Nguyễn Quỳnh Anh
Sinh viên tại Lào Cai

Kim Yu Shin - từ một hậu duệ tiểu quốc cho đến vị đại tướng thống nhất toàn bộ bán đảo Triều Tiên

Đăng 2 năm trước
Kim Yu Shin - từ một hậu duệ tiểu quốc cho đến vị đại tướng thống nhất toàn bộ bán đảo Triều Tiên
Thể loại: Sản phẩm

Kim Yu Shin - từ một hậu duệ tiểu quốc cho đến vị đại tướng thống nhất toàn bộ bán đảo Triều Tiên

Vương quốc Tân La - một trong ba vương quốc thời kì Tam quốc Triều Tiên đã vươn lên thống nhất bán đảo vào thế kỉ VII. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vị đại tướng đã lãnh đạo cuộc thống nhất toàn bộ bán đảo thực ra lại là hậu duệ của một tiểu quốc đã bị Tân La diệt vong từ lâu - Kim Yu Shin. Cuộc đời của ông được ghi lại một cách chi tiết qua cuốn Tam Quốc sử ký và được ghi lại ngắn gọn trong cuốn Tam Quốc gia sự.

1. Hậu duệ của một tiểu quốc bị tiêu diệt vào năm 532

Kim Yu Shin (595 - 18 tháng 8 năm 673) sinh ra tại Gyeyang, quận Jincheon, là con trai của tướng quân Kim Seohyeon và một thành viên trong hoàng tộc Tân La - công chúa Manmyung. Ông là chắt của Cừu Hành Vương - vị vua cuối cùng của tiểu quốc Quan Kim Già Da nằm ở phía nam bán đảo Triều Tiên. Năm 532, tiểu quốc này bị tiêu diệt bởi quân đội Tân La. Để bảo toàn tính mạng cho các thành viên trong vương thất cũng như người dân, Cừu Hành Vương đã lựa chọn đầu hàng. Việc này được quốc vương Tân La là Pháp Hưng vương chấp thuận.  Gia tộc của Cừu Hành Vương được xếp vào hàng ngũ quý tộc cao cấp nhất của Tân La (chỉ xếp thứ hai sau hoàng tộc), bản thân Cừu Hành Vương cũng trở thành Thượng đại đẳng - chức quan đứng đầu vương quốc Tân La tương đương với tể tướng lúc bấy giờ.

Có lẽ Cừu Hành Vương sau này cũng không ngờ tới rằng, chỉ sau gần một thế kỉ, cháu trai của mình đã trở thành vị tướng vươn lên thống nhất Tam quốc.

Chân dung Cừu Hành Vương, vị vua cuối cùng của tiểu quốc Quan Kim Già Da
Bản đồ tiểu quốc Già Da, nằm giữa ba nước Bách Tế và Tân La

2. Một "hiệp sĩ hoa" xuất chúng đến nhà quân sự tài ba

Nếu ai đã xem những bộ phim như "Giấc mơ đế vương" hay "Nữ hoàng Seon Deok", " Hwarang" hẳn còn nhớ những chàng hoa lang hay hiệp sĩ hoa tài ba, dũng mãnh. Bản thân Kim Yushin đã trở thành một hoa lang khi mới 15 tuổi và tiếp đến Gukseon (thủ lĩnh một đội quân hoa lang) khi 18 tuổi. Ông cũng là một kiếm sĩ xuất sắc. Mặc dù không có ghi chép nào về thời thơ ấu của Kim Yu Shin, nhưng truyền thuyết kể lại rằng, sự giáo dục rất nghiêm khắc của người mẹ đã ảnh hưởng lớn đến ông về sau này. Lúc đó, Kim Yushin vẫn còn là một vị thiếu niên, ông đã qua đêm tại quán rượu của một cung nữ, mẹ ông là công chúa Manmuyng rất tức giận, bà đã khóc và cấm ông không bao giờ được đặt chân đến đó nữa. Kim Yu Shin đã hứa với mẹ nhưng thay đổi tật xấu một sớm một chiều thật không phải dễ. Lần khác ông đã lại trót uống rượu say và được con ngựa đưa tới nhà một nữ quan. Quá xấu hổ và thất vọng vì không giữ được lời hứa với mẹ, ông đã tự cắt cổ con ngựa của mình.

Kim Yu Shin do diễn viên Uhm Tae Wong thủ vai trong bộ phim Queen Seon Deok 2009 của đài MBC

Có lẽ sự tự rèn luyện nghiêm khắc của chính bản thân ông đã đưa Kim Yu Shin được trao toàn quyền chỉ huy lực lượng vũ trang vào năm ông 34 tuổi, 3 năm sau công chúa Deok Man lên ngôi Thiện Đức nữ vương thì Kim Yu Shin cũng trở thành tổng tư lệnh quân đội hoàng gia. Ông sở hữu đến hơn 10000 binh lính và trở thành người đàn ông quyền lực nhất của vương quốc.

Tranh vẽ tướng quân Kim Yu Shin

Ngay khi trở thành người chỉ huy lực lượng vũ trang, năm 632, quân đội của ông đã có cuộc giao tranh với nước Bách Tế. Cuộc chiến này đã kéo dài nhiều năm, cả hai bên đều có những cái được và cái mất. Chính nhờ trận chiến này mà Kim Yu Shin học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, trở thành một vị đại tướng và một vị chỉ huy chuyên nghiệp trên chiến trường.

Năm 655 khi liên minh Bách Tế và Cao Câu Ly tấn công vào Tân La, Kim Yu Shin đã  dẫn đầu đội quân của Tân La, cùng liên minh với quân đội nhà Đường do tướng Tô Định Phương chỉ huy. Với sự giúp đỡ của 13 vạn quân Đường và 5 vạn quân Tân La, Kim Yu Shin đã thuận lợi quét sạch quân xâm lược Bách Tế và tấn công kinh đô Tứ Tỉ của vương quốc này.

Đến năm 660, trận chiến Hwangsanbeol - một trận chiến nổi tiếng nhất đã nổ ra. Tướng quân Gye Beak (một vị tướng quân vĩ đại của vương quốc Bách Tế) đã đem 5000 quân ra quyết tâm chống đỡ. Có một câu chuyện kể lại rằng, có con chim lớn bay lượn giữa doanh trại của tướng Tô Định Phương, ông ta cho đó là điềm không lành và đem chuyện này nói với Kim Yu Shin. Thay vì sợ hãi, tướng Kim lại cho rằng sao có thể vì một con chim và điềm lạ mà để vuột mất cơ hội đánh bại Bách Tế. Để trấn an lòng người, ông đã rút kiếm ra và chém chết con chim lớn ấy.  Như vậy, với sự áp đảo về quân số và sự quyết tâm của tướng Kim, liên minh giữa Tân La và quân đội nhà Đường đã giành chiến thắng, ngay sau cái chết của tướng Gye Beak, vương triều Bách Tế sụp đổ, đánh dấu mốc quan trọng cho bước đầu tiên thống nhất bán đảo của vị tướng quân họ Kim.

Tử chiến trận Hwangsanbeol - Ảnh minh họa

Không ngủ quên trong chiến thắng, ngay vào năm tiếp theo (661), liên minh Tân La - Đại Đường lại tiếp tục mục tiêu cuối cùng trong việc thống nhất bán đảo - đánh bại Cao Câu Ly. Cuộc tấn công của họ tuy đã không giành thắng lợi như mong muốn nhưng nó đã làm suy yếu Cao Câu Ly. Cho đến năm 637, một cuộc tấn công lớn nữa được phát động đến lúc này Cao Câu Ly đã hoàn toàn bị sụp đổ và đến năm 638, Tân La đã chính thức làm chủ toàn bộ bán đảo Triều Tiên.

Bản đồ Tân La thống nhất, bên trên là nước Bột Hải

Để đưa bán đảo thống nhất như hiện tại, công lao của Kim Yu Shin vô cùng to lớn, ông từ một hậu duệ của một tiểu quốc đã diệt vong nay lại trở thành vị tướng tài ba vĩ đại nhất trong lịch sử Triều Tiên - Hàn Quốc. Năm 668, Văn Vũ Vương (661–681) phong tặng ông danh hiệu Taedaegakgan (có nghĩa là chiếc khiên vĩ đại nhất), "ban cho thực ấp năm trăm hộ, cũng cho trượng, lên điện không cần khai báo, có thể nói là dưới một người, trên vạn người.." Sau khi mất, ông tiếp tục được Văn Vũ Vương truy phong thành "Thuần trung tráng liệt hưng võ đại vương".  

Tượng đài tướng quân Kim Yu Shin
Lăng mộ của tướng quân Kim Yushin tại Gyeong Ju

Tác giả

Quanh Nguyễn

Chủ đề chính: #la

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn