Hành trình đi khắp năm châu của Bác Hồ
Đăng 4 năm trướcHành trình suốt 30 năm (1911-1941) đi "tìm hình của nước", lúc đi trai trẻ, lúc về tóc muối tiêu của Bác Hồ đã ghi dấu tại những nơi nào?
1. 5/6/1911 - tháng 12/1912, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng, lên tàu Latouche - Tréville sang nước Pháp với tên Văn Ba.
2. Đầu tháng 12/1912, sang Hoa Kỳ. Thời điểm ở New York, Nguyễn Tất Thành ký tên Paul Tất Thành, viết thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm địa chỉ của cha mình và nhờ xin cho cha mình một công việc. Anh làm thuê tại khách sạn Parker, Boston. Khi ấy, anh rất tâm đắc câu "Thượng đế sinh ra con người, ai cũng có quyền tự do và bình đẳng..." trong bản tuyên ngôn của nước Mỹ.
3. Cuối 1913, rời Mỹ sang Anh. Tại đây, Nguyễn Tất Thành được cho là làm nghề cào tuyết và phụ bếp cho khách sạn. Trong những năm 1914, 1915, anh vẫn viết thư gửi về Toàn quyền Đông Dương thông qua lãnh sự Anh ở Sài Gòn để tìm địa chỉ của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nỗi niềm đau đáu của một người con trai xa xứ.
4. Cuối năm 1917, Thành trở lại nước Pháp. Khoảng 6 năm sống ở Pháp, anh đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, như làm thuê tại tiệm rửa ảnh, vẽ khoán cho tiệm vẽ truyền thần,..., sống trong phòng trọ nghèo nàn như bao người nghèo ở Paris, phải để viên gạch vào bếp lò hơ nóng rồi bọc vào báo cũ sưởi cho đỡ rét. Trong thời kỳ này, anh bắt đầu dùng tên Nguyễn Ái Quốc, với những sự kiện quan trọng như gửi tới Hội nghị Hoà Bình Versaille bản "Yêu sách của nhân dân An Nam". 1920, tại Pháp, anh đọc được Luận cương của Lenin đăng trên tờ L'Humanité - bước ngoạt trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.
5. Tháng 6 - 1923, đến Liên Xô. Nguyễn Ái Quốc đã đến Moskva học tập tại Đại học Phương Đông của quốc tế Cộng sản, thậm chí được cử làm uỷ viên Ban Phương Đông, phụ trách cục Phương Nam. Cả lần một và lần hai đến Liên Xô, anh đều dành tình cảm đặc biệt đến Vladivostok - thành phố gắn liền với những lần trung chuyển của Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô ra nước ngoài, rồi từ nước ngoài về Liên Xô. Anh yêu mến thành phố này, và từng nhắc rằng thành phố này không dưới một lần cứu sống anh.
6. Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, với tên là Lý Thuỵ. Thời kỳ này là thời kỳ tiền đề, để chuẩn bị cơ sở về tổ chức chính trị và hệ tư tưởng chính trị để dẫn đến sự ra đời một Đảng lãnh đạo. Bạn nào học lịch sử tốt sẽ thấy từ năm 1924, những hoạt động đào tạo, giảng dạy, lập nhóm hội làm tiền đề cho sự ra đời của Đảng rất nhộn nhịp dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc cùng các đại biểu Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản tham dự lễ hội liên hoan chào mừng thành công của đại hội, do nhân dân Matxcơva tổ chức. Mọi người vây quanh các đại biểu, công kênh tung hô Nguyễn Ái Quốc trong tiếng reo “Hoan hô nhân dân Đông Dương”
7. Tháng 5-1927, Trung Hoa Dân Quốc đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Nguyễn Ái Quốc đã đi sang Hồng Công, trở lại Moskva. Đến tháng 11 năm đó thì được cử lại về Pháp, sang tháng 12 thì đi dự họp tại Bruxelles, Bỉ. Có thể nói thời kì này anh bôn ba, vất vả chạy đi chạy lại nhiều nơi trong rất ngắn ngày.
8. Năm 1928-1929, Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan, vẫn để tuyên truyền, huấn luyện và móc nối với thanh niên trong nước. Thậm chí đi bộ khắp những vùng có kiều bào ở Thái Lan để vận động, tuyên truyền. Đến 1929, anh rời Thái Lan sang Singapore để sang Trung Quốc.
9. 1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, diễn ra sự kiện đặc biệt mà chắc mình không viết thì ai cũng biết rồi đấy. Sau sự kiện thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, vào tháng 3/1930, Nguyễn Ái Quốc trở lại Thái Lan một thời gian ngắn rồi lại trở về Trung Quốc.
10. 1931-1933, khi quay lại Trung Quốc với tên Tống Văn Sơ, Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Hương Cảng bắt giam, được sự giúp đỡ của luật sư Loseby mà tai qua nạn khỏi. Luật sư Loseby còn cẩn thận tung tin Tống Văn Sơ đã chết trong ngục. Sau đó Nguyễn Ái Quốc đã được ĐCS Trung Quốc bố trí đưa sang Liên Xô.
11. 1933-1938, Nguyễn Ái Quốc bị kỷ luật, nghi ngờ trong vụ được thả ở Hương Cảng. Thậm chí được cho là bị ép ở lại Liên Xô, còn nhận sự phê phán từ hai đồng chí Trần Phú và Hà Huy Tập trong đường lối đấu tranh. Đường lối đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc có nhiều điểm mới mẻ hơn, mang đậm chủ nghĩa dân tộc hơn nên anh không thể tránh khỏi sự phê bình của những người đồng chí. Và đến năm 1938, cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng rời Liên Xô.
12. 1938, Nguyễn Ái Quốc trở về Trung Quốc, mang thân phận giả là thiếu tá bát lộ quân Hồ Quang (cái này bị thành phần xấu xuyên tạc nhiều, các bạn chú ý không được hiểu lệch vấn đề).
13. 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc đem theo hành lí gồm quần áo và máy đánh chữ nhỏ trở về Tổ Quốc. Tại đây, Người đã hôn lên Đất Mẹ, trùng phùng với Tổ quốc thân yêu sau 30 năm bôn ba vất vả xứ người. Người thanh niên thư sinh da trắng năm nào không còn, thay vào đó là một người đàn ông trung tuổi gầy gò, đượm màu sương gió, chỉ có đôi mắt sáng ngời là vẫn không hề thay đổi.
Ngoài ra, Bác Hồ từng đi Đức, đi Nhật,... nhưng ở đây chỉ nêu ra cụ thể những quốc gia nào có dấu ấn đậm nét trong sự nghiệp bôn ba của Người. Tại sao trong bài mình gọi Bác Hồ bằng đại từ nhân xưng "anh" mà không phải là gọi là "Người", là "Bác"? Bởi vì những năm tháng này, Bác là thanh niên, thuộc về tuổi trẻ, là niềm tin và hy vọng của Đất nước.
Sông ơi!
Đừng mọc đá ngầm...
Biển ơi!
Đừng dựng sóng dữ...
Anh đi thuận gió xuôi buồm...
Hỡi những phương trời xa lạ...
Hãy đón lấy Anh...
Một chàng trai nước Việt...
Anh là của Nước của Dân...
Tất cả đợi Anh về...
--------------------
Ngồn: Bài viết của bạn Akihiro