Cá Nhám Voi ( The Whale Shark) - Loài cá mập lớn nhất thế giới đang có nguy cơ bị tuyệt chủng
Đăng 3 năm trướcMột cuộc khảo sát kéo dài hàng thập kỷ về các loài động vật sống trong lòng đại dương cho thấy cá nhám voi là loài cá mập lớn nhất thế giới. Chúng không phải là cá voi mà là cá mập. Hiện nay cá nhám voi được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Cá nhám voi trưởng thành có thể dài tới 12 m, nhưng trung bình chúng dài từ khoảng 5,5 m đến 10 m và nặng 18,7 tấn, kích thước này tương đương với một chiếc xe buýt trường học ở Mỹ.
Loài cá mập trắng lớn có thể được chú ý nhiều hơn, nhưng chúng chỉ là những chú lùn khi so sánh với cá nhám voi. Theo Discovery, cá mập trắng là loài cá săn mồi lớn nhất hành tinh. Kích thước khi trưởng thành của chúng khoảng 4,6 m đến 6,1 m hoặc hơn, và có thể nặng gần 2,3 tấn. Còn cá nhám voi không phải là động vật săn mồi.
Cá nhám voi có phần đầu phẳng và có một mõm tù ở phía trên miệng. Các sợi râu ngắn – là các cơ quan cảm giác giống như sợi tinh thể ở cá da trơn – nhô ra từ lỗ mũi của chúng. Lưng và hai bên cạnh có màu xám tới màu nâu với những đốm trắng và sọc màu xám xanh. Bụng màu trắng. Hình dạng các đốm trắng của mỗi con cá nhám voi là duy nhất, cũng giống như dấu vân tay của con người.
Miệng của một con cá nhám voi rộng khoảng 1,5 m. Hàm răng của chúng có hơn 300 cái răng, nhưng có tác dụng như một máy lọc thức ăn, chúng không sử dụng những chiếc răng này để ăn.
Môi trường sống
Cá nhám voi có xu hướng thích những nơi ấm áp và chúng thường được thấy ở tất cả các vùng nước nhiệt đới trên khắp thế giới. Một số đã được phát hiện ở những vùng nước lạnh hơn, chẳng hạn như ở ngoài khơi bờ biển New York. Theo IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), hầu hết các con cá nhám voi (75%) được tìm thấy ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Thói quen sinh hoạt
Cá nhám voi là những sinh vật đơn độc mặc dù chúng không né tránh việc chia sẻ nơi kiếm ăn với những con cá nhám voi khác. Chẳng hạn như, Biển Đỏ là một khu vực phổ biến cho cá nhám voi đang trưởng thành gặp gỡ và kiếm ăn cùng nhau. Không còn nhiều điều khác được biết đến về loại cá mập này và thói quen xã hội của chúng. Theo IUCN, chúng chưa được nghiên cứu nhiều như các sinh vật biển khác.
Chế độ ăn
Những con cá mập này không tấn công và xé nhỏ con mồi giống như hầu hết họ hàng của chúng. Theo National Geographic, trong khi cá mập là loài săn mồi, cá nhám voi là những kẻ ăn có chọn lọc. Chúng mở miệng, để nước đi vào bên trong và cơ thể của chúng lọc thức ăn ra và phun nước cùng với bất kỳ mảnh vỡ nào trở lại biển. Sinh vật phù du là nguồn thức ăn chính của chúng, nhưng chúng cũng ăn tôm, tảo và các thực vật biển khác, cá mòi, cá cơm, cá thu, mực, cá ngừ và cá ngừ vây dài. Chúng còn ăn cả trứng cá. Theo Ủy ban Bảo vệ Thiên nhiên, cá nhám voi có thể đợi tới 14 giờ để chờ cá đẻ trứng trên các rạn san hô, sau đó chúng sẽ nhào vào và ăn trứng đó.
Sinh sản
Cá nhám voi cái sản xuất trứng, nhưng cá con nở ra bên trong cơ thể mẹ thay vì trong nước giống như hầu hết các loài cá. Sau đó, cá mẹ sẽ sinh ra khoảng 300 cá con còn sống, mặc dù rất nhiều trong số chúng sẽ không thể sống sót đến khi trưởng thành.Cá nhám voi có tuổi thơ dài. Ở tuổi 25, các con cá con đã sẵn sàng để sinh ra thế hệ kế tiếp. Chúng có thể sống tới khoảng 100 đến 150 năm.
Nguy cơ tuyệt chủng của cá nhám voi
Trong sách đỏ quốc tế, cá nhám voi được xếp vào nhóm EN trong cấp độ bảo tồn, tức là loài nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Ở Việt Nam, cá nhám voi có tên trong sách đỏ đồng thời nằm trong Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Cá nhám voi bị suy giảm nghiêm trọng trong thế kỷ qua. Sách đỏ Việt Nam năm 2010 ghi nhận tình trạng loài này chỉ còn dưới 250 cá thể tại Việt Nam và sẽ ngày càng giảm do tình trạng đánh bắt. Trong khi trên thế giới, chỉ có 100 cá thể được nghiên cứu.
Loài cá này cũng có trong Phụ lục II của Công ước CITES, kiểm soát chặt chẽ hành vi khai thác, buôn bán. Các hành vi đánh bắt, mua bán đều bị xử phạt.
Nghị định 103/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản quy định, hành vi khai thác, mua bán, thu gom, nuôi, lưu giữ, sơ chế, chế biến các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (mức EN) có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng tùy khối lượng sinh vật.
Cre: Thế giới vi sinh
********************************************************************************************************
*Tham khảo thêm nhiều bài viết của mình trên Ohay TV tại đây