mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

Khám phá tác động của việc biệt giam tới não bộ

Đăng 5 năm trước

Một số nghiên cứu từ lĩnh vực sinh học thần kinh đã cho thấy việc biệt giam các tù nhân cần được làm cho trở nên nhân văn hơn.

Có một sự khác biệt giữa hai cụm từ "sự cô đơn" (áp đặt từ sự cô lập xã hội) và "sự cô độc" (lựa chọn ở một mình), do đó tùy theo nguyên nhân mà não bộ sẽ có cách phản ứng khác nhau. Sự cô đơn, hay sự cô lập xã hội đã ảnh hưởng đến một bộ phận dân số không nhỏ trong vài năm qua và được coi là nguồn gốc dẫn đến những biến đổi của não bộ. Từ đó những hậu quả nghiêm trọng hơn như trầm cảm hay rối loạn tâm lí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được ngăn chặn nếu các tương tác xã hội phù hợp được thiết lập và bản thân người đó tái tham gia vào các hoạt động xã hội.

Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra khi một người không thể lựa chọn? Chúng ta đang nói về biệt giam - một hình thức cầm tù vẫn còn được thực thi ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Robert King - một cựu tù nhân đã bị biệt giam 29 năm, chia sẻ trải nghiệm của mình khi ở trong một căn phòng và bị vây quanh bởi những cặp mắt tò mò của các nhà thần kinh học trong hội nghị khoa học thần kinh lớn nhất thế giới của Hiệp hội Khoa học thần kinh tháng 11 năm 2018. Bị giam giữ trong một không gian chật hẹp với đường kính không quá 10 bước chân trong gần 30 năm, trong khi sự tiếp xúc với người khác lẫn việc tập thể dục diễn ra vô cùng hạn chế, anh ta chắc chắn đã phải hứng chịu hậu quả về sức khỏe tổng thể, bao gồm cả não bộ. King biết rằng việc biệt giam đã làm xáo trộn hoạt động của não bộ anh ta. Cuối cùng khi rời khỏi phòng giam, anh ta nhận ra mình gặp trở ngại trong việc nhận diện khuôn mặt và phải tái luyện tập đôi mắt để biết một khuôn mặt trông như thế nào. Không chỉ có vậy, cảm giác về phương hướng của anh ta cũng bị rối loạn và anh ta không thể tự mình tìm được lộ trình một con đường đơn giản trong thành phố. Cứ như thể não bộ anh ta đã bị xóa sạch những khả năng đó vậy, những khả năng không còn cần thiết cho cuộc sống ở một phòng giam không lớn hơn một chiếc xe chở hàng là bao.

Một trong những ảnh hưởng đáng chú ý nhất của sự cô độc xã hội kéo dài, như trong trường hợp biệt giam cực đoan kia chính là sự suy giảm kích thước của hồi hải mã - một vùng của não bộ liên quan đến học tập, trí nhớ và nhận thức không gian. Sự căng thẳng kéo dài do cô lập cực độ dẫn đến việc mất độ dẻo của vùng hồi hải mã, giảm sự hình thành các tế bào thần kinh mới và cuối cùng là làm tê liệt chức năng của hồi hải mã. Mặt khác, hạch hạnh nhân sẽ hoạt động mạnh hơn để phản ứng lại sự cô lập. Khu vực này tạo ra sự sợ hãi và lo lắng - các triệu chứng xảy ra đối với những tù nhân bị biệt giam.

Các thí nghiệm trên chuột cho thấy một tháng bị cách ly xã hội đã làm giảm khoảng 20% tổng khối lượng tế bào thần kinh, mặc dù các nhà nghiên cứu nhận thấy các tế bào thần kinh còn lại của chúng phân nhánh nhiều hơn so với những con chuột không bị cách ly. Khi sự cô lập kéo dài tới tầm ba tháng thì các nhà nghiên cứu thấy rằng sự phân nhánh thêm của những tế bào thần kinh không còn xảy ra nữa. Đổi lại, những cái gai (tức là các cấu trúc mà tế bào thần kinh phát triển để phát tín hiệu cho nhau) đã giảm đi rất nhiều. Điều này nghĩa là gì? Sự phân nhánh diễn ra trong tháng đầu tiên bị cô lập có thể đại diện cho một số cơ chế bù trừ mà bộ não đưa ra để khắc phục và ngăn chặn các tác động bất lợi của sự cách ly. Tuy nhiên, khi thời gian bị cô lập quá lâu thì cơ chế này có vẻ như đã chấm dứt và gây ra sự mất liên lạc giữa các nơ ron dưới hình thức triệt tiêu những gai dây thần kinh.

Bên cạnh những ảnh hưởng mà sự cô đơn gây ra cho não, sự biệt giam cũng góp phần tạo nên sự thiếu hụt cảm giác. Những phòng giam chật chội nơi các phạm nhân bị cách ly hoàn toàn không có cửa sổ. Và "dù cho tôi được quyền tập thể dục một tiếng đồng hồ mỗi ngày thì đôi khi việc rèn luyện thân thể này sẽ không được diễn ra thường xuyên do lịch trình bận rộn trong nhà giam", King báo cáo. Việc thiếu hụt cảm giác góp phần làm sức khỏe suy kiệt, chẳng hạn như thay đổi nhịp điệu sinh học vẫn vận hành các cơ quan trong cơ thể. 

Hình phạt biệt giam này gần như là một hình thức tra tấn để lại những hậu quả nghiêm trọng với thần kinh. Nhóm các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này và tìm cách để duy trì các hoạt động thể chất cũng như nguồn vào của cảm giác và nhịp sinh học, với mục đích ngăn chặn những biến đổi khôn lường trong não bộ. 

Điều này đòi hỏi sự chú ý đến việc tích hợp khoa học trong pháp luật, vì các nhà lập pháp có thể không nhận ra những tổn thương cảm xúc có thể xảy ra giống như cách họ nhận ra những tác động vật lý của việc cầm tù. Các luật sư và nhà thần kinh học cũng cần cùng nhau tìm hiểu để biết được toàn bộ hậu quả của các thông lệ nguy hiểm vẫn diễn ra trong hệ thống pháp luật, chẳng hạn như biệt giam.

Nguồn dịch: psychologytoday.com

Chủ đề chính: #tâm_lý_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn