Những thành ngữ có thể bạn hiểu sai (Phần 2)
Đăng 4 năm trướcTrong phần trước, chúng ta đã được tìm hiểu một số thành ngữ thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày nhưng ý nghĩa thực sự nhiều khi lại khác xa so với những gì ta tưởng. Trong phần này, mình xin giới thiệu tiếp những câu thành ngữ như thế.
1. Đanh đá cá cày
Câu này thường để chỉ những người phụ nữ có tính ương ngạnh, không được hiền lành, dịu dàng. Tuy nhiên, do ngôn ngữ vùng miền nên nhiều người đọc thành cá cầy khiến nhiều người tưởng đanh đá như con cá Cầy.
Thực ra, cá cày là một thứ làm bằng gỗ hoặc tre, có hình dáng gần giống với con cá được sử dụng trong chiếc cày thô sơ ngày xưa để điều khiển nâng hoặc hạ bắp cày để có đường cày nông hay sâu theo ý mình. Trong cấu tạo của cả chiếc cày, cá cày có hình dáng rất nhỏ nhưng nó có thể điều khiển được cả chiếc cày theo ý mình.
2. Sư tử Hà Đông
Nhiều người vẫn dùng hình ảnh trên để nói về những bà vợ của mình. Tuy nhiên, không ít người lầm tưởng Hà Đông ở đây là quận Hà Đông, Hà Nội (trước đây thuộc tỉnh Hà Tây). Thực ra, Sư tử Hà Đông lại chẳng liên quan gì đến địa danh Hà Đông của chúng ta mà nó bắt nguồn từ một điển tích bên tận Trung Quốc.
Trần Tạo tự Quý Thường, người đời nhà Tống, quê ở Vĩnh Gia. Vợ của Trần họ Liễu vốn có tính ghen dữ ghê gớm. Quý Thường rất sợ vợ nhưng rất có lòng tôn sùng đạo Phật. Hằng ngày ngồi đọc kinh, vợ lấy làm bực, la hét om sòm, nhưng Trần vẫn điềm nhiên, không dám cự một tiếng.
Tính của Trần cũng hào hoa, bằng hữu nhiều, nên ở nhà thường có yến tiệc. Để tăng phần hứng thú, long trọng của buổi tiệc, Trần chiều khách, mời kỹ nữ xướng ca. Liễu Thị trong phòng mượn điều này, điều nọ, quát tháo om sòm. Trần có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay bỏ rơi mất gậy. Bạn thân của Trần là Tô Đông Pha, nhân đó làm một bài thơ đùa cợt trong đó có hai câu như sau:
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.
Từ đó, sư tử Hà Đông được dùng để chỉ những bà vợ có tính ghen tuông và mỗi khi xảy ra việc gì lập tức nổi cơn tam bành với chồng.
3. Kẻ tám lạng người nửa cân
Mọi người vẫn thường dùng câu trên để nói về cuộc đấu giữa hai đội quân hay hai người cân sức, cân tài. Nhưng tại sao lại là tám lạng với nửa cân mà không phải năm lạng và nửa cân? Thực ra, cân ở đây là cân ta từ ngày xưa: mỗi cân tương đương với 16 lạng, khoảng 0,6kg bây giờ. Vì vậy, nửa cân khi đó bằng đúng tám lạng.
4. Công như công cốc
Nghe có vẻ như hai chữ công cốc người ta chỉ nói cho có vần, có điệu. Nhưng thực chất, chữ cốc ở trong câu thành ngữ này là một loài chim. Con chim Cốc cũng có màu đen và trông giống với con Quạ nhưng kích thước lớn hơn khá nhiều. Chúng là loài chim săn cá điệu nghệ nên nhiều ngư dân thuần hóa chim Cốc để đánh bắt cá. Thường các ngư dân sẽ đeo vào cổ con chim một chiếc vòng để sau khi chim bắt được cá to thì sẽ không thể nuốt được.
Vì vậy mà người ta thường dùng thành ngữ công như công cốc hay đơn giản là công cốc để ám chỉ những việc làm dù rất cố gắng mà không mang lại thành quả.