Nhân sâm - Vị thuốc "đại bổ" với người suy nhược cơ thể
Đăng 2 năm trướcNhân sâm là cây thảo dược lưu niên mọc hoang trong tự nhiên hoặc được trồng ở những vùng cao, nhiệt độ thấp, mát lạnh.
Nhân sâm là vị thuốc quý đại bổ nguyên khí, được Đông y xếp vào loại "thượng phẩm", nghĩa là vị thuốc cho tác dụng bổ và không có độc tính.
Nhân sâm là cây thảo dược lưu niên mọc hoang trong tự nhiên hoặc được trồng ở những vùng cao, nhiệt độ thấp, mát lạnh.
Nhân sâm là rễ phơi hay sấy khô của cây Nhân sâm (Panax gingseng C.A. Mey.), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Về thành phần hoạt chất, nhân sâm có ít nhất 12 loại glucosid, 14 loại acid amine, các hợp chất phenol, flavonoid, phytosterol, các loại đường và sinh tố, acid nicotinic, các khoáng chất Na, K, Ca, Mg, Mn, Fe, Cu, Zn, Ge.
Theo Đông y, nhân sâm vị ngọt hơi đắng, tính hơi ôn; vào kinh tâm tỳ, phế. Công năng chủ trị: Đại bổ nguyên khí, cố thoát sinh tân phục mạch, an thần ích trí. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể, tỳ vị hư nhược, phế hư suyễn khái, tự hãn, kiện vong, huyễn vựng, nam giới di tinh liệt dương, trẻ em kinh giật, phụ nữ băng lậu.
Liều dùng, cách dùng: 1 - 9g/ngày; bằng cách hãm, nấu, sắc, ninh hoặc hầm...
Bài thuốc có nhân sâm
Bài 1 - Thang độc sâm: Nhân sâm 4g đến 12g, chưng cách thuỷ, cho uống. Trị chứng hư thoát nguy kịch.
Bài 2 - Thang sâm phụ: Nhân sâm 3g – 6g, phụ tử 12g – 20g. Sắc uống. Trị các chứng như trên kèm mồ hôi ra lạnh toát, chân tay rã rời.
Công dụng các bài trên: ích khí cứu thoát (cấp cứu khi bệnh nặng).
Trị chứng phế hư ho hen, thở gấp
Dùng bài Thang nhân sâm hồ đào: Nhân sâm 4g, hồ đào 12g. Sắc uống. Công dụng: bổ phổi dịu hen
Trị chứng tỳ vị hư nhược, người mệt, ăn ít, dẫn đến đại tiện lỏng hoặc đại tiện lỏng kéo dài
Dùng bài Thang Tứ quân tử: Nhân sâm 4g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, cam thảo 4g. Sắc uống. Công dụng: Kiện tỳ cầm tiêu chảy.
Trị các bệnh nhiệt làm khô tân dịch, đái tháo đường làm họng khô miệng khát
Dùng bài Bột Sinh mạch: Nhân sâm (hoặc đảng sâm) 12g, mạch đông 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống. Công dụng: Sinh tân chỉ khát.
Kiêng kỵ: Nếu không phải chứng hư thì không nên dùng. Nhân sâm phản lê lô, sợ ngũ linh chi. Không dùng nhân sâm đồng thời với củ cải và uống trà đặc.
Trên đây là một vài thông tin về nhân sâm. Ngoài ra bạn đọc quan tâm đến những chủ đề như bài thuốc, dược liệu, cách điều trị,... có thể truy cập vào website: https://dongy365.net/ để có thêm thông tin chi tiết và đầy đủ nhé!