Những nét văn hóa của người Khmer Nam Bộ
Đăng 8 năm trướcCộng đồng người Khmer Nam Bộ có những nét văn hóa rất đặc trưng, đó là những giá trị tinh thần của dân tộc. Bài viết sẽ giúp các bạn tìm hiểu đôi nét về văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.
1. Phật giáo Theravada của người Khmer
Phật giáo Theravada (Phật giáo Nguyên thủy) và tộc người Khmer đã trở thành một khối bền chặt, không thể tách rời. Trong chừng mực nhất định, đó còn là niềm tin, là thế giới quan, là nhân sinh quan của cộng đồng Khmer. Những tinh hoa của Phật giáo Theravada được người Khmer xem là những giá trị cần phải vươn tới. Từ xa xưa, Phật giáo Theravada của người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống tổ chức thống nhất để thực hiện giáo quyền và giáo luật.
2. Theo truyền thống, con trai người dân tộc Khmer lớn lên là phải đi tu một thời mới tròn đạo nghĩa.
Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng
3. Tết của người Khmer Nam Bộ
Ở người Khmer Nam bộ hàng năm đều tổ chức ngày tết cổ truyền của mình mà người khmer gọi là “Bon-Chôl-chnăm-thmây”. Người Khmer tổ chức lễ vào năm mới nhằm bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với tổ tiên, những người có công trong cộng đồng; là dịp để mọi người sắm lễ vật dâng cúng chư thần, những người đã khuất, là cơ hội để báo hiếu đến bậc sinh thành… qua đó cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với cuộc sống.
Tết được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó.
Đi đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống trong nhưng ngày tết,chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con chuẩn bị Tết cổ truyền của mình. Nào là chuẩn bị ăn mặc gọn đẹp, nhang, đèn, gạo, rượu, thịt, làm bánh…đểphục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào…
Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian.
Trong ba ngày hội Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe,cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên, thả diều,đánh quay lửa... Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái,trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông.
4. Lễ Đôn-ta, nét văn hóa đặc trưng của người Khơ-me Nam Bộ
Ngày 29 tháng 8 âm lịch hàng năm, năm nay trùng vào ngày 22/9 dương lịch; lễ Đôn-ta, một trong ba lễ hội quan trọng thể hiện nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Khơ-me Nam Bộ bắt đầu.
Lễ Đôn-ta là một trong 3 lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà (Píth-sên Đôn-ta).Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ “Xá tội vong nhân”. Đây là lễ được tổ chức để tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và người thân, tạ ơn những người đã khuất và cầu phước cho những người còn sống đồng thời tạo sự gắn bó giữa bạn bè, người thân và cả cộng đồng.
5. Lễ Cưới (Pithi Apea Pìea)
Đây là lễ quan trọng và có nhiều nghi thức trong hôn nhân của dân tộc Khmer. Lễ cưới thường được tổ chức ba ngày bên nhà gái, tuy nhiên ngày nay có thể đơn giản hơn, thời gian tổ chức cũng có thể ngắn hơn và cũng có thể tổ chức đãi khách ở cả hai nhà trai và gái. Về nguồn gốc của phong tục cưới hỏi, người Khmer có rất nhiều quan điểm và sự tích như: Truyện Preas-Ream và Se-da,truyện Preas-Thông và Neang-Neak, phong tục cưới hỏi làm theo vua PreasVes-son-dor cưới hai cháu Kros-sna và Chia-ly, theo ông Mom Pun-na thì xã hội tổ chức lễ cưới từ khi con người biết tôn trọng danh dự và làm theo Bà-La-Môn giáo.
6. Chữ viết
Tiếng Khmer và chữ viết của người Khmer thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, điều thú vị là, tiếng Việt của chúng ta cũng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer.
7. Ẩm thực
Những nét đẹp truyền thống đậm tính nhân văn trong văn hóa Tết của người Khmer Nam Bộ vẫn được đồng bào duy trì,phát triển cho đến ngày nay, đặc biệt là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng mang tính truyền thống lâu đời của người Khmer vùng Nam bộ.
Mắm pro-hốc
Mắm pro-hốc là món ăn điển hình. Mắm pro-hốc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặt, cá chốt, cá lòng tong... Đây là món mắm được người Khmer dùng nêm cho gần hầu hết các món ăn được chế biến trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra còn có loại mắm chua gọi là pò-ót, được làm từ tép mòng - một loại tép rất phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long
Canh xiêm lo
Canh Xiêm lo cũng là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày đoàn tụ. Đây cũng là món ăn tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer. Với món canh này người ta dùng thịt, cá tươi và rau ngổ, chuối rém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm pro-hốc. Canh xiêm lo còn được nấu với nhiều loại rau như: lá bồ ngót, lá bình bát dây, bông điên điển, đọt bí, đọt bầu, cùng với măng, mướp, khoai môn, khoai lang, bầu, bí đao,rồi rau đắng... Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo của bà con Khmer.
Các loại bánh truyền thống
Những món bánh truyền thống của người Khmer từ lâu được du nhập vào các thành phố lớn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món bánh truyền thống của người Khmer như bánh ống, bánh dứa, bánh gừng, bánh ka-tom v.v.v...
8. Trang phục
Về trang phục, cách ăn mặc của người Khmer Nam Bộ thể hiện rất rõ bản sắc văn hóa riêng của mình. Chiếc váy Sampot của phụ nữ Khmer mặc theo cách quấn ngang hông và giắt về một phía, gấu váy cao trên cổ chân. Váy Sampot thường được làm bằng vải tơ tằm, dệt tay, có nhiều họa tiết và nhiều màu sắc.
Áo wên, áo srây hoặc áo tằm wong (tầm vong) là loại áo dài của người Khmer, làm bằng vải màu đen. Áo được may bít tà, rộng và dài qua đầu gối, cổ xẻ trước ngực nên khi mặc phải chui đầu. Tay áo thường bó chặt, sườn áo có ghép thêm bốn miếng vải dọc từ nách đến gấu. Các loại áo này thường được mặc chung với quần đen như người Việt hoặc mặc với váy sampot. Còn kama là loại khăn rằn của người Khmer nhưng nay cũng thường thấy được sử dụng trong cư dân người Chăm và người Việt ở Nam bộ.Do kỷ thuật nhuộm vải bằng quả mạc nưa (maklưa) nên kama có màu đen tuyền, bóng và lâu phai nhạt. Loại kama do người Khmer dệt có hoa văn hình karô, màu đỏ hoặc màu xanh nổi lên trên nền hình chữ nhật hoặc hình vuông màu trắng nên thường đẹp và bền. Kama còn dùng làm khăn lau mặt, làm khăn choàng, khăn tắm, quấn đầu, thắt lưng, làm bao đựng vật dụng đi đường...
Nam Phong - Ohay.tv