khi vừa được 19 tháng tuổi.
Hãy đọc tự truyện của bà (bà đã viết năm 22 tuổi) và bạn sẽ được đắm chìm trong tâm trí của con người ấy.
Đó là con đường tuyệt vời để hiểu cách mà bà đã nhìn nhận cuộc đời như thế nào.
Đa phần mọi người đều đã nghe về Helen Keller nhưng tôi chưa gặp nhiều người đã từng đọc tự truyện của bà. Tôi tin rằng việc tìm hiểu góc nhìn của Helen Keller về cuộc đời là rất đáng giá.
Một vài nhà chỉ trích cho rằng bà không nói nhiều về những khó khăn mà luôn nói về điều tích cực. Nhưng điều này còn khiến tôi càng hào hứng hơn với cuốn sách.
Phàn nàn và từ bỏ là điều dễ dàng. Tận dụng tối đa những gì bạn có thật khó khăn. Và nếu không có một tư duy thực tế thì đó là điều không thể.
4. Becoming Steve Jobs (Tạm dịch: Trở thành Steve Jobs) - Brent Schlender và Rick Tetzeli
Steve Jobs không phải là một người đàn ông thực tế.
Nhiều người đã biết nỗi ám ảnh của ông về những thứ bên trong của các sản phẩm và thiết bị Apple. Jobs bị ám ảnh bởi tính thẩm mỹ của những thứ mà người dùng Apple sẽ không bao giờ nhìn thấy.
Ai quan tâm tới cấu trúc của các sản phẩm Apple trông như thế nào? Hay bên trong chiếc iPhone như thế nào? Dành nhiều thời gian và tiền bạc cho những thứ này quả là xa rời thực tế. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều có một mục đích rõ ràng theo cách tư duy của Jobs.
Lý do tôi đề cập đến cuốn sách này đó là cuộc sống không chỉ là tư duy thực tế. Nếu không thì chúng ta sẽ chỉ quan tâm tới kết quả. Tuy nhiên, tôi nghĩ cách mà chúng ta sẽ nhận được kết quả cũng là điều quan trọng.
Không phải tất cả mọi thứ tôi làm trong đời đều thực tế. Một vài thứ còn tùy thuộc vào phong cách, khẩu vị và tính thẩm mỹ. Thực tế, Jobs từng tranh luận rằng tất cả mọi thứ đều nằm ở khẩu vị.
Bằng cách học Steve Jobs, tôi học được rằng bạn có thể kết hợp suy nghĩ thực tế và phi thực tế giống như khẩu vị vậy.
Những người mà thiếu suy nghĩ thực tế sẽ mãi là những nghệ sĩ “luôn thèm khát”.
Những người thực tế mà thiếu khẩu vị sẽ mãi là những con người “lờ đờ”.
Nói một cách thực tế, cuộc sống quá ngắn ngủi để trở nên nhàm chán. Hãy khiến nó thật thú vị. Nếu không biết điều này, bạn sẽ chết.
Theo Darius Foroux