Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thẻ bài Triều Nguyễn
Đăng 6 năm trướcNgoài kim khánh, ngọc khánh, ngọc bội, kim bội và long nội tinh, Triều Nguyễn còn duy trì một hình thức bài đeo để phân biệt chức tránh từng người khi vào Tử Cấm Thành hầu vua. Thẻ bài là tấm thẻ hình chữ nhật trên đó có khắc tên chức vụ của người đeo nó để phân biệt.
Thẻ bài được đề cập đến vào năm Minh Mệnh thứ 7 (1826), thẻ bài được dùng cho ty viên 6 bộ để dùng khi vào chầu. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), thẻ bài ngà được cấp cho các quan văn võ đại thần vào trực trong đại nội. Đại nội là nơi cẩn mật nên các quan lại vào chầu cần phải đeo bài để phân biệt chức trách, nhiệm vụ. Sau năm Minh mệnh thứ 14 (1833), thẻ bài được phổ biến trong triều cho đường quan 6 bộ, 12 viện, quan lại thuộc viên sử dụng khi có việc vào chầu trong Điện Cần Chánh và Cung Càn Thành: “nay cửa Đại Cung Môn đã sửa sang lại thể chế rất nghiêm, phàm quan viên lớn nhỏ đi lại ở cửa cung phải có thẻ bài để kiếm soát (...)”. Năm 1834, thẻ bài vàng được cấp cho các quan Cơ Mật Viện (cơ quan tham mưu cho nhà vua các việc quan trọng của triều Nguyễn), bài bằng vàng để phân biệt với các quan lại khác, với dòng chữ Cơ Mật Đại Thần.
Định chế về thẻ bài được phân biệt qua kích thước và chất liệu, cũng từ đó phân biệt phẩm hàm của người đeo bài. Bài quý nhất là Ngọc bài, tiếp đến là Kim bài, Ngân bài, Ngà bài và Sừng bài.
Ngọc bài là bài làm bằng ngọc của vua hoặc hoàng thái tử, có khắc chữ Đại Nam Thiên tử, hoặc Đông cung Hoàng Thái tử. Bài được chạm nổi hình rồng, chữ mạ vàng. Đôi khi ban cho các đại thần, quan lớn có chức vụ quan trọng hoặc người có công trạng như tấm bài "Ngự tiền Đại thần" bằng ngọc xanh trắng thời Thiệu Trị, ngọc bài "Uy Vũ tướng quân" do vua Đồng Khánh tặng cho tướng Pháp. Dưới đây là hình ảnh các thẻ bài đã nêu:
Năm Minh Mệnh thứ 18, tức năm 1837, triều đình bắt đầu cấp thẻ bài cho các quan Tổng đốc, tuần phủ bố chánh án sát và thuộc chức các tỉnh địa phương để sử dụng khi vào kinh chầu trong Cấm thành. Như vậy thẻ bài chính thức được phổ biến khắp trong bộ máy quan lại từ viên chức nhỏ đến quan lớn đầu triều. Chiếc thẻ bài đã trở thành minh chứng cho thân phận, địa vị, thứ bậc của quan chức triều đình.
Kim bài tức bài bằng vàng của vua khắc dòng chữ "Thái bình Thiên tử", "Đại bang duy bình" hoặc ban cho Hoàng Thái tử, các hoàng tử được phong tước Công, các quan Cơ Mật viện đại thần, Quản Lĩnh thị vệ đại thần..., hoặc ban thưởng cho các vị thần linh ứng ở các đền miếu.
Ngân bài là bài bằng bạc ban cho các thị vệ, các thuộc viên phục dịch trong cung điện, các hoàng thân, các quan chức có công trạng được thưởng.
Ngà bài tức bài làm bằng ngà, được dành cho quan lại từ trong triều 6 bộ 12 viện, tự, khoa đạo cho đến các viên chức địa phương trong bộ máy nhà nước.
Vi Văn Định (1880 - 1975) là một quan lại triều Nguyễn. Với thanh danh, quyền thế và tiền bạc của dòng họ mình ở miền biên ải, một thời ông Vi Văn Định đã nổi tiếng là một Thổ ty trong vùng Lạng Sơn-Cao bằng. Trong ảnh, Vi Văn Định đeo bài ngà Hà Đông Tổng Đốc.
Tự khanh (寺卿, Chief Minister) là chức quan đứng đầu một cơ quan Lục tự.Thời Nguyễn gồm:
- Chánh tam phẩm: Đại lý tự khanh, Thái thường tự khanh;
- Tòng tam phẩm: Thượng bảo khanh, Thái bộc tự khanh, Quang lộc tự khanh;
- Chánh tứ phẩm: Hồng lô tự khanh.
Thuộc cấp của chức Tự khanh (hoặc khanh thuộc cơ quan Thượng bảo tào) là Tự thiếu khanh (hoặc thiếu khanh thuộc cơ quan Thượng bảo tào). Trong ảnh là Ngà bài Hồng Lô tự khanh.
Kim khánh được làm bằng vàng, được vua ban cho các tướng lĩnh, quan lại cao cấp vì những công lao của họ đối với triều đại và đất nước. Dưới triều Gia Long và Minh Mạng, kim khánh chỉ được thưởng cho các thành viên hoàng gia và các quan lại có điện hàm đại học sĩ (Tứ trụ).
Bài sừng dùng cho quan lại cấp thấp, binh lính sử dụng. Mỗi tấm thẻ đều có dây đeo là dải thùy anh kết hình hồ điệp.
Từ những chiếc thẻ bài có thể biết chức vụ và thân phận của từng người, thẻ bài cũng là vật hiện thân cho phép phân biệt quan dân vào thời kỳ cuối trào của chế độ phong kiến. Nó đã trở thành hiện thân cho giai cấp một thời.
Martin Trieu - Ohay.tv
Nguồn: Việt Nam Phong Hóa