Hình tượng con lợn trong văn hóa – xúc phạm hay trân trọng?
Đăng 5 năm trướcCon lợn (heo) không những là một trong những con vật có mối liên hệ, gắn bó lâu đời nhất với con người - cả người Á châu lẫn Âu châu và các nền văn minh khác - mà còn là một biểu tượng văn hóa đại chúng, vừa mang tính tích cực lẫn tiêu cực.
Lịch sử và truyền thuyết
Trước khi kết thúc thời kỳ đồ đá mới, người Trung Quốc đã thuần hóa thành công sáu loại gia súc mà họ gọi là “lục súc” (mã, ngưu, dương, trư, cẩu, kê). Có lẽ con lợn đầu tiên được thuần hóa ở Trung Quốc vào khoảng 2.900 năm trước Công nguyên.
Ở Việt Nam, truyền thuyết Pú Lương Quân của người dân tộc Tày (Cao Bằng) có kể về đôi vợ chồng nọ sau khi trồng được lúa đã vào rừng để bắt lợn rừng về nuôi. Từ sau khi giải thể nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, có thể những cư dân Tày cổ này có nguồn gốc từ người Việt cổ.
Tính cách sơ lược
Trong 12 con giáp, lợn nằm trong số ba con vật cuối cùng (dậu, tuất và hợi) có mối liên hệ gần với đời sống thường nhật của con người hơn so với các con vật khác như cọp, ngựa, khỉ. Không giống như chó vốn thông minh nhanh nhẹn,lợn không hiểu chủ của nó muốn gì, do đó nó thường không biết cách lấy lòng chủ.
Trong suy nghĩ của mọi người, lợn là loài vật nuôi ngoan ngoãn nhất.Dành phần lớn thời gian cả ngày để ăn và ngủ, đây có thể được xem là loài gia súc ít quấy phá nhất.
Ý nghĩa tiêu cực
Con lợn trong văn hóa Việt Nam mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Nói đến lợn là người ta nói đến tính chây lười, phàm ăn, bẩn thỉu, ô uế và ngu ngốc. Ngoài ra nó còn mang biểu tượng nhục dục (phim “con heo”).
Trong lịch sử Việt Nam, biệt hiệu “Vua lợn” được gán cho vua Lê Tương Dực (1495-1516) nhằm ám chỉ một kẻ hoang dâm vô đạo: “Tháng 5 năm 1514, nghe lời của Hiệu uý Hữu Vĩnh, Tương Dực giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm” hay “Vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, (…) lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm".
Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, lợn tượng trưng cho sự dại dột, lười biếng, tham lam,xấu xí và tên của nó luôn được sử dụng với hàm ý xúc phạm - “Đồ con lợn!”
Từ“lợn” còn được sử dụng với ý nghĩa khinh bỉ và miệt thi, dùng để ám chỉ người Trung Quốc bị bán ra nước ngoài làm nô lệ và tầng lớp dân lao động vào cuối triều đại nhà Minh (1368 - 1644) và đầu nhà Thanh (1644 - 1911), những người mà cả đời của họ không thể nào về lại cố hương.
Triết gia Thomas Carlyle (1795-1881) trong cuốn “Latter-Day Pamphlets” của ông có đề cập đến “triết học lợn” (Pig-Philosophy)trong đó ông xem con người chỉ đơn thuần là một sinh vật phàm ăn thay vì một sinh linh được Thiên Chúa ban cho linh hồn, lấy thỏa mãn dục vọng làm ý niệm hạnh phúc cao quý, là “Thiên đàng” duy nhất của mình...
Ý nghĩa tích cực
Thời Trung Quốc cổ đại, lợn không được sử dụng như một biểu tượng mang ý nghĩa xúc phạm; thay vào đó, nó được xem là thước đo của lòng dũng cảm. Người dân không chỉ nuôi lợn trong nhà mà các hoạt động xã hội của họ cũng ít nhiều có liên quan đến lợn. Ví dụ, Hán tự cổ (các chữ khắc trên xương hoặc mai rùa) “事” (có nghĩa là SỰ) mô tả một người đàn ông dùng một dụng cụ có cán dài để bắt lợn.
Hơn nữa, trong thời cổ đại, mức độ “nam tính” của một người đàn ông còn được đo bằng hoạt động săn bắt lợn (thực chất là lợn rừng). Ví dụ, Hán tự cổ “敢” (có nghĩa là CẢM) mô tả một người đàn ông bắt lợn bằng tay không. Theo đó, từ này có nghĩa là dũng cảm, và những ai không thể bắt được một con lợn sẽ bị coi là kẻ yếu hèn trong thời cổ đại.
Sau khi bị cô lập khỏi đời sống hoang dã và được thuần hóa trong một thời gian dài, lợn có vẻ trở nên ngoan ngoãn do mất đi bản tính ban đầu. Trái lại, lợn rừng rất hung tợn và thường hay tấn công đối thủ rất dữ dội. Do đó, lợn tượng trưng cho những chiến binh không sợ hãi trong văn hóa Trung Quốc cổ đại.
Do đặc điểm dũng cảm của lợn, đã có thời người Nhật đặt tên cho con cái của họ có chứa từ “lợn”. Họ làm vậy không phải vì lợn dễ nuôi mà vì họ đánh giá cao tinh thần dũng cảm của loài vật này.
Người châu Âu có một nhận thức tương tự với người Nhật. Họ cho rằng lợn rừng là loài động vật hung dữ và cứng rắn nhất trong số các loài dã thú, mặc dù nó không có sừng. Con lợn lòi có những cái nanh nhọn và cứng để dễ dàng đâm kẻ thù của nó, cùng với lớp da được “trang bị” giống như áo giáp (do liên tục cọ xát vào thân cây).
Hình mẫu con lợn được chạm khắc rộng rãi trên các huy hiệu ở châu Âu,tượng trưng cho sự dũng cảm: quốc vương Richard III của Anh mang huy hiệu có hoa văn của hai con lợn bao quanh và bảo vệ tấm khiên; huy hiệu của gia tộc CampbellClan ở Scotland có thiết kế đầu lợn, hàm ý làm nổi bật phẩm chất của loài vật này.
Trong văn hóa dân gian Việt Nam, cụ thể là trong tranh dân gian Đông Hồ, hình ảnh con lợn thể hiện sự sung túc, phồn thực và hạnh phúc. Con lợn trong quan niệm văn hóa cổ truyền mang thông điệp chúc tụng một năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc.
Đối với các cư dân sống tại các đảo ngoài lục địa Đông Nam Á, lợn vừa là nguồn cung cấp thực phẩm vừa là biểu tượng của sự giàu có, là quà cưới cho cô dâu, và có khi còn là đơn vị trao đổi hàng hóa quan trọng.
Thần Vishnu - chủthần được các tín đồ Hindu giáo sùng bái nhất, được coi là người giữ gìn vũ trụ- là một vị thần có đầu lợn và 4 tay, chuyên hành hiệp cứu độ chúng sinh.
Ở các bán đảo Thái Bình Dương, loài lợn không lông Kapia có địa vị như con người có danh xưng, được mặc áo nghiêm chỉnh, và mặt còn được trang điểm.
Thổ dân da đỏ ở Mĩ cũng xem lợn là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Lợn thường được dùng làm con vật để tế thần, vì người ta tin rằng lợn có linh hồn.
Ở châu Âu thời Hy Lạp cổ đại, lợn là con vật được nữ thần Demeter (thần sinh sản) ưa thích, và do đó lợn còn là con vật biểu tượng cho sự thịnh vượng, trù phú.
Trong suốt thời gian chiến tranh giành độc lập với đế quốc Anh, một người bán thịt lợn tên Uncle Sam (Chú Sam) đã tiếp tế vài trăm thùng thịt lợn trên tàu cho quân đoàn Mỹ, mỗi thùng có dán tem “U.S”. Không lâu sau, U.S trở thành chữ cái tượng trưng cho Uncle Sam, anh nuôi thịt lợn cho cả quân đội Hoa Kỳ. Từ đó “Uncle Sam” đã trở thành tên tục bình dân để gọi bất kì người dân Hợp chúng quốc (United States) nào.
Lợn cũng đóng vai trò quan trọng trong y học: hơn 40 loại thuốc (trong đó có Insulin) được bào chế từ lợn; van tim lợn được dùng trong phẫu thuật để thay van tim người; mỡ lợn được dùng làm thuốc diệt cỏ, phấn bảng, mỹ phẩm,phấn màu và sáp.
Nguồn:
Adonis Nguyễn Thanh lược dịch và tổng hợp từ Wikipedia và trang chinahighlights.com