Làm thế nào để lấy lại sự tự tin?
Đăng 8 năm trướcBài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân của sự thiếu tự tin và giải pháp khắc phục.
Melanie Greenberg, một nhà tâm lý học thực nghiệm và là tác giả của một số đầu sách, đã có một bài báo đăng trên tạp chí Tâm lý học ngày nay về nguồn gốc của việc thiếu tự tin. Bà chỉ ra rằng có 3 nguyên nhân chính cho vấn đề này, và mỗi thứ đều có thể giải quyết được, nhưng trước tiên phải hiểu được gốc rễ của vấn đề.
Lý do 1: Thất bại gần đây
Các học giả đã tiến hành nghiên cứu về sự hạnh phúc và phát hiện ra rằng: mức độ hạnh phúc phụ thuộc đến 40% những sự việc xảy đến với chúng ta gần đây trong cuộc sống. Chia tay, người thân mất, thất nghiệp và bệnh tật là những yếu tố tác động tiêu cực nhất đến niềm vui của chúng ta. Những việc không vui tác động đến sự nhìn nhận của bản thân chúng ta, do đó niềm tin giảm sút là kết quả của những trải nghiệm tồi tệ.
Trong quyển sách Sơ cứu những vết thương tinh thần, nhà tâm lý học Guy Winch giải thích rằng những người đánh giá thấp bản thân thường phải gặm nhấm nỗi đau thất bại lâu dài. “Khi chúng ta mất việc có thể làm gợi nhớ thất bại trước đây, đồng thời bồi thêm một cú khiến bạn cho rằng bản thân thật vô dụng”.
Việc mọi người hiểu được rằng thất bại là một phần của cuộc sống rất quan trọng. Trước khi trở thành Tổng thống, Abraham Lincoln từng mất việc và có đến 2 lần thất bại khi ứng cử vào Nghị viện. Nếu một người có thể xoay xở phấn đấu đạt mục tiêu dù đã từng thất bại thì đây là một động lực mạnh mẽ giúp tự tin hơn.
Cách để vượt qua sự thiếu tự tin do thất bại
- Cho bản thân thời gian để thích nghi với hoàn cảnh mới.
- Đừng tự cô lập bản thân và thay vì tiếp tục làm những gì bạn từng thấy thú vị, sao không thử những điều mới mẻ.
- Trò chuyện với bạn bè, người thân để loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và giúp bạn cảm thấy thoải mái.
- Nói về thất bại với những ai bạn tin tưởng.
- Đừng từ bỏ, và kiên định để đạt mục tiêu.
- Chuẩn bị để đón nhận thách thức mới.
Lý do 2: Nỗi sợ giao tiếp xã hội
Nhiều người trong chúng ta đều e sợ những tình huống buộc phải trò chuyện với người lạ - ở các buổi tiệc hay phỏng vấn xin việc. Chúng ta lo lắng mọi người sẽ đánh giá thấp mình, nhận ra khuyết điểm của ta và điều này làm chúng ta lo lắng và thiếu tự tin.
Hầu hết tất cả chúng ta có những trải nghiệm khó chịu khi giao tiếp với người khác – bị bạn cùng lứa tẩy chay hay bạn bè trêu chọc, và nỗi sợ do kết quả của những hoạt động tương tác xã hội và tẩy chay tiếp tục ám ảnh chúng ta dù đã trưởng thành. Nguồn gốc của nỗi sợ này thậm chí còn sâu xa hơn là từ cha mẹ, khi đem con ra so sánh với “con nhà người ta”, quở trách hoặc không chút ấn tượng với thành công của chúng ta.
Và theo quy luật, biểu hiện của sự thiếu tự tin là nền tảng cho suy nghĩ sai lệch về cách mà người khác nhìn nhận về bạn. Thực tế, hầu hết mọi người đều tập trung vào những gì để lại ấn tượng cho họ hơn là phê bình, chỉ trích người khác. Khi một ai đó phê bình người khác, thường chỉ là để che đậy sự thiếu tự tin của họ và dĩ nhiên những lời của họ không đáng tin cho lắm. Những lời chỉ trích thường thiển cận, họ chỉ đánh giá những đặc điểm hời hợt bên ngoài chứ không phải bản chất hay tính cách con người bạn. Thế điều này có đáng để bạn nghĩ ngợi?
