GiangIMGs Mình thường xuyên chia sẻ các bài viết về công nghệ mới, marketing, những điều thú vị...
Tự do tại TP. HCM

Nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao

Đăng 10 năm trước

Những đứa trẻ vùng cao, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng gương mặt của chúng vẫn bừng sáng những nụ cười. Thật hồn nhiên và ngây thơ biết mấy

Những đứa trẻ vùng cao, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng gương mặt của chúng vẫn bừng sáng những nụ cười. 

Mỗi chuyến đi vùng cao, để lại trong tôi những ấn tượng đáng nhớ nhất là đôi mắt thơ ngây của những đứa trẻ nơi các bản làng nghèo khó. Giữa cuộc sống còn đầy khó nghèo, thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười.

Hơn cả thiếu thốn

những đứa trẻ vùng cao

Ảnh: Mèo Già

Ngay như các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn thiếu sân chơi, nhà trẻ thì ắt hẳn ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh, mức độ thiếu thốn đó sẽ tăng lên gấp bội. Dịp hè, trẻ em thành phố còn được gia đình cưng chiều, mua sắm đồ chơi, cho đi giải trí... thì ở vùng núi, với những em nhỏ vùng cao, những điều đó như chỉ xảy ra ở một thế giới khác. Thậm chí có những vùng trẻ em chưa bao giờ nghe nói đến một thứ gọi là "đồ chơi".

Trong chuyến đi thực tế vùng Mường Vang (khu vực xã Thái Hòa, Lạc Sơn, Hòa Bình) một nhóm trẻ lấm lem, nhếch nhác nghịch dại làm tim tôi buốt nhói. Một số phụ huynh bộc bạch: "Nghỉ hè thầy cô giáo về, trường lớp vắng vẻ, bố mẹ bận lên nương rẫy làm để có cái ăn. Ðứa lớn mười tuổi đã phải theo bố mẹ đi làm, chăn trâu cắt cỏ, thành ra bọn trẻ tự chơi với nhau. Có đứa năm tuổi đã phải trông em, hoặc chẳng ai trông". Nếu có chỗ chơi, có người trông nom, ắt hẳn các em sẽ chẳng phải lang thang nghịch bẩn. Ở một bản khác cách đó không xa, lại có một nhóm trẻ em gái lớn hơn (học lớp bốn, năm) cũng đang vầy một rãnh nước lầy bùn sau trận mưa vừa tạnh. Hỏi sao các em chơi với bùn? Một em đưa tay che mặt trả lời: "Vì chả có gì chơi". Lại hỏi, sao không ngồi ở trong nhà mà chơi thứ gì sạch sẽ? Em khác nói: "Nhưng ra ngoài này chơi vui hơn, thích hơn". Hỏi tiếp, thế các em không biết chơi thế này là bẩn sao? Một em cười: "Biết chớ, nhưng chẳng sao mà!".

Ở chợ Bắc Hà hay Cán Cấu (Lào Cai), hình ảnh ấn tượng với du khách đến đây là những đứa trẻ. Vùng cao này lạ lắm, trẻ em thích chợ và say chợ, đến chợ là sà vào hàng quà. Nhiều em dành dụm mãi được hai, ba nghìn lẻ liền rủ bạn đi bộ cả chục cây số xuống chợ mua một cây mía, chia nhau gặm, rồi lại vượt dốc, vượt đèo cả chục cây số mà về. "Sang" hơn là những em được bố mẹ cho tiền đủ mua vài que kem, rồi nhóp nhép ăn, đi một vòng chợ, gần trưa cuốc bộ về trong sự hả hê. Các em cứ hồn nhiên như thế, vui vẻ và sống mộc mạc, giản đơn như cây rừng. Từ chợ Bắc Hà, tôi theo Ma Seo Dơ về nhà em ở thôn Quán Dín Ngài, thôn xa nhất của xã Bản Phố (Bắc Hà). Gia đình Dơ nghèo lắm, mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc, từ đó bố cũng buồn phiền, chẳng còn tâm trạng dành nhiều thời gian chăm sóc con nữa. Chuyện học hành của Dơ do ông bà nội lo, còn thường ngày em theo các bạn hàng xóm lang thang lê lết bờ mương, góc chợ hoặc đi tắm suối. Dơ gầy nhom, quần áo tả tơi, không có dép đeo, trông đến tội nghiệp. Người dân thôn Quán Dín Ngài cho biết, bây giờ cuộc sống nơi đây đã khá hơn nhiều. Từ năm 2008 trở về trước, vào mùa đông trẻ em thiếu áo ấm, những đứa bé tội nghiệp như Dơ nhiều lắm. Trong khi trời rét cắt da cắt thịt thì các em phải đến trường với tấm áo vừa mỏng vừa rách, thậm chí có em không có quần để mặc. Vào mùa hè, trẻ thường rủ nhau đi tắm suối, nhưng đâu phải chỗ nào cũng có suối, thành ra các em tắm trong rãnh nước.

Nối dài những cánh tay

trẻ vùng cao

Ảnh: sưu tầm

Mỗi đoàn tham quan, phóng viên đến với các huyện xa xôi của tỉnh Hà Giang đều được trẻ em nơi đây gọi là "người tốt dưới xuôi", bởi nhờ thế mà đôi khi chúng được cho quà. Còn với người dân, sự xuất hiện của người lạ làm nhịp sống buồn tẻ nơi đây thay đổi phần nào. Vào mùa đông, năm nào vùng đá này cũng có những trận rét kinh hoàng. Còn nhớ, một mùa đông nhiệt độ xuống đến 4 oC, học sinh ở nhiều xã vùng cao Hà Giang phải nghỉ học. Dẫu đã quen sống trong môi trường khắc nghiệt, lại nghèo khó, "thích nghi" với cái rét, thế mà mỗi cơn gió lùa qua là các em lại run lên, làn da tím tái hơn. Cứ nhìn mặt, tay chân các em thì sẽ thấy, dù đã mặc tất cả quần áo mà chúng có vẫn không đủ ấm. Những bàn tay, bàn chân nứt nẻ, khuôn mặt nhem nhuốc tái xanh, bủng beo của các em thật sự là nỗi ám ảnh, bất cứ ai thấy cũng mủi lòng. Và có một điều là các em rất thích đi theo người lạ. Sau này tìm hiểu, thì ra, chúng biết chắc khách dưới xuôi lên cũng mang theo cái gì đó ăn được nên đi theo, thậm chí rồng rắn cõng em "bám" những đoàn khách cả buổi để được chia cho một phần thứ ăn được đó.

Cũng phải nói, "người tốt dưới xuôi" đã đến với các em nhiều hơn, thực tế hơn. Những chương trình nhân ái như "Bữa cơm có thịt", "1.000 áo ấm cho trẻ em vùng cao đến lớp", "Áo ấm cho em", "Thắp sáng ước mơ" hay những chuyến du lịch thiện nguyện của không ít sinh viên, các nhóm "phượt"... đã phần nào thắp thêm nụ cười cho trẻ thơ vùng cao. Mỗi năm, hàng chục tổ chức, các trung tâm, các quỹ từ thiện cũng ra sức tìm cách giúp đỡ, chia sẻ với cuộc sống đói nghèo của người vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các em nhỏ. Thế nhưng, tất cả cố gắng đó vẫn chỉ như muối bỏ bể. Ở đâu đó nơi thâm sơn cùng cốc, nơi miền biên viễn xa xôi vẫn có những số phận, cảnh đời, những em bé bất hạnh chưa bao giờ được ngó ngàng tới, chưa bao giờ chạm đến lòng tốt của người dưới xuôi. Chúng ta cần nối dài cánh tay, vươn thêm hơn nữa để đến được với những số phận kém may mắn.

Mơ ước phía tuổi thơ

trẻ miền núi

Ảnh: Biên Nguyễn

Tuổi thơ những đứa trẻ vùng cao bị "đánh cắp" bởi nỗi vất vả, nhọc nhằn và hơn nữa, chúng còn bị cuốn theo vòng mưu sinh của gia đình. Nên có những em nghỉ hè phải vào rừng hái măng, bẻ ngô; xuống suối mò cua, bắt ốc... Rồi hậu quả nhãn tiền là nhiều em bé ít được sự chăm sóc của gia đình đã rủ nhau đi tắm suối, trèo đèo nên bị chết đuối, bị ngã. Cũng từ đó nhiều em nảy sinh ý định bỏ học luôn. Cứ đến thiên đường du lịch như Sa Pa, du khách sẽ được thấy sự mưu sinh của các em nhỏ (tất nhiên có cả sự lọc lõi mà thực tế dạy và buộc chúng phải như vậy). Ðó là một mất mát nhức nhối, lâu dài. Trẻ em Sa Pa thích kiếm tiền hơn đi học, đầu óc chúng chỉ nghĩ được rằng đi bán hàng lưu niệm cho khách, làm mẫu chụp ảnh thì có tiền, có áo đẹp mặc, có quà ăn, còn đi học chẳng được gì. Với chúng, con chữ bé lít nhít, làm sao nhét nổi vào đầu. Thế là, vào năm học mới nhiều giáo viên phải vất vả đến từng nhà vận động học sinh đến lớp, bởi tấm lòng người thầy biết cái chữ tuy nhỏ bé, nhưng có ích đối với các em, giúp các em có tương lai mới.

Ảnh: Mèo Già

Sẽ cần hơn những "bữa cơm có thịt", "bàn chân có dép", "lưng trần có áo" cho các em, và quan trọng hơn là phải làm sao cho các em quý cái chữ. Khi "đầu có chữ" thì nhận thức của các em sẽ khác, các em sẽ nghĩ rộng hơn, tiến bộ hơn, trở thành những học sinh ham học, phấn đấu trưởng thành, thoát đói nghèo. Người ta nói: "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai". Nhưng trẻ em đâu chỉ là của ngày mai mà còn của chính ngày hôm nay, của cuộc sống hiện tại.

Bài viết: Thanh Bình

Chủ đề chính: #trẻ_em

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn