Người Việt đang tư duy ngược?
Đăng 8 năm trướcNói thế này chắc nhiều bạn phản đối vì nhìn ra đường ta cũng có khác gì với phần còn lại của thế giới đâu? Cũng làm ăn, cũng kinh doanh, cũng học hành, cũng hội họp, cũng đi đi lại lại, cũng xây nhà cao tầng như ai đó thôi?
Ô kìa, chúng ta vẫn kinh doanh đó thôi, nhưng chúng ta kinh doanh dựa trên sự dối trá, lừa lọc; chúng ta vẫn học hành đó thôi, nhưng chúng ta học đối phó cùng những thứ xa rời thực tế; chúng ta vẫn hội họp đó thôi, nhưng thay vì vui mừng khi ai đó giỏi hơn ta, thì ta lại đem lòng đố kị; ta cũng thưởng thức nghệ thuật đó thôi, nhưng thay vì để trở nên hướng thượng, ta chỉ nghe những bài nhạc với ngôn từ thô bỉ, xem những bộ phim mà con người mưu kế hãm hại lẫn nhau; ta vẫn đi đi lại lại đó thôi, nhưng hễ lỡ va quẹt nhau là ta "mở cốp" lấy hàng nóng hàng lạnh ra nói chuyện với nhau ngay; chúng ta càng làm nhiều thì cuộc sống lại càng khó khăn, khắc nghiệt hơn... Nhưng có ai dừng lại và tự hỏi: Tại sao?
"Đi tắt đón đầu" là định hướng của nhà nước từ lâu nhưng hình như nó đã thất bại hoàn toàn. Mục đích của hướng đi này là để bắt kịp văn minh nhân loại nhưng chúng ta chỉ ngày càng đi ngược và trở nên xấu xí nhiều hơn mà thôi.
Theo định nghĩa văn minh thì: "Văn minh là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hóa." (1)
Chúng ta nên phân biệt cho rõ văn minh không phải là văn hóa. Xả rác, trộm chó, nhậu nhẹt, đánh vợ là văn hóa. Vui mừng vì người khác giỏi hơn mình là văn minh, giúp đỡ kẻ yếu là văn minh, hạnh phúc là văn minh. Văn hóa có thể tốt hoặc tồi. Nhưng văn minh chỉ lấy những cái tinh túy tốt nhất của văn hóa mà thôi.
Tại sao tôi lại nhắc đến văn minh ở đây? Bởi vì chúng ta đang sống phản văn minh, phi nhân đạo ở mức độ báo động đỏ. Tôi nói như vậy vì chúng ta có nhà nhưng phần nhiều không phải là mái ấm; chúng ta có sách nhưng phần nhiều cư xử thô bạo, vô cảm; chúng ta có tiền nhưng không hạnh phúc; chúng ta có đồ ăn nước uống nhưng nó không trong lành; chúng ta có không khí nhưng nó ô nhiễm; chúng ta có bằng cấp nhưng lại cùng nhau thất nghiệp; chúng ta vẫn "tốt" nhưng tệ nạn xảy ra thường xuyên và man rợ hơn... còn hàng tỉ thứ tương tự như trên ở đất nước này. Nhưng có vẻ không ai lo? Biết khi 1 thân cây bị mục nát đến tận cùng nó sẽ dẫn đến việc gì không? Ngã! Và chim thú sẽ bay lên, bỏ con, bỏ trứng đang ấp ủ, bỏ tổ, bỏ một mái ấm với nhiều hi vọng phía trước.
Ở đất nước này, tôi thấy nền giáo dục "hướng hạ" là chủ yếu và chủ nghĩa phê bình hời hợt không thể chấp nhận nổi. Khi 2 điều đó vớ vẩn, đất nước cũng sẽ tàn lụi theo.
Về giáo dục, tôi thấy nhiều phụ huynh, rất rất nhiều trong số họ dạy con bằng nỗi sợ thay vì khích lệ. Đơn cử bạn có thể dễ dàng nghe thấy điều này ở thực tế xã hội: Mày muốn học hay trở thành thằng hốt rác? Ủa?!? Sao vậy? Có chuyện gì với anh hốt rác à? Anh ấy đâu có ăn chực, lừa đảo hay đê tiện. Nếu anh ấy không làm gì xấu thì tại sao lại mặc nhiên coi hình ảnh ấy là đáng tránh, đáng chê, đáng trách? Đất nước này sẽ hỗn loạn nếu không có ai dọn rác, đừng quên điều đó. Thay vì giáo dục hướng thượng, kéo con trẻ bằng niềm vui khi khám phá ra được một kiến thức mới, chinh phục được một nấc thang, thì người ta lại thúc đẩy bằng những thứ mà tôi gọi là "hướng hạ" làm trẻ nít sợ hãi. Kết quả của quá trình này là trẻ con chỉ làm gì đó khi chúng sợ, và khi hết sợ rồi thì lại ù lì, đối phó, không có động lực tiến về phía trước. Đấy là 1 kiểu tư duy ngược lại với phần còn lại của thế giới.
Về chủ nghĩa phê bình, tôi thiết nghĩ khi giáo dục đã làm hết sức mình nhưng vẫn có nhiều cá nhân "đi lệch" với số đông thì phê bình sẽ là cách để người khác thức tỉnh. Ở các nước phát triển, người ta phê bình đủ kiểu cả. Phê bình từ nghệ thuật cho tới kinh tế, từ họa sĩ cho tới chính khách, không chừa ai hay cái gì. Nhưng thay vì như cha mẹ dạy con, thường giữ vẻ mặt nghiêm trang, tránh vừa mắng vừa cười thì các nhà phê bình ở Việt Nam lại rất biết cách biến chúng thành trò trào lộng gây shock và mua vui?!? Công dân thì chơi cái trò "troll", lấy những bất cập đất nước, những câu nói thiếu suy nghĩ của các vị cán bộ để gây cười, câu like. Nghệ sĩ thì làm cái trò táo quân năm nào cũng diễn, cũng chỉ để cho biết, mua vui rồi cũng cười huề cả làng. Dần dần hình như mỗi lần nói tới bất cập là chúng ta thấy đáng cười, một cái cười có thể là chua xót, sượng sùng, hơn là quy trách nhiệm, nghiêm túc sửa chữa. Hệ quả của việc này là bài báo tôi vừa đọc mấy bữa trước: Mức độ chịu đựng tham nhũng của người Việt Nam ngày càng tăng (2). Nói xong kiểu tư duy ngược này nữa, tôi cảm tưởng như mình đã cạn lời, tự hỏi tại sao chúng ta làm việc gì cũng hời hợt và ngược đời?
Toàn bộ hệ thống tư duy cũng như hệ thống kinh tế của chúng ta hình như đang dắt tay nhau tung tăng xuống nấm mồ chứ không phải đi tới "thiên đường" như đã tưởng, điếc để nghe báo động và đuôi để nhìn thấy đèn đỏ. Hoàn toàn bế tắc. Có lẽ sự ngược đời này đã được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang nói trước tôi rồi:
"Họ muốn con họ có bằng cấp của tây, nhưng nếu chúng thấm nhuần văn hóa và suy nghĩ phương Tây - ví dụ con gái không chịu lấy chồng, hay con trai mà đi học triết học - thì họ sẽ rất hốt hoảng. Người Việt không muốn thành phương Tây đâu, họ chỉ mơ cuộc sống vật chất phương Tây mà thôi. Có thể nói là giấc mơ phương Tây bị mắc kẹt trong cái bảo thủ phương Đông." (3)
Một thế giới vật chất đang được hình thành ở Việt Nam, nhưng một địa ngục của phản văn minh đang chờ đợi. Có lẽ nhà càng cao, tâm con người càng thấp; đèn càng sáng, đức hạnh càng đi vào chỗ tối. Đây là một cuộc đua ngớ ngẩn, một cuộc đua không biết kẻ nào đã khởi xướng, nhưng tôi tin chắc là không nhất thiết bạn phải tham gia nó.
Tôi thực sự ao ước được nhìn thấy văn minh ở Việt Nam trước khi chết, được nhìn thấy đồng bào tương trợ nhau, vui mừng khi người bên cạnh thành công, thanh niên có lý tưởng thay vì nhậu nhẹt, những người chồng biết thương vợ và những kẻ mạnh biết đùm bọc kẻ yếu...
Cái chúng ta thiếu, có lẽ không phải là bộ óc, mà là một quả tim.
Cái chúng ta kém, có lẽ không phải là tư duy, mà là những quyển sách chính hiệu...
----------
(1) Lịch sử văn minh thế giới (Vũ Dương Ninh).
(2) Mức độ chịu đựng tham nhũng của dân VN ngày càng tăng
(3) Tiến sĩ người Áo gốc Việt Đặng Hoàng Giang: “Phương Tây - một giấc mơ hời hợt!”
Lục Phong - Bài trên FB