Phương pháp ghi chép bài hiệu quả để "dẫn đầu" mà bạn nhất định không thể bỏ qua
Đăng 4 năm trướcMình nhận thấy thời học sinh của mình ở Việt Nam, mặc dù lượng kiến thức tiếp thu rất nhiều nhưng sau giờ học, mình không đọng lại được nhiều. Đồng thời, một cuốn vở chứa đầy chữ và không có tí thẩm mĩ nào cũng làm mình khá ngại… rào bài lại. Là một đứa đam mê vẽ vời và nerd chính hiệu, mình đã từng dành tương đối nhiều thời gian để tìm hiểu các cách thức ghi chép bài trên giấy sao cho vừa đẹp mắt, vừa chứa đựng đủ thông tin và hiệu quả cho việc ôn tập sau này.Sau khi hoàn thành bằng cử nhân, mình có thể “túm gọn” lại một số phương thức note-taking phổ biến nhất và các tips để có thể tối ưu hoá việc học tập sau đây.
Lưu ý đây là các phương pháp ghi chép bài TRÊN GIẤY ( traditional note-taking ), mình sẽ có một bài viết khác về ghi chép bài điện tử ( digital note-taking ). Các bạn cùng đón đọc nhé!1. Một số phương pháp ghi chép bài điển
1.1 Cornell Method.
Một trong những bài học đầu tiên khi mình mới bắt đầu học đại học là cách ghi chép bài theo kiểu Cornell. Với phương pháp này, bạn chia tờ giấy ra làm ba hoặc bốn phần. Phần bên trên là tiêu đề bài học, bên trái là keywords hoặc câu hỏi được đặt ra, phần bên phải là ý chính của bài học, và một phần bên dưới là tóm tắt của bài giảng.Phương pháp Cornell là một kiểu note-taking rất độc đáo. Nó hỗ trợ việc ghi chép và tổng hợp thông tin một cách cụ thể và có hệ thống. Đồng thời, việc tóm tắt lại ý chính giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về bài giảng, hiểu bài sâu và nhớ lâu hơn, từ đó tiết kiệm thời gian ôn thi. Nhược điểm là sau mỗi bài giảng bạn phải dành thời gian tóm tắt và trước khi học phải ngồi kẻ bảng – hơi tốn thời gian với những bạn không dùng vở kẻ Campus.
1.2 Outline Method.
Phương pháp note-taking cổ điển này có thể dùng được gần như mọi lúc, mọi nơi. Việc rút gọn bài giảng thành cách gạch đầu dòng và bullet points giúp bài giảng được tổng hợp một cách có hệ thống và theo một trình tự nhất định.Phương pháp này phù hợp với những dạng bài giảng có cấu trúc và theo trình tự. Cá nhân mình thấy những môn học kiểu Toán Học hoặc Vật Lí, Hoá Học – những môn có nhiều công thức và phương trình – không phù hợp với kiểu take-note này.
1.3 Mindmap Method.
Phương pháp này phù hợp với các bài giảng nặng đô và nhiều kiến thức, hoặc với những thầy cô giảng bài nhanh, đang từ một ý lại nhảy sang ý khác. Bạn hãy bắt đầu với chủ đề bài học ở trên cùng, rồi sau đó phân ra thành nhiều nhánh ý nhỏ, rồi từ các nhánh ý ấy lại phân ra nhiều nhánh khác, và cứ tiếp tục lặp lại như vậy.Nếu kết hợp với bút nhớ dòng hoặc bút màu thì phương pháp ghi chép này sẽ cho thành phẩm là những bản đồ tư duy vô cùng đẹp mắt và logic. Điểm trừ duy nhất là cho quá nhiều thông tin có thể dẫn tới hết chỗ - bạn phải căn chỉnh sao cho bản đồ không bị thiếu chỗ viết.
1.4 Boxed Method
Phương pháp này chia từng ý học trên lớp thành bảng nhỏ, phù hợp với các bài giảng được phân thành nhiều mục khác nhau mà vẫn liên quan với nhau. Việc phân ý chính thành các hộp nhỏ giúp mình tập trung vào một ý duy nhất mà không bị phân tán tư tưởng, đồng thời giúp mình nhớ bài giảng một cách trực quan hơn.2. Một số mẹo nhỏ giúp bạn hiểu và nhớ bài lâu hơn
Những phương pháp ghi chép bài mình liệt kê ở trên chỉ có thể hỗ trợ các bạn một phần nhỏ trong quá trình tiếp thu kiến thức. Mình thấy trong đa phần các bài giảng trong lớp, thầy cô đứng trên bục giảng bài còn các bạn học sinh phía dưới hì hụi ghi chép – là một hình thức tiếp thu kiến thức thụ động và không hiệu quả chút nào. Thay vào đó, để có thể hiểu bài sâu và nhớ lâu hơn, các bạn có thể học một cách chủ động như sau:
2.1 Đọc tài liệu trước khi lên lớp
Trong truyện Harry Potter, trước khi bắt đầu mỗi năm học, cô bé Hermione Granger đều dành một phần lớn thời gian trong kì nghỉ để đọc hết tất cả các quyển sách giáo khoa. Khi tới kì học thì Hermione gần như đã hiểu hết toàn bộ bài học và chỉ đặt thêm câu hỏi cho các giáo sư mà thôi.Nỗ lực của Hermione thật rất xứng đáng với vị trí sinh viên top đầu của trường phù thuỷ Hogwarts. Chúng mình hoàn toàn có thể học trước toàn bộ giống như Hermione, nhưng nếu bạn thấy điều này nặng đô quá thì có thể chỉ cần đọc tài liệu và bài giảng trước khi lên lớp là ổn. Bản thân mình cảm thấy hiểu bài và nắm được các ý chính nhiều hơn khi dành một chút thời gian rào bài trước khi lên lớp, không bị bỡ ngỡ như lúc không chuẩn bị bài.
2.2 Ghi âm bài giảng nếu chép không kịp.
Đây là một mẹo khá hiển nhiên mà mình không hề nghĩ tới cho tới khi học đại học. Hiện nay rất nhiều trường đã chuyển sang mô hình học online với bài giảng được ghi hình hoặc thu âm lại, rất tiện lợi nếu bạn cần ôn lại bài. Tuy nhiên, đối với các môn học dạy kiểu truyền thống hoặc các môn học cần ghi chép nhiều, thầy cô lại giảng nhanh và mình thì viết chậm, thu âm lại bài giảng là cách tốt nhất. Nghe lại bài giảng cũng giúp mình nhớ bài hơn nhiều, và thỉnh thoảng còn bắt được một hai ý mình bỏ lỡ đó!
2.3 Đặt câu hỏi
Có bạn nào hồi phổ thông rất ngại giơ tay phát biểu giống mình không nhỉ? Mình đã từng là một đứa khá nhút nhát khi phải trả lời hay đặt câu hỏi cho thầy cô giáo, đơn giản vì mình ngại những ánh nhìn của các bạn cùng lớp, lo lắng rằng mình trả lời sai hoặc câu hỏi không hay, lo sợ bị thầy cô đánh giá…Nhưng mình đã dần thay đổi sau khi học lớp Tâm Lí Học Đại cương thời đại học. Ở trong lớp, thầy giáo rất động viên chúng mình đặt câu hỏi và tự trả lời chúng, hoặc bàn luận với các bạn cùng nhóm. Thầy bảo, một người hỏi bài sẽ giúp đỡ cho cả lớp, vì biết đâu có những người cũng thắc mắc giống mình thì sao? Hơn nữa, việc giảng giải bài thông qua các câu hỏi cũng giúp chúng mình chủ động nhớ bài hơn rất nhiều nữa.Nếu bạn ngại đặt câu hỏi trước đám đông, thì sau tiết học có thể nán lại chút thời gian để hỏi trực tiếp thầy cô, hoặc gửi e-mail cũng được. Các thầy cô chắc chắn sẽ rất vui vì có những học sinh thực sự quan tâm và muốn biết nhiều hơn từ bài giảng của họ đó
Source: V100