Điều gì tạo nên giá trị của đồ cổ
Đăng 9 năm trướcĐiều gì đã khiến cho các món đồ cũ rích của bạn được dính mác “giá trị cổ”? Do chất lượng lâu bền của nó? Do độ hiếm của nó hay do nguồn gốc xa xưa của đồ vật?
Điều gì đã khiến cho các món đồ cũ rích của bạn được dính mác “giá trị cổ”? Do chất lượng lâu bền của nó? Do độ hiếm của nó hay do nguồn gốc xa xưa của đồ vật?
Những chiếc chảo làm bếp cũ, những chiếc thìa cà phê, những tách trà, những bộ huân chương, những bức ảnh của Marilyn Monroe… không thể kiếm được ở bất kỳ đâu đều có thể trở thành những mẫu vật cổ có giá trị, ít ra là với riêng chủ nhân của nó. Các bộ sưu tập của những loại đồ vật khác nhau thường không phân biệt kiểu dáng, mẫu loại, kích cỡ. Tuy nhiên, vẫn có những quy tắc bất di dịch để phân loại đồ cổ và để định dạng loại nào quý hiếm và có giá trị hơn loại nào. Hãy tìm gặp và đặt câu hỏi với những nhà sưu tập đồ cổ để hiểu rằng tại sao trong ngôi nhà của họ lại có nhiều những áp phích của những diễn viên, chính trị gia… nổi tiếng đến thế, hoặc tại sao họ chỉ sưu tầm các loại xe buýt cổ từ mô hình nhỏ cho tới các kích cỡ khổng lồ…? Điều gì đã truyền cảm hứng cho họ? Và biết đâu, những nhà sưu tập đồ cổ kia sẽ kể cho bạn nghe một số câu chuyện khá kỳ quặc nhưng đầy hấp dẫn về những bộ sưu tập cá nhân của riêng mình.
Cho dù bộ sưu tập của họ là gì đi chăng nữa, nhưng một điều mà bạn có thể chắc chắn được là chủ nhân của những bộ sưu tập này thường rất tự hào về các món đồ của mình và những món đồ ấy quả thực phải rất đặc biệt. Nhà sưu tập đồ cổ chuyên nghiệp thường rất thận trọng trong vấn đề mua bán và tìm chọn cho mình những món đồ mong muốn trước khi trả tiền. Bản thân họ muốn thực sự biết rằng những món đồ mà họ định mua phải luôn ở trong tình trạng tốt nhất, hoặc nếu buộc phải được phục chế, món đồ cần làm lại ở một tiêu chuẩn cao, chứ không phải là sự “sửa chữa” hời hợt, qua quýt. Những người sưu tập đồ cổ đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn “hiếm” của đồ vật. Ngoài ra, họ còn muốn biết về nguồn gốc, lịch sử của sản phẩm ấy nữa. Sau đó, giá tiền sẽ được thỏa thuận để phù hợp với cả người bán lẫn người mua.
Định nghĩa về sự quý hiếm
Hầu hết các nhà sưu tập đều có những “báu vật” trong bộ sưu tập của họ. Một trong số những “báu vật” ấy mang giá trị tình cảm với chủ nhân hoặc có bề dày lịch sử phong phú, trong khi số khác lại được đánh giá cao bởi độ hiếm của chúng. Nếu một món đồ nào đó là vật hoàn toàn độc đáo, khó tìm kiếm thì chắc chắn, giá trị của bản thân nó sẽ cao hơn rất nhiều lần so với những vật tương tự nhưng được sản xuất hàng loạt sau này.
Những loại đồ thủ công được làm bằng tay thường có giá cao hơn các sản phẩm khác bởi rất khó có được những sản phẩm tương tự giống hệt nhau như hai giọt nước từ kiểu làm bằng tay này. Một số mặt hàng sản xuất đồng loạt cũng có vài thứ mang giá trị “hiếm”. Một loạt đồng tiền xu vẫn có thể phát hành với những lỗi mà ban đầu người ta chưa phát hiện ra, chẳng hạn như đồng 20 Pence của Anh không ghi ngày tháng phát hành trong khoảng thời gian không xa hiện tại là mấy, hoặc là những chiếc tem thư được in ra nhưng thiếu mất đường răng cưa và màu của nó lại tối thui hoặc bị biến dạng. Thông thường, những sản phẩm bị lỗi này sẽ được thu hồi, nhưng những nhà sưu tập nhanh chân vẫn có thể tìm mua được với giá cao cho sự “không hoàn hảo” của những sản phẩm tưởng là có khiếm khuyết ấy.
