Sự tự sát của người nổi tiếng có thể dẫn đến những cái chết bắt chước không?
Đăng 5 năm trướcBài viết cung cấp một số thông tin về hiện tượng bắt chước tự tử một cách mù quáng (copycat suicide) Nghiên cứu mới đã khám phá ra được căn nguyên của hiện tượng tự tử lây lan này.
Ở Nhật Bản, hiệu ứng này còn được biết đến với cái tên "Hội chứng Yukiko."
Sau vụ tự tử của ca sĩ nhạc pop Nhật Bản Yukiko Okada vào năm 1986, những cuộc bắt chước tự tử mù quáng đã gia tăng mạnh mẽ trên khắp nước Nhật. Mặc dù tỉ lệ tự vẫn đã nhanh chóng trở lại bình thường nhưng "hội chứng Yukiko" vẫn âm ỉ tiếp diễn. Mỗi khi một vụ tự tử rúng động dư luận xảy ra thì viễn cảnh về những cái chết sao chép của nó lại được thổi bùng lên. Và những trường hợp bắt chước tự sát một cách mù quáng theo các ngôi sao tương tự như trên có thể được tìm thấy trên toàn thế giới.
Khi cuốn sách của Johann Goethe "Nỗi đau của chàng Werther" được xuất bản vào năm 1774, những người dễ bị ảnh hưởng đã bắt chước người anh hùng trong tác phẩm và tạo nên một cơn sốt tự vẫn. Theo đó, vấn đề tự tử bắt chước đã tái diễn. Được mệnh danh là "hiệu ứng Werther" sau khi cuốn sách của Goethe được "trình làng", vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc lan truyền vấn đề tự tử lây nhiễm vẫn chưa sáng tỏ. Dù rằng vô số nghiên cứu cho thấy sự gia tăng tỉ lệ tự tử trung bình cũng như số ca nhập viện vì tự tử không thành đã gia tăng, không một ai chắc chắn tại sao điều này lại xảy ra.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các vấn đề tâm lí sẵn có từ trước chẳng hạn như trầm cảm có thể tiếp tay cho việc tự sát, tuy nhiên tự sát lại là việc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi xem xét lí do tại sao những câu chuyện truyền thông mô tả một vụ tự sát của người nổi tiếng lại châm ngòi cho hiện tượng bắt chước tự tử, các nhà tâm lí học cho rằng việc "học tập xã hội" là nguyên nhân khả dĩ.
Theo nhà tâm lí học Albert Bandura, hành vi của chúng ta thường bị tác động bởi khát khao muốn bắt chước theo cách hành xử của những người quan trọng trong cuộc đời ta. Trong "thí nghiệm búp bê Bobo" kinh điển mà Bandura thực hiện, trẻ em trở nên dữ dằn hơn sau khi chứng kiến một người lớn hành hung con búp bê Bobo được bơm đầy không khí. Trong khi ấy, những đứa trẻ không nhìn thấy cảnh tượng này lại hoàn toàn phớt lờ con búp bê.
Bandura cho rằng các diễn viên trưởng thành là hình mẫu lý tưởng để trẻ em bắt chước theo bởi vì trẻ nhỏ và người lớn phụ thuộc vào những "tín hiệu xã hội" dùng để xác định các hành vi nên có của họ trong nhiều tình huống khác nhau. Khi chứng kiến màn nhập vai này, trẻ em cảm thấy những hành vi đó rất đáng để noi theo. Và hầu như là chúng đã noi theo thật.
Hiểu được nguyên do vì sao những vụ tự tử của người nổi tiếng lại có thể lây lan, thuyết "học tập xã hội" đã chỉ ra ví dụ về sự tự vẫn của một ngôi sao đình đám có thể biến thành mẫu hình bắt chước của những người hâm mộ dễ bị tổn thương. Một khi tự tử bị coi là một hành vi chấp nhận được thì những người mắc chứng trầm cảm càng có nguy cơ tự sát.
Không chỉ làm cho việc tự sát dường như dễ chấp nhận hơn, những vụ tự tử của người nổi tiếng còn có thể dẫn đến cái mà các nhà nghiên cứu gọi là khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết (death thought accessibility - DTA). Thường thì chúng ta luôn tránh suy nghĩ về cái chết, nhưng khi một người mà ta biết qua đời, ngay cả khi đó là một người nổi tiếng ta chưa từng gặp gỡ, chúng ta có thể bị ám ảnh với vấn đề chết chóc nhiều hơn bình thường. Đối với những người vốn đã cảm thấy chán nản và muốn tự sát, ý niệm về cái chết có khả năng biến sự tuyệt vọng của họ thành hành vi tự sát thật sự.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Psychology of Popular Media Culture đã tìm hiểu cách thức và lí do tự tử lây nhiễm xảy ra sau việc tự sát của người nổi tiếng. Được tiến hành bởi Christine Ma-Kellams của đại học Harvard và một nhóm các nhà đồng khảo sát, nghiên cứu này xem xét một vài cơ chế nhận thức có thể khiến người yếu đuối trở nên suy tư hay cố gắng tự ngược đãi bản thân.
Nghiên cứu này được thực thi vào tháng 8 năm 2014 với 300 người được tuyển chọn thông qua nền tảng Mechanical Turk của Amazon. Thời gian dự kiến này đã được quyết định sau cái chết của hai ngôi sao đình đám cùng xảy ra vào tháng đó: vụ tự tử của Robin Williams vào ngày 11 tháng 8 và cái chết tự nhiên của Lauren Bacall vào ngày 12 tháng 8.
Tất cả những người tham gia đều phải hoàn thành một bảng câu hỏi trực tuyến để đo mức độ trầm cảm và suy nghĩ tự tử. Sau đó, họ được chỉ định tham gia vào các điều kiện thí nghiệm khác nhau, trong đó họ được yêu cầu viết ra những suy nghĩ nảy ra trong đầu về cái chết của một người nổi tiếng do tự tử (Williams), do nguyên nhân tự nhiên (Bacall), hoặc do tai nạn (cái chết do sốc thuốc năm 2013 của Cory Monteith). Như một đối trọng, một nhóm người tham gia khác phải suy nghĩ về cuộc đời của những người nổi tiếng này thay vì hoàn cảnh cái chết của họ. Sau đó, tất cả những người tham gia đã trải qua một cuộc kiểm tra ngắn về tâm trạng chán nản.
Để đo khả năng tiếp cận tư tưởng về cái chết (DTA), mỗi người tham gia đã hoàn thành 12 đoạn từ với yêu cầu họ điền vào các chữ cái còn thiếu. Được sử dụng trong các nghiên cứu trước đây về DTA, các đoạn từ được thiết kế dưới dạng hoàn thành các từ trung tính hoặc từ liên quan đến cái chết. Chẳng hạn, từ COR_ _ _ có thể được khôi phục là CORPSE (xác chết) hoặc một từ trung tính hơn như CORNER (góc).
Thái độ đối với việc tự tử cũng được đo bằng cách sử dụng bảng câu hỏi yêu cầu người tham gia thể hiện sự đồng tình hay phản đối với các tuyên bố như "Tự tử là một cách có thể chấp nhận khi người ta mắc một căn bệnh vô phương cứu chữa" hay "Có những tình huống mà tự tử là cách giải quyết duy nhất".
Không có gì ngạc nhiên khi những người đạt chỉ số cao về tâm trạng chán nản thường coi tự tử là điều bình thường và có thể chấp nhận được. Họ cũng có xu hướng nghĩ rằng cái chết của những người nổi tiếng không phải do nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những người tham gia không bị ức chế tâm lí, sự khác biệt của họ trong khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết cho thấy rất ít sự khác nhau giữa nguyên nhân tử vong của các ngôi sao.
Đúng như dự đoán, những kết quả này chỉ ra rằng những người bị trầm cảm đặc biệt dễ có suy nghĩ về việc tự sát sau sự qua đời được công bố rộng rãi của một người nổi tiếng. Điều này một phần cũng xoay quanh khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết, nó thường xảy ra khi quá ưu tư về việc tự sát của người nổi tiếng. Ngay cả suy nghĩ về cái chết không phải do tự tử (như trường hợp dùng thuốc quá liều của Cory Monteith) cũng có thể làm cho những người yếu đuối về tinh thần có nguy cơ tự tử cao hơn. Điều này chưa thực sự được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây.
Dẫu cho kết quả này làm nhiều người tò mò thì vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra bằng cách nào mà khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết và thay đổi trong thái độ đối với việc tự sát lại gây ra hành vi tự tử thực sự. Nghiên cứu này chỉ tập trung phân tích quá trình nhận thức sau khi một người nổi tiếng qua đời, do đó làm thế nào điều này biến thành một quyết định tự tử có ý thức thì vẫn còn là một uẩn khúc.
Nghiên cứu này cũng đề xuất rằng các phương tiện truyền thông cần khéo léo khi công khai các vụ tự tử của người nổi tiếng. Rất nhiều tổ chức phòng chống tự tử và hành động về sức khỏe tâm lí đã kiến nghị để các trang web tin tức truyền thông tuân theo một số nguyên tắc nhất định. Theo đó, họ hi vọng rằng số lượng người bắt chước tự tử sẽ giảm đi. Một vài nguyên tắc này là:
- Luôn cung cấp những câu chuyện về việc tự tử cùng với những thông tin phòng chống tự tử, bao gồm số điện thoại của các đường dây nóng và website ngăn chặn tự tử
- Đề cập rằng việc trầm cảm mà không được điều trị là nguyên nhân số một dẫn đến tự tử
- Nhấn mạnh rằng bất cứ ai bị trầm cảm đều cần được giúp đỡ ngay lập tức
- Tránh đăng bài về những chi tiết cụ thể mà những người muốn bắt chước có thể học theo được, bao gồm phương pháp tự tử nạn nhân sử dụng
- Tránh lãng mạn hóa chuyện tự tử hoặc làm cho nó trông có vẻ như một câu chuyện thú vị
- Tránh sử dụng từ "tự tử" trong các tiêu đề báo nếu có thể
Mặc dù không nhất thiết tất cả các cơ quan tin tức hoặc trang web phải tuân theo những nguyên tắc này nhưng hầu hết các chuỗi kênh tin tức đã thay đổi cách họ đưa tin bài về việc tự sát.
Dẫu cho nhận thức về trách nhiệm của truyền thông đã được nâng cao nhưng tin tức về một vụ tự tử của người nổi tiếng sẽ luôn mở ra viễn cảnh của các cái chết do bắt chước. Điều này đặc biệt linh nghiệm nếu nó liên quan đến một ngôi sao được nhiều người yêu mến bởi cái chết của họ sẽ tạo ra một chấn động với truyền thông. Quan trọng hơn bao giờ hết là chúng ta phải nhận thức được mọi vấn đề đều có cách giải quyết mà không cần phải tước đoạt sinh mệnh của bản thân.
Vì vậy, hãy ý thức được tác động tiềm tàng của tin tức này đến những người bạn biết. Nhận thức điều này có thể cứu sống họ theo đúng nghĩa đen đấy.
Nguồn dịch: psychologytoday.com