Review và phim The Medium (2021): Sợ không dám tắt đèn
Đăng 3 năm trướcTôi vừa xem xong bộ phim kinh dị đánh dấu sự hợp tác của Thái Lan và Hàn Quốc đang gây xôn xao khán giả quốc tế và Việt Nam . The Medium Rang Zong) được nhiều người đánh giá là bộ phim ám ảnh và đáng sợ nhất năm 2021, thậm chí xem xong nhiều bạn không dám đi tè hoặc không dám tắt đèn đi ngủ và đặc biệt ở một số rạp chiếu phim tại Đài Loan, khán giả đã phải yêu cầu các rạp mở đèn khi chiếu phim để giảm bớt nỗi sợ mà phim mang lại. Dù khá chai sạn khi xem thể loại phim kinh dị nhưng sau khi trải nghiệm xong The Medium (2021), Tôi vẫn cảm thấy rợn rợn người lúc nửa đêm tối thui. Dù rất hay và đáng sợ nhưng phim vẫn còn khá nhiều chi tiết khó hiểu, vì vậy hãy cùng Tôi và giải thích bộ phim này để khám phá ra những điều hay ho của phim nhé
Cốt truyện: Theo chân nữ pháp sư trung niên tên Nim sống tại vùng Đông Bắc Thái Lan, The Medium (2021) đưa người xem đến với những chuyện kì lạ xảy đến với Mink – cháu gái của Nim kể từ khi người cha của cô gái trẻ này qua đời. Liệu rằng cô bé có bị một thế lực hắc ám nào đó chiếm hữu và điều khiển hay không? Xem phim để có câu trả lời các bạn nhé.Thực sự văn hóa tín ngưỡng của Thái Lan khá gần gũi với Việt Nam nên những yếu tố tạo nên độ kinh dị trong phim thực sự rất chân thực và đủ sức gây ám ảnh người xem. Mặc dù được kể dưới dạng phim tài liệu với góc nhìn thứ nhất nhưng câu chuyện của The Medium (2021) lại cực kỳ cuốn hút, hấp dẫn, kịch tính và khiến người xem hồi hộp lo sợ theo từng động thái của các nhân vật. Tuy nhiên, phim vẫn bị ôm đồm và chứa đựng nhiều tình tiết khá khó hiểu nên có thể khiến trải nghiệm xem phim của khán giả bị giảm xuống. Hãy cùng tôi phân tích một số điểm cộng và điểm trừ của bộ phim này nhé.
Điểm cộng:
Như đã nói ở trên, The Medium (2021) được quay theo phong cách phim tài liệu dưới góc nhìn thứ nhất nên mang đến cảm giác chân thật và tự nhiên đến khó tin, thậm chí nó thật đến nỗi như thể bạn đang được đứng tại miền Đông Bắc Thái Lan tham gia câu chuyện luôn vậy. Đặc biệt hơn nữa, những cảnh quay bằng camera quay đêm quả thật khiến khán giả nổi hết da gà vì chúng khuếch đại được trí tưởng tượng của người xem với những hình ảnh mập mờ và ghê rợn từ nhân vật. Đây có thể được xem là những phân đoạn kinh dị nhất của phim và khó có phim nào cùng thể loại có thể sánh được, cho dù đó là seri phim kinh dị nổi tiếng Paranormal Activity.
Câu chuyện của The Medium (2021) lôi cuốn một cách kỳ lạ dù nội dung cực kỳ đơn giản và quen thuộc như nhiều phim kinh dị khác với mô típ nói về một cô gái trẻ bị ám nên các pháp sư phải tiến hành các nghi lễ trừ tà. Tuy nhiên cách kể chuyện thú vị của các nhà làm phim cùng những tình tiết gần gũi và bí ẩn đã giúp phim tạo ra được sự hấp dẫn riêng cũng như khiến khán giả phải tò mò, chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối để khám phá kết quả của câu chuyện và lý giải cho những vướng mắc trong lòng khi theo dõi.
Có thể chia The Medium (2021) thành 2 nửa với 2 phong cách hù dọa khác nhau. Nửa đầu tiên khiến khán giả hoảng sợ bởi những hoài nghi và ám ảnh về một cô gái bị ám bởi những thế lực hắc ám bí ẩn. Nửa sau của câu chuyện lại mang đến sự sợ hãi bằng những hình ảnh chết chóc, máu me, những pha hù dọa jump scare mang hơi hướng phương tây, thậm chí có một chút gì đó kết hợp phong cách zombie với những nghi thức trừ tà đậm chất Đông Nam Á. Hai cách làm này vừa tạo nên sự đa dạng cho câu chuyện, vừa liên kết với nhau một cách hài hòa, mang đến được sự sợ hãi tột đỉnh cho người xem.
Hình ảnh và âm thanh cũng là một trong những điểm mà The Medium (2021) là rất tốt khi tạo được sự u ám và ghê rợn cho người xem thông qua màu sắc, góc quay, tạo hình nhân vật và sự mờ ảo trong những thước phim. Quả thật nhân vật bị ám trong phim này được tạo hình quá tốt, vượt trội hẳn so với nhiều phim kinh dị khác vì chỉ cần nhìn 1s thôi là khán giả đã bị ám ảnh rồi. Âm nhạc thì mang tính huyền bí phảng phất chất dân gian nên khiến mọi thứ sợ lại càng thêm sợ các bạn ạ.
Điểm trừ
Có lẽ điểm trừ lớn nhất của The Medium (2021) chính là sự khiên cưỡng và nặng tính sắp đặt trong một số tình tiết phim. Nhiều khán giả sẽ thắc mắc tại sao các nhân vật lại hành động một cách thiếu muối như vậy hoặc cho rằng ở ngoài đợi thì sẽ làm theo cách khác chứ không xử sự như phim để đẩy cao trào như thế. Ngoài ra sự khó hiểu trong nhiều tình tiết cài cắm cùng một cái kết khá mở khiến cho khán giả có phần cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn về phim. Cuối cùng, với những ai đã từng xem phim The Wailing (2016) của đạo diễn Na Hong-jin (hiện là nhà sản xuất của The Medium), chắc hẳn sẽ có sự so sánh và cảm thấy quen thuộc nên trải nghiệm khi theo dõi có lẽ không cao như những người khác.