Có phải nàng Kiều đã từng có thai?
Đăng 6 năm trướcĐố Kiều là một hình thức sinh hoạt văn nghệ rất thú vị, được quần chúng bình dân tham gia rộng rãi. Chính từ những cuộc chơi này mà người ta đã phát hiện ra nhiều điều thật 'độc', thật bất ngờ, thú vị về Truyện Kiều và các nhân vật trong đó. Ví như, nàng Kiều tại sao lại được hổ sinh ra, vì sao là người tài sắc vẹn toàn nhưng nàng lại bị tật sứt môi, có phải nàng từng có chửa (mang thai) hay không? vân vân và vân vân...
"Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ sâu sắc về nội dung tư tưởng, điêu luyện về nghệ thuật mà còn có tính phổ cập rộng lớn hiếm có tác phẩm nào sánh được. Người Việt Nam hầu như ai cũng thuộc vài câu Kiều, nhiều người thuộc làu làu toàn bộ 3.254 Truyện Kiều. Mê Kiều, hiểu Kiều, thông thuộc Kiều, từ đời náy qua đời khác, người Việt ta, đã nghĩ ra biết bao nhiêu cách để thưởng thức cho đã Truyện Kiều. Giới trí thức, thâm nho thì Vịnh Kiều, bình Kiều, người lao động bình dân thì ngâm Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều... Đặc biệt, trò chơi đố Kiều là một hình thức sinh hoạt văn nghệ rất thú vị, được quần chúng bình dân tham gia rộng rãi. Chính từ những cuộc chơi này mà người ta đã phát hiện ra nhiều điều thật "độc", thật bất ngờ, thú vị về Truyện Kiều và các nhân vật trong đó. Ví như, nàng Kiều tại sao lại được hổ sinh ra, vì sao là người tài sắc vẹn toàn nhưng nàng lại bị tật sứt môi, có phải nàng từng có chửa (mang thai) hay không? vân vân và vân vân...
Những người tham gia trò chơi đố Kiều trước hết phải rất thông thuộc và hiểu biết sâu sắc Truyện Kiều. Họ đồng thời còn phải có khả năng ứng biến nhanh nhạy, thông minh, tinh tế nhưng không kém phần hóm hỉnh. Đố Kiều là một trò chơi văn nghệ dân gian dưới hình thức đối đáp, nghĩa là một bên hỏi, một bên trả lời, mỗi bên thường là một nhóm, một đội... Có điều đặc biệt là khi chơi trò đố Kiều, cả người ra đố và giải đố thường dùng thơ, chủ yếu là thể lục bát, để chuyển tải ý của mình.Có khi bản thân câu đố không khó nhưng vì phải trả lời ngay nên đến cả những nhà "Kiều học" cũng phải lúng túng. Hơn nữa, câu trả lời cần phải bằng thơ, chủ yếu là thơ lục bát và phải được lồng vào câu thơ hoặc ý thơ của Truyện Kiều một cách tự nhiên, ý vị.
Chẳng hạn, ai cũng biết nàng Kiều xuất thân từ " nhà viên ngoại họ Vương" ("Có nhà viên ngoại họ Vương/Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung"), nhưng người đó lại cắc cớ hỏi rằng "nàng Kiều ai sinh":
Tiện đây hỏi một hai điều
Thiếp tôi chưa rõ nàng Kiều ai sinh?
Người đáp tất nhiên phải nhớ đoạn này trong Truyện Kiều:
"Nhìn càng lã chã giọt hồng,
Rỉ tai nàng mới giãi lòng thấp cao:
Hổ sinh ra phận thơ đào,
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong?
Lỡ làng nước đục bụi trong,
Trăm năm để một tấm lòng từ đây"
để có thể nhanh trí trả lời tỉnh queo: nàng do chính "hổ sinh ra":
"Hổ sinh ra phận thơ đào
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong"
Khái (hổ) sinh Kiều, thật lạ lùng
Trả lời như rứa thỏa lòng em chưa?
Nàng Kiều được đại thi hào tả là nhan sắc tuyệt vời, có "phần hơn" cả Thúy Vân vốn đã sắc nước hương trời: "Kiều còn sắc sảo mặn mà / So bề tài sắc lại là phần hơn", thế nhưng người đố vẫn cho rằng nàng cũng có khiếm khuyết nhan sắc, thậm chí là rất trầm trọng: nàng bị tật sứt răng hay sún răng gì đó, cho nên hỏi rằng: Nổi danh tài sắc đủ điều, Tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng? Người đáp chắc cũng rất đồng cảm với tâm lí thường ngại ngùng, xấu hổ của những thiếu nữ sứt răng, và nhớ ngay đến đoạn tả tâm trạng đầy bi kich của nàng khi đành trao duyên cho Thúy Vân:
“Hở môi ra những thẹn thùng.
Để lòng thì phụ tấm lòng với ai”
Nhờ đó, người đáp khẳng định như đinh đóng cột: Đúng là Kiều bị sứt răng, cho nên hễ cứ "hở môi ra" là "thẹn thùng" vì lòi cái răng sứt ra để chúng bạn cười chê:
“Hở môi ra những thẹn thùng”
Sứt răng nàng sợ chúng trông, bạn cười!
Nhưng "độc địa" và bất ngờ nhất là vụ người kia giả vờ hỏi bâng quơ rằng: Nàng Kiều vốn từng "Thanh lâu hai lượt", chung chạ tùm lum, vậy chớ nàng có thai bao giờ chưa, nhất là vào cái thời xa xưa đó, người ta làm gì có nhiều cách phòng tránh thai như bây giờ?
"Song thu đã khép cánh ngoài"
Nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ?
Người đáp nhớ ngay tới đoạn Kiều bị mụ vợ Thúc Sinh cho người bắt về hành hạ, đánh ghen:
"Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,
Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.
Thuốc mê đâu đã rưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì."
Rất nhanh chóng và thông minh, người đáp dùng ngay câu thơ Kiều để chơi chữ mà trả lời rằng:
Lỡ từ lạc bước bước ra
“Thất kinh nàng chửa biết là làm sao!”
Chứ sao nữa! "Thất kinh" tức là mất kinh, Đàn bà con gái mà mất kinh thì sẽ có "chửa", có thai chứ sao! Vì là có thai cho nên Kiều mới mới hoang mang, lo sợ không biêt tính toán, giải quyết cách nào! "Thất kinh nàng chửa biết là làm sao."
Tiếc rằng, một trò chơi tao nhã, lâu đời như đố Kiều dường như đã bị quên lãng từ nửa thế kỉ nay giữa bộn bề thế cuộc phù vân, nếu không, chắc chắn sẽ còn rất nhiều phát hiện thú vị, thông minh và bất ngờ như câu chuyện nàng Kiều có thai ngày nào, từ những người yêu Truyện Kiều cả nước.