Chiều cao con người đã thay đổi ra sao trong 100 năm qua?
Đăng 8 năm trướcNgười Việt Nam có sự tăng lên đáng kể về chiều cao nhưng lại sa sút trên bảng tổng sắp.
Nghiên cứu so sánh những thay đổi về chiều cao con người do James Bentham và Majid Ezzati đến từ Đại học Imperial, London tiến hành, được đăng tải trên chuyên trang khoa học eLife. Kết quả khảo sát đúc kết từ tổng cộng 1472 nghiên cứu trên 18.6 triệu người thuộc 187 quốc gia, với năm sinh từ 1896 đến 1996.
Nam giới Hà Lan và nữ giới Latvia đứng đầu bảng xếp hạng với chiều cao trung bình lần lượt là 183cm và 170cm. Nam giới Đông Timor và nữ giới Guatemala khiêm tốn xếp chót bảng với chiều cao trung bình tương ứng là 160cm và 149.4cm.
Những quốc gia đứng đầu danh sách 30 đến 40 năm trước đây có dấu hiệu rớt hạng nặng nề dù chiều cao trung bình tăng lên. Ví dụ, vào năm 1914, nam giới Mỹ cao thứ 3 thế giới với 171cm, nay đã tụt hạng không phanh xuống vị trí 37 với 177cm. Tương tự, nữ giới Mỹ tụt 38 hạng xuống vị trí 42 dù tăng từ 159cm lên 163.5cm.
Lí giải cho việc vị trí Mỹ trên bảng xếp hạng bị tụt dốc thảm hại là do chế độ dinh dưỡng của người nghèo tại Mỹ ngày một kém đi, cộng với lượng lớn dân nhập cư ồ ạt đổ vào Mỹ có chiều cao khiêm tốn đã tác động bất lợi đến thứ hạng quốc gia này.
Các nước Đông Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất thế giới. Điển hình là phụ nữ Hàn Quốc, từ top 5 quốc gia có nữ giới thấp nhất đã vươn lên dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng chiều cao (20.2cm). Điều này tương tự với nam giới Iran (tăng 16.5cm)
Các quốc gia có tốc độ tăng trưởng chiều cao “chậm chạp” nhất thuộc khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh) và vùng bán hoang mạc Sahara.Thực tế thì cư dân một số nước vùng bán hoang mạc có chiều cao trung bình sụt giảm vài cm kể từ năm 1970, đặc biệt là nam giới Uganda và Sierra Leone. Nguyên nhân đưa ra là do hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe trì trệ, mật độ dân số dày đặc và chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, kém đa dạng.
Chế độ dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai và của trẻ giai đoạn sơ sinh có ảnh hưởng rất lớn đối với chiều cao đứa bé trong tương lai. Những người cao ráo được nhận định sống thọ hơn, ít mắc các bệnh tim mạch, hô hấp nhưng lại dễ mắc các căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Theo nghiên cứu trên, những người “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” thường có khuynh hướng thừa hưởng nền giáo dục tốt hơn và có mức lương hằng năm cao hơn $4175 so với những người thấp bé.
Tính riêng Việt Nam, chiều cao trung bình tăng từ 144.8cm lên 153.6cm trong khoảng thời gian 1896-1996, song lại tụt hạng từ 182 xuống 188.
Bảng xếp hạng chiều cao trung bình cư dân các quốc gia trên thế giới
Nam giới (trong ngoặc là thứ hạng năm 1914)
1. Hà Lan (12)
2. Bỉ (33)
3. Estonia (4)
4. Latvia (13)
5. Đan Mạch (9)
6. Bosnia và Herzegovina (19)
7. Croatia (22)
8. Serbia (30)
9. Iceland (6)
10. Cộng hòa Séc (24)
Nữ giới (trong ngoặc là thứ hạng năm 1914)
1. Latvia (28)
2. Hà Lan (38)
3. Estonia (16)
4. Cộng hòa Séc (69)
5. Serbia (93)
6. Slovakia (26)
7. Đan Mạch (11)
8. Lithuania (41)
9. Belarus (42)
10. Ukraine (43)
Nguồn: elifesciences.org