tt.thuylinh

Tại sao vẫn còn tồn tại những vị vua trong thế kỷ 21?

Đăng 7 năm trước

Nhắc đến hoàng đế hay ngai vàng, người ta luôn nghĩ đến một nền quân chủ chuyên chế, những nhà vua chuyên quyền, chế độ cha truyền con nối kéo dài suốt nghìn năm. Nhiều người cho rằng, trong xã hội dân chủ, chế độ này đã không còn chỗ đứng. Tuy nhiên hiện nay, không ít quốc gia vẫn còn tồn tại các vị vua, thậm chí còn “sống khỏe” và trở thành những quốc gia ổn định chính trị và có nền kinh tế phát triển. Vậy thì lý do nào mà các quốc gia đó vẫn duy trì chế độ của những vị vua cho đến hiện nay?

Xuất phát từ sự tương quan lực lượng giữa các giai cấp khi tiến hành cuộc Cách mạng tư sản

Cách mạng tư sản bùng nổ thực chất là cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp phong kiến và tư sản, là cột mốc đánh dấu sự chuyển biến từ thời kỳ phong kiến sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa ở châu Âu lục địa. Một quy luật lịch sử tồn tại sau cuộc cách mạng này chính là: khi nào và ở đâu mà giai cấp tư sản hoàn toàn lớn mạnh, đủ sức để lật đổ vương triều khi tiến hành cuộc cách mạng thì ở đó, giai cấp phong kiến hoàn toàn bị xóa bỏ. Nhưng ngược lại, khi nào và ở đâu mà giai cấp tư sản làm cuộc cách mạng trong tình trạng không hoàn toàn đủ mạnh để lật đổ vương triều thi ở đó sẽ có sự thỏa hiệp giữa nhà vua với giai cấp tư sản, họ chấp nhận chia sẻ quyền lực với vua và kể từ đó, ở những quốc gia này, chính thể quân chủ tuyệt đối chuyển biến thành chính thể quân chủ lập hiến. 

Trong chính thể này, mọi quyền lực chi phối các hoạt động trong xã hội không còn tập trung vào tay vua hay nữ hoàng như trong thời kỳ phong kiến mà nhà vua hay nữ hoàng chỉ là người lãnh đạo về mặt tinh thần. Còn mọi quyền lực chi phối các hoạt động trong xã hội được trao lại cho nghị viện, thủ tướng, những người do nhân dân bầu ra. Hay nói cách khác, sự tồn tại của giới quý tộc trong xã hội hiện đại ngày nay được ví những những chiếc bình hoa cổ điển còn tồn tại và đại diện cho lịch sử dân tộc. 

Ở nhiều nơi trên thế giới, chế độ quân chủ vẫn tiếp tục gây chú ý và ghi dấu ấn trong lịch sử đương đại của nhân loại, điển hình nhất có thể kể đến là Vương quốc Anh, Nhật Bản, Thái Lan, Bỉ,... Trào lưu này không còn là di sản lỗi thời cổ xưa nữa mà đang âm thầm tiến hóa và thấm sâu vào đời sống hiện đại.

Thực tế, chế độ quân chủ vẫn đang phát huy vai trò cần thiết, kể cả trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Bằng chứng là, số lượng các vương triều không giảm đi mà lại tăng. Theo thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 44 quốc gia còn tồn tại hình thức nhà nước quân chủ với 25 vị vua và nữ hoàng, đặc biệt trong đó, Nữ hoàng Anh đồng thời là vua của 15 quốc gia quân chủ độc lập khác. 

Những lợi thế của các quốc khi vẫn duy trì sự tồn tại của ngai vàng

Theo New York Times, thứ nhất, vai trò của các vương triều nổi trội hơn cả các chính khách - những người đứng đầu nhà nước được nhân dân bầu ra. Sự lựa chọn vị trí cao nhất trong chế độ quân chủ không bị ảnh hưởng hay phụ thuộc vào tài chính, phương tiện truyền thông hay đảng phái chính trị mà theo đúng như lịch sử, những vị vua hay nữ hoàng được hình thành bằng hình thức cha truyền con nối. 

Thứ hai, và có liên quan chặt chẽ đến lợi thế nói trên, tại các nước dân chủ như Thái Lan chẳng hạn, sự tồn tại của một vị vua thường là điều duy nhất để giữ gìn đất nước trước thảm họa nội chiến. Quốc vương đặc biệt quan trọng ởcác nước đa sắc tộc như Bỉ hay các nước Trung Đông. Nhà Vua luôn là người sau cùng đứng ra để động viên, dẫn dắt cả dân tộc nhìn về một hướng, là biểu tượng của sự đoàn kết, thống nhất đất nước. Ta có thể thấy được điều này rõ nhất về trường hợp của Afghanistan. Nếu phục hồi được vương quốc này của vua Zahir Shah - một người luôn được người dân kính yêu - nhất là sau khi chế độ Taliban bị sụp đổ năm 2001, có lẽ đất nước Afghanistan sẽ nhanh chóng tìm được bình yên thay vì nạn lộng hành, bè phái của các chúa đất như hiện nay.


Cũng chính vì lẽ đó mà ở các quốc gia này, vua hay nữ hoàng đồng thời là các thủ lĩnh tôn giáo, người giữ vai trò đảm bảo sự thống nhất trong niềm tin của nhân dân, hạn chế những sự xung đột xuất phát từ tôn giáo. 

Thứ ba, các nhà vua luôn hoàn toàn “xứng cái tâm, đáng cái tầm”, đủ danh vọng và uy tín để thực hiện những sự lựa chọn cuối, hay những quyết định khó khăn nhất cho đất nước mà không một chế độ nào làm được.Ví dụ, nhà Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đích thân đảm bảo quá trình chuyển giao đất nước trở thành chế độ quân chủ lập hiến với các cơ quan của Quốc hội và đập tan âm mưu đảo chính quân sự. 

Hay vào cuối Thế chiến thứ II, Hoàng đế Nhật Bản Hirohito đã đưa ra quyết định vô cùng sáng suốt bất chấp sự lộng hành, ngạo mạn của quân đội luôn yêu cầu chiến đấu đến cùng và kết quả, quyết định của ông đã cứu được đất nước và giảm thiểu tử vong bằng quyết định đầu hàng đồng minh. 

Và cuối cùng, nhà vua và ngai vàng chính là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa truyền thống với hiện đại. Theo các nhà nghiên cứu, những quốc gia mà biết kết hợp hài hòa giữa những yếu tố này thì sẽ đạt được sự ổn định và phát triển. 

Tuy vậy, chế độ quân chủ hiện nay vẫn còn bị chỉ trích, bị coi là không phù hợp với xã hội hiện đại. Một trong những lý do là vương triều có thể sử dụng quyền lực tuyệt đối, tùy tiện mà không qua bất kỳ sự kiểm soát nào; thậm chí có vương triều nặng tư tưởng sinh ra để cai trị, quan tâm nhiều đến lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung của đất nước.

Chủ đề chính: #hoàng_đế

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn