NHQ

Lễ hội Việt Nam - bản sắc truyền thống giàu mạnh (Kỳ 2)

Đăng 3 năm trước
Lễ hội Việt Nam - bản sắc truyền thống giàu mạnh (Kỳ 2)

Tính tâm linh và linh thiêng của lễ hội là ngôn ngữ biểu tượng, tính thăng hoa, vượt lên thế giới hiện thực, trần tục của đời sống thường ngày.

Một khi cái mốc mang tính lễ nghi chưa được thực hiện thì các quá trình sản xuất và quá trình xã hội đó sẽ bị đình trệ, sự sinh tồn và các quan hệ xã hội sẽ bị phá vỡ. Ví dụ, nếu người Việt và người Tày chưa thực hiện nghi lễ “Hạ điền”, “Lồng tồng” thì việc gieo hạt đầu mùa sẽ không thể thực hiện; đứa trẻ sinh ra nếu chưa được thực thi nghi lễ “thổi tai”, đặt tên thì nó chưa thể trở thành con người; một chàng trai đến tuổi trưởng thành mà chưa trải qua nghi lễ thành đinh, cấp sắc thì chưa thể trở thành một thành viên thực sự của cộng đồng; một đôi nam nữ thanh niên chưa là lễ tơ hồng, lễ trình gia tiên thì không thể trở thành vợ chồng; một người chết nếu chưa được thày Tào của người Tày chưa đến thực hiện nghi lễ gọi hồn đưa hồn thì nghi lễ mai táng sẽ không được thực thi. Do vậy, một nghi lễ, lễ hội bao giờ cũng mang tính chuyển tiếp của một chu trình sản xuất vật chất hay xã hội nhất định.

Múa sạp tại lễ hội

Hình thức lễ hội phổ biến hơn cả là Hội làng, một sinh hoạt văn hóa đặc sắc và tiêu biểu của đơn vị hành chính nhỏ nhất ở Việt Nam. Hội làng thường diễn ra vào mùa xuân, bắt đầu rầm rộ trên khắp làng quê từ Tết Âm lịch trở ra. Hầu như những ngôi làng lâu đời làm ăn lúa nước và làng nghề truyền thống đều có hội làng riêng. Thường mỗi làng đều có một vị hoàng thành, vị thần có công khai hoang, mở đất, đem lại sự bình yên cho xóm làng, cũng có khi là vị võ tướng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại sự bình yên cho xóm làng, và cũng có khi là người đem đến cho làng một nghề nhất định.

Hội làng ở Tây Nguyên

Hội làng do đó thể hiện đời sống tinh thần phong phú, nhu cầu biểu đạt cái tôi văn hóa của làng, nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ, giao lưu, tổng kết, cùng hướng tới xây dựng làng ngày một văn minh, giàu mạnh. Đất nước ngày một phát triển, những yếu tố truyền thống, trong đó có hội làng, dường như không được giới trẻ nhiệt tình đón nhận do sự hội nhập mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhưng hội làng hiện nay vẫn được tổ chức hàng năm, để nhắc nhở con cháu về công khai sinh của cha ông, tổ tiên.

Lễ hội làng Quỳnh Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Lễ hội của các dân tộc thiểu số cũng vô cùng thú vị, ở chủ đề và hình thức vô cùng đa dạng và phong phú. Người dân tộc thiểu số, do đặc điểm về địa hình, về lối sống, văn hóa, tập tục, ngôn ngữ khác nhau, nên đặc tính của các lễ hội cũng rất khác nhau. So với lễ hội dân gian của dân tộc Kinh, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số ít bị yếu tố thương mại thâm nhập. Hầu hết các lễ hội của đồng bào thiểu số vẫn giữ được những nét truyền thống đặc sắc. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn người tham dự, đặc biệt là với du khách nước ngoài.

Lễ hội Ok Om Bok


Những lễ hội tiêu biểu của bà con đồng bào ở mọi miền đất nước như lễ hội Lồng Tồng của người Tày để cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc, có các trò chơi dân gian cổ truyền như ném còn, bịt mắt bắt dê, hái lượm; lễ hội cầu an bản Mường của người Thái và Mường, gắn với tục giết trâu tạ thần linh; lễ hội Ok Om Bok của người Khmer Nam Bộ để tỏ lòng biết ơn Mặt Trăng - vị thần phù hộ mưa thuận, gió hòa và được mùa bội thu; và rất nhiều lễ hội của các dân tộc thiểu số rải đều khắp địa lý lãnh thổ Việt Nam.

Lễ hội Lồng Tồng

Được tham gia những lễ hội truyền thống, con người của thế giới hiện tại, thế giới thực tại dường như được vô thức trở về với cội nguồn dân tộc, được thăng hoa cùng những dòng nước mát trong lành lưu truyền và được bảo tồn, giữ gìn bởi nhiều thế hệ nối tiếp. Bởi chính cộng đồng ấy hiểu rằng, chỉ có sức mạnh của tâm linh, của tinh thần, mới chính là nền tảng cho một dân tộc đoàn kết, sức mạnh, vững bước cùng đi tới tương lai, vượt qua nhiều trùng phùng sóng gió trong kỷ nguyên của thế giới hiện đại.

(Hết)

Chủ đề chính: #hội_làng

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn