Học cách sáng tạo từ trẻ em
Đăng 7 năm trướcSáng tạo giúp bạn linh hoạt và thích ứng tốt hơn với cuộc sống. Đây không phải là một tài năng bẩm sinh, mà là một kỹ năng. Trẻ em là nhóm đối tượng nắm vững nhất kỹ năng này. Hãy cùng học hỏi để sáng tạo như trẻ em.
Theo phát hiện của các nhà khoa học và quá trình quan sát của các chuyên gia, mọi người có thể học hỏi được nhiều điều từ quá trình sáng tạo của trẻ con. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi trẻ con và nhà kinh doanh cùng đối mặt với thử thách sáng tạo như nhau, trẻ con thực sự thành công hơn trong việc giải quyết vấn đề.
Vậy cách chúng suy nghĩ và thực hiện như thế nào? Đây là 4 điều để sáng tạo mà bạn có thể học từ đứa trẻ 5 tuổi.
1. Thử, sai và thử lại
Trong “Thử thách kẹo dẻo” cổ điển, mỗi đội sẽ được cung cấp 20 thanh mì ống, 1 mét dây, băng dính trong suốt và một viên kẹo dẻo, các đội được yêu cầu phải xây tòa tháp cao nhất có thể với kẹo dẻo sẽ ở trên đỉnh. Các đội xây dựng tòa tháp có chiều cao trung bình khoảng 50cm, nhưng quan trọng hơn là, các sinh viên kinh doanh thực hiện kém hiệu quả hơn cả trẻ mẫu giáo. Đó là bởi vì trẻ mẫu giáo lập tức bắt đầu xây dựng, thử nghiệm và làm lại. Bọn trẻ bắt đầu với việc đặt kẹo dẻo lên đỉnh và thực hiện các bản mẫu khác nhau. Khi ý tưởng ban đầu không hiệu quả, chúng cố gắng thử kiểu khác, và khi mọi thứ không hiệu quả, chúng tiếp tục thử lại. Khi hết thời gian, chúng thử nghiệm với một vài lựa chọn để tiếp tục cải thiện cấu trúc. Về mặt bất lợi, các sinh viên kinh doanh dành nhiều thời gian cho việc phác họa và thảo luận cấu trúc, không thật sự thử nghiệm xem cái nào hiệu quả.
Khi đối mặt với những thử thách mới, dù là đổi mới mô hình định giá, giới thiệu đặc điểm mới của sản phẩm, hay đơn giản hóa quá trình vận hành, bạn có thể thử nghiệm lựa chọn khác nhau theo cách nhanh, ít rủi ro?
2. Bỏ logic sang một bên
Tư duy khác biệt là cách suy nghĩ rộng, không theo lề lối cũ. Việc làm này tạo ra tính sáng tạo bằng cách khuyến khích chúng ta khám phá ra nhiều giải pháp khả thi. Trong quyền sách Breakpoint and Beyond: Mastering The Future Today (tạm dịch Điểm đột phá và giới hạn: Làm chủ tương lai ngay hôm nay), hai tác giả George Land và Beth Jarman miêu tả một nghiên cứu theo thời gian về kỹ năng tư duy khác biệt được quan sát ở những đối tượng nhất định trong khoảng thời gian dài bắt đầu từ khi họ còn là trẻ em. Trong khi 98% trẻ nhỏ suy nghĩ khác biệt đạt điểm ở mức thiên tài, ở độ tuổi 15 chỉ 10% có thể được mức điểm tương tự. Chỉ 2% người trưởng thành thực hiện bài kiểm tra tương tự đạt được điểm số thiên tài. Ngụ ý ở đây là khi chúng ta càng lớn, kinh nghiệm và thành kiến bắt đầu trói buộc suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta ít có khả năng suy nghĩ vượt qua ngoài khuôn khổ như một đứa trẻ.
Khi bạn muốn phát triển và khám phá càng nhiều ý tưởng mới càng tốt, lời khuyên cho bạn và đồng đội là đừng lọc bỏ mà hãy chia sẻ bất cứ ý tưởng nào chợt thoáng qua trong đầu – cho dù những ý tưởng đó chỉ là ngẫu nhiên hoặc chẳng liên quan gì đến vấn đề.
3. Không ngừng hỏi “Tại sao”
Cách đây vài năm, gia đình người họ hàng đến thăm tôi (tác giả bài viết). Gia đình người họ hàng có một bé gái 5 tuổi không ngừng đặt câu hỏi. Có lần, cô bé để ý đến đám lông chân lỏm chỏm của tôi.
- “A... Có tóc ở đây!Tại sao lại có tóc ở đây?”, cô bé la lên
- Bởi vì chị đã lười biếng.
Không hài lòng cô bé hỏi tiếp:
- “Nhưng tại sao lại là ở đó”
- Bởi vì đó là cách mà chúng phát triển!
- Nhưng tại sao em không có?
- Bởi vì nó đang phát triển chầm chậm!
Sau nhiều câu hỏi và trả lời vòng vòng (bao gồm cả Google nhanh về cấu trúc da), tôi chỉ có thể kết thúc cuộc trò chuyện bằng cách dọa cắt tóc con bé và gắn vào chân của nó. Trẻ em không chỉ đặt câu hỏi, mà chúng còn ít khi hài lòng với câu trả lời đầu tiên chúng nhận được. Với mỗi một câu hỏi, chúng sẽ bóc tách từng lớp, cho đến khi nhận được câu trả lời cốt lõi.
Khi bạn đang cần xử trí một vấn đề, hãy đặt mình ở tâm thế của một đứa trẻ tò mò và không ngừng tìm kiếm câu trả lời. Đừng để bản thân hài lòng với những câu trả lời hời hợt. Hãy đào sâu để hiểu ngọn nguồn của vấn đề.
4. Đối diện với sự mơ hồ bằng thái độ lạc quan
Trong bài phát biểu tại hội thảo TED với chủ đề “Điều người lớn có thể học ở trẻ em”, Adora Svitak phân biệt sự khác nhau trong cách phản ứng với những kế hoạch lớn của người trưởng thành và trẻ em. Người lớn sẽ suy nghĩ đến những vấn đề như “Làm vậy quá tốn kém” hay “Làm vậy với mình không có ích lợi gì”. Còn trẻ con? Đối mặt vấn đề với thái độ lạc quan và thoải mái. Khả năng của một đứa trẻ trong việc tưởng tượng ra một kịch bản hoàn hảo giúp nó vượt qua giới hạn của cái gọi là “không thể”. Cụ thể, Bảo tàng thủy tinh tại Tacoma có một chương trình gọi là Trẻ em thiết kế thủy sinh dành cho trẻ từ 12 tuổi trở xuống, ở đây trẻ có thể đưa ra những ý tưởng về nghệ thuật thủy tinh. Theo các nghệ nhân, bảo tàng đã nhận được những ý tưởng tuyệt vời từ chương trình bởi vì trẻ con không quan tâm đến các thách thức phải đối mặt khi thổi thủy tinh theo một hình dạng cụ thể và gò ép bản thân theo một khuôn khổ nhất định. Thay vào đó, chúng sẽ mặc sức sáng tạo làm nên những ý tưởng tuyệt vời nhất – chẳng hạn như hình ảnh con rắn mà bạn thấy ở trên.
Khi đánh giá các giải pháp khả thi đối với một vấn đề sắp tới, hãy suy nghĩ tại sao mọi giải pháp sẽ vận hành như thế nào trước khi loại bỏ vì ‘điều đó là không thể’. Với cách tiếp cận này, bạn có thể tập hợp được khía cạnh tích cực của các giải pháp để lựa chọn được giải pháp tốt nhất.
KẾT
Vì vậy, khi bạn bị bao vây bởi những đứa trẻ hiếu động và tò mò, thay vì cố gắng bắt chúng ngồi yên và dập tắt những câu hỏi của chúng thì hãy chơi cùng chúng. Trẻ con có thể là bậc thầy sáng tạo mà bạn đang tìm kiếm.
(Nguồn: Inc)
Có thể bạn quan tâm: