Cú mèo

Thảm họa tự nhiên - Khi 'mẹ thiên nhiên' nổi giận

Đăng 7 năm trước

Trước sự tàn phá của con người, bà mẹ thiên nhiên cũng có hành động đáp trả qua các thảm họa tự nhiên. Hãy cũng tìm hiểu nguyên nhân, tác động và những kỷ lục của các thảm họa tự nhiên.

Bà mẹ thiên nhiên mang đến điều kiện tốt cho sự sống của con người. Nhưng từ xưa con người luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên nhưng theo chiều hướng lạm dụng, tàn phá. Cho dù là người mẹ hiền hòa nhất cũng phải phát cáu trước những hành động vô tâm của những đứa con. Và thảm họa tự nhiên chính là cách phản hồi của tự nhiên trước những tác động vô ý thức của con người.

Có rất nhiều dạng thảm họa tự nhiên xảy ra trên khắp Trái đất và gây thiệt hại về nhân mạng, tài sản và sự ổn định của nền kinh tế. Một số thảm họa điển hình như lũ lụt, bão, động đất, sóng thần, lốc xoáy và phun trào núi lửa. Theo ước đoán có đến 500-1.000 thảm họa tự nhiên xảy ra mỗi năm trên toàn thế giới. Một trong những ví dụ gần đây nhất là trận động đất Kaikoura tại New Zealand vào 14/11/2016, trận động đất tại Nepal vào năm 2015, sóng thần Ấn Độ Dương vào năm 2004.

Trong khi nhiều thảm họa là kết quả của các quá trình địa chất và khí tượng của Trái đất, các hoạt động của con người như phá rừng, gây ô nhiễm, đô thị hóa cũng làm biến đổi tự nhiên, mà biểu hiện rõ nhất là các thảm họa. Bài viết này sẽ cung cấp cho các độc giả cái nhìn sơ lược về nguyên nhân, tác động và những sự kiện thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử. Đây cũng thực sự là lời cảnh tỉnh con người về sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên.

BÃO

Đặc điểm: Bão (còn được gọi là bão nhiệt đới, xoáy thuận nhiệt đới) là một vùng gió xoáy cực lớn với tâm áp thấp bao bọc xung quanh bởi áp cao tạo ra mưa lớn và gió mạnh. Vận tốc gió trong một cơn bão có thể đạt đến 300km/giờ và có thể trút đến 9.000 tỷ lít nước mưa mỗi ngày! Tâm bão, còn được gọi là mắt bão, thường có đường kính 30-65km và tương đối lặng gió, quang mây. Mép ngoài của mắt bão, gọi là thành mắt bão, là nơi xuất hiện vận tốc gió mạnh nhất và lượng mưa lớn nhất. Bão gây ra thiệt hại lớn nhất đối với các khu vực ven biển và suy yếu dần khi vào đất liền. 

Thiệt hại: Cơn bão gây ra thiệt hại nhân mạng nhiều nhất được ghi chép là cơn lốc Bhola vào năm 1970, tấn công vào đồng bằng Ganges ở Bangladesh và gây ra cái chết của 300.000 người. Theo ước tính, cơn bão Katrina là cơn bão gây thiệt hại về của cải lớn nhất, khoảng trên 100 tỷ đô la Mỹ. Cơn bão lớn vào năm 1780 ở vùng biển Caribbean và cơn bão Nina tại Trung Quốc vào năm 1975 là hai trường hợp khác gây ra thiệt hại lớn về con người, lần lượt cướp đi sinh mạng của 22.000 và 100.000 người.

HẠN HÁN

Đặc điểm: Hạn hán là tình trạng khô hạn kéo dài liên tục trong một khoảng thời gian do thiếu mưa. Do điều kiện khắc nghiệt, hạn hán có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc vài năm và có tác động bất lợi đến hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp và kinh tế của khu vực bị ảnh hưởng. Hạn hán có thể gây ra việc thiếu hụt nguồn cung nước kéo dài và thiếu nguồn nước chất lượng, thiếu lương thực và đa dạng hóa sinh học, dẫn đến tình trạng sa mạc hóa, nạn đói và suy dinh dưỡng, tăng mức độ ô nhiễm và bệnh tật cũng như khủng hoảng di cư ở cả con người và động vật. 

Thiệt hại: Một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất lịch sử diễn ra tại Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1875 và kéo dài đến năm 1879. Đợt hạn hán này đã khiến 9-13 triệu người thiệt mạng! Khoảng trước đó 100 năm, hiện tượng El Nino tại Ấn Độ gây ra tình trạng khô hạn kéo dài liên tiếp 4 năm từ năm 1789. Theo các nghiên cứu, khoảng11 triệu người đã chết do nạn đói và dịch bệnh.

NÚI LỬA

Đặc điểm: Núi lửa phun trào là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi dung nham, bụi tro và các loại khí bị đẩy ra khỏi miệng núi lửa. Có nhiều cách phân loại nhưng đối với các núi lửa đang hoạt động có thể được phân loại thành dạng bùng nổ và chảy tràn. Dạng núi lửa bùng nổ chủ yếu phóng lên không trung bụi, tro, khí. Trong khi đó, dạng núi lửa chảy tràn sẽ tràn ra dung nham đặc và nhớt và không có sự bùng nổ. Chỉ số phun trào núi lửa (VEI) là thang đo từ 0 đến 8 dùng để đo lường mức độ phun trào của núi lửa, tương tự như thang đo richter được dùng để đo mức độ động đất. 

Thiệt hại: một trong những đợt núi lửa phun trào mạnh nhất là tại đỉnh Tambora (chỉ số phun trào núi lửa VEI=7) ở Indonesia vào năm 1815. Hậu quả của đợt phun trào này khiến 70.000-90.000 người thiệt mạng và tạo ra lớp tro bụi dẫn đến hiện tượng mờ đi toàn cầu khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 0,53 độ C, và do đó năm 1816 trở thành Năm không có mùa hè! Một thảm họa khác là đợt phun trào núi Krakatoa (cũng tại Indonesia) vào năm 1883, gây ra cái chết của 36.000 người và sóng thần. Thảm họa này giải phóng ra lượng nhiệt gấp một trăm ngàn lần quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima. Hay đợt phun trào của núi lửa Vesurius (Pompeii, Italia) vào năm 79 sau Công nguyên đã quét qua và tàn phá thành phố La Mã này.

LŨ LỤT

Đặc điểm: Lũ lụt là hiện tượng nước hồ, sông hoặc biển nhấn chìm đất liền. Lũ lụt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do nước tràn đê bao, do nước trút quá nhanh không thoát kịp; khu vực ven biển có thể do bão, hay sóng thần; vỡ đập, đường ống. Lũ có thể diễn biến phức tạp và gây ra các thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản và kinh tế của khu vực bị ảnh hưởng. 

Thiệt hại: Một trong những trận lũ lớn nhất là trận lũ vào năm 1931 tại Trung Quốc khi mực nước trên các sông Hoàng Hà, Dương Tử và sông Hoài dâng cao sau khi băng tuyết suốt những tháng mùa đông lạnh giá ở vùng cao tan chảy và mưa lớn kéo dài. Trận lũ này đã cướp đi sinh mạng của 3,7-4 triệu người do đuối nước, nạn đói và dịch bệnh. Đây cũng là một trong những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng nhất trên thế giới. Nhìn chung, 6 trong 10 trận lũ gây thiệt hại tính mạng nhiều nhất đã từng được ghi nhận đều xuất hiện tại Trung Quốc. Điển hình là trận lũ năm 1887 trên sông Hoàng Hà đã giết 1 triệu người. Một trận lũ tồi tệ khác diễn ra tại vùng đất thấp Hà Lan, chủ yếu do ảnh hưởng của bão.

ĐỘNG ĐẤT

Đặc điểm: Động đất là sự giải phóng đột ngột năng lượng nằm trong lớp vỏ Trái đất do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo. Sự dịch chuyển tạo ra các cơn địa chấn và khiến bề mặt Trái đất rung lắc mà ta có thể cảm nhận được, nghiêm trọng đủ để có thể phá hủy cả thành phố. Bên cạnh nguyên nhân do sự nứt gãy của các mảng kiến tạo vỏ Trái đất, động đất cũng có thể do hoạt động núi lửa, lở đất, phá hoại khai thác hầm mỏ và thử nghiệm hạt nhân. Điểm chấn tâm ở trên mặt đất là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Cường độ của trận động đất được đo lường bằng thang đo Richter trên cơ sở các thiết bị đo đạc hiện đại. Theo ước đoán, mỗi năm xảy ra khoảng 500.00 trận động đất nhưng do cường độ yếu nên chúng ta không cảm nhận được! 

Thiệt hại: Trận động đất gây tử vong nhiều nhất được ghi chép là trận động đất Thiểm Tây khiến Trung Quốc rung chuyển vào năm 1556. Theo suy đoán cường độ của trận động đất này vào khoảng 8 độ richter, cướp đi sinh mạng của  830.000 người và khu vực bị phá hủy khoảng 840 km vuông. Trận động đất gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng thứ 2 xảy ra gần đây hơn là trận động đất Đường Sơn,Trung Quốc vào năm 1976. Cường độ của cơn địa chấn đo được là 7,8 độ richter, gây ra cái chết của 650.000-779.000 người và gây ra thiệt hại nặng nề về của cải tài sản thậm chí là ảnh hướng đến thủ đô Bắc Kinh cách chấn tâm 140 km. Trận động đất Ấn Độ Dương vào năm 2004 khiến 280.000 người thiệt mạng và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng với cường độ đo được khoảng 9,1-9,3 độ richter.

SÓNG THẦN

Đặc điểm: Sóng thần là một loạt các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Trong tiếng Anh sử dụng thuật ngữ Tsunami để chỉ sóng thần, bắt nguồn từ tiếng Nhật với từ tsu (nghĩa là bến) và nami (sóng). Việc chuyển dịch dòng nước có thể do một vài lý do sau động đất, núi lửa phun trào, lở đất dưới đáy biển. Sóng thần thỉnh thoảng cũng được cho là sóng thủy triều bởi trước đây người ta cho rằng sóng thần là những đợt thủy triều mạnh dâng lên, dù vậy đây thật sự không phải là thủy triều trong tự nhiên. Ở các đại dương rộng lớn, sóng thần có thể di chuyển với tốc độ lên đến 800km/h nhưng có độ cao chỉ khoảng 0,5m, khiến con người khó nhận ra. Khi những đợt sóng này chạm đến bờ biển và đi vào những vùng nước nông, sẽ di chuyển chậm lại và dựng đứng lên, tiến vào đất liền với những đợt sóng cao đến 30m và cướp đi mạng sống con người và tàn phá tài sản. 

Thiệt hại: Đợt sóng thần trên Ấn Độ Dương vào năm 2004 là một trong đợt sóng thần tồi tệ nhất và cũng là một trong những thảm họa tự nhiên khủng khiếp nhất, đã giết 230.000-280.000 người và tàn phá đến vùng biển tại 14 quốc gia, gồm Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan… Đợt sóng thần xuất phát từ một trận động đất dưới đáy biển, với cường độ 9,0-9,3 độ richter, ngoài khơi vùng biển Samatra. Một vài đợt sóng thần khủng khiếp khác do trận động đất Messina (1908 tại Italia) và phun trào núi lửa Krakatoa (1883 tại Indonesia) lần lượt gây ra cái chết 75.000-200.000 người và 36.000-120.000 người.

LỐC XOÁY

Đặc điểm: Lốc xoáy (hay vòi rồng) là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất. Với hình dạng như một chiếc phễu khổng lồ, lốc xoáy có thể cuốn theo và phá nát mọi thứ kể cả các kiến trúc kiên cố trên đường đi của nó.Thông thường, lốc xoáy có vận tốc gió dưới 180km/h và đường kính xoáy tròn khoảng 80m, tuy nhiên những cơn lốc xoáy cực lớn có thể đạt vận tốc gió trên 480 km/h và xoáy tròn trong vùng có đường kính 3km. Lốc xoáy đã được ghi nhận xảy ra ở tất cả các châu lục ngoại trừ Nam Cực, và đặc biệt xảy ra nhiều ở Bắc Mỹ. Để đo cường độ lốc xoáy ban đầu người ta sử dụng thang đo Fujita (F), nhưng sau đó thang đo Fujita cải tiến (EF) đã được sử dụng thay thế, bao gồm 6 mức độ từ EF0 đến EF5. Việc phân loại cường độ dựa vào các nhân tố như sức gió và mức độ thiệt hại. 

Thiệt hại: Cơn lốc xoáy gây thiệt hại nghiêm trọng nhất xuất hiện tại quận Manikganj, Bangladesh vào năm 1989. Thảm họa này đã cướp đi mạng sống của 1.300 người, làm 12.000 người bị thương và khiến 80.000 người mất nhà cửa. Trước đó vào năm 1969, Bangladesh cũng hứng chịu cơn lốc xoáy khiến 920 người tử vong. Cơn lốc xoay đi qua 3 bang của Mỹ vào năm 1925 là cơn lốc cướp đi sinh mạng nhiều người nhất tại Mỹ, khiến 695-747 người thiệt mạng. Loạt siêu lốc xoáy năm 2011 đã quét qua nước Mỹ với 362 cơn lốc xoáy trong 3 ngày, trong đó có đến 211 cơn lốc diễn ra chỉ trong thời gian 24 giờ! Loạt lốc xoáy này đã giết chết 348 người và 2.200 người bị thương. Đây cũng được ghi nhận là đợt lốc xoáy gây thiệt hại tài sản nhất lên đến 11 tỷ đô la Mỹ.

CHÁY RỪNG

Đặc điểm: Cháy rừng là vụ cháy nằm ngoài tầm kiểm soát ở những thảm thực vật dễ cháy (như rừng hoặc bãi cỏ) xuất hiện ở những khu vực rừng rậm hoặc vùng quê. Rừng rậm có thể bị bốc chảy bởi nhiều lý do khác nhau như sấm sét, phun trào nủi lửa hoặc do thời tiết khô hanh khiến các cánh rừng dễ bốc cháy với các mối lửa như cỏ khô, rơm hay than bùn. Cháy rừng cũng có thể xuất phát từ con người do lửa trại, tàn thuốc lá và tập tục đốt rừng làm rẫy. Sự khốc liệt của đám cháy phụ thuộc vào vật dễ bắt lửa, điều kiện thời tiết, mật độ thảm thực vật và địa hình khu vực bị ảnh hưởng. 

Thiệt hại: Thảm họa cháy rừng khốc liệt nhất trong lịch sử xảy ra tại Peshtigo (Mỹ) vào năm 1871 khi những đám cháy nhỏ tàn phá các vùng rừng, lan rộng nhanh chóng do gió mạnh trong điều kiện thời tiết khô hạn và khiến ngọn lửa lan rộng đến khu vực giáp sông Peshtigo, gây cháy phần lớn thành phố và lấy đi mạng sống của 1.200-2.400 người, gây tổn hại tài sản trị giá hàng ngàn đô la Mỹ. Một số vụ cháy nghiêm trọng khác gồm vụ cháy Kursha-2 (Liên bang Xô Viết) vào năm 1936 khiến 1.200 người thiệt mạng và vụ cháy Cloquet (Mỹ) vào năm 1918 do bắt lửa trên đường ray và trong điều kiện thời tiết khô ráo, khiến 453 người chết và 52.000 bị thương.

TUYẾT LỞ

Đặc điểm: Lở tuyết, còn gọi là tuyết lở hay tuyết truồi là hiện tượng lượng tuyết lớn trượt nhanh xuống bề mặt dốc như sườn núi. Lở tuyết xảy ra khi đống tuyết (hoặc nền tuyết) không ổn định hoặc nền yếu do tác động của các yếu tố như đống tuyết mới và nặng hình thành, phá rừng, động đất hoặc chỉ đơn giản là do sự di chuyển của các loài vật. Khối tuyết tích tụ dần dần nhưng một khi nền tuyết bị phá vỡ và trượt xuống dốc, thì khối tuyết sẽ tích tụ nhanh chóng thành những khối rất lớn và trượt nhanh xuống triền dốc. Mặc dù những khối tuyết lở thông thường gồm tuyết và không khí, nhưng có khi những khối tuyết lở cũng có thể cuốn theo cả đá và cây với vận tốc cực lớn và sức tàn phá khủng khiếp. Có 2 dạng lở tuyết chính: một là khi lượng tuyết vượt quá độ bền cắt khiến tuyết trườn xuống dốc nhìn từ trên giống như hình giọt nước; hai là khi cả một nền tuyết đặc ở trên trượt xuống vì lớp tuyết phía dưới không đủ chắc để giữ nguyên vị trí. 

Thiệt hại: Trận lở tuyết gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất thuộc về trận lở tuyết tại núi Huascarán, Peru vào năm 1970 và chôn vùi các thị trấn lân cận như Yungay và Ranrahirca dưới nền băng và đá. Trận lở tuyết bắt nguồn từ động đất Ancash, khối băng tuyết lớn có chiều rộng 900m, dài 1,6km, và đạt đến18km trong quá trình lăn xuống với vận tốc lên đến 280-335km/h, làm 20.000 người thiệt mạng. Tổng số người thiệt mạng trong trận động đất và lở tuyết ước đoán khoảng 66.794-70.000 người. Trước đó, tại đỉnh Huascarán cũng đã xảy ra trận lở tuyết vào năm 1962 do nhiệt độ tăng lên quá nhanh khiến 10.000 người thiệt mạng. Trận lở tuyết tại vùng Tyrolean thuộc dãy núi Alps (1916) ở Italy là một thảm họa khác gây ra cái chết của 10.000 người.

(Nguồn: Punditcafe)

Có thể bạn quan tâm:

Chủ đề chính: #thảm_họa_tự_nhiên

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn