Đừng nhìn đời như bi kịch, đừng nhìn đời như hài kịch.
Đăng 8 năm trướcMột con thỏ giãy giụa trước khi bị cắt tiết: ôi bi kịch! Một con thỏ cười ré lên và tự nguyện nhảy vào nồi nước sôi: ôi hài kịch!
Không có người biết suy nghĩ và tỉnh táo nào lại coi cuộc đời là vở hài kịch. Chỉ có những kẻ ngu (không biết suy nghĩ) hoặc mắc bệnh tâm thần mới coi cuộc đời là hài kịch. Dùng từ "kẻ ngu" ở câu trên là đã giảm nhẹ, chính xác phải gọi là "kẻ thiểu năng trí tuệ".
Một người hay suy nghĩ khi thưởng thức một bộ phim hài hoặc một câu truyện cười thì phải kiềm chế (thường là kiềm chế một cách vô thức) sự suy nghĩ của mình lại, nếu không anh ta không thể cười được. Phải tạm thời bỏ qua những thứ vô lý, coi nó không quan trọng và chỉ chú trọng vào chi tiết buồn cười thì anh ta mới cười được. Khi suy nghĩ nổi lên, sự hài hước sẽ nhạt đi rất nhiều, thậm chí biến mất. Xét theo hướng ngược lại, điều đó cũng có nghĩa rằng tiếp xúc với sự hài hước sẽ tạm thời làm giảm khả năng suy nghĩ của con người..Đó cũng là lý do vì sao khi xem phim hài hoặc phim hoạt hình, người ta có cảm giác thoải mái. Cảm giác thoải mái đó đến từ sự thư giãn khi không suy nghĩ, cái mà người ta vẫn hay gọi là "ignorance is happiness" (ngu si thì hạnh phúc). Tại sao nhân vật trong Tom và Jerry bước đi trong không khí mà không chịu tác dụng của trọng lực, chỉ khi nào phát hiện ra mới bị rớt xuống? Ai thèm quan tâm! Phải như vậy nó mới hài hước chứ!
Bạn không tin ư? Vậy thì hãy làm thử thí nghiệm sau:
Mục 1 là một câu chuyện cười. Mục 2 là một vài phân tích về câu chuyện cười đó.
Mục 1:
Thầy giáo hỏi học sinh: "Giữa đường có một túi đạo đức và một túi tiền thì em sẽ nhặt túi nào?"
Học sinh: Em sẽ chọn túi tiền.
Thầy giáo: Nếu là thầy, thầy sẽ chọn túi đạo đức.
Học sinh: Em nghĩ rằng ai thiếu thứ gì thì sẽ nhặt thứ đó.
Mục 2:
- Một nhà tỷ phú có rất nhiều tiền nhưng vẫn cố gắng kiếm thêm tiền vì ông ta cho rằng tiền của mình vẫn chưa đủ nhiều, trong khi đó một anh chàng làm chỉ đủ ăn nhưng nếu có cơ hội anh ta sẽ không muốn làm việc vì nghĩ rằng số tiền mình kiếm được là đã đủ sống rồi. Như vậy một người cho rằng mình thiếu tiền (nhà tỷ phú) vẫn có thể có nhiều tiền gấp vô số lần một người cho rằng mình đã có đủ tiền (anh chàng lười làm việc). Nói ngắn gọn: một người "thiếu" vẫn có thể có nhiều hơn một người "đủ".
- Nếu có hai túi, tại sao không lấy cả hai mà phải chọn một túi?
- Đạo đức không thể đựng trong túi.
Một người vừa đọc xong mục 1 sẽ cảm thấy câu chuyện rất hài hước. Nhưng sau khi đọc (và hiểu) phần phân tích ở mục 2 thì cảm nhận về sự hài hước ở câu chuyện mục 1 sẽ nhạt đi rất nhiều. Muốn thưởng thức trọn vẹn sự hài hước, bạn phải tạm thời quên đi logic và tính thực tế của câu chuyện. Tất nhiên cũng có một số câu chuyện vừa hài hước lại vừa đảm bảo yêu cầu khắc khe của tính logic và thực tế, nhưng những câu chuyện hài hước đó chỉ là thiểu số rất nhỏ, và sự hài hước của chúng cũng không mạnh bằng những câu chuyện hài hước phi lý.
Hài hước mang lại sự thư giãn, và đôi khi giúp con người giảm bớt, xoa dịu, tạm quên đi sự đau khổ trong cuộc đời. Nhưng khi sự hài hước trở nên thái quá đến mức nhìn đời như hài kịch thì nó đã biến thành bệnh lý. Sự khác biệt giữa hài hước lành mạnh và hài hước bệnh lý cũng tương tự như sự khác biệt giữa thuốc giảm đau và ma túy.
Một người bình thường hiếm khi trở nên hài hước bệnh lý. Nó thường xảy ra ở những người dã trải qua một khoảng thời gian đau khổ cùng cực (như nhân vật Joker trong DC comics). Hài hước bệnh lý là sự trốn chạy đau khổ, là bằng chứng của sự thất bại khi chiến đấu với nỗi đau cuộc đời. Kẻ mà cuộc đời là một vở bị kịch chỉ có 2 kết cục: hoặc chết trong bi kịch (bởi nếu hắn chiến thắng trong cuộc đấu tranh của cuộc đời thì đã không còn là bi kịch), hoặc trở thành kẻ nhìn đời như một vở hài kịch. Đời của kẻ nhìn đời như bi kịch là một vở bi kịch, và đời của kẻ nhìn đời như hài kịch là một vở bi kịch khác.
Kẻ nhìn đời như bi kịch yêu cái hùng tráng của bi kịch, yêu sự hy sinh anh dũng, tinh thần đấu tranh hiên ngang bất khuất trong tuyệt cảnh của những nhân vật bi kịch, và yêu luôn cả cái thất bại chắc chắn của kẻ đấu tranh. Vì không có cái thất bại đó thì bi kịch không còn là bi kịch. Thất bại hào hùng là cốt lõi của bi kịch. Chính vì thế, kẻ nhìn đời như bị kịch đôi khi tự đưa đời mình vào tuyệt cảnh, tự dẫm bước vào thất bại trong khi tình huống cuộc đời hắn chưa đến mức phải chịu môt kết cục như thế.
Kẻ nhìn đời bằng hài kịch là kẻ đã hoàn toàn gục ngã. Tiếng cười của hắn là tiếng khóc uất nghẹn chất chứa lòng hận thù, sự ghen tỵ nhỏ nhen và sự giả vờ của thích thú hèn mọn. Một con thỏ giãy giụa trước khi bị cắt tiết: ôi bi kịch! Một con thỏ cười ré lên (giả sử con thỏ biết cười) và tự nguyện nhảy vào nồi nước sôi: ôi hài kịch! Một con thỏ hy sinh thân mình nhảy vào đống lửa cho ông lão đói bụng có thịt ăn: ôi thứ chỉ tồn tại trong truyện cổ tích!
Một tâm trí lành mạnh nhìn đời bằng con mắt bình thản, không bi kịch, không hài kịch. Bi kịch hay hài kịch chỉ là hai cách nhìn đời cực đoan của những tâm hồn đau khổ.
Người viết: Woody Übermensch - Ohay TV
******************************
Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích: