Của cải của các dân tộc (The Wealth of Nations) - Adam Smith - Cuốn sách kinh điển dành cho nhà kinh tế và lãnh đạo quốc gia
Đăng 4 năm trướcAdam Smith chắc không rõ “bàn tay vô hình” nào đã xui khiến ông phải dành cả chục năm trời để hoàn thành cuốn sách “Của cải của các dân tộc”. Tác phẩm này đã trở thành bản tuyên ngôn cho sự ra đời môn khoa học về kinh tế, lao động, xã hội học kinh tế và đóng góp không nhỏ vào việc hoạch định chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là một cuốn sách đặc biệt quan trọng và thú vị.
Hơn 200 năm sau, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn còn tìm thấy ở kiệt tác “cổ điển” này của Adam Smith những ý tưởng cơ bản, quan trọng về thị trường, nhà nước, sự phân công lao động, chuyên môn hoá và chính sách phát triển kinh tế – xã hội và nhất là những bài học kinh điển cần được áp dụng trong lãnh đạo, quản lý xã hội như một “hệ thống tự do phát triển tự nhiên”. Quan điểm của Adam Smith có lẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học từ thế kỷ XVIII đến nay, trong số đó cần kể tới hai nhà kinh tế học hàng đầu thế giới là Acemoglu và Robinson. Hai tác giả này mới đây đã viết một cuốn sách đồ sộ(2) để truy tìm nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói ở hệ thống các thể chế hay thiết chế nhằm trả lời câu hỏi mà Adam Smith đã đặt ra: tại sao các quốc gia giàu có? Tại sao các quốc gia thất bại?
Bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách này các bài học đặc biệt:
Bài học về “Phân công lao động”
Sự phân công lao động là gì? Sự phân công lao động làm tăng năng suất lao động như thế nào?
Bài học về nguồn gốc của sự phân công lao động
Theo Adam Smith, sự phân công lao động là kết quả của nhu cầu trao đổi, thị trường chỉ là “một hậu quả tất yếu của thiên hướng thuộc bản chất con người… đó là thiên hướng muốn đổi chác hoặc trao đổi vật này lấy vật khác”. Adam Smith nhấn mạnh rằng ý nghĩa của trao đổi là ở chỗ: “Anh cho tôi thứ mà tôi thích, anh sẽ có thứ mà anh yêu cầu”.
Bài học về tiền công
Tiền công phụ thuộc vào những yếu tố nào? Adam Smith đã đưa ra quan niệm thuộc loại kinh điển về tiền công, tiền lương như sau. “Một người luôn luôn phải kiếm sống bằng lao động của mình, và tiền lương của người đó ít nhất phải vừa đủ để nuôi sống anh ta.
Bài học về chuyên môn hoá lao động
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay mỗi quốc gia căn cứ vào đâu để chuyên môn hoá lao động? Adam Smith trả lời ở góc độ quốc gia “Chừng nào nước này có những lợi thế đó mà nước kia lại cần thì sẽ luôn luôn tốt hơn và có hơn là nước kia nên mua hàng của nước lợi thế hơn là tự mình làm ra”. Điều này cũng đúng với trường hợp lựa chọn cá nhân: “Cả hai đều thấy cùng có lợi khi mua hàng của nhau còn hơn là mỗi người cố làm mặt hàng không thuộc về ngành nghề của mình”. Đây chính là sự chuyên môn hoá dựa vào lợi thế tuyệt đối.
Bài học về xây dựng “Hệ thống tự do phát triển tự nhiên”
Quan điểm của Adam Smith cho thấy rõ, nếu chỉ lao động kể cả lao động cần cù, chịu khó cũng chưa đủ để giàu có mà cần phải có sự phân công lao động một cách hợp lý giữa các cá nhân trong xã hội và giữa nhà nước và thị trường thì mới có thể giàu có, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Bài học về sự phong phú các nguồn gốc của sự giàu có
Adam Smith đã có công đặt nền móng xây dựng khoa học kinh tế hiện đại khi đặt ra câu hỏi về nguồn gốc sự giàu có của các dân tộc và chỉ rõ nguồn gốc là sự phân công lao động – nghề nghiệp và sự phân công lao động hợp lý giữa nhà nước và thị trường. Từ đó đến nay, tiếp nối Adam Smith, một số nhà khoa học thế kỷ XX đã phát hiện thêm nguồn gốc khác của sự giàu có của các cuốc gia, ví dụ như F. Taylor phát hiện ra quản lý khoa học đối với lao động; G. Becker, J. Coleman và Bourdieu phát hiện ra vốn con người và vốn xã hội; Amartya Sen và Joseph Stiglitz phát hiện ra quyền tự do và sự tham gia rộng rãi của người dân trong các quá trình xã hội là những nguồn gốc của sự phát triển. Gần đây nhất, hai nhà kinh tế học hàng đầu thế giới là Acemoglu và Robinson còn chỉ rõ nguồn gốc của nghèo khổ và thất bại của các quốc gia là thể chế chiếm đoạt (extrative institutions) và nguồn gốc của sự giàu có, thịnh vượng của các quốc gia là các thể chế dung hợp (inclusive institutions).
Ở Việt Nam, trải qua hàng thập kỷ tư duy kinh tế giáo điều và cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp đến năm 1986 mới bắt đầu chính thức xuất hiện tư duy lãnh đạo, quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay, tư tưởng về việc công dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm mới dần dần được thiết chế hoá bằng các quy định pháp luật có tính dung hợp như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động và các luật khác. Bài học lãnh đạo, quản lý ở đây là liên tục học hỏi, nghiên cứu và cải tiến trước hết là tư duy, thể chế đồng thời phân công lao động một cách khoa học, hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động của toàn xã hội nhằm mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững./.
Hanoipho tổng hợp