Soraphie

Có nên hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng?

Đăng 7 năm trước

Các nhà khoa học đã cấy thành công gen của voi ma mút vào tế bào của voi, nhưng việc đảo ngược quá trình tuyệt chủng này sẽ còn rất dài.

Hãy tưởng tượng chúng ta được nhìn thấy loài khủng long hoặc loài mèo răng kiếm (sabertooth cat) đang thực sự sinh sống chứ không phải nằm trong viện bảo tàng. Danh sách những loài động vật truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của con người về khả năng có thể hồi sinh chúng không chỉ dừng lại ở loài voi ma mút. Khoa học và công nghệ giúp hồi sinh một số loài động vật đã xuất hiện để đưa ý tưởng từ những phim khoa học viễn tưởng đến gần hơn với thực tế. Nhưng việc hồi sinh những loài động vật đã tuyệt chủng liệu có phải là một ý tưởng hay? 

Đây là một chủ đề được tranh luận kịch liệt giữa các nhà khoa học, chính trị gia, nhà phát triển, nhà bảo tồn, nhà đạo đức học. Có rất nhiều câu hỏi và vấn đề được đặt ra xoay quanh việc đảo ngược quá trình tuyệt chủng. Ví dụ như: nếu chúng được hồi sinh thì chúng ta sẽ để chúng sống ở đâu? Chúng ta làm gia tăng số lượng những loài này ở mức nào để đảm bảo chúng tồn tại được? Những loài động vật và thực vật hiện nay sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? 

Hãy lấy loài chim bồ câu viễn khách (passenger pigeon) làm ví dụ. Chúng đã tuyệt chủng năm 1914, một khoảng thời gian cách đây không lâu. Và bồ câu viễn khách chính là ứng cử viên đầu tiên trong vấn đề này. Hiện có một dự án đang được tiến hành để hồi sinh loài động vật này. Chúng là loài chim nhỏ và dễ thương, vậy chúng có thể gây ra rắc rối như thế nào?


Chim bồ câu viễn khách ở viện bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên, Chicago, Mỹ

Hóa ra, chúng gây ra không ít rắc rối. Bồ câu viễn khách di cư và sống trong một bầy đàn khổng lồ, thường lên tới hàng triệu con. Chúng dùng số lượng khổng lồ đó như một cách bảo vệ mình và chế ngự các nguồn thức ăn. Kích cỡ bầy đàn của chúng cũng liên quan tới quá trình sinh sản. Những con chim bồ câu viễn khách cuối cùng sống ở sở thú Cincinnati, Mỹ, không có khả năng sinh sản. Một vấn đề khác nữa đối với việc tái sinh loài này là mẫu rừng khổng lồ rộng gần 344 héc-ta ở Wisconsin, từng là môi trường sống cho bầy chim bồ câu viễn khách cuối cùng, không còn phát triển nữa.

Những nhà khoa học khác phản bác lại những tranh luận này bằng lập luận rằng, chúng ta có thể tái tạo lại loài bồ câu viễn khách để chúng có thể sinh sản và phát triển trong môi trường được kiểm soát và ở số lượng ít hơn. Nhưng như thế có thật sự là bồ câu viễn khách nữa không hay trở thành một loài họ hàng mới được hình thành? Còn số tiền hàng triệu đô cùng hàng nghìn giờ nghiên cứu để giúp hồi sinh loài sinh vật đã tuyệt chủng này thì sao? Nhiều người cho rằng nguồn tiềm lực đó thà được dùng để cứu những động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng còn hơn. Những người ủng hộ việc đảo ngược quá trình tuyệt chủng tranh luận rằng số tiền và thời gian giúp hồi sinh động vật có thể được sử dụng để thổi lên cuộc tranh luận về việc bảo tồn và cứu động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hãy tưởng tượng loài voi răng mấu và khủng long ở trong sở thú, khi ấy mọi người có thể tới thăm quan, tìm hiểu tại sao chúng bị tuyệt chủng và biết được cần phải bảo vệ động vật như thế nào.

Những tranh luận từ hai phía đều hợp lý, cho nên câu hỏi liệu có nên hồi sinh động vật đã tuyệt chủng sẽ không được giải đáp cho đến khi loài sinh vật đầu tiên được hồi sinh thành công. Chúng ta chỉ không thể biết trước được sự phân nhánh sẽ ra sao nếu hồi sinh chúng. Nhưng có thể khẳng định là một "công viên kỷ Jura" rất khó có thể thành hiện thực.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn