Tất tần tật lý thuyết cơ bản về màu sắc và cách phối màu cho người mới bắt đầu
Đăng 7 năm trướcMàu nóng - màu lạnh, các màu cơ bản, bánh xe màu sắc, ý nghĩa của màu sắc, cách phối màu như thế nào, ứng dụng màu sắc trong cuộc sống ra sao..., bài viết này sẽ trả lời tất cả cho bạn.
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ hơn, bất kể đó là những bộ quần áo bạn mặc hay bài thuyết trình tại nơi làm việc. Tuy nhiên, không phải ai theo bản năng cũng biết rằng màu cam (orange) và màu xanh da trời (blue) là một sự kết hợp hoàn hảo. Nếu không thể tin vào sự đánh giá của riêng mình thì hiểu và tham khảo những điều cơ bản về lý thuyết màu sắc gần như lúc nào cũng sẽ giúp bạn lựa chọn được những màu sắc phù hợp.
Màu sắc và tâm lý con người
Thông thường màu đỏ, vàng da cam, vàng… đưa lại cho con người cảm xúc ấm áp, nên được gọi là những gam màu nóng. Còn các màu xanh, xanh lục, tím… đưa đến cảm giác lạnh lẽo và được xếp vào nhóm màu lạnh.
Các màu nóng và lạnh mang lại cho con người những hiệu ứng tâm lý khác nhau: màu nóng dễ làm con người phấn chấn, hoạt bát, năng nổ, còn màu lạnh dễ giúp người ta bình tĩnh, hiền hoà, lắng dịu. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý Nga cho thấy hiệu ứng cảm xúc đối với màu sắc như sau:
- Màu đỏ: kích thích cảm xúc, tính tích cực, khơi gợi những mối liên tưởng của con người.
- Màu vàng: ấm áp và dễ chịu, làm cho con người sẵn sàng hành động tận tâm tận lực.
- Màu vàng da cam: giúp con người vui vẻ, phấn khởi.
- Màu lục: mang đến sự bình tĩnh, yên vui, dễ tạo nên những mối liên tưởng đa dạng.
- Màu đen: tạo cảm giác mệt mỏi, nặng nề, đau khổ.
- Màu trắng: khiến con người thấy yếu đuối… đó chính là nguyên nhân vì sao mọi người không thích ở những căn phòng đen trắng.
Ngày nay, hiệu ứng màu sắc được ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực kiến trúc, hội hoạ, quảng cáo, thời trang, ca kịch… Những thực nghiệm của các nhà tâm lý người Áo cũng chứng minh rằng nếu ta dùng phấn màu xanh lá cây viết lên bảng màu vàng nhạt sẽ giúp học sinh tập trung suy nghĩ hơn, tăng cường trí nhớ, giữ gìn thị lực ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, màu sắc còn mang ý nghĩa tượng trưng nhất định. Phần đông mọi người nhận định rằng: màu đỏ tượng trưng cho sự hy sinh, sức sống mãnh liệt, sự cao cả; màu lục tượng trưng cho sự yên bình, nhã nhặn, hiền hoà; màu vàng tượng trưng cho sự ấm áp, cao quý, hiển hách hào hoa. Những màu khác như màu lam là biểu trưng cho sự hoà bình, êm ái, thâm trầm; màu đen là tượng trưng cho cảnh tang tóc, bi ai, thần bí; màu trắng là sự trinh bạch, thuần khiết, yếu đuối...
Bánh xe màu sắc (Color Wheel)
Vòng tròn màu căn bản có 12 cung chia đều theo hình nan quạt trên diện tích hình tròn, mỗi cung có 8 cấp độ màu đi dần vào tâm vòng tròn từ đậm đến nhạt. 12 cung x 8 cấp độ sẽ tạo ra 106 màu căn bản và được đánh số từ 1 đến 106 đó cũng là kí hiệu khi ta chọn màu.
Đỏ (red), xanh da trời (blue) và vàng (yellow) là ba màu cơ bản. Khi trộn màu đỏ với màu vàng, bạn sẽ có màu cam; trộn màu xanh da trời với vàng, bạn sẽ có màu xanh lá cây, trộn màu đỏ với xanh da trời bạn sẽ có màu tím. Các màu cấp 3 như đỏ - tím và xanh trời - tím được tạo ra từ việc trộn các màu cơ bản (primary color) với màu thứ cấp (secondary color).
Tất cả các màu sắc đều có Tint và Shade. Tint là sự phối hợp của màu gốc với màu trắng để tạo thành dải màu sáng hơn. Shade là sự phối hợp của màu gốc với màu đen để tạo thành dải màu tối hơn. Ngoài ra, còn có Tone. Tone là sự phối hợp của màu gốc với cả đen và trắng hay là sự phối hợp giữa màu gốc với màu xám để tạo ra các sắc độ màu khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản bạn không cần phải quá lo lắng nếu chưa hiểu rõ về Tint hay Shade nếu như nhu cầu không quá lớn.
Theo lý thuyết về màu sắc, sự kết hợp màu sắc hài hòa sử dụng hai màu đối diện nhau trên bánh xe màu, 3 màu bất kỳ tương đương chạy xung quanh bảng màu tạo thành một hình tam giác hoặc 4 màu bất kỳ cùng hình thành nên một hình chữ nhật (trong đó, hai cặp màu sẽ đối diện nhau). Sự kết hợp hài hòa này được gọi là phối màu (color scheme) – đôi khi, thuật ngữ “sự hài hòa về màu sắc" (Color hamorny) cũng được sử dụng.
Trên bánh xe màu sắc, vẫn còn một sự tách biệt khác mà bạn cần nhận ra để có thể hiểu chính xác hơn về phối màu: đó là những màu ấm (warm colors) và màu lạnh (cool colors). Mỗi loại này đều có mục đích riêng của nó nhằm kích thích cảm xúc của người nhìn. Màu nóng tượng trưng cho năng lượng và sự vui sướng (lý tưởng nhất để truyền tải các thông điệp cá nhân) trong khi màu lạnh khơi dậy sự điềm tĩnh và yên bình (lý tưởng nhất để sử dụng cho các đồ dùng hoặc vật liệu trong văn phòng).
Màu nóng
Màu lạnh
Bí kíp phối màu cơ bản (Basic Color Scheme)
Dựa trên bánh xe màu, có một vài quy tắc cơ bản để kết hợp màu sắc và chúng thực sự khá đơn giản.
Complementary Colors
Các màu bổ sung (Complementary colors) là hai màu bất kỳ đối diện nhau trên bánh xe màu, chẳng hạn như màu xanh da trời và màu cam hay màu xanh lá cây và màu đỏ.
Những cặp màu này tạo ra sự tương phản (contrast) cao nên có thể sử dụng chúng để làm cho một thứ gì đó nổi bật. Lý tưởng, bạn có thể sử dụng một màu làm background (nền) và một màu khác để nhấn mạnh. Một cách khác, bạn cũng có thể sử dụng Tint và Shade ở đây, ví dụ như màu blue tint (màu danh da trời hơi sáng một chút) tương phản với màu cam đậm.
Split Complementary Colors
Các màu chia bổ sung (Split complementary colors) sử dụng 3 màu: một màu được ghép với hai màu khác ngay sát màu bổ sung đó. Chẳng hạn như màu xanh da trời, màu vàng – cam và đỏ - cam.
Cách phối màu này lý tưởng cho những người bắt đầu bởi vì nó ít gây nhầm lẫn. Đó là bởi vì bạn có được màu tương phản nhưng chúng lại không hoàn toàn trái ngược với các màu bổ sung.
Analogous Colors
Màu tương đồng (Analogous colors) là ba màu bất kỳ nằm cạnh nhau trên bánh xe màu. Chẳng hạn, màu cam, màu vàng cam và màu vàng.
Với màu tương đồng, tốt nhất là nên tránh điều chỉnh màu (màu Hue) vì chúng có thể bị chói. Thay vào đó, tập trung vào các màu tint của màu tương đồng. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh kết hợp màu nóng và lạnh trong cách phối màu này.
Double Complementary Colors
Tetradic hay Double complementary colors là các màu bộ đôi tương phản sử dụng 4 màu với hai cặp màu bổ sung cho nhau. Chẳng hạn, cam và xanh da trời kết hợp với vàng và tím. Đây là cách phối màu khó cân bằng nhất.
Cách phối màu này có sự đa dạng màu sắc nhiều hơn bất cứ một cách phối màu nào khác nhưng nếu 4 màu cùng được sử dụng với một mức độ như nhau (đặc biệt nếu tất cả đều là màu đơn sắc) thì sẽ mất cân bằng. Thế nên, bạn nên chọn một màu sắc chi phối hoặc có thể làm dịu bớt các màu còn lại.
Triadic Colors
Màu cấp 3 (Triadic colors) là ba màu bất kỳ cách nhau một khoảng tương đương nhau trên bánh xe màu. Chẳng hạn như đỏ, vàng và xanh da trời.
Phối màu cấp 3 cũng có độ tương phản cao nhưng cân bằng hơn so với màu bổ sung. Bí quyết ở đây là để một màu chi phối và làm nổi bật nó bằng hai màu còn lại.
Hiểu về màu đen và trắng với màu đơn sắc (Monotone)
Sau khi đã nắm được cơ bản về Color Scheme, hãy tiếp tục khám phá những điều thú vị về tint và shade. Như đã được đề cập từ trước, tint là thêm dần màu trắng và shade là thêm dần màu đen vào màu gốc. Và điều này sẽ tiếp tục cho tới khi bạn thu được màu đen hoặc trắng hoàn toàn.
Màu đen và trắng được sử dụng để phối màu đơn sắc (monochromatic color scheme). Phối màu đơn sắc được chia làm hai loại là phối màu đơn sắc (monotone chromatic) và phối màu không đơn sắc (monotone achromatic).
Monotone Chromatic
Cách phối màu đơn sắc là chỉ có một màu duy nhất và các biến thể của nó xét về tint, shade và độ bão hòa (Saturation). Sử dụng các biến thể về độ bão hòa, tint/sade của một màu là điều tốt. Tuy nhiên, trong đa phần các trường hợp, bạn không nên sử dụng hoàn toàn cách phối màu đơn sắc này vì rủi ro cao là sẽ bị đơn điệu. Dù vậy, phối với màu đen hoặc trắng cũng có thể hiệu quả.
Monotone Achromatic
Monotone Achromatic là một dạng đặc biệt của phối màu đơn sắc bao gồm chỉ một màu trung lập trải dài từ màu đen đến trắng. Cách phối màu này cũng hiệu quả nhưng có thể rất nhàm chán. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng Monotone Achromatic cho một màu sáng hơn nhằm làm tăng tính nổi bật sẽ tạo được hiệu ứng tốt.
Ý nghĩa của màu sắc
Dưới góc độ vật lý:
Các dao động của điện trường trong ánh sáng tác động mạnh đến các tế bào cảm thụ ánh sáng trong mắt người. Có 3 loại tế bào cảm thụ ánh sáng trong mắt người, cảm nhận 3 vùng quang phổ khác nhau (tức ba màu sắc khác nhau). Sự kết hợp cùng lúc 3 tín hiệu từ 3 loại tế bào này tạo nên những cảm giác màu sắc phong phú. Để tạo ra hình ảnh màu trên màn hình, người ta cũng sử dụng 3 loại đèn phát sáng ở 3 vùng quang phổ nhạy cảm của người (xem phối màu phát xạ).
Tế bào cảm giác màu đỏ và màu lục có phổ hấp thụ rất gần nhau, do vậy mắt người phân biệt được rất nhiều màu nằm giữa màu đỏ và lục (màu vàng, màu da cam, xanh nõn chuối ...). Tế bào cảm giác màu lục và màu lam có phổ hấp thụ nằm xa nhau, nên mắt người phân biệt về các màu xanh không tốt. Trong tiếng Việt, từ "xanh" đôi khi hơi mơ hồ - vừa mang nghĩa xanh lục vừa mang nghĩa xanh lam.
Trong Marketing:
Các tập đoàn lớn hiểu rất rõ việc sử dụng màu sắc thích hợp là yếu tố nền tảng để tạo ra hình ảnh tích cực nơi khách hàng. Hơn nữa, màu sắc còn đóng vai trò vô cùng lớn trong việc khơi dậy trí nhớ của con người. Chẳng hạn, màu tím hoa sim còn gọi là tím Huế. Màu vàng của hoa mai làm người miền Nam nhớ Tết. Màu hồng nhạt của hoa đào làm người miền Bắc nhớ quê.
Màu sắc còn khơi dậy cho người ta nhiều cảm xúc, nhanh chóng truyền tải thông điệp không giống bất cứ một phương tiện giao tiếp nào. Vì vậy, chọn một màu phù hợp cho công ty là việc làm hết sức quan trọng khi xây dựng thương hiệu.
Màu được chọn, nên trước sau như một, khi xuất hiện trên bất cứ tài liệu quảng bá nào của công ty như logo hay bao bì sản phẩm. Và màu này cũng nên phù hợp với ngành mà công ty đang và sẽ kinh doanh vì gắn với sự hứa hẹn toát lên từ thương hiệu. Ngoài ra, chọn màu cho công ty nên tính đến yếu tố tâm lý.
Màu xanh cho cảm nhận về sự tin tưởng và tính bảo đảm. Màu xanh khiến người ta liên tưởng đến trời và biển, tạo cảm giác thanh bình và truyền cho người ta sự tin cậy.
Màu đỏ thường kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim và khiến người xem thở gấp. Chọn màu đỏ dễ gây ra một sự đáp ứng say mê, dù không phải khi nào sự đáp ứng này cũng theo hướng thuận lợi. Ví dụ, màu đỏ thường là biểu hiện của sự nguy hiểm, vỡ nợ. Nhìn chung, người châu Âu không mấy ưa màu đỏ, trái lại, người châu Á coi màu đỏ là may mắn, thể hiện tinh thần quyết thắng.
Màu xanh lá cây bao hàm ý nghĩa sức khỏe, tươi mát và êm đềm. Gam màu đậm nhạt cũng có ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn màu xanh lá cây đậm biểu trưng cho sự giàu có và thanh thế. Màu xanh lá cây nhạt thể hiện sự êm đềm.
Màu vàng: Cả Đông và Tây đều coi màu vàng tượng trưng cho mặt trời, thể hiện sự lạc quan, tích cực và ấm áp. Ở mức độ đậm nhạt khác nhau tùy người cảm nhận, màu vàng còn thể hiện sự sáng tạo và sinh lực. Mắt người ta thường nhận ra màu vàng trước tiên, vì thế sản phẩm có màu vàng dễ bắt mắt người mua hàng khi đặt trên kệ hàng cùng với các sản phẩm khác.
Màu tím: Màu thích hợp để chọn làm thương hiệu cho những sản phẩm thuộc loại mang tính sáng tạo. Pha trộn giữa màu đỏ và xanh, màu tím kích thích điều huyền bí, sự tinh vi, coi trọng yếu tố tinh thần và màu tím thường gắn liền với hoàng tộc. Màu tím nhạt kích thích niềm hoài cổ và sự đa cảm.
Màu hồng là sự xúc cảm mãnh liệt. Màu hồng đậm thể hiện sinh lực, sự trẻ trung, vui nhộn và sôi nổi. Màu hồng thích hợp cho các sản phẩm không đắt tiền và có tính thời trang dành cho các bà và các cô. Màu hồng nhạt tạo cảm giác dễ mến, càng nhạt càng lãng mạn.
Màu trắng hàm chứa sự đơn giản, sạch sẽ và tinh khiết. Con mắt người nhận ra màu trắng là màu sáng nên sản phẩm mang màu trắng dễ nổi bật. Màu trắng thích hợp cho các sản phẩm liên quan đến lứa tuổi nhi đồng và sức khỏe.
Màu nâu thể hiện tính mộc mạc, đơn giản, bền bỉ và ổn định. Tuy vậy, màu nâu dễ tạo cho một số người cảm giác thiếu tích cực vì bị cho là không sạch.
Màu đen thể hiện tính nghiêm túc, táo bạo, quyền uy và cổ điển. Màu đen tạo ra kịch tính và sự tinh vi, phù hợp với các sản phẩm đắt tiền nhưng cũng làm cho sản phẩm trông có vẻ nặng nề.
Ứng dụng màu sắc trong cuộc sống thường ngày
Về cơ bản, hiểu rõ ứng dụng của màu sắc trong cuộc sống sẽ giúp bạn biết cách làm cho mọi thứ trở nên đẹp hơn.
Một ứng dụng phổ biến đó là trong các bộ quần áo mà bạn mặc. Hãy in bảng màu trên ra và dán vào cửa tủ quần áo. Từ lần sau, mỗi khi lấy một chiếc áo/váy, bạn chỉ cần nhìn vào bánh xe và xem thử màu sắc nào sẽ bổ sung tốt nhất cho màu của thứ mà bạn đã chọn.
- Quy tắc đơn giản nhất là không nên có quá 3 màu trên bộ trang phục.
- Sử dụng màu sắc phù hợp với làn da.
- Có thể thử một màu tương phản với màu da và sử dụng bảng màu để đối chiếu.
- Không nên sử dụng màu đỏ hoặc xanh lá cây - thường gắn với các bộ trang phục cho ngày lễ - vào ngày bình thường.
- Tránh sử dụng trang phục có màu xám với các màu sáng như màu vàng.
Bạn cũng có thể sử dụng màu sắc để làm nổi bật hồ sơn xin việc hay bài thuyết trình. Và quy tắc căn bản nhất vẫn là không sử dụng quá 3 màu.
Ngoài ra, lý thuyết màu sắc vô cùng hữu ích khi bạn sơn nhà hoặc bất cứ thứ gì tương tự.
Nhiều hơn một màu trong phòng là tốt nhưng tối đa cũng chỉ nên 3 màu. Nếu sử dụng 2 màu đậm thì màu thứ 3 nên là màu trung lập để mắt đỡ mỏi. Khi chọn màu nên bắt đầu chọn màu đậm nhất, sau đó là các màu khác sao cho có thể kết hợp được với màu đầu tiên đó.
Theo Lifehacker