Những câu chuyện triết lí nhỏ dạy bạn những đạo lý lớn
Đăng 7 năm trướcLiệu có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu được đạo lý mà những câu chuyện này truyền đạt? Hãy cùng suy ngẫm nhé.
1.
Ba người ra khỏi nhà, một người mang ô, một người mang gậy, một người tay không.
Khi về, người mang ô bị ướt, người mang gậy bị ngã đau, người thứ ba bình an vô sự.
Thì ra, khi trời mưa, người mang ô to gan đi tiếp, nhưng lại bị ướt. Khi đi đường đất bùn, người có gậy nghênh ngang đi tiếp, nên đã bị ngã liên tục. Còn về người tay không, khi gặp trời mưa thì trú mưa, khi gặp đường xấu thì đi cẩn thận, nên vô sự.
Rất nhiều lúc, ta không thua vì thiếu sót của mình, mà thua vì ưu thế của mình.
2.
Trương Tam luôn thích uống trà 20 đồng, mỗi lần Trương Tam đi mua trà ở cửa hàng mới khai trương, chủ cửa hàng trà luôn tặng Trương Tam thêm nửa lạng trà ngon. Trương Tam để dành trà ngon để đãi khách. Một hôm rảnh rỗi Trương Tam pha một ấm trà ngon, uống xong rồi nghiện, uống hết chỗ trà miễn phí, Trương Tam không muốn uống trà 20 đồng nữa. Cho dù anh có mua trà đắt thế nào, ông chủ luôn tặng thêm nửa lạng trà tốt hơn. Nửa năm sau, số tiền mà Trương Tam tiêu vào việc mua trà đã gấp 10 lần so với ban đầu!
3.
Một người nọ mua được một vò rượu ngon. Ngày hôm sau, rượu vơi đi 1/5, anh ta liền dán lên bốn chữ "không được trộm rượu". Đến ngày thứ 3, rượu lại vơi đi 2/5, anh ta lại dán "ai trộm rượu sẽ bị phạt nặng". Ngày hôm sau nữa, rượu vẫn bị trộm. Thế nên anh ta bèn dán hai chữ "thùng phân", xem còn ai uống nào. Ngày thứ 5, anh ta phát khóc, trong thùng toàn là...
Câu chuyện còn chưa kết thúc, đến ngày thứ 6, anh ta lại dán bốn chữ "không được trộm rượu", ngày hôm đó rất nhiều người đã khóc.
4.
Một thiền sư thấy một con bọ cạp rơi xuống nước, quyết định cứu nó. Ai ngờ khi vừa chạm vào, con bọ cạp đã cắn vào tay người. Thiền sư không sợ, một lần nữa đưa tay ra cứu giúp, lại bị bọ cạp cắn thêm lần nữa. Bên cạnh có người nói: "Nó luôn cắn người, sao còn cứu nó?
Thiền sư đáp: Cắn người là bản năng của bọ cạp, còn thiện là bản năng của ta, chẳng lẽ vì bản tính của nó, mà ta phải từ bỏ bản năng của mình ư?
5.
Có người hỏi người nông dân: "Đã trồng lúa mì chưa?"
Người nông dân trả lời: "Chưa, tôi sợ trời không mưa."
Người đó lại hỏi: "Thế anh đã trồng bông chưa?"
Người nông dân đáp :"Chưa, tôi sợ sâu ăn bông."
Người đó lại hỏi: "Thế anh đã trồng gì rồi?"
Người nông dân: "Chưa trồng gì cả, tôi phải đảm bảo an toàn."
Nếu không cẩn thận bị mất 100 đồng, mang máng là rơi ở một nơi nào đó, bạn có tiêu 200 đồng để bắt xe đến chỗ đó tìm 100 đồng không? Một câu hỏi ngu ngốc, nhưng những việc tương tự như vậy lại thường xuyên xảy ra trong cuộc sống: bị người ta chửi một câu, nhưng lại tốn rất nhiều thời gian để buồn; phát cáu vì một việc nào đó, người ta không hề hấn gì cũng không có lợi cho mình; mất đi tình cảm của một người, biết rằng mọi chuyện chẳng thể nào cứu vãn, nhưng vẫn cứ đau lòng rất lâu...
Thiền sư hỏi: "Trò thấy một hạt vàng tốt, hay một đống đất tốt? Học trò trả lời, đương nhiên là vàng rồi! Thiền sư cười nói, giả sử trò là một hạt giống thì sao? Thật ra, có những lúc thay đổi tâm thế, trò sẽ được giải thoát!
-Nấm dịch-