Làm sao để biết được những món đồ nào thực sự có giá trị cổ? Chỉ bằng cách tìm hiểu và nghiên cứu mới có thể giúp bạn có được câu trả lời chính xác.
Nếu bạn có món đồ định mang bán, bạn nên mang ra các nhà đấu giá để định giá và thu thập thêm nhiều gợi ý về món đồ. Thông thường, dịch vụ ban đầu này không phải tính giá, họ chỉ tính tiền của bạn khi món đồ được lên danh sách trong các mặt hàng được đem ra bán hoặc đấu giá. Bạn cần nhận thức được vấn đề là các nhà đấu giá hoạt động trên cơ sở nhận phần trăm hoa hồng của số tiền mà bạn bán được. Nhưng trong trường hợp bạn vẫn không thể bán mặt hàng của mình qua các phiên mua bán, đấu giá, bạn vẫn phải mất một khoản dịch vụ cho trung tâm môi giới, bán hàng.
Bạn có thể tìm giá các mặt hàng tương tự món đồ của bạn trong các cuốn sách hướng dẫn hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng về món đồ của mình. Các cuốn sách thường phân thành nhiều chuyên mục với những chủ đề riêng biệt. Bạn nên tìm tập trung vào những mục mình đang quan tâm. Thông tin có thể còn được tìm kiếm ở trang Amazon từ Internet hoặc các loại sách trong thư viện.
Bạn cũng có thể tham khảo trên các catalogue online của các công ty đấu giá lớn hơn. Nếu bạn nhìn thấy mục có món đồ tương tự của bạn, hãy ghi lại số phân lô bán đấu giá trong danh mục, sau đó có thể kiểm tra lại qua các phiên đấu giá đã được thực hiện.
Xác định giá trị món đồ từ các nhà buôn bán đồ cổ. Tuy nhiên, bạn cần nhận thức được là những người buôn bán này không phải là những người có kiến thức tuyệt đối trong việc định giá từng món đồ, bởi vậy bạn cũng cần tham khảo ý kiến của nhiều người bán khác nhau hoặc của các chuyên gia đồ cổ nữa. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nếu bạn định bán món đồ thông qua những người buôn bán đồ cổ, họ cũng có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên khách quan, tốt nhất cho bạn nếu có thể, nhưng bản thân họ cũng vẫn có những “mánh” để “làm lời” cho mình Vì thế, việc tổng hợp tất cả mọi dữ liệu trước khi ra giá bán đồ là lời khuyên thực tế nhất dành cho bạn..
Tại sao có một số món đồ lại được khẳng định là có “chất lượng cao” hơn hẳn những món đồ khác?
Tất cả các mặt hàng sản xuất, từ việc làm bằng tay hoặc sản xuất máy móc hàng loạt đều được thực hiện theo một tiêu chuẩn cụ thể. Một loại sản phẩm được cho là “có chất lượng cao” thường là thứ sản phẩm tốt nhất trong một loạt món đồ được sản xuất cùng thời điểm, hoặc được định ra một tiêu chuẩn cao hơn so với loại hình thông thường của nó.
Nếu bạn có một món đồ trang sức được làm từ vàng hoặc bạch kim, sau đó kết hợp thêm với đá quý (kim cương, hồng ngọc, ngọc bích…), rất có thể bạn đang sở hữu một món đồ có giá trị. Nhưng nếu vẫn là món trang sức ấy được làm từ bạc hoặc các kim loại ít giá trị hơn, kết hợp với mã não, thạch anh…, món đồ ấy chắc chắn không thể giá trị bằng món đồ trang sức được làm từ vàng hoặc bạch kim nói trên. Đồ trang sức bằng bạc thường ít có giá trị trừ khi được thiết kế, chế tác bởi những nhà thiết kế nổi tiếng hoặc có mặt trong những buổi trình diễn, các bộ sưu tập danh tiếng, hoặc là nó đã rất cổ, có chiều dài lịch sử phong phú gắn liền với món đồ trang sức ấy.
Các nhà sưu tập đồ cổ thường ca tụng về những món đồ mà rất ít người đánh giá cao, ví dụ điển hình là những đồ gốm sứ của nước Ý thời cổ đại. (Ý đại lợi, majolica). Đồ sứ Ý đại lợi đã từng bị đánh giá là thô và không hấp dẫn về mặt hình thức đối với những người không quan tâm tới đồ cổ. Nhưng trong trường hợp này, tiêu chí “chất lượng tốt” của đồ sứ Ý đại lợi được đặt lên trên hết so với vẻ bề ngoài của nó. Đồ sành sứ của Ý đại lợi thường khá chắc chắn và bền. Họa tiết trang trí đơn giản chỉ là những mảng màu sắc bắt mắt. Một số vết rạn, nứt bên vành những món đồ gốm không phải là điều đáng ngại với những người sưu tập đồ cổ. Tuy nhiên, những vết nứt lớn hơn sẽ trở thành “vấn đề” lớn, ảnh hưởng đến giá trị của món đồ.
“Tình trạng tốt” của những món đồ cổ được miêu tả như thế nào?
Các món đồ cổ sẽ được bán với giá hời và được đánh giá cao hơn nếu nó đang ở trong “tình trạng tốt”. Điều này không có nghĩa là nó cần phải “mới”, nhưng nếu bị hư hỏng (dù chỉ là chút ít), món đồ sẽ được đánh giá thấp hơn.
Nếu bạn có ý định đưa món đồ ra đấu giá, bạn cần chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để làm hài lòng người mua:
Các loại đồ gốm, sứ nên được làm sạch nhẹ nhàng. Một số món đồ trang trí nhưng họa tiết và kiểu dáng tinh tế, thanh mảnh không nên đưa ra cọ rửa trong nước. Bạn có thể dùng một miếng vài mềm, ẩm để lau sạch bụi hoặc các vết bẩn. Bông ngoáy tay loại que có mút ở hai đầu có thể dùng để lau những vị trí khó làm sạch như các khe nhỏ, các đường rãnh… Trong trường hợp món đồ không may bị sứt, đứt, gẫy…, bạn không nên cố gắng hàn lại hoặc tự sửa chữa nếu không có chuyên môn.
Các món đồ bằng vàng, bạc cũng nên được làm sạch. Bạn có thể sử dụng nước ấm có pha loãng xà phòng để cọ rửa những món đồ trên, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Một chiếc bàn chải đánh răng trẻ em hoặc chiếc bông ngoáy tai là dụng cụ giúp bạn làm sạch một số vị trí khó rửa.
Nếu bạn định bán một bức tranh, hãy chắc chắn rằng khung tranh làm bằng kính cần phải sạch sẽ. Trong trường hợp đó là bức tranh sơn dầu, hãy nhẹ nhàng làm sạch bề mặt bức tranh ấy, chú ý đừng làm bật lớp nước sơn trên tranh.
Hầu hết các nhà sưu tập đều muốn tìm kiếm những món đồ cổ đang ở trong tình trạng tốt nhất so với thời gian tồn tại của nó. Sự hao mòn, bong tróc là điều khó tránh khỏi của mỗi cổ vật, nhưng nếu hình ảnh của nó càng “đẹp” bao nhiêu, người mua càng tìm đến nó nhiều bấy nhiêu và muốn trả giá cao hơn cho món đồ.
Thế nào là xuất xứ, nguồn gốc của món đồ cổ?
Một cách đơn giản, đó là “lịch sử” của từng món đồ. Nếu bạn được sở hữu một món đồ cổ được truyền lại từ nhiều thế hệ trong gia đình với các giai thoại quanh món đồ ấy, đó chính là nguồn gốc của món đồ, là cơ sở để bạn nói lên được giá trị của món đồ cổ mà gia đình đang sở hữu với những ai muốn quan tâm.
Nguồn gốc của mỗi món đồ là yếu tố qua trọng để xác định các mặt hàng chính hãng trong trường hợp có sự giả mạo. Nếu bạn đang cân nhắc bán đi một món đồ có nguồn gốc đặc biệt (như đã từng của một người nổi tiếng chẳng hạn), bạn phải làm sao chứng minh được câu chuyện của mình và sau đó khẳng định, đảm bảo với người đấu giá về điều này cùng với việc cung cấp những bằng chứng liên quan đến món đồ nhiều nhất trong khả năng có thể.
Linh Vũ (Theo Hugpages)