Tidris Trần

Đứa Trẻ Hiểu Chuyện Là Đứa Trẻ Không Bao Giờ Muốn Lớn

Đăng 1 năm trước
Đứa Trẻ Hiểu Chuyện Là Đứa Trẻ Không Bao Giờ Muốn Lớn

Người lớn hay bảo rằng hãy luôn học cách để tự yêu thương bản thân. Tôi cũng rất yêu chính mình, tôi thấy mình trong gương thật đẹp, thật đáng để những người khác trân trọng. Nhưng đôi khi tôi lại ghét bản thân mình, ghét vì tôi cảm thấy nó thật vô dụng, nó luôn khiến mọi người thất vọng, nó bảo thủ, cứng đầu, có cõng hòn đá ngàn tấn trên vai cũng chẳng dám trách ai câu nào. Đôi lúc tôi lại ước, tôi sẽ mãi là đứa trẻ 3 tuổi, hồn nhiên, ngây ngô, nhưng biết tự sống, tự kiếm tiền, tự sinh hoạt, và không bao giờ cần suy nghĩ về bất kì ai hay chịu bất kì áp lực tâm lí nào.

Thỉnh thoảng, tôi lại muốn đi đây đi đó để hít chút không khí trong lành, cho tâm hồn thư thái sau ngày dài mệt mỏi. Nhưng có lúc, những ý nghĩ tiêu cực lại luôn xuất hiện. Tôi tự hỏi tại sao tôi phải sống, tại sao phải hít thở bầu không khí trong lành này, mình không xứng đáng, mình đã chịu trách nhiệm được cho những sai lầm của bản thân chưa mà giờ đây lại ngồi ung dung hưởng thụ cuộc sống. Bản thân thật vô dụng khi chưa bao giờ làm được việc gì ra hồn cho gia đình xã hội, đã vậy còn luôn mắc sai lầm thảm hại, chẳng phải tiếp tục sống sẽ lại gây hao tổn tài nguyên cho đất nước, làm ô nhiễm môi trường sinh thái, giết hại bao nhiêu sinh linh tội nghiệp đáng được sống hơn chính mình hay sao. Nhưng đâu dễ chết như vậy. Cuộc sống luôn là vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, cảm xúc. Một khi đã bị cuốn vào, bạn chỉ có thể cố gắng bơi lên để tiếp tục sống, hoặc muốn chết nó cũng sẽ ban cho bạn một cái chết từ từ và lạnh lẽo. Tôi không thể chết được, tôi phải tiếp tục sống để hi vọng được làm việc có ích hơn, trả nợ cho xã hội, cho gia đình. Nhiều khi chết đi, ta lại phải tiếp tục nghe những lời đàm tiếu, chê trách của miệng đời. Nhục nhã muôn đời rửa không sạch. Thôi thì cứ tiếp tục đóng vai một người chưa trưởng thành để sống thoải mái hơn vậy.

Khi trưởng thành hơn, con người ta sẽ dần trở thành một diễn viên giỏi hơn. Luôn phải cho người khác thấy mình sống rất tốt để không phải nhận lại sự khinh miệt dưới lớp da của sự thương hại. Vài lúc, ta cảm thấy vô cùng bứt rứt và khó chịu khi trong đầu không thể thoát ra khỏi 1 câu nói vô ý của người khác, nhưng vẫn phải tỏ vẻ chẳng quan tâm, kiểu ngây thơ, hồn nhiên rất đáng tin cậy. Hoặc cũng có lúc, để tốt cho người khác, ta lại phải tỏ vẻ vô cùng khó chịu, tức tối, cốt là tìm cái cớ để giữ khoảng cách càng xa càng tốt, bởi đôi khi, tình cảm cũng là thứ có thể giết chết con người ta mà. Chúng ta khi sinh ra dường như đã được định sẵn sẽ là những diễn viên, có người đắm chìm vào vai diễn đến nỗi chỉ làm theo bản năng mà quên mất mình phải diễn, tôi rất ngưỡng mộ họ nhưng người khác lại bảo họ vô ý vô tứ, sống quá bản năng; cũng có những người luôn giữ được ý thức rằng mình luôn phải diễn để tiếp tục tồn tại, vì bản thân và vì mọi người. Người ta gọi họ là những đứa trẻ đã lớn, hoặc đứa trẻ hiểu chuyện. Cái tên gọi mà họ không biết rằng, chúng đã phải hi sinh, đánh đổi bằng chính con người thật của mình chỉ để sống cho người khác nhìn.

Có một đứa em đã tâm sự với tôi như thế này, nó luôn cảm thấy mình hư hỏng, chỉ biết làm phiền bố mẹ. Hàng ngày thấy bố mẹ già đi nó ước bản thân mãi mãi đừng bao giờ lớn, bởi nó sợ nó sẽ chẳng thể làm gì, nó sẽ luôn làm bố mẹ thất vọng. Nói nhiêu đó là tôi cũng hiểu được nó thực sự là một đứa trẻ hiểu chuyện. Hi sinh bản thân để suy nghĩ vì người khác. Nó cũng nói thêm, mơ ước lớn nhất của nó là được thấy gia đình mình hạnh phúc, không cần phải chịu khổ nữa, vì vậy sau này nó muốn trở thành 1 bác sĩ, dù cực khổ nhưng đó là cách nó có thể nghĩ ra để làm gia đình mình hạnh phúc. Lên cấp 3, nó xin bố mẹ lên thành phố học khi hoàn cảnh gia đình thì khó khăn ai cũng biết. Người ngoài nhìn vô sẽ nghĩ nó là đứa con ăn chơi đua đòi, không biết thương cha mẹ còng lưng ra kiếm tiền khổ cực biết nhường nào. Nhưng họ lại quên mất, mọi sự hi sinh đều có giá trị của nó, chỉ có cách đó, nó mới có thể tiến gần hơn đến cuộc sống hạnh phúc cùng gia đình. Được học trên Sài Gòn là điều không phải đứa trẻ nào cũng làm được, nhưng mỗi khi không đạt được thành quả mà mình muốn, hoặc thua kém bạn bè nó lại rất buồn và cứ khóc hoài, tưởng như trầm cảm. Người ta nhìn vào rồi lại nói, nó còn trẻ con, không dám đối diện với thất bại, yếu đuối, nhu nhược. Nhưng không, nó khóc không phải vì mình mà là vì bố mẹ. Nó nghĩ có khi nào nó đã quyết định sai, nó sợ làm bố mẹ thất vọng, sợ uổng phí công sức và tiền bạc mà bố mẹ nó đã đầu tư cho. Nó càng buồn hơn khi thấy bạn bè ai cũng thành công, có khi bố mẹ chẳng tốn xu nào, mà nó gần như cuỗm hết tài sản của gia đình đem đi "đầu tư" rồi cuối cùng lại "phá sản". Nó không muốn bố mẹ mình phải chịu khổ thêm ngày nào nữa. Nó thất vọng vì bản thân và thương bố mẹ đến mức không thể ngừng khóc và giận...Cảm giác như khi ấy, nó đang phải cõng cả giang sơn trên lưng. Áp lực tâm lí đè nén nhưng chẳng biết nói với ai. Hay như cô nàng Doek Sun trong "Reply 1988" cũng vậy, là con thứ, bố mẹ luôn nhường đồ ăn ngon cho chị cả và em trai vì tưởng đứa con thứ đã lớn và không cần tranh giành nữa. Nhưng đến khi mọi chuyện đã đi quá giới hạn, chính bố mẹ cũng mới nhận ra, con thứ của mình cũng chỉ là 1 đứa trẻ, nó cũng cần được yêu thương và chăm sóc như anh chị em của mình. Chỉ tội là vì nó là một đứa trẻ hiểu chuyện, biết gia đình khó khăn, bản thân chẳng làm được gì có ích, vì vậy mà chỉ âm thầm hi sinh đi con người thật của mình, đổi lấy sự yên bình cho gia đình, để bố mẹ không bị khó xử. Cảnh phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều những người con, vì họ cảm thấy đồng cảm và thấy được chính bản thân mình trong cô nàng Doek Sun nhỏ nhắn ấy. Đúng là đôi khi, những đứa trẻ hiểu chuyện vẫn sẽ luôn âm thầm chịu đựng thiệt thòi. Thật dũng cảm nhưng cũng thật đáng thương.

Đôi lúc, chúng ta cũng sẽ biến thành một đứa trẻ hiểu chuyện ở mức độ nào đó, nhất là khi ta sống cùng với gia đình. Bởi đơn giản ta nghĩ, hi sinh là yếu tố không thể thiếu để xây dựng nên hạnh phúc. Chẳng có đứa trẻ nào là nhu nhược, cũng chẳng đứa trẻ nào không biết cãi lời đâu, quan trọng là nó có đủ tỉnh táo để tiếp tục xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình hay không thôi. Và có thể, khi biết nghĩ cho người khác, tự nhiên ta cũng thấy vui, vì mình đã làm được việc gì đó có ích. Dù vậy, tâm hồn của những đứa trẻ hiểu chuyện không đơn giản như vậy, chúng vẫn ước bản thân sẽ ngừng lớn lên, để ngừng chịu nỗi áp lực càng ngày càng lớn, và cũng để bố mẹ ngừng già đi nữa…

-- Tidris Trần --

Chủ đề chính: #đứa_trẻ_hiểu_chuyện

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn