REVIEW BỒ CÂU KHÔNG ĐƯA THƯ - NGUYỄN NHẬT ÁNH – CÂU CHUYỆN LÁ THƯ DƯỚI NGĂN BÀN
Đăng 4 năm trướcBỒ CÂU KHÔNG ĐƯA THƯ – CÂU CHUYỆN LÁ THƯ DƯỚI NGĂN BÀN
Bồ câu không đưa thư là truyện dài gồm 14 chương thuộc thể loại truyện học đường của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lần đầu ra mắt độc giả vào năm 1993. Cùng với Nữ sinh và Buổi chiều Windows, Bồ câu không đưa thư là tác phẩm nằm trong chùm truyện mà tác giả viết riêng về bộ ba Xuyến, Thục và Cúc Hương.
Không còn kể về những cánh đồng quê bát ngát, là mùa hè rực rỡ nơi thôn quê, lần này Nguyễn Nhật Ánh hướng ngòi bút của mình về nơi thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, nhộn nhịp và sầm uất. Và nhân vật chính không những chỉ có một mà là ba cô gái thành phố Xuyến, Thục, Cúc Hương. Như tên của tác phẩm,lá thư dưới ngăn duới ngăn bàn chính là nút thắt của tác phẩm, là trung tâm của mọi sự việc xung quanh. Cũng chính bức thư ấy đã tạo nên một bản tình ca với những thanh âm trong veo ngây ngất nhưng cũng điểm xuyến nhiều nốt trầm giữa Phong Khê và Thục. Với kết thúc buồn, tác giả khiến độc giả có nhiều suy nghĩ miên man, và rồi đều tự hỏi : phải chăng mối tình đầu nào cũng có kết cục buồn da diết đến như thế?
- Gặp gỡ bộ ba Xuyến, Thục, Cúc Hương tinh nghịch, lém lỉnh
Trở lại sau bộ truyện Nữ sinh, bộ ba láu lỉnh ngày nào lại càng thêm phần tinh nghịch. Họ mang một luồng gió mới đến cho những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Xuất thân nơi đô thị phồn hoa, ba cô gái mang những nét đặc trưng khác hẳn với các nữ chính ta thường gặp trong phần lớn tác phẩm của ông. Họ có cách suy nghĩ, lối sống hiện đại và có phần thoáng hơn những cô gái nông thôn. Và thay vì bản tính dịu dàng, nhu mì thì ở bộ ba có những nét lém lỉnh, tinh nghịch rất cá tính.
Ngay ở đầu câu chuyện Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tình huống Thục bất ngờ nhận được một lá thư làm quen nhưng chưa dám cho hai người bạn của mình biết, không phải vì không tin tưởng mà là vì sợ bị chọc đã cho thấy Cúc Hương và Xuyến, vốn được mệnh danh là hai cái loa phát thanh của lớp đáng sợ như thế nào. Ở phần truyện Nữ sinh, người ta đã thấy ba cô gái quả là cao tay khi xử đẹp Hùng quăn thì trong phần này họ còn chứng tỏ mình là những” cao thủ “ thứ thiệt khi tiếp tục mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho anh chàng giấu mặt Phong Khê. Đúng là chỉ có họ mới dám thẳng tay “dằn mặt” một người mình không quen ngay trong lần gửi thư đầu tiên, hoặc chẳng ngại ngần khi mà xin thêm ba trái ổi mà vẫn giữ thần thái ngút trời.
Bên cạnh những phút giây lém lỉnh, những trò đùa khiến mọi người vừa vui vừa sợ thì ba cô nàng là những người sống rất tình cảm. Ba người ba tính cách khác nhau: Thục, giỏi văn, nhút nhát, hay suy nghĩ mơ mộng, Cúc Hương giỏi toán, lập luận sắc bén còn cựu lớp trưởng Xuyến thì thông minh, nhanh trí, dũng cảm. Mỗi người một tính nhưng họ có điểm chung là nhân hậu,biết giữ tình nghĩa, được thể hiện một phần qua tình cảm quý mến họ dành cho Phán củi, nhà thơ của lớp khi anh này đã giúp đỡ họ nhiệt tình
- Mối tình thầm lặng của chàng Phong Khê với kết thúc buồn da diết
Người ta thường nói tình cảm học trò nhan là thứ tình cảm khiến người ta không thể quên, vì nó sẽ chẳng bao giờ có kết thúc đẹp. Đó là thứ tình cảm trong sáng, ngây thơ, vô lo nghĩ nhất trong cuộc đời mỗi người. Mối tình của Phong Khê dành cho Thục cũng vậy, đầy mộng mơ, âm thầm nhưng sâu đậm sâu, và kết thúc khiến người ta cứ ngẩn ngơ nuối tiếc. Phong Khê làm quen Thục theo một cách rất đặc biệt, đó là gửi thư dưới ngăn bàn, khác hoàn toàn với cách đám trẻ hiện nay. Khi mà thời đại cách mạng 4.0 bùng nổ, các trang mạng xã hội lên ngôi, con người ta không khó để tìm kiếm thông tin một ai đó, thậm chí chỉ cần sau vài cái chạm tay là biết được crush mới đi du lịch Hàn Quốc về, con chó nhà hàng xóm crush mới chết, hoặc là cậu bạn thân của crush mới bị bồ đá. Nhưng so với các trang mạng xã hội này thì bức thư tay của Phong Khê ấm áp, mang đến nhiều cảm xúc dạt dào hơn rất nhiều.
Phong Khê là một anh chàng thi sĩ lãng mạn, một người nhẹ nhàng và rất đỗi dịu dàng. Mặc cho lời lẽ của bọn Xuyến, Cúc Hương có phần đanh thép, gây tổn thương nhưng anh vẫn kiên nhẫn hồi âm, hơn nữa lại còn tặng kèm những món quà rất hấp dẫn. Những lá thư tay của Phong Khê dù đơn giản, không mùi mẫn như bức thư tình của Marilyn Monroe gửi cho Joe Dimaggio nhưng mang đến những làn gió nhẹ mang tên sự dịu dàng, một thứ tình cảm ấm áp, chân thành và thiêng liêng nhất của một cậu con trai mới lớn. Những câu hỏi han, quan tâm từ những việc nhỏ nhất, hay sự chỉn chu trong từng vần thơ đã tố cáo tình cảm âm thầm mà đậm sâu của người học trò nhút nhát và giàu tình cảm này.
Câu chuyện nào thì cũng phải có hồi kết, chuyện tình của Phong Khê và Thục cũng vậy. Cả việc Phong Khê cuối cùng cũng phải lộ diện cũng vậy. Sau bao lần tìm kiếm manh mối, rình mò, thậm chí là truy đuổi với những suy đoán tự cho là vô cùng thông minh và sắc sảo của Xuyến và Cúc Hương, bức tranh chân dung anh chàng Phong Khê dần dần được hoàn thiện dựa vào những mảnh ghép của ba vị nữ thám tử nghiệp dư này. Nhưng đáng tiếc những mảnh ghép họ miệt mài kiếm tìm được lại thuộc về bức tranh một nhân vật hoàn toàn khác. Trong những chương cuối, Nguyễn Nhật Ánh thật biết trêu đùa với tình huống khi để ba cô gái hiểu lầm Hoàng Hòa - chàng lớp trưởng hào hoa, đẹp trai, nho nhã lại đang để ý Thục, chính là Phong Khê. Và rồi kéo theo đó là những tình huống khốn khổ cho anh chàng khốn khổ này. Nhưng sau cùng, ở chương cuối, anh chàng Phong Khê thật dù vẫn chưa chịu trực tiếp giải thích tất cả mọi chuyện, nhưng cũng đã nhờ một lá thư (lại là một lá thư! ) gửi đến những người bạn của mình giải thích mọi chuyện. Hóa ra anh chàng Phong Khê lãng mạn kia chính là nhà thơ Phán củi, bạn đồng hành của ba cô gái, người đã giúp đỡ họ làm những bài thơ hồi âm lại Phong Khê, hay thực chất là hồi âm lại chính mình. Phán cũng đã bên bộ ba trong ngày họ hẹn gặp trực tiếp người giấu mặt kia. Quả thật là một tình huống oái oăm không tả nổi, ba cô gái đâu ngờ được rằng người mình vẫn coi là “ đồng minh” bên mình lại chính là “kẻ địch” duy nhất của họ, người mà họ đau đầu nghĩ tới nghĩ lui.
Phải tận đến ngày Phán phải về quê chăm lo mẹ già thì danh tính Phong Khê mới thật sự được tiết lộ.
“ Ngày mai, khi bước ra khỏi màu hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi sẽ trống vắn một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những người bạn may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài.”
Phong Khê sẽ chẳng bao giờ có thể là kinh thành của Thục Phán nữa. Tương lai của Phán cũng sẽ chưa biết sẽ đi về đâu, chỉ biết là cảnh ấy tượng đã xuất hiện những đám mây âm u, mịt mù; huống chi là chuyện tình cảm mới chớm nở của Phán và Thục…
- Chuyến tàu đưa ta về thời áo trắng
Quả không sai khi nói tằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn mang kí ức tuổi trẻ về cho mỗi người. Đặc biết là với những người thuộc thế hệ 8x, 9x thì đây là tác phẩm không nên bỏ lỡ. Mỗi độc giả như thoát khỏi mội bộn bề cuộc sống thực tế hàng ngày để bước vào thế giớ của miền kí ức. Những cảm xúc khác lạ đầu đời là những gì ta mãi chẳng thể quên. Đó là những rụt rè, xao xuyến lẫn những cả sự lo lắng, bồi hồi… Tất cả những xúc cảm ấy hòa quyện lại tạo thành một bản hợp ca được gọi là “thanh xuân” với những nốt trầm, nốt bổng mà mỗi người cất giữ sâu trong lòng cả đời, chỉ khi gặp đúng thời điểm mới được nghe lại.
Theo chân bộ ba nữ sinh đến những quán ăn, những điểm hẹn hò của học sinh ngày ấy như món chè bưởi đậu đỏ bánh lọt, quán Dạ Lan hay hồ Con Rùa, nhà hát Hòa Bình,... Cái tài của Nguyễn Nhật Ánh là khiến những người mặc dù chưa hề ăn thử những món đó, đến những nơi đó trong thời học sinh cũng đều thấy xao xuyến, như thể mình đã đặt thanh xuân của mình ở nơi này vậy. Theo dõi từng trang văn của ông, chúng ta không còn đơn thuần chỉ là đọc nữa mà như đã bước chân vào từng trang sách, dung hòa mình vào cuộc đời của nhân vật. Như thể rằng hình ảnh ba cô nữ sinh với tà áo trắng, hay những cậu trai với đôi mắt si tình đang ở ngay trước mặt. Sự chân thật trong từng câu văn của Nguyễn Nhật Ánh khiến ai cũng có thể ngâm vào mình vào mạch cảm xúc của nhân vật. Bên cạnh đó ông cũng thể hiện được sự tinh tế, tỉ mỉ trong toàn bộ đứa con tinh thần của mình khi xây dựng những màn đối thơ cầu kì, chỉn chu; những tình tiết đan cài dắt mũi độc giả và cả những chi tiết nhỏ mang tính biểu tượng cao (như 2 chữ “thán phục”).
Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lôi cuốn và những gì ngắn gọn nhất để miêu tả quyển sách này. Hy vọng những ai đang muốn được về thăm thanh xuân tìm được niềm vui trong tác phẩm này.