Cách vượt qua nỗi sợ tương tác xã hội
- Đấu tranh với sự tự phán xét của con người tồn tại bên trong bạn. Nhắc nhở bản thân những phẩm chất tốt đẹp của mình – bạn là người hài hước, bạn là người bạn tốt, bạn là nghệ sĩ tài năng. Bất cứ điều gì tốt đẹp có thể làm bạn tự hào.
- Nếu bạn phải trò chuyện với một ai đó mà bạn không quen biết, trước hết hãy nghĩ mình sẽ nói những chủ đề gì.
- Nếu bạn cố né tránh các mối quan hệ xã hội, mọi việc sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Tham gia các bữa tiệc hoặc hẹn hò thậm chí cả khi điều đó khiến bạn bối rối. Lúc này kinh nghiệm rất quan trọng và bạn sẽ chẳng bao giờ có kinh nghiệm nếu chưa từng trải.
- Đặt ra mục tiêu thực tế. Các cuộc trò chuyện ngắn với một vài người lạ trong bữa tiệc có thể trở thành những bước quan trọng đầu tiên trong công cuộc khắc phục nỗi sợ đám đông.
- Tập trung quan sát người khác. Thử xem cách người khác biểu cảm và xem họ nói gì. Điều này có thể giúp bạn tránh được cảm giác bị ức chế và giúp bạn học cách để làm quen, trò chuyện với mọi người.
Lý do 3: Chủ nghĩa hoàn hảo
Một số người đặt ra tiêu chuẩn quá cao cho bản thân đối với mọi thứ họ làm. Họ tin chắc rằng bản thân sẽ là người đạt điểm cao nhất, có những đứa con tài năng nhất, có chồng (hoặc vợ) đẹp nhất, công việc hấp dẫn nhất. Tiếc rằng, không phải mọi thứ trong cuộc sống sẽ diễn ra theo ý chúng ta muốn. Có nhiều thứ mà chúng ta không thể quản nổi: một ông sếp tồi, thất nghiệp, những thứ thuộc về di truyền và nhiều thứ khác nữa.
Nếu bạn thường cảm thấy thất vọng vì cảm giác rằng mình không hoàn hảo như bạn vốn nghĩ, kết quả một ngày nào đó bạn không còn chút tự tin nào. Nếu điều này thật sự xảy ra sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe: trầm cảm, mất ngủ, biếng ăn và mệt mỏi kéo dài.
Cách để loại bỏ sự cầu toàn
- Đánh giá lại xem những việc nằm trong tầm kiểm soát của bạn (bạn có thể quyết định và thay đổi) và những việc nằm ngoài khả năng kiểm soát (thường phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài).
- Tự hỏi bản thân: Nếu khả năng hiện tại của bạn tăng thêm 10%, bạn có chắc đạt được kết quả như mình mong muốn? Nếu câu trả lời là không, đơn giản chỉ là điều đó không đáng để bạn lãng phí thời gian và sức lực.
- Sự cầu toàn được xây dựng trên nguyên tắc “hoặc có tất cả hoặc không có gì”. Hãy thử tìm xem những điều trong cuộc sống không phải đen mà cũng không phải trắng – nó mang sắc thái của màu xám. Bạn có xem xét yếu tố ngoại cảnh khi đánh giá bản thân? Bạn có học được điều gì mới mẻ thậm chí khi bạn không đạt được kết quả mong muốn.
- Người cầu toàn chẳng bao giờ đánh giá bản thân một cách khách quan. Họ cảm thấy vui khi mọi thứ diễn ra theo kế hoạch và khó chịu khi kết quả không như mong muốn. Hãy học cách yêu bản thân cho dù chuyện gì xảy ra.
(Nguồn Brightside)