Mun mun

Sự thật về những ngày lưu đày của Vua Duy Tân được bật mí

Đăng 9 năm trước

Vua Duy Tân là một vị vua yêu nước đã phải sống cuộc sống lưu đày nơi đất khách quê người như thế nào, các bạn hãy vào đây tìm hiểu nhé!

Trong các vị vua của Triều Nguyễn, nổi lên có 3 vị vua có tấm lòng yêu nước sâu sắc, đứng lên chống lại thực dân Pháp, đó là Vua Hàm Nghi, Vua Thành Thái và Vua Duy Tân. Thế nhưng cả 3 vị Vua ấy đều bị thực dân Pháp đày sang Châu Phi, phải sống một cuộc sống vô cùng khổ cực, trong đó cuộc sống lưu đày của Vua Duy Tân khiến chúng ta phải ngậm ngùi xót xa.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt, Pháp bắt đầu củng cố lực lượng tại các thuộc địa. Phong trào chống Pháp ngày càng lan rộng từ Á sang Phi. Thấy việc giam hai cha con vua Thành Thái tại CapSaint Jacque không có lợi gì cho họ. Vì còn hai vua này thì phong trào chống Pháp sẽ có cơ sở hoạt động trở lại nên chính phủ Pháp chỉ thị cho toàn quyền Đông Dương đày hai vua sang Châu Phi.

Năm 1919, hai vị vua Việt Nam được đưa xuống tàu chở sang Réunion. Tại đây, lúc đầu chúng giam hai nhà vua ở hai hòn đảo riêng biệt, về sau mới cho sống tại Saint Denis. Tại đây vua Duy Tân sống với người vợ Mai Thị Vàng, con của người thầy cũ.

Sự thật về những ngày lưu đày của Vua Duy Tân được bật mí

Bà Mai Thị Vàng

Hai vợ chồng nhà vua sống những ngày lưu đày vô cùng cực khổ. Bà Vàng vì không hợp thủy thổ, điều kiện khí hậu ở đây nên đau yếu luôn, giữa vua Duy Tân và bà chưa có người con nào.

Năm 1921, thấy bà không chịu nổi khí hậu ở đây, nên vua Duy Tân cho bà về, mặc dầu về việt Nam bà vẫn sống như vậy chứ không chịu tái giá. Bà mất năm Canh Thân tại Kim Long - Huế. Sống một mình tại đây, vua Duy Tân làm đủ việc, ông luôn luôn hoạt động, không ngừng nghỉ tay chân, với bất kì công việc gì. Ngoài các công việc hàng ngày, ông còn hoạt động sang các lĩnh vực khác như học thêm âm nhạc, học đánh kiếm và nhất là trau dồi sinh ngữ, ông giao tiếp với những người dân bản xứ và ai ai cũng đều rất mến nhà vua.

Sự thật về những ngày lưu đày của Vua Duy Tân được bật mí

Vua Duy Tân khi 30 tuổi

Năm 1927, vua Duy Tân theo lời khuyên của vua cha, đã cưới bà Fernante Antier, một người thiếu nữ Pháp, rồi sau đó vua lại kết hôn thêm với bà Marx Ernestine. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, quân Đức tấn công Pháp và chiếm Paris. De Gaulle sang Anh tổ chức kháng chiến. Vua Duy Tân ở Saint Denis tham gia vào phòng trào kháng chiến của tướng De Gaulle.

Năm 1945, ông và đơn vị được chuyển đến Pháp, với quân hàm chuẩn úy, đến tháng 9/1945, tướng De Gaulle tự tay kí sắc lệnh bổ nhiệm ông làm tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn Pháp với quân hàm thiếu tá. Ông được tướng De Gaulle hứa sẽ để ông về Việt Nam tham gia chính sự. Tại Pháp, ông thường xuyên gặp tướng De Gaulle và nêu lên nguyện vọng vủa mình. Thế rồi tháng 12 năm 1945 ông được cho nghỉ phép và trở về Saint Denis để thăm vua cha và gia đình.

Trên chuyến bay từ paris đến Saint Denis khi bay ngang qua địa phận xứ cộng hòa Bangui ở Trung Phi, tự nhiên máy bay của ông bốc cháy và rơi xuống đây. Vua Duy Tân đã tạm biệt cha mẹ, vợ con trong chuyến bay tử thần ấy. Cái chết của vua Duy Tân cho tới giờ vẫn là một bí ẩn, chưa có lời giải đáp, khiến cho chúng ta không khỏi bùi ngùi xót xa.

Sau khi rơi xuống Bangui, xác của vua Duy Tân được đem an táng trong 1 nghĩa trang công giáo, đó là nghĩa trang MBaiki. Được tin vua Duy Tân ngộ nạn, vua Thành Thái và gia đình vô cùng bàng hoàng, đau xót.

Sự thật về những ngày lưu đày của Vua Duy Tân được bật mí

Lăng mộ của Vua Duy Tân

Năm 1985, hài cốt của vua Duy Tân được đưa về Việt Nam và an tang bên cạnh mộ của vua cha tại An Lăng - Huế. Buổi lễ an táng được chính quyền Huế tổ chức rất trọng thể. Thế là sau 66 năm biệt xứ, ngày nay vị vua yêu nước này đã được trở về quê hương trong sự nuối tiếc của nhân dân.

(Theo “Nhà Nguyễn chín chúa – mười ba Vua”)

Chủ đề chính: #Vua_Duy_Tân

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn