mirumirumirumo Every day may not be good, but there is something good in every day.

Nghệ thuật thiết lập ranh giới trong các mối quan hệ

Đăng 5 năm trước

Chúng ta vẫn hay nghe nói đến việc thiết lập ranh giới cá nhân trong cuộc sống. Nhưng để tạo ra ranh giới lành mạnh lại là điều 'dễ nói khó làm'. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn sự tinh tế của nghệ thuật 'là chính mình nhưng vẫn kết nối với người khác'.

Có ranh giới nghĩa là chúng ta tôn thờ bản thân trên cương vị là một cá nhân riêng biệt với nhu cầu và mong muốn khác với những người xung quanh. Không có ranh giới lành mạnh đồng nghĩa với việc bạn cho phép người khác giẫm lên cảm xúc và khao khát của chính mình. Khi ấy, chúng ta rất có thể bị "ăn tươi nuốt sống" bởi những người có tâm cơ. Bản chất của ranh giới là vạch phân biệt những gì chúng ta muốn với những gì người khác muốn từ chúng ta.

Ranh giới là biểu hiện ngoại vi của sự tự xác nhận bên trong mỗi người, tức là biết được và khẳng định những thứ quan trọng với chúng ta. Đầu tiên, chúng ta cần biết những gì ta đang trải qua. Chúng ta có đang cảm thấy xấu hổ hay tức giận vì một lời bình phẩm gây tổn thương của ai khác không? Chúng ta có thấy thích thú khi đến thăm cha mẹ của đồng nghiệp vào các dịp lễ Tết không?

Đôi khi những gì người khác muốn ở chúng ta (một ân huệ, một cuộc hẹn, một chuyến thăm) sẽ được đáp lại bằng sự sẵn sàng từ chúng ta. Thế nhưng vào một số thời điểm khi chúng ta còn đang bù đầu với những dự án, bổn phận của riêng mình thì sao? Chúng ta không đủ thời gian, hay thậm chí không muốn đáp ứng điều làm chúng ta chán ghét thì sao? Có lẽ mỗi người sẽ cần một khoảng thời gian để hiểu rõ những gì phù hợp với mình và những gì không. 

Cách để xác nhận những nhu cầu và mong muốn của bản thân chính là "tạm dừng": vào sâu bên trong nội tâm để nhận thấy những gì là "đúng" với bản thân. Nhà tâm lý học Tara Brach gọi đây là "sự tạm dừng thiêng liêng" - sống chậm lại một chút và thành thực với những điều ta đang trải qua. Nói chung, ranh giới là biểu hiện của sự tự khẳng định mà bước khởi đầu là việc dừng lại đủ lâu để lắng nghe những âm vang trong tâm hồn. 

Thể hiện sự "đồng ý", "không đồng ý", hoặc "có thể làm được" không có nghĩa là nuông chiều xu hướng ái kỷ của bản thân hay thờ ơ với sự ảnh hưởng của mình đến người khác. Điều đó cũng không có nghĩa là thường xuyên thay đổi theo ý muốn của mọi người mà không xem xét đến nó có tác động gì tới chúng ta không.

Ở một thái cực, chúng ta hiếm khi có thể xem xét những gì chúng ta muốn. Nói cách khác, chúng ta tiết chế ham muốn cá nhân để làm hài lòng người khác. Có lẽ chúng ta quá mong muốn được làm một người hòa đồng trong mắt người khác đến nỗi ta né tránh mọi biểu hiện có thể gây ra bất đồng và xung đột. Phớt lờ mong muốn của bản thân để giữ hoà khí nhưng lại để lại trong thâm tâm nỗi oán thán và sự mất kết nối. Ngoài mặt thì là bầu không khí thân mật nhưng trong lòng lại là sự tự bỏ rơi, tự phản bội. 

Ở một thái cực khác của con người, chúng ta quá chú trọng vào bản thân đến mức không quan tâm tới mình ảnh hưởng mọi người xung quanh như thế nào. Chúng ta có thể cảm thấy thiếu thốn tình cảm hoặc bực bội vì chúng ta đã bỏ bê bản thân quá lâu. Trong trường hợp ấy, chúng ta bù đắp cho chính mình bằng cách khoác lên mình những ranh giới ngăn cách và quá hung hăng khi dựng nên những rào cản đó. Những ranh giới cứng nhắc đến từ việc bị lạc nhịp với những gì mọi người kỳ vọng. Thờ ơ với những mong muốn của người khác khi ấy lại làm chúng ta bị cô lập.

Ranh giới cứng nhắc thường là một biểu hiện của chu trình hủy diệt, nơi chúng ta cứ mãi đòi hỏi những thứ cho bản thân mình mà không giúp ích được mình. Khư khư từ chối những điều giúp mình tiến bộ chỉ mãi làm ta luẩn quẩn trong chiếc lồng sắt vô hình mà chúng ta tự tạo ra. Đáng buồn thay, chúng ta thậm chí tước bỏ những phần thưởng tinh thần khi không chịu lắng nghe và tiếp thu góp ý của người khác. 

Cụm từ "ranh giới" có thể ám chỉ điều gì đó quá khắt khe. Đôi khi chúng ta cần phải kiên định và cứng rắn, chẳng hạn khi chúng ta bị ngược đãi. Nhưng việc tạo ra ranh giới thực chất là một nghệ thuật vi diệu để vừa có thể nhẹ nhàng nắm giữ những điều chúng ta muốn, vừa có thể chú ý đến cảm giác và mong mỏi của người khác. Khi tham gia vào một cuộc đối thoại lịch sự, chúng ta vẫn có quyền nói lời từ chối cơ mà. Chúng ta có thể cho phép bản thân bị ảnh hưởng, nhưng không được phép không tôn trọng chính mình. Chúng ta cần một sự khéo léo trong việc tạo lập không gian giữa mình và mọi người.

Để có thể tìm ra phương pháp đúng đắn thì kinh nghiệm là thứ vô cùng quan trọng. Đó là một trong những món quà của sự trưởng thành. Chúng ta phải bỏ ra thời gian, công sức luyện tập, thậm chí phải nếm mùi sai lầm rất nhiều lần để biết giới hạn của bản thân. Thông qua việc thực hành trong những cuộc hội thoại nơi ta phải tôn trọng cả bản thân lẫn người khác, mọi người sẽ dần biết cách tạo ra bầu không khí thân mật mà không gượng gạo. 

Con đường tạo lập ranh giới lành mạnh đòi hỏi chúng ta tham gia vào quá trình hợp tác với mọi người. Bằng cách lưu tâm duy trì những ranh giới một cách linh hoạt, chúng ta có thể tạo ra và bồi đắp thêm các quan hệ mới, đồng thời củng cố và làm sâu sắc những mối quan hệ hiện có. Nhận thức và khéo léo thiết lập ranh giới là một kỹ năng thiết yếu để mở ra cho chúng ta một cuộc sống kết nối, trọn vẹn.

Một số bài viết có thể hữu ích với bạn:

Nguồn dịch: psychologytoday.com

Chủ đề chính: #mối_quan_hệ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn