Những điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt
Đăng 4 năm trướcNữ giới khi bước vào tuổi dậy thì sẽ xuất hiện kinh nguyệt. Những kiến thức về vấn đề này sẽ giúp chị em bảo vệ sức khỏe và cơ thể của mình một cách tốt nhất. Như thế nào là chu kỳ bình thường? Những vấn đề thường gặp về kỳ kinh? Mình sẽ cùng bạn tìm hiểu những điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt.
1/. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt thường bắt đầu xảy ra ở độ tuổi dậy thì từ 12 đến 17 tuổi. Tuy nhiên ở một số chị em, chu kỳ có thể đến sớm hoặc muộn hơn. Thời gian giữa 2 chu kỳ là 21 đến 45 ngày. Thời gian trung bình là khoảng 28 ngày.
Đây là tập hợp những thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt điển hình xảy ra hàng tháng giữa thời kỳ dậy thì và thời kỳ mãn kinh. "Đèn đỏ" là hiện tượng bình thường của tiến trình tự nhiên theo chu kỳ xảy ra ở phụ nữ khỏe mạnh.
Chu kỳ được hình thành do sự thay đổi hormon sinh dục trong cơ thể. Thật ra, tại bộ phận sinh dục xảy ra tận 2 chu kỳ. Đó là chu kỳ buồng trứng và chu kỳ tử cung. Chu kỳ kinh nguyệt chịu sự tác động của 2 loại hormone đó là estrogen và progesterone. Sự biến đổi của 2 loại hormone này tác động lên quá trình rụng trứng và kinh nguyệt.
Kinh nguyệt cũng là dấu hiệu báo phụ nữ không có thai. Trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ trưởng thành về giới tính phóng thích một trứng. Trước khi phóng noãn, nội mạc tử cung, bao phủ bề mặt tử cung, được xây dựng theo kiểu đồng bộ hóa. Sau khi phóng noãn, nội mạc tử cung thay đổi để chuẩn bị cho trứng thụ tinh làm tổ và hình thành thai kỳ.
2/. Cách tính
Tính được chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp chị em lên kế hoạch chủ động chăm sóc bản thân. Đồng thời cũng có thể lường trước được những vấn đề có thể xảy ra trong ngày đèn đỏ.
Theo lời khuyên của chuyên gia, một chu kỳ kinh được tính từ ngày đầu tiên thấy kinh cho đến ngày đầu tiên của lần tiếp theo. Dưới đây là các bước để bạn tính xem chu kỳ kinh nguyệt là bao nhiêu ngày:
- Bước 1: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình bằng cách đánh dấu vào ngày đèn đỏ xuất hiện. Đây sẽ là ngày bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt.
- Bước 2: Tiếp tục theo dõi cho tới ngày xuất hiện đèn đỏ tiếp theo và đánh dấu lại. Đây là ngày kết thúc của chu kỳ kinh.
- Bước 3: Từ bước 1 và bước 2, bạn sẽ có được ngày bắt đầu và ngày kết thúc của chu kỳ kinh, từ đó tính được chu kỳ kinh của mình.
- Bước 4: Theo dõi liên tục trong vòng 6 tháng, bạn sẽ có thể tính được chu kỳ kinh nguyệt trung bình của mình, từ đó bạn có thể tính được ngày đèn đỏ tiếp theo sẽ ghé thăm.
3/. Đặc điểm
Thời gian hành kinh
Kinh nguyệt thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, thời gian này phụ thuộc vào thể trạng cũng như cơ địa của mỗi người.
Lượng máu trong giai đoạn hành kinh
Máu kinh nguyệt được xem là bình thường trong mỗi chu kỳ kinh. Lượng máu trung bình khoảng 35ml. Con số này có thể dao động từ 10 đến 80ml tùy theo cơ địa mỗi người. Lượng máu quá nhiều hoặc quá ít có thể cảnh báo bệnh lý.
Các biểu hiện khi hành kinh
Biểu hiện khi cơ thể vào chu kỳ kinh nguyệt sẽ rõ rệt hơn khi chị em gần đến ngày hành kinh. Tùy theo cơ địa mỗi người, có người trải qua kỳ kinh rất nhẹ nhàng. Nhưng ở một số đối tượng, những ngày này lại vô cùng tồi tệ.
Các dấu hiệu hành kinh có thể đến sớm hơn khi cơ thể xuất máu. Nhiều chị em sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau bụng hay chán ăn trước khi hành kinh. Trong những ngày ấy, các triệu chứng có khuynh hướng tăng lên. Các biểu hiện thường thấy là đau ngực, đầy hơi, mụn trứng cá, đau bụng, đau lưng….
Thể chất máu kinh nguyệt
Máu kinh nguyệt thực chất là hỗn hợp của rất nhiều thành phần. Chất lỏng mỗi kỳ kinh bao gồm máu, dịch nhầy cổ tử cung, âm đạo, mô nội mạc tử cung. Chúng có màu nâu đỏ, hơi sậm so với máu tĩnh mạch thông thường. Một vài chị em gặp hiện tượng lẫn cục máu đông trong lúc hành kinh. Đây chính là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều phụ nữ. Hiện tượng này được giải thích dựa trên cơ sở khoa học.
Đối với những người có lượng máu kinh nhiều, enzyme Plasmin hoạt động không đủ để ức chế máu đông. Từ đó hình thành máu đông. Tuy nhiên nếu số lượng cục máu đông quá nhiều lại là biểu hiện của bệnh lý.
4/. Những điều cần biết
Mang thai khi hành kinh
Nhiều quan điểm sai lầm rằng, giai đoạn hành kinh sẽ khó thụ thai. Tuy nhiên quan niệm này lại không đúng. Mặc dù trong chu kỳ kinh nguyệt, khả năng đậu thai thấp. Thế nhưng đã có nhiều trường hợp mang thai khi quan hệ lúc hành kinh.
Sự hưng phấn khi quan hệ có thể kích thích sự rụng trứng. Do đó sự giao hợp sẽ xảy ra và mang thai. Đặc biệt trên những đối tượng kinh nguyệt không đều, vấn đề này lại càng dễ xảy ra. Ngoài ra, quan hệ khi đang hành kinh còn gia tăng nguy cơ viêm nhiễm. Lúc này, pH âm đạo tăng hơn so với bình thường. Đây chính là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Nhầm lẫn với ra máu khi uống thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai ngăn chặn sự rụng trứng. Tuy nhiên nó không ngăn được sự hình thành lớp lót tử cung. Do đó việc chảy máu vào tuần thứ 4 khi uống thuốc tránh thai không phải dấu hiệu của hành kinh.
Chu kỳ kinh thay đổi suốt đời
Chu kỳ kinh nguyệt chịu tác động rất lớn từ lối sống và dinh dưỡng. Do đó chu kỳ của chị em thường dài/ ngắn hơn so với chu kỳ trước. Tuy nhiên khoảng thời gian phải nằm trong khoảng 21 đến 45 ngày. Thời gian dài hơn có thể cảnh báo bệnh lý.
Chu kỳ kinh nguyệt khác nhau giữa tuổi dậy thì, trưởng thành và trung niên. Thông thường lứa tuổi dậy thì sẽ có nhiều biến động kinh nguyệt nhất. Điều này được giải thích bởi sự tiết hormone chưa ổn định. Chu kỳ sẽ đều hơn khi phụ nữ trưởng thành.
5/. Màu sắc kinh nguyệt cảnh báo bệnh lý?
- Màu trong như nước: Kinh nguyệt lỏng, màu đỏ rất nhạt có thể cảnh báo tình trạng dinh dưỡng kém. Ngoài ra, ung thư ống dẫn trứng cũng có biểu hiện tương tự.
- Màu hồng: máu kinh dạng này cho thấy nồng độ estrogen trong cơ thể thấp. Chị em cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh.
- Màu xám-đỏ, màu cam: hiện tượng nhiễm trùng có thể dẫn đến biểu hiện máu màu cam, xám-đỏ. Bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám.
Hiểu rõ về chu kỳ kinh nguyệt giúp chị em bảo vệ sức khỏe bản thân. Mọi biểu hiện bất thường khi hành kinh đều có thể cảnh báo bệnh lý. Do đó bạn cần theo dõi và thăm khám sức khỏe sinh sản định kỳ. Mình hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn.