Ngô Thị Châu Ngà

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong công việc

Đăng 6 năm trước

Không riêng gì bạn, gần 90% người trưởng thành trên thế giới không yêu thích gì công việc của mình. Nếu bạn không thuộc nhóm thiểu số hài lòng với công việc, hãy thử đọc bài viết này, biết đâu bạn có thể tìm ra nguyên nhân.

Tại sao mỗi sáng ta lại phải lê thân ra khỏi giường và lết đến nơi làm việc? Hẳn nhiên là vì ta phải kiếm sống. Nhưng chỉ có vậy thôi sao? ‎Khi hỏi những người hài lòng với công việc thì gần như tiền không phải là câu trả lời.

Nhiều người xem công việc như những thử thách giúp họ phát huy và trau dồi kỹ năng.‎ Có người lại thấy công việc đem lại cho họ cơ hội để giao tiếp và hoà nhập cộng đồng. Một số thì cảm thấy công việc của mình khiến cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn. Những người này cho rằng làm việc thật là vui. Tất nhiên họ sẽ không làm việc nếu không được trả công, nhưng đó không phải là lý do mấu chốt.

Quan niệm sai lầm: Con người làm việc vì tiền

Các nhà quản lý cho rằng, chỉ cần trả công xứng đáng, người lao động sẽ làm việc cho họ. Những người lao động cho rằng, chỉ cần được trả công xứng đáng, họ sẽ làm công việc được giao, còn công việc đó tạo ra sản phẩm gì thì người ta chẳng quan tâm nhiều lắm. 

Từ quan điểm này, nền kinh tế thị trường tự do đã phân chia công việc thành những thao tác nhỏ và dễ dàng, gọi là chuyên môn hóa, nhờ đó xã hội đạt được năng suất làm việc khổng lồ. Nhưng cũng chính việc lặp đi lặp lại những thao tác nhỏ này mỗi ngày đã cản trở tiềm năng làm hài lòng người lao động.  

Dần dần, công việc của họ mất đi sự tự do, tự quyết, những cơ hội học hỏi và phát triển bản thân. Và quan trọng nhất, mất đi ý nghĩa khi không còn kết nối với lợi ích của người khác: đồng nghiệp và khách hàng, những người sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ sản phẩm họ làm ra, bởi ai cũng có nhu cầu kết nối và mong muốn giúp đỡ người khác. 

Cuối cùng, không hạnh phúc với công việc là cái giá mà con người phải trả cho một xã hội trong đó những chiếc xe, truyền hình cáp, điện thoại di động hay máy tính có giá cả phải chăng.

Quy tắc và khen thưởng đánh bại nhiệt huyết và sự chính trực

Khi các nhà quản lý giao việc cho người lao động, ‎thường kèm theo một hướng dẫn chi tiết cho công việc đó. Nếu người lao động sáng tạo hoặc thêm thắt gì khác với hướng dẫn, các nhà quản lý không mấy khi hài lòng. 

Công việc bị kìm kẹp thái quá và trở nên đơn điệu, nếu không giết chết năng lượng, sự gắn bó và lòng yêu nghề của người lao động, thì cũng khiến họ phải bỏ nghề sớm. Dù có cố gắng tìm kiếm ý nghĩa, thử thách và không gian để được tự quyết đến đâu, thì họ cũng phải đầu hàng trước điều kiện làm việc. Cách thức công việc của họ được tổ chức thực sự chẳng cho họ một lý do ý nghĩa nào ngoại trừ tiền lương.

Vậy còn khen thưởng thì sao? Cơ chế khen thưởng được tạo ra nhằm đảm bảo chất lượng công việc, thường dẫn đến kết quả ngược lại: các nhân viên cạnh tranh không lành mạnh, cố gắng lừa bịp để tạo hình ảnh đẹp nhằm giành được phần thưởng mà không thực chất làm việc. Chế độ khen thưởng đã xoá nhoà ranh giới đạo đức của công việc. Điều này tạo nên một thực trạng xã hội được biết đến với cái tên bệnh thành tích.

Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta cần phải thay đổi

Cuộc cách mạng công nghiệp là một thành tựu phi thường của con người, kéo loài người thoát khỏi sự nghèo đói. Nhưng nó đã xoá bỏ sự nghèo đói vật chất với cái giá là sự nghèo đói tinh thần. Có lẽ đây là một cái giá cần phải trả ở những giai đoạn phát triển kinh tế ban đầu. 

Nhưng hiện không còn là thuở ban đầu nữa. Hãy đòi hỏi bản thân mình và những đồng nghiệp, những người chủ cùng tìm kiếm mục tiêu cao hơn, để cùng chung tay tạo ra một môi trường làm việc mà bất kỳ ai cũng có thể cống hiến hết mình, cảm thấy hứng thú học hỏi và phát triển bản thân, vui vẻ với đồng nghiệp và quản lý, được tôn trọng ý kiến và có thể tìm thấy ý nghĩa trong công việc.

Nguồn: Vì sao chúng ta làm việc - TEDBooks - ThaiHaBooks

Chủ đề chính: #công_việc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn