Hãy chơi với những lá bài mà bạn có
Đăng 9 năm trướcĐây không phải là một bài viết về cờ bạc. Đây là một bài viết về tư duy và lối sống, về sự khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại.
Vài ngày trươc, tôi đã có một cuộc trò chuyện thú vị với một anh chàng trẻ tuổi. Cậu ta còn trẻ, cao to, lực lưỡng. Và trong buộc tiệc rượu cậu ta đã hỏi tôi:
“Hãy nói xem, anh là một dược sĩ… Tại sao tôi không thể là một cầu thủ bóng đá, đó là tất cả những gì tôi muốn!”
Lúc đó tôi đã muốn tin rằng cậu ta nói đùa, hay ít nhất đó là rượu đã nói chuyện. Nhưng phía sau những từ ngữ đó, cậu ta thực sự nghĩ rằng điều đó là không công bằng khi cậu ta không được tham gia thi đấu các giải đấu lớn. “Tôi đã cố gắng hết mình”, cậu ta nói thêm.
Tôi đã không cố gắng lý luận dông dài, thay vào đó tôi đưa ra một lời giải thích thẳng thắn. Tôi nói rằng lý do cậu ta không được tham gia các giải đấu lớn là bởi vì cậu ta không đủ mạnh và không đủ nhanh. Tất nhiên cậu ta mạnh và nhanh, nhưng đó chỉ là so với người bình thường. Có hàng ngàn người thể lực tốt hơn cậu ta nhưng họ thậm chí vẫn chưa đủ tốt để tham dự các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp.
Cậu ta đã không cảm thấy bị xúc phạm và cũng không nổi giận. Thậm chí dường như cuối cùng anh chàng cũng đã chấp nhận sự thật mà tôi đã chỉ ra. Nhưng sự việc này khiến tôi phải suy ngẫm. Điều gì đã khiến cho một người đàn ông trẻ tuổi với tinh thần lành mạnh tin rằng cậu ta phải được chơi trong giải bóng đá chuyên nghiệp, và nếu điều đó không xảy ra thì cậu ta cảm thấy như cả thế giới đang mắc nợ mình? Và sau đó tôi nhận ra: nó không phải là vấn đề về sức khỏe tinh thần hay sai sót trong tư duy logic, mà là một khái niệm đã được nhồi nhét liên tục vào bộ não của chúng ta từ khi chúng ta còn bé.
Khái niệm đó là: “Cuộc sống phải công bằng.”
1. Công bằng:
Khái niệm về sự công bằng là một lý tưởng về cách mà xã hội của chúng ta nên được cấu trúc, tổ chức và quản lý. Chúng ta nên đối xử với mọi người theo pháp luật như nhau. Chúng ta nên tạo điều kiện để mọi người có cơ hội như nhau. Mọi người đều cần phải có những quyền như nhau, không hơn, không kém bất kỳ ai. Đó là tất cả về sự “công bằng”.
Và tất nhiên, công bằng là một điều tốt. Công bằng có lợi cho xã hội. Hãy thử tưởng tượng một người phải chịu đựng sự bất công về mặt pháp luật, anh ta thét lên “Tôi phải làm việc 80 giờ một tuần để nuôi vợ tôi, thế mà bây giờ cô ta chuẩn bị ly dị tôi và sẽ lấy đi 50% số tài sản của tôi, hơn nữa tôi còn phải trả tiền cấp dưỡng. Thật là không công bằng!” Và dĩ nhiên, anh chàng này sẽ chẳng còn thiết tha với công việc của mình nữa.
Mong muốn công bằng là một điều chính đáng, ít nhất là công bằng về mặt pháp luật.
Nhưng một khi mà bạn đã bị ám ảnh về công bằng thì nó trở nên tồi tệ. “Công bằng” đã biến thành một khái niệm không ngừng rên rỉ và đuổi theo chúng ta. Không chỉ muốn công bằng về mặt pháp luật, chúng ta còn đòi hỏi công bằng trên mọi lĩnh vực, thậm chí đòi hỏi một cách phi lý. Có vô số lý do để bạn rên rỉ về sự công bằng : một anh chàng cao hơn bạn, một cô nàng xinh đẹp hơn bạn, một người nào đó sinh ra trong một gia đình giàu có hơn bạn, hay thậm chí một người làm việc siêng năng hơn bạn… Tất cả những điều đó đều có thể trở thành cái cớ để bạn than vãn về sự công bằng.
2. Thực tế:
Vấn đề với công bằng là nó chỉ là một lý tưởng. Nó là một mục tiêu. Nó chưa bao giờ là một thực tế. Công bằng chỉ là cách mà chúng ta NÊN đối xử với nhau trong xã hội, nhưng không phải là một điều đảm bảo rằng chúng ta SẼ làm như vậy. Và nhiều người trong chúng ta sau mấy chục năm bị tẩy não từ thời thơ ấu cho đến sau khi tốt nghiệp đại học đều cho rằng chúng ta đang được hưởng sự công bằng.
Và thế là khi tiếp xúc với sự thật, chúng ta bắt đầu phàn nàn.
“Tại sao tôi không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp!”
“Tại sao anh chàng không có bằng đại học đó lại kiếm được nhiều tiền hơn tôi!”
“Tại sao anh chàng giàu có đó lại hẹn hò với nhiều phụ nữ trẻ đẹp trong khi tôi không kiếm được một cô người yêu!”
“Tại sao cô nàng đó được nhiều anh săn đuổi!”
“Tại sao đàn ông thích phụ nữ thon thả chứ không thích người phụ nữ mập như tôi!”
“Tại sao… Tại sao… Tại sao…?”
Bạn hãy thử nhớ lại xem, bạn đã từng than vãn như vậy bao giờ chưa? Chưa từng? Đã từng? Hay rất nhiều?
3. Những lá bài mà cuộc sống phát cho bạn:
Nếu bạn liên tục phàn nàn về sự bất công, bạn đang sống với lối tư duy của kẻ thua cuộc. Không có gì hay ho với lối tư duy đó, nó chỉ dẫn bạn đến thất bại và đau khổ. Tệ hơn nữa, nó có thể phá hoại kế hoạch và những quyết định bạn đưa ra trong cuộc đời, bởi vì bạn dựa trên một kỳ vọng không thực tế về sự công bằng.
Hãy dừng ngay lối suy nghĩ đó lại!
Điều mà bạn nên làm là “Hãy chơi một cách tốt nhất với những lá bài mà bạn có.”
Bây giờ bạn hãy thử tưởng tượng về một anh chàng thọt chân, anh ta sinh ra trong một gia đình nghèo đói và được nuôi dưỡng bởi một bà mẹ đơn thân nghiện rượu. Anh ta không được ăn học đến nơi đến chốn, sức khỏe kém, thường bị bắt nạt. Nếu anh ta có ý định cải thiện bản thân thì những người hàng xóm và bạn bè xấu tính của anh ta sẽ bắt đầu chế giễu và nhạo báng anh ta.
Bây giờ, thay vì tưởng tượng về anh chàng trên như một người ở ngôi thứ 3 tách biệt với bạn, hãy tưởng tượng bạn chính là anh chàng đó. Bạn sẽ làm gì?
Bạn sẽ làm gì trong trò chơi bài của cuộc sống nếu bạn được phát những lá bài như của anh chàng này?
Và cho dù bạn có than vãn như thế nào về những bất công khi mà cuộc sống đã đưa cho bạn những lá bài quá tệ thì bạn cũng không thể thay đổi được sự thật rằng: bạn chỉ có duy nhất một lựa chọn là phải chơi với những lá bài trong tay bạn.
Ngừng than vãn và tìm cách chơi chúng một cách tốt nhất.
Tất cả chúng ta đều được sinh ra với một số điểm yếu cố hữu, có những điểm yếu dễ dàng cải thiện và sửa chữa (ví dụ kỹ năng, thể hình…), có những điểm yếu rất khó sửa chữa (ví dụ chiều cao, khuyết tật cơ thể…). Bạn không được chọn những lá bài mà cuộc sống phát cho bạn nhưng bạn được chọn cách bạn chơi bài. Hoặc là bạn chiến đấu hết mình với những gì bạn có; hoặc là bạn ngồi trông chờ một sự “công bằng” mà sẽ không bao giờ đến và lãng phí cuộc đời của bạn.
Woody Übermensch